Những ngày mùa hè nắng chang chang vàng như mật ong rải khắp vùng núi đồi của các huyện Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê và Hương Sơn của Hà Tĩnh. Được sự giúp đỡ của Đảng ủy, chính quyền xã Ân Phú, chúng tôi có chuyến ngược dòng Ngàn Sâu, trên chiếc thuyền bản, chèo tay của cụ Phạm Văn Khôi - 82 tuổi, quê gốc ở Làng Ngạn thuộc huyện Đức Thọ, nay trú tại thôn 1, xã Ân Phú, huyện Vũ Quang. Tạp chí Hồng Lĩnh số 219 tháng 11/2024 trân trọng giới thiệu bút ký “Ngược dòng Ngàn Sâu” của tác giả Đinh Quang Lân
Những ngày mùa hè nắng chang chang vàng như mật ong rải khắp vùng núi đồi của các huyện Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê và Hương Sơn của Hà Tĩnh. Được sự giúp đỡ của Đảng ủy, chính quyền xã Ân Phú, chúng tôi có chuyến ngược dòng Ngàn Sâu, trên chiếc thuyền bản, chèo tay của cụ Phạm Văn Khôi - 82 tuổi, quê gốc ở Làng Ngạn thuộc huyện Đức Thọ, nay trú tại thôn 1, xã Ân Phú, huyện Vũ Quang. Khi biết tôi muốn tìm hiểu một phần của sông Ngàn Sâu và một vài phong tục văn hóa của bà con dọc chiều dài 175km, con sông dài nhất Hà Tĩnh, cụ Khôi phấn chấn hẳn lên. Cụ dặn người đàn ông chèo đò đã cứng tuổi Nguyễn Tiến Phú: Với chiều dài của sông, chúng ta có thể không đi hết, con chèo chậm rãi để nhà văn cùng ông trò chuyện và thưởng lãm cảnh đẹp của sông, của núi, của quê hương ta…
Vâng lời cụ Khôi, người lái đò nhổ neo nơi bến vắng. Chiếc thuyền êm nhẹ lướt trong mênh mang sóng nước trời quê. Thuyền lướt nhẹ không phát ra tiếng động, như trôi trong làn nước trong xanh, trải qua bao ghềnh thác từ thượng nguồn đổ về xuôi. Trong không gian tĩnh lặng, thỉnh thoảng ta mới nghe tiếng cắt nước đến ngọt sắc của mái chèo bằng gỗ để tạo thêm lực cho con thuyền lướt lên phía trước. Trong sự im ắng đó, chúng tôi ngồi trong mái thuyền che lợp bằng lá cọ. Thỉnh thoảng gió nồm nam len vào từng kẽ tóc mang theo hơi nước của Ngàn Sâu mát đến lạnh người.
Đò đang lướt nhẹ trên mặt sông, bỗng dưng có chút chòng chành chao đảo. Té ra ngọn gió nồm Nam từ ngọn Mồng Gà cao 890m phả vào thuyền làm thân hình bé nhỏ như chiếc lá tre không giữ được thăng bằng! Lập tức người chèo đò tên Phú ngừng chèo, trao cho cụ Khôi và tôi mỗi người một cái áo phao cứu sinh màu cam và dặn: Cụ và bác mặc áo phao vào. Sông Ngàn Sâu rộng trung bình chừng 100m, sâu khoảng hơn 3 sải tay. Đò đi ở giữa lỡ có chuyện gì!! Còn con - anh khiêm tốn - còn trẻ, khỏe, lại thạo nghề sông nước, nên sông Ngàn Sâu dễ gì nhấn chìm! Cụ Khôi và tôi tuân lệnh mặc áo phao cứu sinh vào người. Anh Phú còn nhanh chóng giúp Cụ Khôi cài lại cúc khuy áo và dây an toàn. Sau khi thực hiện nghiêm luật an toàn giao thông đường thủy, chiếc đò anh Phú tiếp tục lướt nhẹ trên sông lên phía thượng nguồn.
Dọc đường nhấn nhá câu chuyện, Cụ Khôi đã kể cho tôi nghe một vài sự tích của dòng sông. Đến bây giờ, chưa ai biết rõ tên gọi NGÀN SÂU có từ bao giờ? Nếu như NGÀN là NGUỒN thì có thể gọi NGÀN SÂU là SÔNG SÂU? Ngàn Sâu là con sông lớn và dài nhất Hà Tĩnh. Với chiều dài hơn 175km, chảy qua các huyện Hương Khê, Vũ Quang, vùng hạ Hương Sơn và vùng thượng Đức Thọ. Ngàn Sâu bắt nguồn từ sườn Đông của dãy Trường Sơn mà nơi khởi nguồn là núi Ông Giao có độ cao trên 1300m. Sông Ngàn Sâu chảy quanh co dưới các chân núi giáp biên giới Việt - Lào.
Sông Ngàn Sâu đoạn chảy qua xã Ân Phú (Vũ Quang). Ảnh: PV
Sông Ngàn Sâu sau khi nhận nước nơi khởi thủy, sông chảy qua vùng núi cao hiểm trở của các xã Hương Liên, Hương Lâm đến núi Chồng Củi cao 976m thì đổi hướng từ Tây sang Đông. Từ rừng núi bao la của xã La Khê - xã cuối cùng của Hà Tĩnh, bên kia là san sát các dãy núi đá vôi của tỉnh Quảng Bình, sông Ngàn Sâu chảy giữa 2 dãy núi đá lớn là Trường Sơn phía Tây và Trà Sơn phía Đông tạo nên vùng thung lũng Trà Sơn rộng lớn với nhiều xã như: Đức Hòa, Đức Lạc, Đức Đồng, Đức Lạng, Đức Giang, Đức Bồng, Đức Lĩnh, Đức Hương, Đức Liên, Hương Thọ, Hương Đại, Hương Điền, Hương Quang, Phúc Đồng, Hương Minh…
Giữa thăm thẳm trời mây, từ La Khê trở đi sông Ngàn Sâu nhận nguồn nước chính từ Rào Nổ, sông Tiêm, Ngàn Trươi, Ngàn Trùng, Rào Cỏ và hàng trăm khe suối nhỏ dọc đường. Càng về xuôi, sông Ngàn Sâu càng sâu và rộng. Ở hạ nguồn, từ Đức Hương trở xuống đến bến Tam Soa, sông rộng chừng 100 đến 150m. Về mùa lũ, nước sông có thể dâng lên cao thêm 7 đến 10m, nước dềnh lên làm cho lòng sông có thể rộng đến vài trăm mét. Ngàn Sâu hội tụ từ nhiều nguồn nước đổ về tạo nên một lưu vực rộng đến vài ngàn km2.
Sông Ngàn Sâu từ chợ Bồng chảy xuôi đến bến Tam Soa - Nơi gặp gỡ của 3 con sông: Ngàn Sâu, Ngàn Phố, Sông La. Bến Tam Soa như dải lụa xanh giữa đất trời bao la, là một thắng cảnh đẹp bậc nhất của Hà Tĩnh. Đò lướt nhẹ và êm trôi trên dòng sông thơ mộng, Cụ Khôi nói với người chèo đò: “Con cho thuyền dừng lại, hoặc chèo vòng quanh để nhà văn ngắm nhìnTrộ Đó”. Tại đây, Cụ Khôi đã kể cho tôi nghe sự tích về Trộ Đó: Ngày xưa, chẳng ai nhớ rõ năm nào, bỗng dưng có một người khổng lồ từ trên trời bước xuống làm nghề đơm đó để mưu sinh. Vào một buổi chiều nắng như thiêu như đốt, bỗng nhiên gió nổi lên như bão, mây đen tứ phía thượng ngàn ùn ùn kéo về che kín cả bầu trời. Sấm chớp giật liên hồi trông rất sợ hãi. Trong tình thế sấm chớp mưa gió đùng đùng, người khổng lồ buộc phải ra khỏi nhà kiếm kế sinh nhai. Xuất phát từ dãy Thiên Nhẫn, người khổng lồ bước hai bước. Bước thứ nhất nhẹ, tạo nên núi Mồng Gà. Bước thứ hai mạnh, sụp chân xuống sông Ngàn Sâu, tạo nên một hố sâu rộng hơn 10 mẫu ruộng. Từ đó, cá tôm của sông Ngàn Sâu quẩn vào hố sâu, thuận cho việc kiếm cá của bà con chài lưới trên sông. Từ đó hố sâu được người khổng lồ tạo ra bà con làng chài đặt tên: TRỘ ĐÓ. Ngày nay, Trộ Đó vẫn là vùng có lắm cá, tôm của sông Ngàn Sâu, nơi giáp ranh giữa 2 xã Ân Phú và Đức Giang. Trộ Đó có diện tích trên 5 ha có độ sâu trung bình trên 6 sải tay. Tuy có nhiều cá, tôm nhưng Trộ Đó vẫn là nơi nguy hiểm trên sông nước Ngàn Sâu. Nơi đây, nước từ thượng nguồn đổ về tạo nên một vòng xoáy khá nguy hiểm cho thuyền bè qua lại. Bãi Trộ Đó, gặp nước lụt tràn về tạo nên xoáy vòng tròn, dân sơn tràng phải có nhiều kinh nghiệm và rất vất vả mới đưa được bè thoát ra khỏi vùng vòng xoáy. Nhiều người vì tiếc của khi các mảng nứa, mảng củi bị xoáy vào nước đánh tan tành, muốn cứu bè nên phải bỏ mạng nơi này…
Thuyền nhỏ quay vòng rời Trộ Đó bơi trong cô đơn đưa chúng tôi về với bến đò Đại Ngàn. Trời nắng túa mồ hôi, cụ Khôi nói khéo: Anh Phú - Anh cho thuyền cập bến Đại Ngàn để nhà văn tìm hiểu sự tích nơi đây. Nói rồi, cụ Khôi trôi trong ký ức: Cách đây chưa quá 200 năm, các cụ kể lại rằng: Do có nhu cầu đi lại của bà con đôi bờ sông mà chủ yếu là xã Đức Giang và xã Đức Đồng, bà con thành lập bến đò ngang và đặt tên Đại Ngàn. Ngày ấy, nơi đây cây rừng rậm rạp, cây cối um tùm, muông thú nhiều vô kể. Cả những cánh rừng gỗ như lim, dổi, táu, sến chò chỉ cổ thụ. Mỗi cây to đến mức 3 hoặc 4 người ôm mới xuể. Thú rừng như voi, hổ, báo, hươu, nai, lợn rừng, khỉ,... từng đàn rất nhiều. Chính vì vậy, bến đò được đặt tên Đại Ngàn. Ai là người khởi xướng lập ra bến đò và đặt tên Đại Ngàn đến nay chưa rõ. Nhưng, những năm kháng chiến chống mỹ cứu nước, xã Đức Giang đã cử Cụ Trần Văn Ngỗn - sinh năm 1913, quê xóm Cẩm Trang, xã Đức Giang làm nghề chèo đò qua sông tại bến Đại Ngàn. Khách qua đò ngang của bến Đại Ngàn chủ yếu là bà con vùng thượng và các thế hệ học sinh qua sông để đi học. Ngoài lượng khách thường xuyên, biết bao đêm thức trắng, Cố Ngỗn còn làm nhiệm vụ chở bộ đội, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến và cán bộ qua sông đi làm nhiệm vụ.
Năm 35 tuổi, chàng trai Trần Văn Ngỗn mới kết hôn cùng thôn nữ Lê Thị Tý cùng làng. Vợ chồng ông Trần Văn Ngỗn sinh hạ được 4 người con. Bà Trần Thị Hải - sinh năm 1947 là con gái đầu của 2 cụ. Ở vùng thượng Đức Thọ và một số vùng khác, khi vợ chồng cưới nhau và có con đầu lòng thường mất tên bố mẹ. Từ đó, bà con trong vùng thường gọi bến đò Cố Hải. Bà con gọi vậy, mặc định thành quen mà không cần ai công nhận. Từ bến đò Đại Ngàn, đến bến đò Cố Ngỗn và sang bến đò Cố Hải mà dân gian tự đặt, tự gọi thành quen là một nếp văn hóa vùng miền đã tồn tại nhiều năm trong lòng dân vùng này.
Sau 20 năm, với hàng vạn chuyến đò ngang qua sông Ngàn Sâu nơi chốn Đại Ngàn, cố Ngỗn đã về với trời ở tuổi 72. Ngày nay, bến đò Đại Ngàn đã không tồn tại. Thay vào chính bến đò năm xưa là một cầu bê tông vĩnh cửu, rộng 2 làn xe chạy qua sông Ngàn Sâu. Tên của cầu vẫn là “cầu Đại Ngàn”. Để tưởng nhớ và biết ơn người đã có hàng vạn chuyến đò sang ngang qua sông, nhiều thế hệ cán bộ, nhân dân và học sinh đã mở cuộc vận động, quyên góp tiền để xây dựng cho người quá cố - Vợ chồng cụ Trần Văn Ngỗn một khu lăng mộ khang trang.
Kể xong câu chuyện về bến Đại Ngàn năm xưa, cụ Phạm Văn Khôi như có chút bồi hồi, xúc động nhớ bên đò? Nhớ người chèo đò? Hay nhớ rừng? Cụ Khôi bước xuống đò, vẫy theo tôi và nói với người chèo đò nhổ neo. Gió nồm nam chui qua mái tóc lòa xòa của tôi làm lạnh mát giữa trưa hè. Khi đã yên vị, chiếc thuyền đã rời bến Đại Ngàn, tôi hỏi Cụ Khôi về sự xúc động đó. Nhìn vào mạn thuyền gỗ táu đã lên nước màu đen, Cụ Khôi lim dim đôi mắt: Tất cả những ký ức ấy tôi đều nhớ, nhưng nhớ nhất là rừng! Theo các cụ kể lại: Khi thành lập bến đò Đại Ngàn, nơi ấy là những rừng rậm, gỗ phong phú và rất nhiều muông thú lắm, có cả voi, hổ… Sau hơn một trăm năm, Đại Ngàn đã lùi sâu vào rừng hàng trăm km. Ngày nay, Đại Ngàn đã lùi vào sát những ngọn núi xa xanh sát với biên giới Việt - Lào. Cứ tốc độ này, chỉ vài chục năm nữa, con cháu chắc không có khái niệm… Đại Ngàn?! Đành rằng, xã hội phát triển, gỗ già phải thu hoạch, nhưng việc chặt hạ cây rừng đến đâu trồng lại đến đó thì Việt Nam chưa làm được!
Đò quay trở lại. Cụ Khôi nói với anh Phú: “Anh cho tấp đò vào bến. Anh về nhà lấy xe máy “kẹp ba” chở tôi và nhà văn đến nhà cụ Phạm Hường ở thôn 1, xã Sơn Long”. “Anh chàng” Vực Ác phải nhờ cụ Phạm Hường, chuyện này tôi không rành lắm. Chúng tôi đến nhà cụ Phạm Hường, 78 tuổi, ngụ thôn 1, xã Sơn Long khi đã quá bữa cơm trưa. Trưa hè đã muộn, Cụ Hường được “dựng dậy”.
Đỉnh Cồn Trùa nằm ngay trên Vực Ác có độ cao chừng 100m. Gió nồm nam lồng lộng lại được hơi nước từ Vực Ác phả lên xua tan cái nắng chang chang trên mái ngói nhà cụ Hường. Vợ chồng Cụ Hường năm nay 78 tuổi, là nhà ở cuối cùng và trên đỉnh Cồn Trùa sát mép bờ Vực Ác. Vực Ác được tạo thành dòng chảy vuông góc gò cánh tay, mà Cồn Trùa án ngữ của dòng Ngàn Sâu. Ngày xưa, Vực Ác rộng tới vài chục hecta sâu tới hơn 20 sải tay. Quá trình vận động, bồi lấp, ngày nay Vực Ác chỉ rộng chừng 10 hecta - Số diện tích còn lại đã bị đất cát từ thượng nguồn trôi về bồi đắp thành bãi rộng, bà con thôn 1, xã Sơn Long đã trồng keo lá tràm, trồng lạc, ngô… cho thu nhập khá.
Rót nước mời khách Cụ Hường và vợ là cụ Đinh Thị Thủy xởi lởi. Cụ Hường kể: “Không ai biết Vực Ác trên dòng Ngàn Sâu có từ bao giờ”. Trong đại nguyên sinh, một hệ thống trường lực, chia cắt vỏ trái đất thành nhiều mảnh, gây nên nhiều đứt gãy. Cách đây trên 25 triệu năm, quả đất diễn ra những chuyển động tạo núi, tạo sông. Từ đó, các dãy núi Trường Sơn, Thiên Nhẫn, Trà Sơn, Hoành Sơn,… được tạo hóa nâng thành núi. Trên vết nứt gãy xuất hiện một dòng chảy bào mòn đất đai, tạo ra một thung lũng lớn gọi là Ngàn Sâu. Một đứt gãy dọc đường nước chảy có một hòn núi chặn lại tạo thành một góc vuông gò cánh tay, tạo nên một vực rộng và sâu. Không biết cái tên Vực Ác xuất hiện từ khi nào? Chỉ biết cái vực này có độ sâu trên 15 sải tay, đã nhấn chìm hàng trăm mạng người (và hơn thế nữa) khi có công việc phải qua Vực Ác. Chỉ trong vòng hơn 70 năm qua, đã có hơn 50 anh dân sơn tràng phải bỏ mạng nơi vực này. Phần lớn người xấu số là dân nghèo ở các huyện Nghi Xuân, Can Lộc, Đức Thọ, Vũ Quang, Cẩm Xuyên và một số xã của Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Họ là những trai tráng, những thanh niên khỏe mạnh lên rừng Hương Khê, Vũ Quang khai thác gỗ, củi, nứa, song mây, lá cọ,... về xuôi dùng và bán kiếm tiền. Khi xuôi sông Ngàn Sâu qua vực, bè gỗ, nứa của bà con xoáy vòng tròn, rất khó thoát ra để xuôi về Sông La, Sông Lam. Dân sơn tràng phải nhảy xuống vực để cứu bè. Phần vì đói, rét, phần nước chảy xiết, đã nhấn chìm họ xuống vực sâu. Cái vực ấy đã cướp đi hàng trăm sinh mạng của các trai tráng mà bà con và dân sơn tràng đã đặt tên và gọi là Vực Ác?
Suốt dọc dài sông Ngàn Sâu và tại Vực Ác có nhiều câu chuyện truyền miệng ly kỳ, hấp dẫn, tiêu biểu là chiếc cột đồng. Ngày xưa, ở Vực Ác có một cột đồng cao 10m được chôn xuống vực. Theo tích để lại thì vợ chồng nhà ai có 10 người con trai khỏe mạnh, đoàn kết mới kéo được cột đồng lên. Ngày xưa, cả xã Sơn Long và các xã xung quanh chỉ có gia đình Cụ Quan Tạng là có tới 9 người con trai khỏe mạnh, đoàn kết, anh em thương quý nhau. Một hôm sáng mùa xuân trời ấm, hương hoa tỏa ngát thơm cả dòng sông, Cố Quan Tạng tổ chức cho chín người con đến kéo cột đồng lên. Vì thiếu người, các con của Cố Quan Tạng chỉ nhớm được cột đồng lên được 1m, Cố Quan Tạng đọc thơ theo dòng ví:
“Con ruồi đậu nặng đầu cân/ Mẹ ơi! Ơi mẹ kéo lên vài phần…”
Dẫu có sự giúp sức của cha , dẫu câu thơ, giọng ví hay, nhưng 9 chàng trai phải nhờ mẹ nên cột đồng đã lún sâu vào lòng đất giữa Vực Ác? Câu chuyện kể mang tính hoang đường về chiếc cột đồng, là điều ước của bà con muốn chinh phục dòng sông Ngàn Sâu nói chung và Vực Ác nói riêng.
Chiều hè đã muộn. Ráng hoàng hôn tím thẫm phía tây dãy Trường Sơn xa xanh. Ngàn Sâu tím thẫm như con trăn khổng lồ trườn bát ngát giữa đôi bờ. Dọc hai bờ sông, không biết cơ man nào bến tắm. Những bà, những chị đang ngâm mình mát rượi dưới dòng nước trong xanh. Những mái tóc dài ướp mình trong nước mát tựa như mặt trời trong lãng đãng chiều hôm. Từng đàn trẻ thơ đang nô đùa trên bến quê thật thỏa thuê như để lưu lại những ký ức về dòng sông quê hương.
Xa rồi Ngàn Sâu, xa cố Khôi, xa anh Phúc, xa cố Hường tôi như bơi trong thiên nhiên kỳ vĩ của dòng sông yêu…
Đ.Q.L