Kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví, Giặm được Unesco ghi danh (2014-2024). Tạp chí Hồng Lĩnh số 219 tháng 11/2024 trân trọng giới thiệu bài viết “Sân khấu hóa dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh hướng đi tiếp nối trong việc bảo tồn và phát huy giá trị của di sản” của tác giả Hoàng Vinh
Trong nhà Lưu niệm Đại thi hào Nguyễn Du có bốn câu thơ:
“Bước xuống Sông Lam tìm con cá lội
Lên rú Hồng Lĩnh hát một trái sim
Có thương nhau nên mới đi tìm
Bây giờ kháp mặt như Kim gặp Kiều”
Bốn câu thơ trên đây có thể Hò và có thể Ví được rất nhiều các thể Ví, thể Hò Nghệ Tĩnh như: Hò dô, Hò lao động, Hò Dân vận, Hò đắp đê, Hò đánh trống khắc chang, Hò khoan đi đường, Hò leo núi, Hò trên sông, Ví Đò đưa, Phường vải, Đò đưa nước ngược, Ví Đò đưa Sông Lam, Ví sông La... Đặc biệt là điệu Ví đò đưa nước ngược, là hình tượng âm nhạc thể hiện động tác hình thể của nghề sông nước. “Ơ ơ ờ… Bước xuống Sông Lam tìm con cá ơ… lội”. Là loại Ví Đò đưa của người làm nghề đi thuyền, đi bè phải đi nước ngược. Họ vừa dùng cây sào đặt vào vai vừa hát và đẩy thuyền, bè đi, chữ lội… được kéo dài theo lực đẩy của con sào, bao giờ hết lực đẩy, chữ lội… cũng kết thúc của câu hát và lập lại động tác khác. Đây là một nét đặc sắc của dân ca Ví, Giặm, là tiền thân của hành động hình thể sân khấu hoá. Một khổ thơ lục bát, hay song thất lục bát, có thể ứng tác ra nhiều nội dung vào nhiều tình cảnh, tình huống, không gian, thời gian hát khác nhau để Ví, để Hò. Đó cũng là cơ sở tiền thân của sân khấu hoá Ví, Giặm.
Lối hát Ví đối đáp giao duyên đặc sắc tài tình, ý tứ câu chữ, tình cảm tâm lý, trong một không gian, thời gian, cảnh huống giao duyên với lời thoại mang tính chất đặc điểm của sân khấu. Nam hát “Anh đến dàn hoa thì hoa kia đã nở. Anh đến bến đò thì đò đã sang sông…”. Nữ hát Ví trả lời ý nhị, chân thành, cởi mở, quả quyết, cảm thông, thông báo: “Hoa đến thì thì hoa phải nở. Đò đầy đò phải sang sông…”.
Đối đáp bằng trí tuệ học hành hiểu biết, ví von cảnh tình đặc sắc là thổ sản của Ví Giặm Nghệ Tĩnh. Tình và cảnh trong không gian diễn xướng là kiến thức cuộc sống tức cảnh phát sinh. O Nhẫn Kỳ thư khi hát đối với Phó Bảng Kỷ, O Là người ít học nhưng những câu hát của O ví von, tức cảnh tài tình, như người thông kinh vạn quyển. Khi Phó Bảng Kỷ ví hỏi O khôn khéo vận cảnh, vận tình vào thân phận O, là người đối hát: “Nước lên nhân nhẫn bờ rào. Thuyền người ta sang cả, em cầm sào đợi ai?” Câu ví có tên Nhẫn, O Nhẫn liền ví lại một câu có tên Kỷ.“Mặc nước lên nhấn nhẫn bờ rào. Em đợi người tri kỷ cầm sào cho em sang.”. Những cuộc hát đối xung quanh vùng đất Ngàn Hống, Đò Cài, thể hiện trí tuệ, tài năng ứng đối không chỉ bằng tình, bằng nghĩa mà vận cả từ ngữ Nho, Hán vào câu hát: Ngong lên phía Bắc năm con ngựa đang cột ở cầu Ngụ mạ (Năm con ngựa), Ngó xuống phương Nam chín con rồng đang tắm ở cửa Cửu Long (Chín con rồng)…, Ngó lên Hồng Lĩnh nghìn con voi đang chầu chùa Thiên Tượng (Nghìn voi)/ Ngoảnh lại bàn thờ tám con gà đang cúng cỗ Bát Kê (Tám gà)…
Các thể hát Giặm: Giặm xẩm, Giặm vè, Giặm ru, Giặm kể… mãi trường tồn từ thế hệ này sang thế hệ khác, không đứt quãng, là sự ứng dụng tài tình của người hát vào các cảnh huống, cuộc sống lao động và chiến đấu bảo vệ non sông đất nước: “Bà con ơi nghĩ lại/ Cảnh nước mất nhà tan/ Nỗi thống khổ muôn vàn/ Khác chi loài trâu ngựa/ Mà nỏ khác loài trâu ngựa…”. Phụ tử tình thâm, một tổ hợp hát Giặm về khuyên răn đạo hiếu con cái với cha mẹ, cha mẹ với con cái đúng là một bản Gia huấn đặc sắc lưu truyền trong các thế hệ các bà, các mẹ và cả những lớp người mẹ cận đại vẫn hát. Ví, Giặm hiện hữu, trường tồn trong cuộc sỗng con người, ở đâu có cuộc sống con người Nghệ Tĩnh, ở đó có Ví có Giặm.
Ca khúc “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” của Nhạc sỹ Nguyễn Văn Tí đã làm sống dậy mảnh đất Hà Tĩnh địa linh nhân kiệt, làm rạng danh bao nhiêu ca sỹ đạt giải khi hát ca khúc này tại các cuộc thi danh tiếng: “Chơ đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tịnh (Tịnh dấu nặng thổ âm không phải dấu ngã Tĩnh), Nhớ núi Hồng Lịnh (Lịnh cũng dấu nặng thổ âm không phải dấu ngã Lĩnh). NSND Thu Hiền và hàng trăm ca sĩ trung ương, địa phương đều hát bằng dấu nặng (Tịnh, Lịnh thổ âm) chứ không thể hát bằng dấu ngã (Tĩnh, Lĩnh giọng Bắc). Ca khúc “Xa khơi” để đời của Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ, mở đầu bằng câu mở của hát Ví Phường vải Trường Lưu, Hỡi là người ơi… Nắng toả chiều nay… Ca khúc Mời anh về Hà Tĩnh của Nhạc sỹ Trần Hoàn thực sự là một bài hát Giặm, một tổ hợp tự sự kể chuyện về Hà Tĩnh, ca từ hầu hết là năm chữ, đặc trưng ca từ của thể hát Giặm: Mời anh về Hà (Tịnh), đi dọc đường cái quan, vào tận đến Đèo Ngang, Rồi vòng lên Chu (Lệ)… Khi nhạc sĩ về Hà Tĩnh phổ biến ca khúc này, tôi mạo muội hát bài hát này bằng lối hát Giặm vè cho Nhạc sĩ Trần Hoàn nghe, nghe xong ông cười và thấu hiểu.
CLB dân ca Ví, Giặm xã Kim Song Trường
tập luyện bên sân Đình làng Trường Lưu. Ảnh: Thiên Vỹ
Tôi là người được thay mặt ngành Văn hóa Hà Tĩnh phục dựng hai cảnh hát, lối hát Ví Giặm tại làng Trường Lưu xã Trường Lộc, huyện Can Lộc và Làng Trung Tiến xã Phù Việt huyện Thạch Hà cho 20 Giáo sư, Tiến sỹ của Uỷ ban Văn hóa Giáo dục Liên hiệp quốc khảo tả, trong đó có Giáo sư Trần Quang Hải con trai của Giáo sư Trần Văn Khê. Và đặc biệt hơn tôi được đối thoại trực tiếp, trả lời các câu hỏi khảo sát về Ví, Giặm cho 20 GS, TS, Nhà khoa học tổ chức Văn hoá Giáo dục Liêp hợp quốc UNESCO ghi nhận để lập hồ sơ công nhận. Tôi cũng đã được bộ Văn hoá Và UBND tỉnh Hà Tĩnh tặng Bằng khen “Có thành tích lập hồ sơ và được công nhận Ví Giặm là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại”. Vài nét chấm phá trên của Ví, Giặm Nghệ Tĩnh thật là đặc sắc trong muôn vàn đặc sắc, xuyên suốt thời gian, là tâm hồn, khí phách, trí tuệ, tài năng, bản lĩnh của con người Nghệ Tĩnh. Chính vì những đặc sắc trên mà muôn người dân Nghệ Tĩnh hát Ví, Giặm xuyên qua các thế hệ, các nhà Khoa bảng, Danh nhân đều say mê và hát: Hồ Chí Minh, Phan Bội Châu, Nguyễn Du, O Uy, Ả Sạ, O Nhẫn, Phó Bảng Kỷ… Và chính điều đặc sắc đó là cơ sở vững chắc để năm 2014 UNESCO công nhận Ví, Giặm là Di sản văn hoá phi vật thể đại điện của nhân loại. Và đây là cơ sở, hướng đi quan trọng cần thiết, giải pháp ưu việt để thực hiện Sân khấu hóa, nhằm bảo tồn, phát huy Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trường tồn.
Chưa có tài liệu nào chính thống chính thức công bố Ví, Giặm Nghệ Tĩnh xuất xứ từ bao giờ. Trải qua hàng trăm năm lưu tồn, từ sơ khai các điệu hát từ lao động sản xuất, cuộc sống, tâm tư tình cảm, nghĩ suy, ví von được hình thành những làn điệu hát, lối hát đơn điệu, sơ lược như hát đơn, hát đôi và tiến dần lên hát đối đáp, đối đáp đôi, đối đáp làng, xóm, phường, hội… Sau nhiều năm nghiên cứu và sưu tầm các nhạc sỹ và nghệ nhân: Lê Quang Nghệ, Lê Hàm, Vi Phong, Thanh Lưu, Đình Bảo, Đức Duy… đã ghi chép được 39 làn điệu, trong đó có 27 làn điệu gốc, 12 điệu lai. Nguy cơ mai một làn điệu hát và lối hát, cảnh hát - đơn điệu không phù hợp thời đại mới. Tôi là người có 50 năm làm dân ca Ví, Giặm, truyền dạy, trao truyền cho hàng trăm nghệ nhân, biên soạn hàng trăm tác phẩm lời mới, biên kịch, đạo diễn hàng trăm Tổ khúc, Tiểu phẩm, Kịch ngắn dân ca, Kịch Thông tin, Không gian diễn xướng, Sử thi nghệ thuật bằng sân khấu hóa Ví, Giặm, thực hiện nhiều Đề tài Nghiên cứu Bảo tồn, Phát huy văn hoá phi vật thể Ví, Giặm. Để bảo tồn, pháy huy giá trị di sản Ví, Giặm sau 10 năm được UNESCO công nhận là di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại, tôi nghĩ Sân khấu hóa dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là hướng đi tiếp nối.
Cuộc sống con người thay đổi, các phương tiện truyền thông hiện đại ra đời, nguy cơ hệ thống làn điệu (cổ, gốc) dân ca Nghệ Tĩnh và đặc biệt Ví, Giặm không thể hòa nhập và đi cùng đời sống hiện đại, các làn điệu Hò, Vè, Ví, Giặm ngày xưa càng vắng bóng. Những cảnh hát, lối hát cây đa bến nước sân đình ngày xưa mất dần. Và đây là thời điểm cần chuyển hóa hình thức diễn xướng sân khấu hóa dân ca Ví, Giặm để lưu giữ, bảo tồn và phát huy. Chủ trương cải cách, cải biên, phát triển làn điệu hát, lối hát là cơ sở quan trọng của Sân khấu hóa, là giải pháp quan trọng để sân khấu hoá phát triển. Từ năm 1970 đến nay, sau hơn 50 năm sân khấu hóa, chủ trương cải cách, cải biên, phát triển làn điệu hát, lối hát Ví, Giặm, hướng đi mới hiệu quả rất quan trọng trở thành những giải pháp chủ yếu để bảo tồn, lưu giữ phát huy dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trường tồn trong thời đại mới, xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại qua 10 năm được UNESCO vinh danh.
Trong quá trình thể nghiệm sân khấu hóa dân ca đã xuất hiện các làn điệu cải biên mới mang tính cách sân khấu đáp ứng rất hiệu quả hình thức sân khấu hóa gần 200 bài/bản đã in ấn vào các tập bản phổ. Các làn điệu cải biên phát triển chứng tỏ hiệu quả cao của việc Sân khấu hoá dân ca Ví, Giặm. Làn điệu Tứ Hoa trong vở “Mai Thúc Loan”, chuyển thể, lồng điệu NSUT Đình Bảo, sau nhiều năm làn điệu này được rất nhiều các tác giả soạn lời mới, và rất nhiều tác phẩm dân ca đã coi làn điệu này như linh hồn tác phẩm. Nhiều giọng hát hay từ điệu hát này. Làn điệu "Con cóc", Tác giả Mai Hồng cải biên trong vở ca kịch "Không phải tôi" của Nguyễn Trung Giáp là làn điệu khắc hoạ tính cách gian xảo, lợi dụng hoàn cảnh và tập thể để mưu lợi cá nhân; làn điệu Giận thương, Nguyễn Trung Phong Phóng tác trong vở “Khi ban đội đi vắng” như một nốt hoa mỹ trong bản tổng phổ các làn điệu Ví, Giăm, trở thành ca khúc dân gian, đi suốt không gian, thời gian, mọi thế hệ hát… Mỗi làn điệu cải biên, phát triển là một thực thể tính cách, tư tưởng tình cảm, bản chất hành động nhân vật, là hệ thống mâu thuẫn, xung đột, được phát hiện, sự kiện, tình huống, không gian, thời gian của sân khấu hóa.
Tính chất, đặc điểm các thể hát cải biên và kỹ năng soạn lời, lồng điệu chuẩn xác các làn điệu mang tính sân khấu hóa là cơ sở của hệ thống mâu thuẫn xung đột theo đặc trưng của sân khấu. Khi cần có các lớp hành động đặc tả trữ tình không thể không sử dụng làn điệu Giận thương, Hát khuyên, Đại Thạch, Xẩm thương, Xẩm chợ, Xẩm buồn, Ai có thương ai. Tâm trạng đau khổ có làn điệu Khóc cha, Cay đắng tủi sầu, Giữ lời nguyền, Ai cứu chàng… Những nhân vật hành động với tính cách gian xảo, hài hước có làn điệu Con cóc, Lập lờ, Xoay xở,... Đối với các nhân vật ghe ghét, ghen tuông thì các làn điệu Lòng vả lòng sung, Chồng chềnh… Từ cải biên các làn điệu đến Sân khấu hóa là hình thức đắc địa, đưa Ví, Giặm hiệu quả vào nghệ thuật Sân khấu.
Từ những năm 70, cuộc cách mạng cải biên, phát triển các làn điệu dân ca, hàng loạt tác gỉa biên soạn lời mới, cải biên chuyên nghiệp và không chuyên đã truyền dạy, phổ biến và thực hiện nhiều loại hình dân ca Ví, Giặm như: Tổ khúc dân ca, Không gian diễn xướng, Ca cảnh, Hoạt Cảnh… trong đó nổi bật là các vở kịch ngắn dân ca ra đời. Các Tổ khúc dân ca, màn chào hỏi, màn thi tài năng, tiểu phẩm, không gian diễn xướng có yếu tố sân khấu hóa của các Hội thi, hội diễn, liên hoan các CLB, liên hoan Festival dân ca Nghệ An, Hà Tĩnh, Hội thi an toàn giao thông, dân vận khéo, hòa giải viên, nhà nông đua tài, xây dựng gia đình văn hóa nếp sống văn minh, văn minh đô thị, không gian điễn xướng, Tổ khúc dân ca, Sử thi nghệ thuật, Kịch thông tin, Tiểu phẩm… Là những sản phẩm ưu việt của quá trình thực hiện sân khấu hóa, đem lại hiệu quả sân khấu và hướng bảo tồn lưu giữ Ví, Giặm rất rõ nét, hiệu quả. Hiệu quả rõ nét từ các vở kịch ngắn sân khấu hóa dân ca là đòn bẫy, tiền đề khích lệ các nhà biên kịch, đạo diễn, âm nhạc lồng điệu, chuyển thể chuyên nghiệp hướng tới tổ chức sáng tạo các vỡ diễn chuyên nghiệp dài hơi cho các Đoàn nghệ thuật, Nhà hát Sân khấu hoá Ví, Giặm hướng đi hiệu quả rất quan trọng trở thành những giải pháp chủ yếu để bảo tồn, lưu giữ phát huy dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh trường tồn trong thời đại mới, xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại qua 10 năm được UNESCO vinh danh.
Năm mươi năm qua, kịch hát Nghệ Tĩnh đã thể nghiệm hàng trăm vở diễn dài ngắn khác nhau, ở tất cả các đề tài dân gian truyền thuyết, lịch sử, hiện đại, biểu diễn phục vụ khán giả ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh được đông đảo quần chúng thực sự yêu mến. Nhiều vở diễn xuất sắc, được đánh giá cao, đạt các Huy chương Vàng, Bạc trong các kỳ hội diễn sân khấu toàn quốc như “Không phải tôi” (1970), “Mai Thúc Loan” (1985), “Chuyện tình ông vua trẻ” (1995), “Quê hương trong trái tim Người”, “Lời Người lời của nước non” (2005), “Danh nhân lớn lên từ câu hò Ví, Giặm”, “Cánh cò trong cơn bão” (2023); ... Các vở diễn trên đã để lại trong lòng công chúng và chứng tỏ loại hình kịch hát sân khấu hóa Ví, Giặm đã tìm được một chỗ đứng khá vững chắc trong đời sống nghệ thuật sân khấu. Hầu hết các vở này ngợi ca công lao to lớn của các vị tiền bối, đồng thời khắc họa chân dung cao đẹp, có sức sống mãnh liệt trường tồn trong đời sống hiện đại. Ngoài ra còn có các đề tài về dã sử, huyền thoại dân gian, cách mạng, hiện đại, với các thể loại chính kịch, bi kịch, hài kịch... để lại những dấu ấn khó phai trong lòng khán giả. “Các vở diễn Sân khấu hóa đề tài hiện đại thực sự bám sát đời sống, đề cập tới nhiều khía cạnh khác nhau của cuộc sống mà xã hội quan tâm. Đặc biệt từ cuối thập niên 80 của thế kỷ trước cho đến nay, hàng loạt vở diễn sân khấu hóa về đề tài hiện đại ra đời nhằm phục vụ công cuộc đổi mới của đất nước. Ví, Giặm dân ca Nghệ Tĩnh được sân khấu hóa là phương tiện biểu đạt, mâu thuẫn, xung đột, hành động, tính cách tâm lý nhân vật trong xung đột kịch với chủ trương sân khấu hóa dân ca, tạo nên một kịch chủng hát dân ca hiện đại gia nhập vào nền sân khấu dân tộc vốn có bề dày lịch sử. Chúng ta có thể khẳng định rằng, sân khấu hóa Ví, Giặm dân ca Nghệ Tĩnh là một hướng đi quan trọng cần thiết của tư duy đúng đắn, phù hợp với yêu cầu bảo tồn, gìn giữ và phát huy di sản văn hóa Ví, Giặm truyền thống quý báu của quê hương và dân tộc.
Tháng 9/2024
H.V