Tạp chí Hồng Lĩnh số 220 tháng 12/2024 hân hạnh giới thiệu truyện ngắn “Cu Tí” của em Phan Tuấn Bảo - Lớp 12 Văn, Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh (Tác phẩm tham dự Cuộc thi viết - vẽ tuổi học trò lần thứ XIV)
Ở đầu xóm nhỏ, cu Tí là cái tên mà ai cũng biết, nhưng chẳng ai thật sự hiểu. Người ta nhắc đến nó với những trò nghịch ngợm khiến cả xóm vừa cười, vừa bực. Chỉ cần nghe tiếng chân chạy rầm rập ngoài đường hoặc tiếng chó sủa inh ỏi giữa đêm, ai nấy đều lắc đầu:"Lại thằng Tí chứ ai." Tí gầy guộc như que củi, mái tóc lúc nào cũng bù xù như chẳng màng chải chuốt. Cái thân hình nhỏ thó ấy vẫn luôn chạy khắp làng trên xóm dưới với những trò đùa khiến người ta vừa thương vừa trách. Nhưng sau những tiếng cười chớp nhoáng, người ta quên mất rằng Tí chẳng còn ai trên đời.
Tối hôm đó, trăng treo lơ lửng, soi sáng con đường đất gập ghềnh. Tí đứng trước nhà bà Ba, tay cầm một cái khăn trắng trùm kín đầu. Nó đứng im lìm như một con ma nơ canh giữa đường. Từ xa, ông Tư đi về, đèn pin loáng thoáng chiếu đến: "Bà nội cha mày! Ma hả trời!". Ông Tư quăng cả nón, lăn đùng ra ngồi giữa đường. Tí không nhịn được, bật cười ngặt nghẽo, rồi co chân chạy biến. Tí sống một mình trong căn nhà nhỏ. Nhà ấy vốn là của cha mẹ nó. Nhưng cha nó mất vì tai nạn lao động khi nó mới lên sáu, mẹ nó qua đời chẳng bao lâu sau vì bạo bệnh. Căn nhà giờ chỉ còn Tí và những tiếng gió rít qua kẽ lá, những đêm mưa nghe từng giọt nước tí tách rơi từ mái ngói cũ. Mỗi buổi tối, khi cả xóm đã chìm trong giấc ngủ, Tí lại nằm co ro trên chiếc giường cọt kẹt, ôm chặt chiếc áo len cũ của mẹ. Nó không khóc, không nói, chỉ nằm im nhìn trần nhà tối đen. Có những lúc, nó lén mở hộp đồ cũ của mẹ, ngửi thấy mùi hương thoang thoảng, mờ nhạt còn sót lại. Những ký ức chắp vá hiện lên trong đầu nó như một cuốn phim cũ: tiếng mẹ ru, bàn tay cha dắt qua con đường bùn lầy... Nhưng tất cả đã quá xa. Tí biết, chẳng ai còn lại để hỏi thăm nó mỗi ngày. Chẳng ai la rầy khi nó làm sai. Những trò đùa, những tiếng cười khanh khách mà nó gây ra, đều chỉ để lấp đầy cái hố sâu hun hút trong lòng.
Minh họa: HẢI ĐĂNG
Một ngày, Tí nghe tin đoàn xiếc sắp về làng. Mấy đứa trẻ cùng xóm ríu rít rủ nhau gom tiền để mua vé. Tí không có tiền, nhưng nó lại khao khát được xem một lần. Thế là, nó nghĩ ra một "trò lớn": lấy dây thừng, buộc cái chăn cũ vào cây bàng đầu xóm, giả làm cái đu bay. "Tí, mày làm gì vậy?" thằng Cò hỏi. "Tao tập làm diễn viên xiếc. Lỡ sau này tao giàu, tao sẽ cho tụi bay coi miễn phí."
Tí cười hềnh hệch, trèo lên cây. Nhưng dây thừng cũ quá, đứt ngay khi Tí còn đang lơ lửng. Nó ngã nhào xuống đất, đầu đập vào rễ cây. Cả bọn hốt hoảng la hét, chạy đi gọi người lớn. Tí được đưa vào trạm y tế, băng bó vết thương. Đến tối, nó tỉnh dậy, thấy mình nằm một mình trong căn phòng nhỏ, không cha, không mẹ, cũng chẳng ai bên cạnh. Chỉ có chiếc bóng của nó, lẻ loi in lên bức tường trắng. Lúc này, nó mới nhận ra con người giả tạo của chính mình trước đó, mà giờ đây nó phải đối mặt với chính mình. Tí ngẩng đầu, nhìn quanh căn phòng nhỏ, ánh đèn vàng vọt hắt lên bức tường lạnh lẽo. Mỗi đồ vật ở đây đều như đang nhắc nhở nó về cái sự thật nghiệt ngã: nó chỉ có một mình trên đời. Nó nhớ lại những lần chạy qua sân nhà bà Ba để lấy trộm quả bưởi, những lần đứng ngoài cổng chọc bọn trẻ con rồi bỏ chạy. Lúc ấy, tiếng chửi mắng của người lớn, tiếng cười khúc khích của bọn bạn là thứ duy nhất làm nó cảm thấy mình còn tồn tại, rằng nó là một phần của cuộc sống này. Nhưng bây giờ, khi chẳng còn ai để quát mắng, chẳng còn ai để cười đùa, nó mới thấm thía: những trò nghịch ngợm ấy chẳng đủ lấp đầy khoảng trống trong lòng nó. "Mình làm cái gì sai à? Hay tại mình xấu xí? Sao không ai chịu ở lại với mình hết?". Tí lẩm bẩm, giọng vỡ ra như ngàn câu hỏi gửi đến cái thế giới mà nó không thể hiểu nổi. Ngoài cửa sổ, gió đêm rít lên những tiếng dài, thổi tung tấm màn mỏng. Tí nhìn chiếc bóng của mình trên tường, đơn độc, méo mó. Nó không chịu nổi nữa, bật khóc thành tiếng, hai tay ôm lấy đầu, như muốn che chắn cho mình khỏi cái cảm giác trống trải đang nhấn chìm nó. "Cha ơi! Mẹ ơi! Ở đâu? Sao không ai về với con nữa?"
Những lời kêu gào ấy vang lên trong căn phòng nhỏ rồi tan biến vào hư không, chẳng ai đáp lại. Giây phút ấy, Tí thấy trái tim mình như rơi xuống vực thẳm. Nó nhận ra rằng, cái tiếng cười nó luôn cố tạo ra bấy lâu chẳng khác gì những chiếc bóng mờ nhạt, chỉ tồn tại tạm thời rồi tan biến, để lại một sự im lặng còn đau đớn hơn. Cả đêm đó, Tí không ngủ. Nó ngồi co ro ở góc giường, nhìn ánh trăng nhợt nhạt hắt qua khung cửa. Một ý nghĩ len lỏi trong đầu nó: "Nếu mình không nghịch ngợm nữa, liệu có ai nhớ đến mình không? Nếu mình biến mất, liệu có ai sẽ khóc vì mình không? Cái lạnh của đêm đông càng thấm sâu vào da thịt, nhưng nỗi lạnh trong lòng nó còn buốt giá hơn. Nước mắt trào ra, Tí úp mặt vào lòng bàn tay, nấc nghẹn. Trong căn phòng trống trải, nó cảm thấy nỗi cô đơn như một cái hố sâu, mỗi lần thở đều đau đến nghẹn ngào. Đôi mắt sưng đỏ, khô rát vì khóc quá nhiều, nhưng chẳng ai nghe thấy tiếng khóc ấy.
Sáng hôm sau, khi người ta đến tìm Tí, nó không còn nghịch ngợm chạy ra trêu chọc như mọi lần. Nó ngồi tựa vào gốc cây bàng trước nhà, chiếc áo len cũ kỹ của mẹ phủ hờ trên vai. Đôi mắt nó khép lại, môi nở một nụ cười mơ hồ, như thể vừa gặp lại ai đó trong giấc mơ. Bà Tư run run đặt tay lên vai nó, giọng nghẹn ngào: "Tí... về nhà ăn cơm đi con." Nhưng Tí không trả lời. Người ta lay mãi, Tí vẫn im lìm, tựa như đang ngủ một giấc thật sâu. Trong tay nó, một mảnh giấy nhỏ được nắm chặt. Bà Tư cẩn thận gỡ ra, đọc thấy những dòng chữ nguệch ngoạc mà nó viết bằng bút chì mòn: "Con nhớ cha mẹ. Nhưng con cảm ơn mọi người, vì ít nhất con đã không phải cô đơn mãi mãi. Đừng buồn vì con. Con chỉ đi tìm cha mẹ thôi." Cả xóm đứng lặng, không ai nói một lời. Một cơn gió nhẹ thoảng qua, làm lay động những tán lá bàng. Người ta khóc, không phải vì trách móc Tí nghịch ngợm nữa, mà vì họ nhận ra, trong những trò đùa ngây ngô ấy, là một trái tim nhỏ bé đã gắng gượng hết sức để níu kéo sự sống. Tí đi rồi, nhưng những tiếng cười nó để lại vẫn còn vang vọng.
Lũ trẻ con trong xóm, mỗi lần đá bóng dưới gốc bàng, lại nhắc đến nó với nụ cười và đôi mắt rưng rưng: "Thằng Tí nghịch lắm, nhưng nó thương mọi người nhiều hơn cả chính nó."
Phan Tuấn Bảo