01-12-2024 - 06:29

Lan tỏa tình quê cùng Ví, Giặm

Kỷ niệm 10 năm Dân ca Ví, Giặm được Unesco ghi danh (2014 – 2024). Tạp chí Hồng Lĩnh số 219 trân trọng giới thiệu bài viết “Lan tỏa tình quê cùng Ví, Giặm” của nhà văn Phan Trung Hiếu

Vào cuối năm 2014, tại Paris (thủ đô nước Pháp), Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh chính thức được UNESCO vinh danh, trở thành Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đứng cạnh Đờn ca tài tử Nam Bộ, Hát xoan, Ca trù, Quan họ, Cồng chiêng Tây Nguyên… Đây là vinh dự lớn không chỉ cho quốc gia, hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh mà còn là nguồn cổ vũ động viên rất lớn với những người làm văn hóa văn nghệ dân gian, các nghệ nhân gắn bó với sứ mệnh gìn giữ, trao truyền giá trị nghệ thuật truyền thống độc đáo này của quê hương trong dòng chảy hội nhập vào văn hóa thế giới.

Cuối năm 2020, chị Phan Thư Hiền - Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Hà Tĩnh mời tôi chứng kiến lễ ra mắt Câu lạc bộ (CLB) dân ca Thành Sen và biểu dương một số nghệ nhân có thành tích xuất sắc trong việc bảo tồn và phát huy các loại hình dân ca Ví, Giặm, ca trù, trò Kiều, hò chèo cạn, chèo văn hầu đồng... tại trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật Nguyễn Du. Năm 2019, CLB “Dân ca Góc Phố” ra đời bởi một nhóm nghệ nhân và những người yêu thích dân ca chủ yếu sinh sống, công tác trên địa bàn thành phố. Năm 2020, Chi hội Văn nghệ dân gian Hà Tĩnh quyết định bảo trợ và mở rộng thành CLB dân ca Thành Sen, gồm 24 thành viên chính và trên 20 cộng tác viên là các ca sĩ, nghệ sĩ và nhóm múa trực thuộc các đoàn chuyên nghiệp ở Nghệ An và Hà Tĩnh. CLB do nghệ nhân dân gian Võ Thị Kiều Thanh làm Chủ nhiệm đã tập hợp được đông đảo hội viên, cộng tác viên, có nhiều hoạt động sôi nổi, bổ ích, chung tay bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại - dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, phục dựng không gian diễn xướng, đưa chương trình đi biểu diễn khắp mọi miền quê trong tỉnh, trong nước và cả nước ngoài. Bất kể nắng nóng hay mưa rét, tiền ít hay tiền nhiều, thậm chí không có, họ vẫn lặn lội đi về các địa phương, các đơn vị cơ quan để biểu diễn phục vụ các sự kiện hay chỉ để ghi hình phát sóng cho Đài PT-TH tỉnh. CLB thực sự là sân chơi bổ ích cho các thành viên, để mỗi người thể hiện tài năng, tình yêu, trách nhiệm bảo tồn và phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm. Các thành viên của CLB đa phần đã trên 60 tuổi nhưng niềm say mê thì dường như không chịu già đi cùng năm tháng.

Vượt qua những khó khăn khi mà kinh phí hoạt động của CLB chủ yếu là nhờ vào nguồn xã hội hóa và sự tự nguyện đóng góp của các thành viên để trang trải mọi chi phí. Trước và sau khi được thành lập, CLB đã thực hiện nhiều chương trình biểu diễn phục vụ các sự kiện có ý nghĩa như chào mừng các Hội thảo khoa học: “Nghiên cứu những giá trị mang tính toàn cầu của di sản văn hóa làng Trường Lưu”, “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Nguyễn Du và Truyện Kiều”, “Họ Hồ trong dòng chảy lịch sử dân tộc”, “Nghiên cứu di sản văn hóa vùng biển Xứ Nghệ”; tổ chức biểu diễn giao lưu với các nghệ nhân dân ca Ví, Giặm phía Nam và Hà Nội; cồng chiêng Tây Nguyên và đờn ca tài tử ở Nam bộ; tham gia và đạt giải Xuất sắc tại Liên hoan Tiếng hát người cao tuổi toàn quốc năm 2023; Chương trình Phụ nữ Việt kết nối muôn phương tại Hà Nội, Thái Nguyên, Thanh Hóa, thành phố Hồ Chí Minh; trình diễn chương trình “Sắc màu văn hóa Hà Tĩnh” tại Bảo tàng dân tộc học Việt Nam và Bảo tàng áo dài thành phố Hồ Chí Minh”; được Đài truyền hình TP. Hồ Chí Minh và Hà Tĩnh mời thực hiện nhiều phóng sự về dân ca Ví, Giặm...

Tổ khúc dân ca “Về miền Ví, Giặm” của CLB dân ca Thành Sen

Riêng năm 2024, CLB đã tổ chức đoàn nghệ nhân tham gia trình diễn trên 20 xô diễn, tiêu biểu: Các lễ hội đón bằng di tích LSVH và khánh thành nhà thờ các dòng họ (Phan Danh, họ Hà Tùng Lộc, họ Bùi, họ Hoàng Bá…); chào mừng Hội nghị “Biểu dương người cao tuổi làm kinh tế giỏi”; hội nghị “Biểu dương Cựu Chiến binh yêu nước”; trình diễn 2 ngày tại Hà Nội nhân dịp 30 năm Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam mở cửa đón khách (1994-2024); hoàn thành 3 số truyền dạy “Dân ca Nghệ Tĩnh” trên sóng HTTV; tham gia tích cực sự kiện kỷ niệm 10 năm dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được vinh danh và gần đây nhất là biểu diễn chào mừng Hội thảo khoa học “Văn miếu - Quốc tử giám với giáo dục, đào tạo nhân tài vùng Tiên Điền - Lai Thạch (Hà Tĩnh)” tại Hà Nội…

Còn nhớ vào tháng 5 năm 2023, nhân kỉ niệm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh và kỷ niệm 47 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Thái Lan và Việt Nam, Đoàn dân ca Thành Sen được lãnh đạo tỉnh Nakhon Phan nom gửi giấy mời sang dự lễ kỉ niệm và tham gia chương trình giao lưu nghệ thuật. Tôi được mời đi cùng Đoàn theo đường Vũ Quang lên Hương Khê, qua cửa khẩu quốc tế Chalo (Quảng Bình) làm thủ tục xuất cảnh sang Lào, rồi vượt cầu bắc qua sông Mê Kông để sang đất Thái. Dọc đường đi, chị Võ Thị Kiều Thanh - Chủ nhiệm CLB hào hứng cho biết: “Nhờ sự kết nối, dẫn dắt của Chi hội VNDG Hà Tĩnh, mà trực tiếp là chị Phan Thư Hiền Chi hội trưởng, người mà chúng tôi thường gọi là “thủ lĩnh”, nên CLB của chúng tôi đã tập hợp được nhiều hội viên say sưa, tâm huyết với dân ca Ví, Giặm. Từ sự nhen nhóm, tập hợp lực lượng này mà Chi hội VNDG Hà Tĩnh đã bồi dưỡng và làm hồ sơ trình Hội VNDG Việt Nam xét công nhận gần 80 nghệ nhân dân gian và tặng Huy chương Vì sự nghiệp bảo tồn văn nghệ dân gian toàn tỉnh, trong đó có nhiều hội viên của CLB dân ca Thành Sen.

Chị Võ Thị Kiều Thanh từng đam mê ca hát từ thủa đôi mươi khi còn là xã viên HTX Thủ công mỹ nghệ Hồng Tiến sau đó là phường Nam Hà. Kể từ khi CLB ra đời, với vai trò của một Chủ nhiệm, chị vừa là diễn viên, vừa lo “cơm áo gạo tiền”, đôn đốc, động viên anh chị em tập luyện. Tính cách mạnh mẽ có phần quyết đoán cùng với sự lo lắng, tận tụy của chị đã góp phần tạo nên thành công của nhiều chương trình. Tập thể CLB và bản thân chị từng đã nhận được nhiều giải thưởng, Bằng khen tại Liên hoan các CLB dân ca Ví, Giặm toàn tỉnh, của Bộ Công an và gần đây là giải A Liên hoan Tiếng hát người cao tuổi toàn tỉnh, khu vực phía Bắc và toàn quốc năm 2023. Chị Lê Hoài Thanh vốn là một nghệ sĩ múa ở Đoàn Văn công Hà Tĩnh, nay là hội viên Hội nghệ sĩ múa Việt Nam là người lớn tuổi nhất trong CLB, nhưng với niềm đam mê mãnh liệt và năng lượng dồi dào vốn có luôn là tấm gương để anh chị em trong CLB noi theo. Chị Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Chủ nhiệm trước đó chỉ tham gia các hoạt động văn nghệ ở cơ quan nay là nhân tố rất say sưa tâm huyết chưa hề bỏ sót bất kỳ buổi diễn nào của CLB. Chị Trần Thị Xuân Ánh ở phường Bắc Hà vừa được công nhận danh hiệu nghệ nhân dân gian cũng vui mừng chia sẻ: “Nhờ tham gia hoạt động với CLB, rồi được công nhận nghệ nhân là động lực để tôi cố gắng nhiều hơn nữa trong thời gian tới nhằm lan tỏa phong trào hát Ví, Giặm”. Các nghệ nhân dân gian: Đường Hải Vân, Võ Hồng Hà, Lê Thương Huyền, Phan Thị Hiếu, Lê Kim Phú, Nguyễn Thị Thìn, Lê Hồng Hải,… là những giọng ca mềm mại, ngọt ngào, những vũ công uyển chuyển và cũng là các nhà tài trợ chính cho các hoạt động của CLB cho tôi hay thêm về những đam mê cũng như sự cố gắng của bản thân trong việc nắm giữ, trao truyền và lan tỏa giá trị của dân ca Ví, Giặm của quê nhà. CLB còn có sự tham gia tích cực của một số nghệ nhân khác trong tỉnh như: Nghệ nhân ưu tú Hoàng Bá Ngọc, Nguyễn Trọng Tuấn, Nguyễn Tiến Khởi và Hồ Đức Trung cùng các nghệ nhân dân gian: Trần Văn Sang, Phan Thùy Diễm, Trần Lệ Mỹ, Nguyễn Hoàng Hạnh, Nguyễn Đức Đồng… Đặc biệt là ca sỹ Thái Bảo, Trang Hòa, Xuân Trường… luôn cộng tác, đồng hành và sẵn sàng giúp đỡ về công tác biên soạn, dàn dựng tiết mục khi CLB yêu cầu.

Còn nhớ kỷ niệm khó quên khi ở Thái Lan, tiết mục của Hà Tĩnh với tổ khúc dân ca “Từ bến nhà Rồng” do cố Nghệ nhân Nhân dân Hồng Oanh soạn lời và biểu diễn, ca khúc “Thăm bến nhà Rồng” của nghệ nhân Hoài Thu, nhất là ca khúc với màn múa phụ họa hoành tráng “Đời đời nhớ ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh” do toàn Đoàn thể hiện được mọi người yêu thích, tán thưởng. Đặc biệt, chương trình giao lưu nghệ thuật “Tháng Năm nhớ Bác” gồm những tiết mục múa hát tôn vinh, tưởng nhớ Bác Hồ cũng như ca ngợi quê hương, đất nước do các nghệ nhân, nghệ sỹ đến từ Hà Tĩnh, Quân khu 4 thể hiện đã diễn ra trong tình cảm đón nhận quý báu, ấm áp, yêu thương của bà con Việt Kiều ở Thái Lan. Kết thúc chương trình, các nghệ nhân từ sân khấu tràn xuống, khán giả ngồi dưới ào lên tặng hoa với niềm vui như những người thân lâu ngày gặp lại.

Cùng với nhiều CLB dân ca Ví, Giặm trong tỉnh, CLB dân ca Thành Sen đã góp phần quan trọng trong việc lan tỏa giá trị độc đáo những làn điệu mộc mạc ân tình của dân ca xứ Nghệ. 

P.T.H

. . . . .
Loading the player...