12-08-2018 - 08:48

Vũ điệu A Lưới

Tạp chí Hồng Lĩnh số 144 giới thiệu bút ký "Vũ điệu A Lưới" của nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú.

Tháng sáu vừa rồi sau khi giao lưu tạp chí văn nghệ 6 tỉnh Bắc miền Trung trong chương trình có chuyến  thăm quan A Lưới – Một huyện vùng cao của tỉnh Thừa Thiên - Huế. A Lưới, cái tên nghe quen trong  những năm chống Mỹ với lời  bài hát: “Người con gái Pa Cô con cháu Bác Hồ - Đi đánh giặc  vượt núi băng rừng – Dù gian lao em không nản chí …”. Rồi “Tiếng đàn Tơ Rưng” với nhịp điệu rộn ràng  tiếng rừng, tiếng suối. Tôi còn nghe  kể ở A Lưới có một gia đình  được  nhà nước phong tặng ba anh hùng lực lượng vũ trang. Đó là: Hồ Vai, và cháu của ông là nữ anh hùng Kan Lịch, và người thứ ba  em trai Kan Lịch là  A Nun làm công tác vận tải thồ hàng cho quân giải phóng, sức vóc con người nhỏ bé mà gùi trên lưng hơn tạ hàng đi không biết mỏi vượt bao dường rừng đường suối Riêng Kan Lịch, nhà văn Hồ Phương đã viết cả một cuốn sách. Đó cũng là một nhân vật huyền thoại. Lên đó tôi mới dược nghe kể chuyện về cô gái người dân tộc ở A Lưới này rất mê thuốc rê hút hàng ngày. Có lần chị Ba Định, vị tướng phó tổng tư lệnh Miền hay thấy Kan Lịch ra bìa rừng lượm cơm rơi. Chị hỏi, Kan Lịch vừa khóc vừa nói: cô ba ơi, ở A Lưới bộ đội và du lích ăn toàn sắn không có một hạt cơm, thèm lắm. Có lần anh em nói với Kan  Lịch bò vào đồn A Lưới xuống bếp tìm cách lấy được nồi cơm và nồi thịt. Rồi chuyện Kan Lịch gây tiếng động gọi giặc đang ngủ đứng dậy để bắn dễ trúng …
Vũ điệu A Lưới
Lên đây tôi mới biết vì sao dân A Lưới bao gồm các dân tộc: Pa Cô, Tà Ôi, Cơ  Tu, Pa Hi và Vân Kiều lại hay lấy họ của mình là họ Hồ. Vì gia phả của họ phần lớn để trong gùi và thời chiến phải chạy đi mất mát lưu lạc nhiều vì thế  nhớ được tên còn họ thì mất. Sau đó người A Lưới lấy tên Bác Hồ làm họ Hồ. Vì những ngày chiến tranh gian khổ hạt muối rất quý của Bác Hồ, của miền Bắc đã vào được đến đây cho da người A Lưới đỡ xanh bủng, hồng cầu đỏ hơn, nhiệt huyết cách mạng sục sôi hơn. Mỗi lần đặt họ Hồ cho một người là cả một thủ tục thắp hương trước ảnh Bác Hồ như một nghi lễ thiêng chứng nhận. Trước lúc lên A Lưới tôi ngồi với tiến sỹ y khoa Phạm Nguyên Tường bên cái quán gió bờ sông Hương. Ông bác sỹ, thi sỹ này có nhiều thơ hay và đặc biệt là rất mê A Lưới. Tường bảo: Tôi rất nhớ những lần vào A Đớt của huyện A Lưới trong những lần đi khám bệnh và phát thuộc miễn phí cho đồng bào dân tộc.  Cái vùng đất ấy có đến 16% dân số bị nhiễm chất độc  da cam. Hàm lượng đi - ô - xin trong gan, mật, ruột gà, vịt , heo, bò ở vùng nào này cao hơn mức cho phép. Vì thế lên đây ngại nhất nguồn nước bị ô nhiễm từ những ngày Mỹ cho máy bay rải chất độc hóa học. Quả thật có lên A Lưới mới biết được năm xưa nơi đây là một chiến trường ác liệt. Những di tích lịch sử còn giữ nguyên vẹn ký ức một thời. Bạn tôi kể về đồi A Bia còn gọi là đồi “Thịt băm” đó chính là cao điểm có độ cao 937m so với mặt nước biển  mọc trong thung lũng A Lưới ở phía tây giáp ranh nước Lào. Ở đây đã diễn ra những trận đánh ác liệt giữa bộ đội quân giải phóng và lính Mỹ. Quả đồi này được mệnh danh là cái cối xay thịt đến nỗi lính Mỹ ám ảnh và gọi đây là “Hamburger” của chiến trường miền Nam Việt Nam. Tôi đã từng tham quan các đường hầm địa đạo ở Vĩnh Mốc, (Vĩnh Linh) và Củ Chi. Không ngờ ở A Lưới vẫn còn lưu giữ những đường hầm địa đạo nối với những hang lớn. Nơi đây đã đặt đài phát thanh giải phóng trong những năm chiến tranh…
Đường lên A Lưới bây giờ đã  khác nhiều. Đoạn đèo A Co ngoằn nghèo hiểm trở (còn được gọi là đèo “Mạ ơi”) giờ đây đã được hạ thấp bạt núi và thêm nhiều cây cầu cạn băng qua vực sâu.  Đường trải nhựa phẳng lỳ rộng rãi uốn lượn quanh những sườn núi xanh, ngập ngàn cây tươi tốt ngay giữa mùa khô nắng rát. Thỉnh thoảng tôi lại thốt lên: Ôi cái cây gì đẹp thế, toàn thân lá đỏ thẫm đứng cô độc kiêu hãnh giữa ngàn xanh. Rồi những thảm hoa vàng rực rỡ bám bên mái núi tô đậm thêm những sắc màu hoang dã. Đứng ở ngã ba Bốt Đỏ thấy đường mòn Hồ Chí Mỹ như đôi cánh tay vạm vỡ của chàng Tơ Rứt trong chuyện cổ Cơ Tu chém diều hâu cứu nàng Ca Lang Ba Tưng xinh đẹp. Tôi có cảm giác những đồi núi chập chùng những suối sông dọc ngang, những con đường vãm vỡ tất cả hình như chao nghiêng lướt vòng eo thắt như một khúc vũ điệu hoành tráng phóng khoáng, mạnh mẽ phả vào tâm hồn người dân A Lưới những nhịp điệu câu hát với những nhạc cụ được chế tác bằng nguyên liệu núi rừng. A Lưới tựa lưng vào dải Trường Sơn hùng vĩ. Nơi đây chính là thượng nguồn của 5 con sông lớn. Chao ôi, 5 con sông xòe ra như năm ngón tay gợi mở mà thao thiết mà cuồn cuộn chảy. Trong đó có hai sông chạy sang Lào là A Sáp và A Lin. Còn ba con sông chạy sang Việt nam là ĐăkRông, sông Bồ và sông Hương. Không biết cái nguồn mạch nước của bia Hu Đa Huế có chứa chan thấm đậm tình người miền Trung, của thượng nguồn A Lưới chạy thành sông Hương không mà tôi lên đến đây cảm thấy người chênh chao như ngấm hơi bia vậy. Tôi chợt nhớ đến bài thơ "Khúc hát ru những em bé ngủ trên lưng mẹ" của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Vào Huế hội thảo lần này tôi có đến thăm nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm và được ông tặng tuyển thơ trong đó có bài thơ này. Khi biết chúng tôi ngày mai lên A Lưới, nhà thơ bảo: A Lưới hay lắm đó. Bí thư huyện là một nữ tiến sỹ văn hóa học còn rất trẻ đề tài luận văn của chị về dân ca của các dân tộc vùng A Lưới. Trẻ, dân tộc mà lại rất hiện đại. Lên đó thế nào cũng có chương trình giao lưu văn nghệ, nghe cô đó hát với vũ điệu trẻ trung thì thật tuyệt với. Tôi hỏi nhà thơ: Bài thơ đó ông viết trong hoàn cảnh nào. Nguyễn Khoa Điềm trầm ngâm: Hồi ấy mình ở trong ban tuyên huấn của khu ủy ở chiến khu A Lưới. Bài thơ đó kể về người mẹ dân tộc Tà Ôi vừa  địu con trên lưng vừa  giã gạo, trỉa bắp, góp phần sản xuất lương thực cho kháng  chiến. Và mơ ước con mình ngày mai khôn lớn được sống trong đất nước tự do. Tình yêu con thiết tha, đằm thắm và tình yêu Tổ Quốc sâu nặng đan xen nhau làm một. Bài thơ bắt đầu được hình thành bất chợt từ RuY Con là khúc hát ru của dân tộc Tà Ôi thể hiện tình máu mủ ruột rà dỗ dành khi đứa trẻ khóc đòi, đưa đứa trẻ vào  giấc ngủ ngon lành. Và bây giờ đi giữa A Lưới tôi lại càng thấm thía tâm hồn lãng mạn và phóng khoáng của người dân nơi đây. Hãy nghe họ ví von trong bài thơ của Nguyễn Khoa Điềm: Mặt trời của bắp thì nằm trên núi -Mặt trời của mẹ, con nằm trên lưng. Không hiểu sao hình ảnh mặt trời lại tỏa rạng ấm áp nồng nàn tình người như thế, chắc họ nhớ tới một bếp lửa rừng củi mộc với xâu thịt nướng thơm phức, với dây cá suối béo ngậy luôn gắn bó vào đời sống thường ngày của họ...
Nhà văn trẻ Lê Vũ Trường Giang ở tạp chí Sông Hương đã kể cho tôi nghe những dấu ấn của  mùa lễ hội ở A Lưới thường tập trung nhiều về mùa xuân cũng như các miền khác,  mùa mà  "tháng giêng là tháng ăn chơi". Nhưng lễ hội  ở đây có gì đó gắn với tâm linh với mùa màng, thiên nhiên. Ví như mùa lễ hội A Za hay còn gọi là  tết mừng cơm mới – Lễ tri ân cây lúa. Người Tà Ôi rất quý trồng cây lúa thờ Yang Xro và có hắn một bà mẹ lúa trong đụng gọi là Ka Xro. Để được phong là Ka Xro, người phụ nữ của làng phải giàu kinh nghiệm trong sản xuất. Mẹ lúa được tôn thờ kính trọng là người bảo chứng cho vụ mùa của đồng bào, Ka Xro đầy tính linh thiêng. Từ khi vào vụ gieo giống cho đến khi giặt hái phải có sự đồng ý của mẹ lúa và người Tà Ôi cũng bày biện con gà, nắm xôi để cúng mẹ Ka Xro với lời khấn nguyện linh thiêng: "Yang Xro hãy về đây – Có lúa ! sân nhà chúng tôi sẽ hát vài lợn, gà. Khi mẹ lúa đồng ý làng mới được gặt và bao giờ  Ka Xro cũng làm nghi thức tuốt vài bông lúa trên lưng rẩy đem về kho lương thực. Người Tà Ôi có quan niệm chỉ phụ nữ mới vào kho lương thực về xay giã còn đàn ông tuyệt đối không. "Hằng số mẹ" trong  tín ngưỡng nông nghiệp đã đưa ngườ phụ nữ vào những vai trò nhất định và chính họ đã tạo ra sự cân bằng, nguồn nuôi dưỡng những thân phận Tà Ôi quen cư ngụ giữa đại ngàn Trường Sơn nhiều trắc trở. Tôi hỏi Trường Giang – anh vốn là sinh viên ngành sử nên rất thích đi điền dã tìm hiểu văn hóa cổ ở những vùng hẻo lánh: Lễ hội Aza của người A Lưới là dân tộc nào. Pa Cô anh ạ! Giang kể: em đã lên A Lưới vào dịp đó mấy lần. Đó là cái tết đồng bào khi kết thúc vụ mùa tiễn đưa năm cũ đón chào năm mới. Lễ hội Aza một năm được tiến hành một lần để cầu may nương rẩy xanh tươi mùa màng  bội thu. Đây cũng là tết đoàn tụ xum vầy một nhà. Người Pa Cô đi làm ăn ở đâu cũng gắng về quê như tết Nguyên Đán của người Kinh. Tôi hỏi anh: thế mâm cúng của người Pha Cô thường được chuẩn bị như thế nào? Bởi hôm liên hoan giao lưu văn nghệ với A Lưới đoàn chúng tôi được chiêu đãi rất nhiều món lạ lắm có cả rêu suối và phần lớn được trộn lẫn vào nhau đâm nhuyễn dính kết sền sệt để có thể đựng vào lá chuối. Giang bảo: Thực vật bao gồm lúa và nếp là lễ vật chủ đạo được nấu thành cơm hoặc là bánh  bên cạnh khoai và sắn, môn và ngô… Các phẩm vật động vật là những con vật nuôi trong nhà như dê, lợn, gà, vịt hoặc thú rừng săn bắn được họ luộc hoặc nướng. Đặc biệt hầu như  nhà nào cũng cố gắng săn được một con chuột rừng để dâng lên các Giàng. Từ chuột rừng, người Pa Cô làm món  A Dút hay còn gọi là A Lạp là món trộn thịt chuột nếp sắn và đọt chuối với một vài gia vị khác. Đây là món đặc sản hỗn hợp vì hình như trong tâm thức của người Pa Cô con chuột rừng rất  tinh ranh nhanh nhẹn, dù rất bé nhưng luồn lách hết các khe hẻm núi rừng. Chuột phá hoại màu màng, ăn lúa, sắn thì nay họ trộn vào nhau tạo ra hương vị hỗn họp. Âu cũng là tính cách bao dung bác ái giữa thiện và ác. Đó là tôi nghĩ thế khi nói với Giang điều này. Giang cười: anh đúng là nhà thơ hay mơ mộng và đa cảm còn riêng em nghĩ có một điều gì còn căn cốt sâu xa cội nguồn mà ta chưa hiểu được. Ví như bánh chưng, bánh dày không thể thiếu trong tết Nguyên Đán của người Kinh lại gắn với truyền thuyết Lang Liêu từ thời Hùng Vương. Nhân nói chuyện ẩm thực hôm liên hoan ở A Lưới chúng tôi được uống một loại rượu khá đặc biệt của đồng bào nơi đây đó là rượu Đoác. Cây Đoác là cây họ dừa mọc khá nhiều ở các ngọn núi cao ở A Lưới  giống như cây thốt nốt ở Cam Pu Chia mà tôi đã đã từng được thưởng thức rượu thốt nốt trong lần đi thăm đất nước chùa tháp. Trường Giang nói rằng: trong các lễ hội của người A Lưới không thể thiếu hai loại rượu là rượu cần và rượu Đoác. Rượu cần thì nhiều dân tộc ủ được như đó là món rượu truyền thống. Rượu Đoác chỉ ở đây mới có. Thật lạ kỳ tôi được chứng kiến ông Quỳnh Hy ở thôn Ta Roi xã A Ngo lấy rượu Đoác ở cái túi chứa đầy trong thân cây Đoác có màu nước như nước vo gạo, bọt sủi. Ông Quỳnh Hy kể: tương truyền vào thời xa xưa, các dân tộc ở A Lưới vào rừng làm rẫy, lúc nắng nóng ngồi nghỉ dưới tán cây Đoác thấy nước từ cây  chảy ra, họ uống thử thì có mùi vị như rượu, từ đó rủ nhau lấy về uống. Dần dần cái rượu trời cho ấy được mọi người ca tụng và lan tỏa các vùng. Thường, mỗi cây Đoác trống ít nhất 3 – 5 năm mới cho rượu uống được. Việc lấy rượu ở cây Đoác mang về thật đơn giản: Chỉ cần lấy dao rạch một chỗ trên cái túi cho nước chảy theo ống lồ ô dẫn xuống can hoặc chai, mỗi cây lấy được từ 20 - 25 lít rượu. Đây là loại rượu lấy tự nhiên không pha hóa chất uống không đau đầu.Và ông  đã cất công vào rừng tìm thêm các loại thảo dược vị thuốc ngâm với rượu Đoác như đỗ trọng, nhục thung dung, dâm dương hoắc, bồ đào nhục, sa tiền tử… Rượu ngâm với thảo mộc được tuân thủ nghiêm  ngặt công thức pha chế. Sau nhiều lần thử nghiệm thương  hiệu rượu "nhất dạ  ngũ giao" bổ thận tráng dương của ông được nhiều người miền xuôi lặn lội lên đây để đặt mua thưởng thức loại rượu quý này mà thiên nhiên đã ban tặng cho A Lưới. Tôi  nghĩ đây cũng  là một chất men say cội nguồn để tạo hưng phấn cho những vũ điệu hồ hởi rộn ràng mà sinh động phóng khoáng của người dân A Lưới.  
Đến A Lưới tôi bắt gặp một vẻ đẹp rất riêng đó là những tấm vải thổ cẩm với các hoa văn đường nét hài hòa, tinh xảo với lối phối màu mang lại một nhịp điệu sắc thái riêng. Tìm hiểu mới biết người dân tộc ở đây có một nghề truyền thống lâu đời  làm ra các bộ sắc phục cho riêng mình đó là nghề Dệt Zèng có từ lâu đời.  Đây là những sản phẩm có giá trị nhiều mặt, vừa là vật dụng bảo đảm nhu cầu sinh hoạt vừa là tác phẩm nghệ thuật thể hiện nét đặc trưng độc đáo trong kho tàng văn hóa của người A Lưới. Nghề dệt Zèng được lưu truyền qua  nhiều thế hệ trong đó vai trò người phụ nữ, người mẹ rất quan trọng. Bởi khi cô gái lớn lên đều phải biết dệt tấm  Zèng để khi đến tuổi lấy chồng tặng người trong gia đình nhà chồng. Nguyên liệu để dệt là những sợi bông khai thác từ thiên nhiên nhuộm với nhiều sắc màu lấy từ vỏ cây hay củ nâu. Các loại hoa văn mô phỏng những con suối, dóc cao, cây cỏ chim rừng, đồ vật, những ngôi sao trên trời… có ý nghĩa đối với đời sống văn hóa và tâm linh của người A Lưới khát khao sự giao hòa trời – đất và con người. Đỉnh cao của nghệ thuật dệt Zèng ngoài những sáng tạo hoa văn độc đáo đủ các sắc màu là kỹ năng chèn cườm kết hợp với hệ sắc màu trên nền vải. Người thợ dệt đưa các hạt cườm trực tiếp vào các sản phẩm, đây là công đoạn phức tạp đòi hỏi nghệ nhân có tay nghề cao. Đối với người A Lưới những sản phẩm từ  Zèng đóng vai trò quan trọng trong đời sống hằng ngày nên khi chủ nhân chết thì được chôn theo người mất. Người thân chỉ giữ lại một số rất ít những vật mà người sống thường hay dùng để tưởng nhớ những người đã khuất.Thường những đồ đó: Cái khố, tấm áo thắt lưng... được cất dưới tủ nơi đặt bàn thờ. Những sản phẩm này chỉ được mang ra khi tổ chức cúng tế những người đã khuất. Năm 2016 "Nghề dệt Zèng" được Bộ văn hóa, thể thao và du lịch công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Khi đến đây tôi bắt gặp những nhóm người cùng ngồi dệt với nhau trong ngôi nhà chung như kiểu nhà rông ở Tây Nguyên dưới sự hướng dẫn của những nghệ nhân cao tuổi họ vừa dệt vừa hát dân ca. Tiếng con xa quay, tiếng thoi dệt hoà chung thành một âm điệu, âm vang A Lưới…
Nhạc cụ dân tộc A Lưới
Người dân A Lưới rất trân trọng và lưu giữ quá khứ lịch sử. Nhà văn hóa A Lưới được xây dựng khang trang trên một ngọn đồi dưới chân đồi là một bãi cỏ rộng có sân khấu ngoài trời khá quy mô với giàn âm thanh ánh sáng khá hiện đại. Trong nhà trưng bày có nhiều sản phẩm nông cụ sản xuất và cả những tấm vải thổ cẩm, những tấm ảnh đen trắng ngày trước và ảnh màu bây giờ được phóng to. Bên cạnh đó là những vũ khí thô sơ của dân A Lưới những ngày đánh giặc. Tôi cứ đứng ngẩn ngơ bên chiếc trực thăng chiến lợi phẩm bây giờ được đặt trên bệ xi măng cho du khách đến chụp ảnh. Tối hôm đó có chương trình giao lưu văn nghệ giữa A Lưới với đoàn văn nghệ sỹ nên trên bãi cỏ rộng đã sắp đặt những chum rượu cần những mâm cơm gồm các sản phẩm ẩm thực của người dân A Lưới do họ tự tay làm ra đãi khách. Gần như các món ẩm thực ở đây tôi mới thấy lần đầu, ngoài món cơm nếp truyền thống và tất nhiên không thể thiếu những chai rượu Đoác nổi tiếng. Chiều xuống dần núi rừng A Lưới bạt ngàn xanh sắp thiêm thiếp vào đêm tăng thêm vẽ bí ẩn hoang sơ và gợi mở. Tôi bỗng nghe tiếng reo hò vui vẻ làm náo động rộn ràng tươi trẻ của sân nhà văn hóa. Thì ra một giàn hoa khôi người đẹp của núi rừng A Lưới bất ngờ xuất hiện như các cô tiên trong truyện cổ tích. Tất cả họ đều đèo nhau bằng xe máy từ các ngã đường các bản làng về đây và nhanh nhẹn trút bỏ bộ quần áo chống nắng bên ngoài. Trời ơi! tôi không thể ngờ được trước mắt tôi là những tiên nữ  trẻ măng, hồn nhiên với những bộ váy áo muôn màu hoa văn được cắt khéo léo từ những tấm thổ cẩm dệt Zèng bó gọn thon thả những tấm lưng eo thắt. Tất cả đều vai trần  tóc búi gọn và cổ đeo những vòng  cườm xinh xắn. Đó là những diễn viên múa nghiệp dư ở các đội văn nghệ về đây tụ hội. Họ kéo tôi vào cùng chụp chung những chiếc ảnh bên chiếc trực thăng.  Đêm giao lưu có  đốt lửa trại chưa đến, nhưng vũ điệu A Lưới cùa họ đã bắt đầu hồ  hởi, chân tình, mộc mạc, đắm say đó là tất cả những sắc thái gam màu, âm điệu tôi đã cảm nhận được ngay giữa ngây ngất núi rừng. Có một A Lưới trong tôi đi mãi suốt cuộc đời...

                       Hà Tĩnh, ngày 9 tháng 07 năm 2018
                                    N.N.P
. . . . .
Loading the player...