17-03-2020 - 06:53

CA TRÙ CỔ ĐẠM – 10 NĂM NHÌN LẠI

Đến với mảnh đất Cổ Đạm nơi mà xưa nay được coi là "đất tổ" của Ca trù rất nhiều người dường như vẫn còn bâng khuâng với những câu ca:“Miền Nghệ Tĩnh phong lưu đệ nhất/ Có nơi đâu hơn đất Giáo phường”; “Giáo phường Ty đệ nhất/ Tiếng tài hoa từ thuở cỏn con” hay “Đờn Cổ Đạm, phách Kỳ Anh/ Đưa với đón, trọn tình chung với thủy”…Với người dân Cổ Đạm trước đây, Ca trù được xem là tài sản tinh thần vô giá, trong làng ai cũng biết hát, biết nghe Ca trù. Thậm chí, Ca trù Ca trù được coi trọng đến mức trở thành tiêu chí để đánh giá chuẩn mực của một cô gái, là của hồi môn quý giá khi về nhà chồng. Lối hát giòn sắc, trầm bỗng, thanh cao của Cổ Đạm cho đến ngày nay vẫn được các thế hệ nghệ nhân âm thầm gìn giữ. Và Ca trù dường như đã như ngấm vào máu, vào thịt mỗi người dân.

Tác giả và các  thế hệ Ca trù ở Cổ Đạm, 2005.  

     Lớp nghệ nhân cuối cùng của Giáo phường Ty Cổ Đạm nức tiếng một thời như cụ Phan Thị Khánh, Phan Thị Mơn, Phan Thị Nga, Trần Thị Gia, Hà Thị Bình, Trần Thị Lý…đã lần lượt ra đi về với thiên cổ, nhưng may thay họ đã kịp thời truyền lại cho lớp trẻ hiểu rõ ý nghĩa của lời từng điệu hát, truyền lại những kỹ năng đặc biệt của lối hát, điệu múa cổ trong Ca trù. Nhờ vậy, lớp nghệ nhân kế cận ở Cổ Đạm cũng là những người tài năng và tâm huyết như các anh, chị: Trần Văn Đài, Võ Thanh Tuấn, Lê Xuân Hải, Trần Quốc Dũng, Phan Anh, Dương Thị Xanh, Đặng Thùy Vân, Phan Thị Sâm, Trần Thị Cảnh, Nguyễn Thị Hà, Cao Thị Phương Anh, Nguyễn Thị Quỳnh Như…là những tài năng trẻ đầy tâm huyết, biết trân trọng di sản quý báu mà cha ông đã dày công gìn giữ để phát huy trong đời sống đương đại.
     Ngày mồng 1 tháng 10 năm 2009, Ca trù  Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, cần được bảo vệ khẩn cấp.  Chiều ngày 16 tháng 4 năm 2010 tại Nhà hát lớn, Hà Nội Bộ Văn hoá, Thể thao & Du lịch cùng với Uỷ ban UNESCO của Việt Nam và các địa phương có liên quan đã tổ chức buổi lễ trao nhận bằng.   

Đ/c Nguyễn Thiện – Nguyên PCTTT UBND tỉnh Hà Tĩnh (thứ 6 bên trái sang) thay mặt lãnh đạo tỉnh nhận bằng.

     Hưởng ứng Chương trình, hành động quốc gia và của tỉnh, các nghệ nhân, đào kép của các Câu lạc bộ Ca trù Cổ Đạm tham dự Liên hoan Ca trù các cấp, liên hoan Tiếng hát Dân ca toàn quốc đạt nhiều giải cao; tổ chức giao lưu và biểu diễn tại Cố đô Huế, thủ đô Hà Nội và thành phố Hà Tĩnh đạt nhiều huy chương vàng, bạc. Đặc biệt, từ ngày tỉnh Hà Tĩnh xây dựng Nhà hát Ca trù trong Khu lưu niệm Nguyễn Công Trứ, hình như du khách về với Nghi Xuân ngày một đông hơn. Không ít du khách trong nước và du khách nước ngoài đã mời Câu lạc bộ Ca trù Cổ Đạm huyện đến đây biểu diễn tại đây và khi xem họ xem không ngớt lời tán thưởng. Hà Tĩnh cũng là địa phương đầu tiên trên cả nước có hẳn một công trình khoa học cấp tỉnh về Di sản Ca trù. Đề tài “Nghiên cứu các giải pháp bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản văn hoá Ca trù ở Hà Tĩnh” do Nhà nghiên cứu Phan Thư Hiền (Chủ nhiệm đề tài) và nhóm tác giả thuộc Sở VHTT&DL thực hiện. Năm, 2018, trên cơ sở đề án bảo tồn và phát huy các giá trị Di sản văn hóa phi vật thể do Sở Văn hóa, Thể thao & Du lịch xây dựng, ngày 18 tháng 7 năm 2018, Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Tĩnh đã ban hành Nghị quyết số 93/2018/NQ-HĐND về Bảo tồn và phát huy các danh hiệu đã được UNESCO ghi danh: Dân ca Ví Giặm Nghệ Tĩnh, Ca trù, Truyện Kiều, Mộc bản trường học Phúc Giang và Hoàng hoa sứ trình đồ. Nhờ vậy, Ca trù Cổ Đạm cũng có nhiều cơ hội tốt hơn để phát huy tác dụng. Bên cạnh đó, Hà Tĩnh cũng rất chú trọng công tác tuyên truyền, quảng bá. Tiêu biểu là xuất bản các ấn phẩm: Kỷ yếu Ca trù Cổ Đạm (Sở VHTT xuất bản); Ca trù Hà Tĩnh trong nôi Ca trù người Việt, Nguyễn Công Trứ với Hát Ca trù (Phan Thư Hiền); Giai thoại về các bậc tiền nhân mê hát Ca trù và các đào nương lưu danh sử sách (Phan Thư Hiền và Phan Thị Hồng Lam); Hát nói - Ca trù (Sáng tác lời mới của Chi hội Văn học Nghệ thuật Huyện Nghi Xuân)...Nhân kỷ niệm 250 năm năm sinh danh nhân Nguyễn Công Trứ, UBND huyện Nghi Xuân xuất bản bộ đĩa CD và VCD Ca trù Cổ Đạm…Năm 2018, Hà Tĩnh tiếp tục nhận đăng cai Liên hoan Ca trù toàn quốc lần thứ 2.

Đ/c Đặng Quốc Vinh – PCTTT UBND tỉnh Hà Tĩnh phát biểu chào mừng tại LH Ca trù toàn quốc do Hà Tĩnh đăng cai, 2018

     Nhiều năm qua, dưới sự lãnh đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh, Ủy ban nhân dân huyện Nghi Xuân đã thực hiện nhiều giải pháp để lưu giữ và bảo tồn di sản Ca trù như: Thành lập các câu lạc bộ dân gian trong các khu dân cư nông thôn mới kiểu mẫu; tổ chức hội thi Tiếng hát học đường, đưa Ca trù vào trường học; xây dựng Ca trù trong tour du lịch trải nghiệm nông thôn mới, du thuyền trên sông Lam, phục vụ các lễ hội; khôi phục đền Xứ…Sau hơn 10 năm Ca trù được ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp , ở Cổ Đạm, dòng mạch văn hóa dân gian vẫn âm thầm chảy trong những mạch đất của làng Cổ Đạm. Lối hát Ca trù giòn sắc, ít luyến láy đặc trưng của Cổ Đạm vẫn được các nghệ nhân âm thầm gìn giữ. Tại mảnh đất này, các thế hệ ca nương, kép đàn đều trình diễn được nhiều thể cách hát, múa khác nhau như: Hát múa Tứ quý, Hát múa Chúc hỗ, Hát múa Nhịp ba cung bắc, Gửi thư, Hát nói, Hát mưỡu, Vọng đại thạch, Tỳ bà hành…Đó cũng chính là những tiết mục đã đạt nhiều huy chương vàng, bạc tại các kỳ liên hoan Ca trù toàn quốc.  Nhiều du khách khi đến Nghi Xuân mmõi lần, đều bày tỏ nguyện vọng được nghe hát Ca trù tại xã Cổ Đạm và đền thờ Nguyễn Công Trứ. Và dường như, Ca trù ít nhiều cũng đã thành nguyên cớ để nhiều du khách muốn trở lại miền đất hát Cổ Đạm. Những năm gần đây tại Hà Tĩnh, nhiều sáng tác âm nhạc ra đời lấy âm hưởng từ Ca trù, tiêu biểu các nhạc phẩm: Duyên nợ Nghi Xuân của Ngọc Thịnh; Nơi ấy quê mình của Mạnh Chiến; Về miền quê anh (thơ Đặng Duy Báu, nhạc Mạnh Chiến); Nắng mới quê Xuân (thơ OH – Minh Huyền, nhạc Mạnh Chiến); Đất học quê thơ (thơ Yến Thanh, âm nhạc Mạnh Chiến); Dặm trường câu hát (thơ Đậu Hoài Thanh, nhạc Mạnh Chiến); Xuân về trên đất Nghi Xuân (Thơ Phan Trung Hiếu, nhạc Quốc Nam); Đêm trăng rơi (thơ Phạm Đức Ban, nhạc Đỗ Hồng Quân); Mênh mang Ca trù (thơ Phạm Đức Ban, nhạc Trương Quốc Đính); Nghe Ca trù Cổ Đạm (thơ Phan Thư Hiền, nhạc Mạnh Chiến); Ngàn Hống thông reo (thơ Nguyễn Hồng Oanh, nhạc Quốc Chung)… 
     Năm 2010, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam đã về khảo sát, thẩm định và công nhận Câu lạc bộ Ca trù Cổ Đạm và Câu lạc bộ Ca trù Nguyễn Công Trứ là hai Địa chỉ Văn hóa Văn nghệ dân gian Việt Nam. 

      Theo đó, các nghệ nhân Phan Thị Mơn, Phan Thị Nga, Hà Thị Bình, Trần Thị Gia, được Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tặng bằng công nhận Nghệ nhân dân gianHuy chương Vì sự nghiệp bảo tồn Văn nghệ dân gian. Năm 2015, nghệ nhân Trần Thị Gia cùng với cặp vợ chồng Dương Thị Xanh và Trần Văn Đài được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú
     Bên cạnh những kết quả đạt được như đã nêu trên, Ca trù Cổ Đạm cũng đang đứng trước nhiều khó khăn và thách thức. Đó là: Số lượng nghệ nhân lão luyện nay đã mai một dần; lớp trẻ rất ít em mặn mà với việc hát Ca trù; không gian diễn xướng đã có nhiều thay đổi.  Mặt khác, Ca trù là loại hình nghệ thuật không đại chúng và rất “kén” người nghe, trong lúc, Ca trù cũng đòi hỏi kỹ thuật nẩy hạt, nhả chữ điêu luyện của ca nương và sự hòa hợp của kép đàn. Vất vả là thế, nhưng Ca trù không đích thực mang lại lợi nhuân cho người thực hành, hoạt động này chủ yếu vẫn dựa vào tấm lòng, sự cống hiến của các nghệ nhân, nên rất nhiều thế hệ ca nương, kép đàn đã từ bỏ đam mê và hoài bão của mình, rẽ sang con đường khác tìm kế mưu sinh. Do vậy, thời gian qua cả nước nói chung, Hà Tĩnh nói riêng đã có nhiều cố gắng trong việc bảo vệ Ca trù, song sức sống của Ca trù, so với yêu cầu hiện nay vẫn chưa đáp ứng và vẫn cần phải được bảo vệ hơn nữa để tăng khả năng tồn tại và phát triển. Việc duy trì thường xuyên các buổi biểu diễn Ca trù tại các Câu lạc bộ và nâng cao chất lượng nghệ thuật của loại hình này là vấn đề đặt ra đối với công việc bảo vệ Ca trù. Bên cạnh đó, cần phải nâng cao nhận thức về Ca trù để có thêm nhiều công chúng thưởng thức, khẳng định vị thế trong xã hội hiện đại. Đồng thời cần phải hỗ trợ các nghệ nhân lớn tuổi và khuyến khích những ca nương, kép đàn trẻ học hỏi và tham gia truyền dạy Ca trù cho các thế hệ sau. Nguy cơ mai một và vĩnh viễn mất đi Ca trù là rất dễ xảy ra, đòi hỏi chúng ta phải nhanh chóng sưu tầm, nghiên cứu, bảo tồn Ca trù như một vốn quý văn hóa của dân tộc.  
     Đã hơn 10 năm trôi qua (2009-2020), khi Ca trù người Việt được ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể của nhân loại cần được bảo vệ khẩn cấp, theo lộ trình, nếu như chúng ta không hoàn thành nhiệm vụ đưa Ca trù vượt qua cái ranh giới “cần được bảo vệ khẩn cấp” thì có thể UNESCO sẽ bãi bỏ danh hiệu cao quí mà chúng ta nhận được. Và để thực hiện được điều đó, quả thực là không hề đơn giản, nó đòi hỏi một kế hoạch cụ thể, tính khả thi cao, đồng thời đòi hỏi một sự đầu tư thích đáng và cả sự chung tay, góp sức của toàn cộng đồng./.
                                                                                           

Phan Thư Hiền

. . . . .
Loading the player...