26-07-2023 - 23:31

MÙA GIÓ NAM PHÁ BỘI

Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài viết “Mùa gió Nam phá bội” của tác giả Đặng Viết Tường, Hội viên chuyên ngành Văn nghệ dân gian, Hội LHVHNT Hà Tĩnh.

 

MÙA GIÓ NAM PHÁ BỘI

Đặng Viết Tường

 

 

      Tháng 7 với những trận gió Nam phá bội. Gió Nam ở đây được ông cha giải thích là gió từ vùng Nam Lào thổi tới. Từng cơn gió mạnh vượt qua dãy Trường Sơn gầm rú, cuồn cuộn thổi từ sáng sớm đến chiều tối. Người dân Nghi Xuân quê tôi đặt tên mùa gió này là Nam cửa Trẹm. Cửa Trẹm còn gọi là truông Màn Trường, nằm giữa các ngọn núi Đông và Tây dãy Hồng Lĩnh. Trong quá khứ diễn ra nhiều trận gió lớn, thổi bay cả phông màn đình đám. Vì thế dân quê tôi gọi là Nam phá bội, hoặc bão Lào. So với gió từ Tây Bắc thổi tới, bão Lào không nóng, nhưng bụi cát bay mù mịt, gió rít lên suốt cả tháng Bảy.

         Người dân quê tôi gọi Nam cửa Trẹm để phân biệt với Nam đáy Trụ. Nam đáy Trụ cũng là gió Lào, gió “phơn”  mang hơi nóng hầm hập, gay gắt trong mùa Nam nắng. Khác với Nam cửa Trẹm, gió Nam đáy Trụ từ vùng Tây Bắc  nước Lào thổi tới đáy Trụ trên sông Lam. Trong đợt gió Tây Bắc thổi tới, đất miền Trung không khác cái chảo lửa, nóng như lò thúc mầm, vất vả đủ điều.  

       Tháng Bảy, nắng hạn, ruộng khô khốc, nứt nẻ chân chim. Câu cửa miệng “Tiết tiểu thử nắng nồng, tiết đại thử nắng hạn” đều rơi vào tháng Bảy. Không biết từ khi nào mà người dân làng tôi thuộc làu câu tục ngữ: “Tiểu thứ thì vại (gieo hạt giống) đại thứ xuống cấy.” Nắng tháng Bảy khô khốc, tre pheo, cỏ cây cháy sém. Mùa gió Lào nắng nóng cây lúa sống lay lắt, cháy nắng không sinh trưởng được. Lúa chết dần chết mòn cả đám. Người nông dân nhìn thấy cây lúa chết nắng lòng xót xa mà không làm gì được. Người nhà nông quê tôi chỉ biết cầu mong trời đổ mưa xuống giúp cây lúa sống và nảy nở. Ngày xưa, hễ trời đại hạn lâu ngày, vào tháng Bảy làng tôi có làm lễ cầu mưa ở đền Tam toà Đại vương Lý Nhật Quang. Điều này được sách Địa chí ghi chép hẳn hoi: “Mỗi khi bị đại hạn, có trên sức về, huyện làm lễ cầu đảo, không khi nào là không ứng nghiệm.” Ngày nay, lễ cầu mưa đã chìm vào dĩ vãng, gặp phải năm hạn hán, người nông dân vất vả gồng mình tát nước chống hạn cứu cây lúa.

         Rằm tháng Bảy có Tết Trung nguyên, làng xã và cộng đồng người dân long trọng làm ngày lễ này. Với cộng đồng sùng tín Phật giáo, dịp lễ hội rằm tháng Bảy được gọi là lễ Vu lan báo hiếu bề trên. Trong dịp tháng Bảy, người dân trong cộng đồng làng xã có tục đốt bội, (có nơi gọi là đốt mã) cúng người chết, đang trong thời gian còn để tang khó. Theo phong tục, đốt bội đầu gọi là bội biếu mục đích dâng cho thần linh để phân phát hồn ma xung quanh nghĩa địa. Đốt bội sau, lần 2 mới thực sự cho người thân vừa mất. Đồ bội làm bằng giấy, tượng trưng đồ dùng hàng ngày của con người, như áo quần, khăn yếm, giày, dép, mũ nón,…Có nhà sắm cả trâu, bò, tàu thuyền, xe cộ, nhà cữa, biệt thự bằng giấy. Đồ lễ bày biện bên mộ phần người thân, gió Nam Lào tháng Bảy thổi mạnh, bay tứ tán khắp nơi. Hình ảnh này được gọi là gió Nam phá bội. Khi lễ xong, châm lửa đốt bội, gió thổi dễ gây ra hoả hoạn nguy hiểm.  

 

Du khách đến với Đồng Lộc (Ảnh: Văn Bảy)

 

         Dịp tháng Bảy, ngày xưa làng xã có tổ chức lễ cúng thập loại chúng sinh. Lễ này được tổ chức tại đền miếu, nền hội ở nghĩa địa, hoặc đàn chẩn tế. Những phường đồ tể làm nghề sát sinh thì tổ chức tại nền tế ở chợ làng. Lễ vật cúng thông thường là hoa quả, hương vàng, đồ mã, quần áo, cháo nổ. Nhiều nơi còn làm những ông “phương tướng” bằng giấy cao lớn. Trong dịp này, chủ tế thay dân làng đọc “Văn tế thập loại chúng sinh” do đại thi hào Danh nhân văn hoá Nguyễn Du sáng tác lúc sinh thời. Lễ này nhà chùa tổ chức rất lớn. Lễ chẩn tế, cúng cô hồn theo quan niệm dân gian nhờ phép Phật “siêu sinh Tĩnh Độ”,” cứu khổ độ u”: “Đàn chẩn tế vâng lời Phật Giáo / Của có khi bát cháo nén nhang / Gọi là manh áo thoi vàng / Giúp cho làm của ăn đường thăng thiên”. Đàn chẩn tế cúng cô hồn thập loại chúng sinh có đồ chay, hoa quả chuối, oản, đồ mặn, xôi gà, dò lợn, nồi cháo, bỏng nổ. Cúng tế xong, chủ tế đại diện làng xã ra lệnh phá cỗ đàn chẩn tế. Già trẻ, trai gái được lệnh chạy vào đàn chẩn tế, tranh nhau cướp đồ tế lễ như xôi gà, dò lợn, cháo nổ, chuối oản…

        Ngoài lễ Vu Lan báo hiếu, tết Trung nguyên cổ truyền thì tháng Bảy có nhiều ngày lễ trọng đại, được ghi nhận. Đó là ngày 1/7 kỷ niệm Bảo hiểm Y tế Việt Nam, 15/7 ngày kỷ niệm truyền thống TNXP, 27/7 là ngày Thương binh- Liệt sĩ toàn quốc, 28/7 ngày thành lập Công đoàn Việt Nam. Tháng Bảy ở Hà Tĩnh quê ta với lễ hội chiến thắng Ngã ba Đồng Lộc, ngày 24 tháng 7 hàng năm. Sự kiện ngày 24/7/1968, 10 cô TNXP thuộc tiểu đội 4, đại đội 552, tổng đội 55 tuổi đời 18, 20 còn rất trẻ, đang làm nhiệm vụ ở ngã ba Đồng Lộc, bị bom  máy bay Mỹ ném trúng hầm đã hi sinh. Hiện phần mộ của 10 cô TNXP đang yên nghỉ trong quần thể Khu di tích quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc.

           Để tri ân những người đã hi sinh, hoặc bị mất một phần xương máu, sức khoẻ vì quê hương đất nước trong công cuộc kháng chiến kiến quốc, bảo vệ lãnh thổ vùng biển vùng trời yêu quý.  Vào dịp tháng Bảy ở Khu di tích quốc gia đặc biệt Ngã ba Đồng Lộc và nhiều nghĩa trang, đài tưởng niệm liệt sĩ trên đất nước hình chữ S diễn ra nhiều hoạt động thăm viếng phần mộ, bia ghi danh, thắp đèn nến, hương hoa, thả hoa đăng, cầu siêu các anh hùng liệt sĩ. Cũng trong dịp này các hoạt động thăm viếng an sinh xã hội, tặng quà đãi ngộ những người có công vì nước. Mùa gió Nam phá bội chứa chan nghĩa tình Tháng Bảy./.

 

Đ.V.T

 

. . . . .
Loading the player...