04-07-2023 - 15:32

Thám hoa Nguyễn Huy Oánh gắn với những Văn bia ở Trường Lưu – Lai Thạch

Nguyễn Huy Oánh (1713 - 1789) tự là Kính Hoa, hiệu Lựu Trai, Thiên Nam cư sĩ. Tài năng của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh trải dài trên các lĩnh vực như: Thiên văn, địa lý, lịch sử, triết học, hội họa. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài viết “Thám hoa Nguyễn Huy Oánh gắn với những Văn bia ở Trường Lưu – Lai Thạch” của tác giả Đặng Viết Tường, Hội viên chuyên ngành Văn nghệ dân gian, Hội LHVHNT Hà Tĩnh.

THÁM HOA NGUYỄN HUY OÁNH GẮN VỚI NHỮNG VĂN BIA Ở TRƯỜNG LƯU – LAI THẠCH

                                                                      Đặng Viết Tường

 

 

      Xã Lai Thạch, huyện La Sơn, phủ Đức Quang, trấn Nghệ An xưa - nay là xã Kim Song Trường, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh - là quê hương của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh. Xã Lai Thạch, thôn Trường Lưu một làng cổ nổi tiếng bởi hệ thống di sản văn hoá đặc biệt: Mộc bản trường học Phúc Giang, Hoàng Hoa sử trình đồ, Văn bản Hán Nôm làng Trường Lưu (Lai Thạch) là 3 di sản tư liệu ký ức thế giới khu vực châu Á- Thái Bình Dương. Những di sản trên đều có bút tích của Thám hoa Nguyễn Huy Oánh và con cháu ông thuộc dòng họ Nguyễn Huy ở xã Kim Song Trường, nơi có di tích Lịch sử - Văn hoá cấp quốc gia nhà thờ Nguyễn Huy Oánh và Nguyễn Huy Tự con trai ông.

      Theo sách “Văn bia Hà Tĩnh”, ở xã Kim Song Trường ngày nay có 4 bia đá, nguồn tư liệu Hán Nôm gốc vô cùng quý giá liên quan đến Thám hoa Nguyễn Huy Oánh và dòng họ Nguyễn Huy. Thứ nhất, là bia Tiến sĩ đề danh Nguyễn Huy Oánh ở thôn Trường Lưu, xã Lai Thạch. Bia 1 mặt chữ, khổ 75 x 45cm, chữ 26 dòng, chạm khắc mặt trăng, hoa lá. Đó là “Văn bia đề danh họ Nguyễn. Bia đề danh tiến sĩ khoa Mậu Thìn” do Hàn lâm Dương Công Thụ soạn  tháng 10 niên hiệu Cảnh Hưng thứ 9, năm 1748. Thượng thư Nguyễn Công Thái nhuận sắc. Khoa này bia  đề danh họ Nguyễn ghi có 11 người đỗ tiến sĩ, trong đó Nguyễn Huy Oánh đứng đầu bảng, thứ 2 là Đệ nhị giáp Tiến sĩ Trịnh Xuân Thụ. Văn bia này có câu chép rằng: “Ban cho 1 người trúng Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ, Đệ tam danh là Nguyễn Huy Oánh, Tri phủ La Sơn, đỗ năm 36 tuổi”.

       Thứ 2 là bia đá có tựa đề “Phả ký của Thám hoa họ Nguyễn- Văn bia về Nguyễn Thám hoa ở Thạch Trường Lưu”. Là bia họ Nguyễn ở xã Lai Thạch. Bia 2 mặt. Mặt trước khổ 74 x 50cm, chữ khắc 28 dòng, chạm mặt trời, hoa lá tinh xảo. Văn bia này do Thám hoa Nguyễn Huy Oánh soạn vào Cảnh Hưng thứ 14, năm 1754. Nội dung ghi chép về tổ quán họ Nguyễn, sơ lược từ thế tổ đời thứ 8, đời thứ 6, thứ 5 đến hiển tổ (tức ông nội Thám hoa - TG) và cha đẻ của Thám hoa trước tên là Công Tú, sau đổi thành Huy Tựu. Ông thi đậu sinh đồ, hương giải. Năm Tân Sửu, thi Hội đỗ Tam trường, làm quan trải qua các chức Huấn đạo Trường Khánh, tri phủ Trường Khánh, Thiêm sự viện thiêm sự, Tham nghị xứ Thái Nguyên. Ông mất ngày 25 /9 năm Canh Ngọ (1750) niên hiệu Cảnh Hưng, được tặng chức Tả thứ tử, Khiết Nhược nam. Phần Nguyễn Huy Oánh tự viết về bản thân ông: “Ta sinh giờ Canh ngày Tân Dậu mồng 10 tháng 9 năm Quý Tị, niên hiệu Vĩnh Thịnh (1713), tên là Tàm, tự Huy Oánh. Năm 6 tuổi nhập học, 8 tuổi đã thuộc chữ, 20 tuổi thi Hương, khoa Nhâm Tí (1732)”. Sau khi thi Hương, ông cưới vợ và xây nhà ở phía Nam làng: “Năm Giáp Tí niên hiệu Cảnh Hưng (1744) nhận chức tri huyện Năm Đinh Mão được thăng làm tri phủ phủ Trường Khánh. Năm 33 tuổi, ngày mồng 1 tháng 4 thi Hội, khoa Mậu Thìn (1748), trúng Nhị trường, ngày 17 iết bảng văn đình, đỗ thứ 5 rạng danh xóm làng. Ngày mồng 5 tháng 5 về đến nhà, mẹ hiền rạng rỡ sắc mặt. Ngày 25  tháng ấy, thi điện, ngày mồng 1 tháng 6 xướng danh đỗ Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ. Ngày 25 tháng 8 phụng chỉ vinh quy. Ngày 19 tháng 9 lên kinh nhậm chức Đãi chế ở viện Hàn lâm.” Năm Kỉ Tị (1749) phụng sai đạo Thanh Hoa (Thanh Hoá). Năm 1750, làm chức Hiệp đồng đạo Nghệ An. Ông cùng Phạm Đình Trọng vây đánh Bảo Giang căn cứ của thủ lĩnh khởi nghĩa Nguyễn Hữu Cầu. Cũng năm ấy, cụ Nguyễn Huy Tựu mất, ông xin về chịu tang cha. Năm Nhâm Thân (1752) xây dựng nhà cửa, chợ, cầu.

      Năm Quý Dậu (1753) vì việc quân mà được thăng làm Đông các Hiệu thư Khâm sai Đề điệu các xứ Hải Dương, Yên Quảng…Bia chợ Quan dựng ở thôn Trường Lưu, xã Lai Thạch. Bia 2 mặt, khổ 105 x 50 cm, chạm khắc mặt trăng, hoa lá. Toàn văn chữ Hán, do Thám hoa Nguyễn Huy Oánh soạn tại nhậm sở Sơn Nam vào ngày 21 tháng 10, năm Cảnh Hưng thứ 17, tức năm 1756, khi làm Thừa chính sứ Sơn Nam. Theo Nguyễn Huy Oánh, chợ Quan, tên cũ là Cồn Lều, cơ ngơi của nhà Nguyễn Huy Oánh. Văn bia chợ Quan chép: “Ta thưở trẻ dạy học, từng giảng bài, luyện tập ở nơi này. Môn sinh dung nạp về đây, lúc đông đủ có mấy trăm người, đủ biết nơi này rộng rãi thế nào! Từ buổi đó ta đã có ý lập chợ.” Khi còn trẻ, ông đồ Nguyễn Huy Oánh đã nung nấu ý định lập chợ giúp dân phát triển kinh tế nhưng chưa thực hiện. Mùa xuân năm 1748 thi đậu Thám hoa, rồi bận rộn việc nước, việc quân chưa làm được chợ. Văn bia chợ Quan ghi chép: “Rồi nhân có việc tang trong nhà, vào dịp tết Trung nguyên năm Nhâm Thân (1752) lại có việc dựng trướng che quan tài, cất nhà tế lễ ở xứ này ( tức Cồn Lều). Việc tế lễ hoàn tất, bèn nhân cái nền ấy mà lập nên chợ. Lúc bấy giờ bốn thôn là Trường Lưu, Sơn Nê, Đông Tây, Gia Hưởng cùng góp sức nguyện chung công việc.” Theo văn bia chợ Quan, ông lấy ngày mồng 4, 14, 24, mồng 8, 18, 28 hàng tháng làm ngày họp chợ phiên. Nghĩa là lấy ngày 4 và 8 làm mở đầu phiên chợ tháng. Bấy giờ chợ Quan trở thành trung tâm thương mại sầm uất, hàng hoá, sản vật ở Trường Lưu, Lai Thạch nhiều vô kể. Theo “văn bia chợ Quan ghi chép: “Của cải được phơi bày, thóc gạo chứa la liệt, nhờ đó có thể thấy được sự giàu có của thiên hạ. Việc giao dịch có chỗ, người buôn bán mong chờ, từ đó có thể biểu thị được đức nhân của bậc vương giả. Ấy là cái lý do lập chợ này vậy thay! Huống chi cầu Quan, (cầu bắc qua sông Phúc Giang vào chợ Quan) cảng mới, lối nhỏ, đường thông được cất cùng một lúc thì không chỉ cảnh sắc của quê hương nhờ đó ngày một đổi mới” (tr. 86- Văn bia Hà Tĩnh)

       Năm 1757, ông được cử làm Giám khảo khoa thi Hội, thăng làm Đông các Đại học sĩ. Năm 1759 ông làm Nhập nội thị giảng kiêm Quốc tử giám Tư nghiệp. Năm 1761, nhà vua ban cho ông phẩm phục hàng tam phẩm. Sau đó, ông được cử lo việc tiếp đón sứ nhà Thanh (Trung Quốc). Thấy ông có tài ứng đối, nhà vua cử ông làm Chánh sứ sang nhà Thanh. Năm 1765 đoàn sứ bộ do ông dẫn đầu xuất phát từ Thăng Long, năm 1766 đến Yên Kinh. Trên con đường đi sứ nhà Thanh, ông sáng tạo tác phẩm bất hủ: Hoàng Hoa sứ trình đồ. Về nước, ông được thăng chức Thiêm đô ngự sử ở Ngự sử đài. Năm 1768, ông làm Hữu thị lang bộ Công. Cũng trong năm này, ông được cử làm Tán lý quân vụ, lo việc tiễu trừ hải tặc ở đạoThanh Hoa,( Thanh Hoá) Sơn Nam và Hải Dương. Năm 1777, ông được phong Hữu thị lang bộ Lại. Gặp lúc dân miền núi nổi dậy ; ông lại được cử làm Tán lý quân vụ để lo việc đánh dẹp và vỗ yên. Sau khi xong việc, ông xin về trí sĩ nhưng không được chập thuận. Nhà vua phong ông làm Tả thị lang bộ Lại. Năm 1782, ông được thăng chức Thượng thư bộ Hộ. Năm Nhâm Dần 1783, ông viết Từ Tham Tụng Khải (Bài khải từ chối chức Tham Tụng - Tể Tướng), xin phép vua chúa cáo lão về trí sĩ ở hẳn quê nhà. Về lại Trường Lưu, Lai Thạch, phủ Đức Quang, Nguyễn Huy Oánh tiếp tục nghề xưa mở trường dạy học, lập Thư viện Phúc Giang (Phúc Giang tàng thư) (chứa hàng vạn quyển sách, đây là một tàng thư lớn lúc bấy giờ), sáng tạo mộc bản Trường Lưu tồn tại đến ngày nay. Ngoài ra, Thám hoa Nguyễn Huy Oánh còn trích ruộng làm "học điền" để khuyến khích việc học hành. Học trò ông có nhiều người đỗ đạt đại khoa. Đệ nhất giáp Tiến sĩ cập đệ Thám hoa Nguyễn Huy Oánh mất ngày 2 tháng 6 năm 1789 tức ngày 9 tháng 5 năm Kỷ Dậu, ban thụy Văn Túc. Triều đình và nhân dân địa phương lập đền thờ ông, tục gọi là đền thờ cụ Thám.

Nhà thờ dòng họ Nguyễn Huy ở xã Trường Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh)

Sinh thời, Nguyễn Huy Oánh cùng với em ruột Nguyễn Huy Quýnh nổi tiếng trong Văn phái Hồng Sơn. Ông không những là tác gia mở đầu dòng văn Nguyễn Huy ở Trường Lưu, mà còn là một trong các tác gia tiêu biểu của thế kỷ 18. Nguyễn Huy Oánh giỏi thiên văn, địa lý, sử, triết và có tài về hội họa. Ông đã để lại một sự nghiệp trước tác đồ sộ: Gồm ngót 40 tập sách nhưng đã bị mất mát nhiều. Hiện chỉ còn 8 quyển. Đó là: “Bắc dư tập lãm” (Xem tập sách địa lý phong tục của phương Bắc): Được biên lược từ quyển Danh thắng toàn chí của Trung Quốc.Hoàng Hoa sứ trình đồ” (Bản đồ về hành trình đi sứ). “Phụng sứ Yên Kinh tổng ca” (Bài ca tổng quát đi sứ Yên Kinh): Gồm 472 câu lục bát chữ Hán, ghi lại cuộc hành trình từ Đại Việt sang Yên Kinh (Bắc Kinh ngày nay), là kinh đô nhà Thanh. “Sơ học chỉ nam” (Sách hướng dẫn cho người mới học). “Quốc sử toản yếu” (Tóm lược quốc sử): Quyển sử do ông san bổ từ khởi thủy đến nhà Hậu Trần.Huấn nữ tử ca” (Bài ca giáo huấn con gái): Gồm 632 câu lục bát.Dược tính ca quát” (Tổng quát những bài ca về tính dược): Gồm 234 câu lục bát.Thạc Đình di cảo” (Bản thảo để lại của Thạc Đình): Tập thơ văn của ông do người cháu là Nguyễn Huy Vịnh biên soạn. Ngoài hơn 100 bài thơ, còn có khá nhiều các bài ca từ, ký, tấu, khải...

 Ở thôn Trường Lưu, xã Lai Thạch, (Kim Song Trường, huyện Can Lộc) còn có “Bia ghi về Tiến sĩ đề danh khoa Nhâm Thìn”. Là bia đề danh dựng ở xã Lai Thạch. Bia 1 mặt, khổ 70 x42cm có chạm khắc mặt trời, hoa lá. Văn bia do Đại học sĩ kiêm Quốc tử giám Phan Trọng Phiên soạn năm Cảnh Hưng thứ 33 (1772), Tiến sĩ khoa Bính Thìn (1736) Thượng thư trí sĩ Nhữ Công Toản nhuận sắc. Bia này ghi 12 vị Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn. Trường Lưu, xã Lai Thạch có Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân Nguyễn Huy Quýnh: “Nguyễn Huy Quýnh, người huyện La Sơn, Giải nguyên, đỗ năm 29 tuổi.”

Nguyễn Huy Oánh sinh ra trong một gia đình nho học có nền tảng, bề dày kiến thức uyên bác. Cha ông là cụ Nguyễn Huy Tựu (1690 -1750), đỗ đại, từng làm quan Tham chính Thái Nguyên, được phong Thượng thư bộ Công, tước Khiếm Nhã hầu. Mẫu thân ông là bà Phan Thị Du, tên chữ Hạ Cẩm, là cô ruột Thám hoa Phan Kính. Em trai ông là tiến sĩ Nguyễn Huy Quýnh (1734 – 1785), từng làm quan Đốc thị Thuận Quảng, Hàn lâm viện Thị giảng dạy học cho chúa Trịnh. Con trai trưởng ông là Nguyễn Huy Tự (1743 – 1790) năm 1759 thi Hương đỗ Giải nguyên, năm 1779 được đặc cách đỗ đại khoa, có nhiều sáng tác văn học, là tác giả truyện thơ “Hoa Tiên ký” nổi tiếng. Con trai thứ là Nguyễn Huy Cẩn, một danh thần, nhà sử học cuối thời Lê. Cháu nội Thám hoa là Nguyễn Huy Hổ, tác giả truyện thơ “Mai Đình mộng ký”. Gia đình ông là nòng cốt của nhóm tác giả “Văn phái Hồng Sơn” ở phía Nam dãy núi Hồng Lĩnh./.

 

Đ.V.T

. . . . .
Loading the player...