01-04-2023 - 10:29

Na sơn và nhân vật Lý Nguyên Phi

Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài viết Na sơn và nhân vật Lý Nguyên Phi của tác giả Đặng Viết Tường, Hội viên chuyên ngành Văn nghệ dân gian, Hội LHVHNT Hà Tĩnh.


NA SƠN VÀ  NHÂN VẬT LÝ NGUYÊN PHI

 

     Sách “NGHI XUÂN ĐỊA CHÍ” do tú tài Đông Hồ Lê Văn Diễn, người Tiên Bào ( Xuân Yên), viết bằng chữ Hán vào năm Nhâm Dần (1842) niên hiệu Thiệu Trị; Dịch giả Võ Hồng Huy và Trần Sĩ Tịch dịch sang chữ quốc ngữ, UBND huyện Nghi Xuân chịu trách nhiệm xuất bản năm 2001, có  ghi  “Na Sơn ở xã Quả Phẩm”. Núi Na một ngọn núi nhỏ, tròn thuộc nhánh núi thứ nhất, trong dãy núi Hồng Lĩnh nổi danh “Nghệ An đệ nhất sơn”. Nghi Xuân địa chí có chép: “đời Lê táng Lý Nguyên phi ở núi Na”. 
      Ngày nay, núi Na thuộc xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh.  Trên núi có đền Thánh Mẫu (Phạm Hoàng Hậu) được tôn tạo năm 1996, UBND tỉnh Hà Tĩnh công nhận, xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp tỉnh vào năm 2005. Nhân vật hiện nay được nhân dân tôn thờ ở núi Na là bà Trinh Ý phi Phạm Thị Ngọc Trần, vợ của vua Lê Thái tổ, mẹ đẻ vua Lê Thái Tông. 
     Theo truyền thuyết thì bà tự nguyện hiến tế làm vợ thần Phổ Hộ khi Bình Định Vương đánh thành Triều Khẩu (tức thành Nghệ An), hiện nay thuộc xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An. Đọc bài “Đền Thánh Mẫu-Phạm Hoàng Hậu”, in trong sách “Nghi Xuân di tích và danh thắng”, xuất bản năm 2005, tái bản năm 2021, chi tiết liên quan bà Hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Trần không đồng nhất với ghi chép của sách “Nghi Xuân Địa Chí” và các sách “Đại Việt sử ký toàn thư”, Đại Việt thông sử của sử gia Lê Quý Đôn, gia phả họ Trần ở làng Quần Đội (nay thuộc Thọ Diên, Thọ Xuân) và những tài liệu thành văn được bảo tồn ở Thanh Hóa. Nghi Xuân địa chí ghi ngôi mộ và đền thờ Lý Nguyên phi là vợ vua Lý Thánh tông. “Nghi Xuân Di tích và Danh thắng” chép mộ và đền thờ là di tích bà Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần. Sách Đại Việt thông sử ghi chép, Trinh Ý phi Phạm Thị Ngọc Trần vợ vua Lê Thái tổ, mất khi còn khó khăn buổi đầu dựng nước ở Triều Khẩu, khi sạch bóng quân thù được Thái tổ sai Lê Cố đưa di cốt về quê táng ở làng Thịnh Mỹ, bên bờ sông Chu, lập điện Hiền Nhân phụng thờ. Cũng có quan điểm trong nhân dân địa phương cho rằng ngôi mộ và đền thờ ở núi Na, là nơi an nghỉ của bà Lý Cung phi, vợ của ông Trung Quang Đế, nhà  Hậu Trần, cùng thời với vua Lê Thái tổ.  
      Nghi Xuân địa chí cung chép: “Đền Lý Cung phi ở xã Mỹ Dương”, nay là xã Xuân Mỹ. Về nhân thân của Lý Cung phi, phần liệt nữ sách địa chí chép: “Bà Lý thị người Mỹ Dương, tục truyền bà làm cung phi vua Trần Trùng Quang.” Về nhân vật Lý Nguyên phi, hiện nay ở Nghi Xuân đang tồn tại các quan điểm về nguồn gốc xuất thân của nhân vật. Thứ nhất, Lý Nguyên phi và Lý Cung phi có thể là một người có liên quan đến vua Trùng Quang, nhà Hậu Trần. Thứ hai, Lý Nguyên phi có thể là Trinh Ý phi Phạm Thị Ngọc Trần, Hoàng hậu vua Lê Thái Tổ, mẹ vua Lê Thái Tông, tương truyền bà mất ở thành Triều Khẩu cuộc khánh chiến đánh đuổi giặc Minh xâm lược.
     Trong phần đền miếu, sách Nghi Xuân địa chí do tú tài Lê Văn Diễn viết: “Đền Lý Nguyên phi ở chân núi Na, xã Quả Phẩm. Ngày xưa Lý Thánh Tôn thân chinh Chiêm Thành, Nguyên phi theo hộ giá. Đánh thắng trở về, đến đoạn sông Phúc Châu thì Nguyên phi mất, táng ở phía nam chân núi ấy và lập đền thờ.” Theo tôi nghĩ, Nguyên phi được Lê Văn Diễn nhắc ở đây có thể là Nguyên phi Ỷ Lan. Bà là vợ vua Lý Thánh Tôn. Tú tài Lê Văn Diễn đã nhầm lẫn. Nguyên phi Ỷ Lan không theo hộ giá vua Lý Thánh Tôn khi đi đánh Chiêm Thành, mà ở kinh đô công giúp vua việc nội trị triều chính. Sự kiện này được ghi chép trong Đại Việt sử ký toàn thư như sau: “Năm Kỷ Dậu (1069) vua Lý Thánh Tông đi đánh Chiêm Thành, đánh mãi không thắng, đem quân về đến châu Cự Liên, nghe tin Nguyên phi (Ỷ Lan) giúp việc nội trị, lòng dân cảm hóa hòa hợp, trong cõi vững vàng, tôn sùng Phật giáo. Vua nói: “Nguyên phi là đàn bà làm được như thế. Ta là nam nhi lại chẳng được việc gì hay sao”. Bèn đem quân quay lại đánh Chiêm Thành, bắt được vua Chiêm là Chế Củ.” Sử sách cũng chép, Nguyên phi Ỷ Lan, tên là Lê Thị Yến, quê làng Thổ Lôi. Xuất thân từ cô thôn nữ hái dâu xinh đẹp, có tài đối đáp, được vua Thánh Tông cảm mến đưa về triều, phong làm Nguyên phi Ỷ Lan. Năm 1066, Nguyên phi sinh Thái tử Càn Đức. Năm 1072, vua Lý Thánh Tông mất, vua Lý Nhân Tông lên ngôi phong mẹ (Nguyên phi Ỷ Lan) làm Hoàng Thái hậu buông rèm nhiếp chính. Bà Hoàng Thái hậu Ỷ Lan, mất ngày 25/7 năm Đinh Dậu (1117), nhân dân vô cùng thương tiệc, nhiều nơi lập đền thờ. Như vậy ngôi mộ và đền thờ Lý Nguyên phi ở núi Na không phải của Nguyên phi Ỷ Lan, vợ vua Lý Thánh Tôn mà có thể của một bà Lý Nguyên phi khác. 
                                                                      ***
      Kế tục triều Lý, nhà Trần là chủ nhân nước Đại Việt đúng 175 năm (1225 – 1400), chưa kể nhà Hậu Trần(1407 -1413). Nhà Trần với vinh quang 3 lần đánh thắng quân Nguyên – Mông, một đế chế hùng mạnh nhất thời trung đại. Đầu thế kỷ XIV, họ Hồ cướp ngôi, lật đổ nhà Trần. Giặc Minh ở phương Bắc, mượn cớ kéo sang xâm lược nước ta. Họ Hồ tổ chức kháng giặc nhưng thất bại. Giặc đô hộ người Việt, đặt quan chức cai trị. Giản Định Đế và Trùng Quang Đế, là con cháu nhà Trần nổi dậy đánh đuổi giặc Minh, lập nhà Hậu Trần, xây dựng căn cứ địa ở Nghệ An tổ chức kháng chiến nhưng thất bại. Bốn năm sau, ông Lê Lợi, người Thanh Hóa, nối đời làm hào trưởng hương Lam Sơn, huyện Lôi Dương, tự xưng Bình Định Vương, dựng cờ khởi nghĩa ở Lũng Nhai năm 1418 khởi binh đánh đuổi giặc Minh xâm lược Đại Việt. Nghĩa quân Lam Sơn nhiều năm hoạt động kháng chiến ở núi rừng các địa phương Thanh Hóa, làm giặc nhiều phen thua thiệt. 
      Năm Giáp Thìn (1424), Bình Định Vương tiến quân vào Nghệ An, chiến thắng quân Minh ở Bồ Lạp, Trà Lân, Khả Lưu. Bấy giờ Bình Định Vương muốn đánh thành Nghệ An, (ngày nay thuộc xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên) nhưng chưa biết tính kế gì. May mắn gặp việc vua Minh sai nội quan Sơn Thọ đến giả vờ xin hòa hoãn chiến sự. Biết dụng ý của giặc, Lê Lợi tương kế, tựu kế nói với các tướng: “Giặc sai người đến lừa ta. Ta nhân sơ  hở của chúng mà lừa lại”. Rồi cho sứ giả đi lại với quân Minh, trinh sát tình hình bố phòng của chúng để mưu đánh úp thành Nghệ An. Nội quan Sơn Thọ biết kế của chúng không lừa được Lê Lợi, đã giết sứ giả của ta và đoạn tuyệt, cấm sứ giả đi lại. Lê Lợi dự định tiến quân đến bao vây thành Nghệ An. Binh tướng, voi ngựa sắp khởi hành thì được tin giặc Minh sắp đặt voi ngựa, thuyền bè, chia làm 2 đường thủy bộ kéo đến căn cứ Đỗ Gia. Lê Lợi sai tướng Đinh Liệt đem hơn 1000 quân, đi đường tắt về giữ Đỗ Gia (Hương Sơn). Đích thân Lê Lợi chỉ huy đại quân chốt giữ chổ hiểm yếu để chống địch, giữ vững căn cứ địa. 
         Giặc Minh kéo đến quán Lậu và cửa Khả Lưu, đóng quân ở hạ lưu sông Cái. Quân Lê Lợi đóng ở thượng lưu, ngày dựng cờ đánh trống, đêm thì đốt lửa nghi binh. Lê Lợi bí mật âm thầm sai tướng sĩ, voi ngựa vượt sông, mai phục ở chổ hiểm yếu. Trời gần sáng, giặc Minh đem quân đến đánh doanh trại quân Lam Sơn. Lê Lợi giả vờ rút lui, dụ giặc tới chổ có quân mai phục. Giặc đem quân đuổi đánh, rơi vào chỗ hiểm, quân mai phục bốn mặt nổi dậy, xông ra đánh phá. Giặc Minh bị chém giết và chết đuối hơn vạn người. Bị thua đau giặc liền dựa vào thế núi, đắp hào lũy cố thủ. 
        Bấy giờ lương thực của giặc có rất nhiều mà quân của Lê Lợi thì không đủ lương ăn cho 10 ngày. Ông nói với tướng sĩ: "Giặc cậy có nhiều lương, cố thủ để làm kế lâu dài, ta lương ít không thể cầm cự dài ngày với giặc". Rồi vờ đốt doanh trại, ngược dòng sông có vẻ trốn đi. Nhưng lại bí mật đi đường tắt trở về mai phục, đợi giặc đến xông ra đánh. Quân Minh nhầm tưởng quân Lam Sơn thiếu lương thực phải rút lui, đã kéo vào chiếm đóng ở doanh trại cũ của Lê Lợi, lên núi đắp lũy. Hôm sau, Lê Lợi cho quân tinh nhuệ đến khiêu chiến. Giặc Minh đem quân ra ngoài lũy để đánh. Vương phục sẵn ở nơi hiểm yếu. Giặc trúng kế, đem hết quân ra đánh. Quân Lam Sơn bất ngờ tấn công giặc. Các tướng Lê Lễ, Phạm Vấn, Lê Khôi… tranh nhau lên trước giết giặc. Quân Minh bị chém đầu không sao kể xiết. Thuyền giặc trôi ngổn ngang, xác chết đuối nghẹn tắc khúc sông, khí giới vứt đầy cả rừng núi. Quân ta chém chết tướng tiền phong Đô ty Hoành Thành, bắt sống Đô ty Chu Kiệt và hàng nghìn tên giặc. Trần Trí, Sơn Thọ thu nhặt tàn quân chạy về thành Nghệ An. Ta thừa thắng đuồi giặc Minh đến tận dưới chân thành Triều Khẩu. Bọn Trần Trí, Sơn Thọ chạy trốn vào thành cố thủ. 
        Theo Đại Việt sử ký toàn thư, năm Ất Tỵ (1425) tháng giêng Lê Lợi đem quân đến hương Đa Lôi, huyện Thổ Du (Hương Khê). Già trẻ tranh nhau đem trầu nước đến đón, khao quân. Người dân đều nói: “Không ngờ ngày nay được thấy uy nghi của nước cũ”. Tri phủ châu Ngọc Ma (Hương Khê) Cầm Quý đem 8000 quân và hơn 10 con voi về giúp. Lê Lợi chia quân đi lấy đất các nơi. Đến châu huyện nào, người ta đều nghe tiếng mà quy phục và hợp sức vây đánh thành Nghệ An. Tướng Minh là Trần Trí và Phương Chính kéo quân đến cứu viện, Lê Lợi phục quân và voi ở trong rừng, đánh phá được; Trí chạy về thành Nghệ An. Lê Lợi thừa thế dẫn quân vây Triều Khẩu. Quân Minh cố thủ không dám ra đánh nữa. Thế là đất Nghệ An đều về ta cả. Khi bấy giờ người Nghệ An đương khổ về chính sự bạo ngược của người Minh, thấy quân Lam Sơn đến, tranh nhau mang trâu bò và rượu đến rước khao quân, nói rằng không ngờ hôm nay lại trông thấy uy nghi của nước cũ. Mùa hạ, tháng 4, Tham tướng nhà Minh là An Bình bá Lý An đem thủy quân từ thành Đông Quan đến cứu. Vua đoán là Trần Trí bị cùng quẫn lâu ngày, thấy quân cứu viện đến, tất mở cửa thành ra đánh, bèn dời quân tới đóng ở huyện Đỗ Gia, đào cửa sông, phục quân trên bờ sông đợi quân giặc đến để đánh. 
                                                                 ***

Đền Thánh Mẫu ( Ảnh: Đức Đồng - Trung Kiên)


     Hiện nay ngôi mộ và đền Thánh Mẫu ở núi Na, xã Xuân Lam được tỉnh Hà Tĩnh công nhận di tích Lịch sử -Văn hóa, nhân vật được thờ là Cung từ Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần. Sự tích tóm tắt như sau: Năm Ất Tỵ (1425), Thái Tổ (Lê Lợi) vây đánh thành Nghệ An, có 3 người vợ Phạm Hoàng hậu, Quận vương mẫu Trịnh Thần phi và Phạm Huệ phi đi theo. Khi thuyền đến gần thành Triều Khẩu (Hưng Khánh – Hưng Nguyên- Nghệ An) nghỉ lại. Đêm ấy vua mộng thấy một vị thần hiện lên nói: “Tướng quân cho tôi một người thiếp tôi xin phù hộ tướng quân diệt được giặc Ngô làm nên nghiệp lớn”. Tỉnh dậy, Lê Lợi kể lại giấc mộng đêm qua với các bà vợ nghe và hỏi: “Trong số các ngươi có ai chịu đi làm vợ thần không? Ta hứa sau này lấy được nước, sẽ lập con của người ấy làm thiên tử.” Không khí im ắng bao trùm trướng hổ. Bà Phạm Thị Ngọc Trần quỳ xuống: “Nếu minh công giữ lời hứa, thiếp xin nguyện xả thân, sau này làm nên nghiệp lớn, chớ phụ mẹ con thiếp.” Trước khi làm lễ hiến tế, Ngọc Trần dặn dò thân tín chăm sóc con thơ, trang điểm lỗng lẫy, bước lên đàn tế thần lễ bái, gieo  mình xuống sông Lam hiến tế làm vợ thần Phổ Hộ. Hôm đó vào ngày 24/ 3 nâm Ất Tỵ (1425). 
       Theo sách “Nghi Xuân Di tích – Danh thắng”, khi Hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Trần giao mình xuống sông Lam làm vật hiến tế thần Phổ Hộ, vua Lê Thái Tổ giao cho dân 2 bờ sông Thịnh Quả, Ngự Lộc, Quả Phẩm, Cự Thôn…dùng chài lưới, đóng cọc chắn ngang sông túc trực để thi hài phi không trôi ra biển, nơi đó gọi là Rào Canh. Dân vớt được thi hài phi Ngọc Trần ở chân núi Tháp Sơn. Thi hài được quàn ở núi Na. Thái tổ Lê Lợi cho tìm pháp sư giỏi lấy đất để táng mộ. Thầy địa lý họ Trịnh chọn núi Na làm nơi yên nghỉ bà Ngọc Trần. Kháng chiến đuổi giặc Minh thắng lợi, năm 1428 Lê Lợi lên ngôi Hoàng đế, nói với quần thần rằng:“Hoàng hậu Ngọc Trần đáng làm chúa tể trăm vị thần ở nước ta. Không ai dám trái lời”. Vua ra lệnh cho Tổng quản vào rước quan tài về táng ở Thanh Hóa. Một đoàn người dưới sự chỉ huy của quan Tổng quản trở lại chốn xưa, nơi Ngọc Trần hiến tế thần Phổ Hộ. Mọi thủ tục đã tiến hành, định ngày mai lên đường về Thanh Hóa, nhưng đêm về mối núi Na xông lên phủ hết quan tài thành mộ. Mọi người tâu lên vua. Thái Tổ nói: “Vị thần đã làm theo lời hẹn, các ngươi cứ để quan tài ở đó rồi dựng điện thờ. Điện ấy được gọi là điện Hiền nhân”. Khi dựng xong điện Thái Tổ cấp cho 40 mẫu ruộng từ chân núi Na đến Tráng Kén, đồng thời chuyển một số dân ở Hưng Nguyên xuống làm ruộng và lập làng Lộc Điền, xã Quả Phẩm. 
Câu chuyện trên là một dị bản của tích Cung từ Hoàng Thái hậu Phạm Hoàng hậu chép trong Đại Việt thông sử. 
         Không hiểu sao câu chuyện trên so với sách Đại Việt sử ký toàn thư, Đại Việt thông sử của sử gia Lê Quý Đôn có đoạn tương đồng, có đoạn khác biệt. Theo chính sử thì “Cung từ Hoàng Thái hậu họ Phạm, tên túy Ngọc Trần, người hương Quần Lại, huyện Lôi Dương, xứ Thanh Hóa.” Theo gia phả dòng họ Trần ở làng Quần Đội (Thọ Diên – Thọ Xuân), bà Phạm Thị Ngọc Trần, sinh năm Bính Ngọ (1386), con gái tướng quân Trần Hoành, em khai quốc công thần Thiếu úy Trần Vấn. (Sử ký chép Phạm Vấn). Cuộc đời và sự hi sinh của bà gắn liền với cuộc khởi nghĩa Lam Sơn và sự nghiệp của Bình Định Vương Lê Lợi. Khi Lê Lợi dựng cờ khởi nghĩa, bà đã 32 tuổi, toàn tâm, toàn ý phò giúp chồng đánh giặc. Với vai trò nội tướng của Lê Lợi, bà Ngọc Trần đã lo liệu lương thực, hậu cần giúp nghĩa quân Lam Sơn vượt qua khó khăn khi ở núi rừng Thanh Hóa. 
        Sách Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn chép rằng: Lê Lợi vây đánh Nghệ An, khi đến thành Triều Khẩu, huyện Hưng Nguyên, gặp đền thờ thần Phổ Hộ. Đêm đó vua nằm mộng thấy một vị thần đến bảo: “Tướng quân cho tôi một người thiếp, tôi sẽ phù hộ tướng quân dẹp được giặc Minh làm nên nghiệp đế”. Vua đem chuyện trong giấc mộng nói với các bà vợ và hứa khi lấy được nước sẽ lập con của người ấy làm thiên tử. Trong khi những người khác đắn đo, chỉ có Hoàng hậu Phạm Thị Ngọc Trần quỳ thưa: “Nếu minh quân giữ lời hứa thì thiếp nguyện xả thân. Sau này làm nên nghiệp lớn chớ phụ con thiếp”. Vua khen ngợi. Dùng bà Ngọc Trần làm vật tế: “Hoàng hậu bèn mất. Đó là vào ngày 24 tháng 3”. 
        Sách Đại Việt thông sử còn ghi: Khi vua Thái tổ lên ngôi, nhớ đến người vợ đã hi sinh tại Triều Khẩu, bèn bảo rằng “bà ấy đáng làm chúa của cả trăm vị thần ở nước ta, không ai dám trái.” Rồi sai Lê Cố rước quan tài về táng ở Thanh Hóa. Khi đoàn rước đến Thịnh Mỹ (Thọ Diên - Thọ Xuân) chưa kịp qua sông thì trời tối đành phải ở lại. Đêm đến quanh quan tài mối đùn lên một đống đất cao thành nấm mộ. Thấy sự lạ sứ giả liền hồi kinh tâu với vua. Vua liền bảo: “cứ để quan tài ở đó, dựng điện Hiền Nhân để thờ, đồng thời dựng miếu ở Lam Kinh đặt thần chủ cúng tế.”Năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749) sông Chu đổi dòng, mộ Hoàng Thái hậu (Phạm Thị Ngọc Trần) bị sạt lở, quan tài trôi xuống làng Láng Động Thượng (nay là làng Thượng Vôi, xã Xuân Hòa) và được nhân dân mai táng, lập đền thờ gọi là Cung Từ Quang Mục Quốc Thái mẫu Hoàng Thái hậu. 
         Hoàng Thái hậu Phạm Thị Ngọc Trần, người hiến tế vì sự nghiệp bình Ngô, được hậu thế xưa nay tôn thờ kính trọng, bà không những thờ trong Thái miếu ở kinh đô Thăng Long và Lam Kinh, mà còn được bảo tồn, phụng thờ ở làng Thịnh Mỹ (xã Thọ Diên), Thượng Vôi (xã Xuân Hòa, Thọ Xuân). Đền vua Lê thờ vua Thái tổ và Cung từ Quang Mục Quốc Thái mẫu Hoàng Thái hậu, Phạm Thị Ngọc Trần ở Triều Khẩu, nay xã Hưng Thành, (Hưng Nguyên, Nghệ An) và núi Na, xã Xuân Lam, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Hàng năm lễ hội kỷ niệm kỷ niệm ngày 24 /3 âm lịch,  hi sinh, hiến tế của Quốc Thái mẩu Hoàng Thái hậu, du khách bốn phương về Na Sơn, xã Xuân Lam, cảnh dập dìu “Người xe như nước, áo quần bảnh bao” nơi tôn nghiêm, tâm linh thiêng liêng.

 

Đặng Viết Tường
 

. . . . .
Loading the player...