Nghệ nhân Nhân dân Trần Khánh Cẩm, sinh năm 1939, quê quán Thôn Hợp Tiến, Kỳ Bắc, Kỳ Anh, Hà Tĩnh, ông là Hội viên Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh, Chuyên ngành Âm nhạc một đời trọn vẹn với nghệ thuật dân gian, luôn cống hiến truyền dạy cho thế hệ trẻ. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài viết Người lưu giữ hồn cốt ví giặm quê nhà của tác giả Phan Ngọc Quang, Hương Khê, Hà Tĩnh.
Người lưu giữ hồn cốt ví giặm quê nhà
Phan Ngọc Quang
Cũng như trong sâu thảm bao tâm hồn của người dân đất Hồng Lam, dân ca ví giặm như dòng chảy mải miết tắm mát suốt cuộc đời ông Trần Khánh Cẩm, một Nghệ nhân Nhân dân (NNND) nổi tiếng ở xã Kỳ Bắc, huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh). Dòng sông thanh âm đó chưa bao giờ ngơi nghỉ trong cuộc đời đi hát, bảo tồn vốn cổ âm nhạc truyền thống của người nghệ sĩ già. Tuy đã nhiều tuổi nhưng tình yêu với dân ca ví dặm của NNND Trần Khánh Cẩm vẫn đậm đà mối lương duyên như hơn 70 năm trước khi ông bắt đầu chạm ngõ với nghệ thuật ví dặm quê nhà.
Nổi tiếng với Ô lục soạn
Được anh Nguyễn Trọng Quảng – một trong hàng vạn người con đất Hà Tĩnh yêu dân ca ví giặm và kính phục các nghệ nhân dân gian đang sống tại địa phương giới thiệu và dẫn đường cặn kẽ, chúng tôi đã đến đúng nhà NNND Trần Khánh Cẩm tại xã Kỳ Bắc (huyện Kỳ Anh). Đang giữa buổi, lúc này ông Khánh Cẩm còn bận đi tập hát cho đội văn nghệ huyện Kỳ Anh chuẩn bị cho chào mừng Ngày nhà giáo Việt Nam 20-11 phục vụ một số trường học. Tiếp chúng tôi là người phụ nữ cởi mở với khách lạ đang vui chơi với mấy đứa trẻ trong góc vườn. Không ai khác đó chính là bà Trần Thị Duyên, người vợ hiện tại của ông mà tôi được nghe giới thiệu từ trước. Dạo quanh một lượt, có thể coi ngôi nhà của 2 vợ chồng như một bảo tàng gia đình chất đầy các tư liệu, hình ảnh, giấy khen, hiện vật về dân ca ví giặm và con đường cống hiến nghệ thuật của một nghệ nhân lão thành. Từng đống tài liệu quý để trong tủ hay trên bàn rất ngăn nắp nên không hề có chút bừa bộn. Cầm 1 trang bản thảo ông đang nháp dở trên chiếc bàn gỗ tưởng như chưa khô nét mực, tôi thật sự cảm phục về khả năng lao động nghệ thuật và bút lực sung mãn của một tình yêu đối với dòng chảy nghệ thuật truyền thống. Ngắm nhìn 2 bản nhạc Trở lại Đan Du và Để cây đời mãi mãi xanh tươi ký tên Trần Khánh Cẩm trong phần nhạc và lời tôi tưởng tai mình như đang nghe được tiếng đàn, lời hát thánh thót đâu đây trên 5 dòng kẻ. Gia tài quý giá của người chồng được bà Duyên đem ra khoe là mấy cuốn sách do ông xã soạn như Bài ca Hà Tĩnh, tập Dân ca kịch Nghệ Tĩnh, kịch dân ca Kê Minh thập sách... Người dân địa phương không chỉ mê mấy cuốn sách đó mà còn là mê tiếng hát của người ca sĩ vườn dòng nhạc dân gian Trần Khánh Cẩm trong hơn nửa thế kỷ đã đi qua.
Tuổi trẻ Hà Tĩnh tặng hoa Nghệ nhân Trần Khánh Cẩm trong buổi giao lưu nhận danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân.
Nhắc đến nghệ nhân Trần Khánh Cẩm, khán giả không chỉ ở Hà Tĩnh mà ở cả 3 miền đều nhắc đến bài giặm kể Ô lục soạn nổi tiếng. Trong lòng khán giả bài giặm kể Ô lục soạn còn để lại mãi hình ảnh người nghệ sĩ nói giọng Nghệ lên sân khấu trong bộ quần áo màu gụ, đi chân đất, tay phẩy quạt mo diễn xuất thần từ lúc cất lời ca cho đến khi chào khán giả. Ông từng chia sẻ với những người mến mộ mình rằng, càng về già tui hát bài Ô lục soạn càng hay, càng phiêu hơn. Theo ông, sân khấu cũng là cuộc đời và ngược lại, hình như câu chuyện đó rất hợp với gia cảnh của vợ chồng ông.
Linh hồn cho phong trào văn nghệ địa phương
Sinh ra và lớn lên giữa miền quê văn hóa đậm chất truyền thống, nồng nàn điệu ví giặm thân thương giàu bản sắc và lại được thừa hưởng cái gen quý của cha mẹ về năng khiếu ca hát nên 15 tuổi, chàng trai Trần Khánh Cẩm đã biết tập hợp bạn bè lại để thành lập tổ văn nghệ trường học sau đó là đội văn nghệ thôn để kiếm sống và ngao du đây đó. Những làn điệu dân ca các vùng miền mà gia đình truyền dạy đã giúp ông có thêm bệ phóng để vươn cao trong cuộc đời đi hát của mình. Có năng khiếu bẩm sinh, năm 1950 ông được đưa vào đội văn hóa tuyên truyền tỉnh, Đây chính là bầu trời âm nhạc đầu tiên ông bước vào để cho đôi cánh nghệ thuật được bay cao. Kể từ đó, người thầy giáo dạy bình dân học vụ Trần Khánh Cẩm đã đem lời ca tiếng hát đi phục vụ sửa sai, xây dựng tổ đổi công từ miền biển cho đến đồng bằng. Có thể nói rằng, không gian nghệ thuật thật sự bao la rộng lớn phải là khi ông trở thành diễn viên chính thức của Đoàn văn công Hà Tĩnh. Bán kính biểu diễn không còn hạn hẹp trong vòng tròn địa phương mà đã tăng cấp số cộng sang các tỉnh và các nước Đông Dương. Bên cạnh giọng ca tuyệt đẹp, năng khiếu thiết kế mỹ thuật và đạo diễn của ông đã được thăng hoa hơn bao giờ hết.
Thế nhưng dòng sông cuộc đời không bao giờ trôi chảy một cách bình lặng. Bước ngoặt thác ghềnh cũng đã đến với chàng trai bước sang tuổi “tam thập nhi lập”. Suýt chết trong một trận bom trên đường đi biểu diễn ở tỉnh Nghệ An, nỗi đau mất mẹ quá lớn đã bắt ông bước sang một ngã rẽ khác là trở về địa phương sinh sống. Thế nhưng ngọn lửa đam mê nghệ thuật vẫn chưa bao giờ tắt trong tâm hồn người diễn viên đoàn văn công tỉnh năm xưa. Tuy không còn bơi giữa dòng sông lớn nhưng ông vẫn tìm cách vùng vẫy tại quê nhà để mưu sinh và thỏa lòng đam mê dòng chảy dân ca ví giặm quê hương. Ông lao vào sáng tác, đạo diễn, cắt dán khánh tiết, biểu diễn và cả làm thuê cho các cơ quan xí nghiệp huyện nhà để kiếm sống trong hoàn cảnh khó khăn chung. Là người cha đỡ đầu của đội văn nghệ xã với vai trò là dội trưởng, ông Trần Khánh Cẩm trở thành hạt nhân chính của phong trào văn nghệ địa phương một thời đình đám. Được sống trong môi trường nghệ thuật điền dã, người nghệ sĩ chân đất như có thêm cơ hội hút nhiều mật ngọt hơn từ không gian biểu diễn của người trồng lúa chăn tằm. Lời ca tiếng hát của ông lại tích tụ thành những dòng suối nhỏ tắm mát cuộc đời ruộng đồng tươi thắm màu sắc dân ca. Bàn tay vun bón, ươm mầm của ông đã làm cho phong trào văn nghệ xã đua sắc thơm hương.
Người giữ hồn văn hóa dân tộc
Các chương trình nghệ thuật do ông sáng tác, dàn dựng và trực tiếp tham gia biểu diễn trong các liên hoan, hội thi các cấp thường được ở vị trí cao. Cách biểu diễn mộc mạc nhưng dí dỏm, hài hước của ông đã khiến cho người nghe, người xem mê mẩn, không biết chán. Nhiều lần, ông đã vinh dự theo Chi hội Văn nghệ dân gian Hà Tĩnh đi giao lưu, biểu diễn ở Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh…Sức sống dân ca ví giặm có thêm cơ hội lan tỏa, tiếng tăm của nghệ nhân Trân Khánh Cẩm càng vươn xa.
Đam mê sáng tác và biểu diễn, nghệ nhân Khánh Cẩm còn dành cả cuộc đời đi sưu tầm các làn điệu dân ca cổ. Người dân Kỳ Anh đi đâu cũng gặp nghệ nhân Trần Khánh Cẩm với chiếc xe đạp cọc cạch, luồn lách hết hang cùng, ngõ hẽm để ghi chép và làm sống lại điệu Ví, Giặm Nghệ Tĩnh và các làn điệu khác như hát sắc bùa, hát ru, hát ví o Nhẫn, giặm xay lúa…. Hễ nghe bạn bè, đồng nghiệp hay ai đó mách ở xã nọ, xã kia bất kể là trong huyện hoặc ngoại huyện Kỳ Anh, có người già hay hát, có bài hò, điệu ví lạ tai là ông Cẩm lại lên đường, bất kể nắng mưa, có khi đi cả tháng không về nhà để tìm hiểu và ghi chép những làn điệu và lời ca cổ. Cho đến nay, ông đã sưu tầm được hàng trăm câu hát cổ và khôi phục được nhiều không gian diễn xướng truyền thống từ những làn điệu đã sưu tầm. Tất cả được ông ghi âm, chép tay hoặc tự mày mò đánh máy để lưu giữ một cách khoa học, đâu vào đó.
Nghệ nhân Trần Khánh Cẩm trình diễn tác phẩm " Ô lục soạn"
NNND Trần Khánh Cẩm còn được biết đến như một diễn viên điện ảnh khi ông vào vai các nhân vật phụ tiêu biểu là thư ký pháp trường trong bộ phim truyện Nguyễn Văn Trỗi của hãng phim truyện Việt Nam và phim Kẻ thù phía trước của Hàng phim Giải Phóng. Đóng phim không phải là nghề nhưng cho ông có thêm sự trải nghiệm khi bước lên màn ảnh rộng.
Với lòng yêu nghề tha thiết và những cống hiến của mình, năm 2012, nghệ nhân Trần Khánh Cẩm được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian và Huy chương Vì sự nghiệp bảo tồn Văn nghệ dân gian. Năm 2015, ông tiếp tục được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú. Cuối tháng 11/2017, ông là nghệ nhân duy nhất và đầu tiên ở Hà Tĩnh được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân, đợt II.
Những danh hiệu trên là vô cùng cao quý đối với Nghệ nhân Trần Khánh Cẩm, nhưng điều khiến ông hạnh phúc nhất là đi đến đâu ông cũng được khán giả gọi bằng một cái tên rất dân dã đó là “Người nghệ sỹ quạt mo, chân đất”/
P.N.Q