08-05-2024 - 02:10

LỄ HỘI ĐỀN KÝ LỤC

Đền Ký Lục nằm ở dưới chân núi Lài, thôn Xuân Sơn, xã Cổ Đạm. Đền là nơi thờ các vị thành hoàng gồm ông Phan Chính Nghị, Hoàng Ngạn Chương, Trần Bảo Tín và các tướng lĩnh phò tá nhà Lê ở đầu thế kỷ XVI. Tại đền hiện vẫn lưu giữ 2 đạo sắc phong do vua Vua Thành Thái và Vua Duy Tân phong tặng và giao cho dân làng thờ tự. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài viết Lễ hội đền Ký Lục của tác giả Đặng Viết Tường, Hội viên chuyên ngành Văn nghệ dân gian, Hội LHVHNT Hà Tĩnh.

 

LỄ HỘI ĐỀN KÝ LỤC

                  Đặng Viết Tường

 

Sách “Nghi Xuân địa chí” của tú tài Lê Văn Diễn viết vào năm Nhâm Dần (1841), đời vua Thiệu Trị có ghi: “Đền Ký Lục ở xã Liêu Đông (tổngCổ Đạm)” (Tr.92). Xã Liêu Đông, tổng Cổ Đạm ngày nay không còn danh xưng trong bản đồ hành chính huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Đất Liêu Đông, Kẻ Lạt ngày xưa, nay thuộc thôn Xuân Sơn, xã Cổ Đạm, nơi có ngôi đền Ký Lục mà tú tài Lê Văn Diễn ghi chép trong sách Nghi Xuân địa chí. Thôn Xuân Sơn nổi tiếng với nghề trồng cây cảnh hoa đào phai, có đập Cồn Tranh nước xanh biêng biếc.

Đền Ký Lục, ngôi đền cổ kính với tuổi thọ gần 500 năm, ẩn mình dưới rừng cây tái sinh dưới chân ngọn núi Lài, một ngọn núi nổi tiếng trong dãy núi Hồng Lĩnh hùng vĩ. Núi Lài như một bức thành trì tạo hoá, nơi có cảnh đẹp, khí hậu ôn hoà, từ xưa là điểm thu hút tao nhân mạc khách du ngoạn. Thi nhân thăm thú vườn Chánh sứ tức dinh quan Ký Lục hầu. Sách Nghi Xuân địa chí chép: “Hình núi như đang ngồi ngão nghệ. Được coi là vùng cảnh đẹp có tiếng. Ông Trần Vĩ, quê ở Thiên Bản, thời gian làm tri huyện ở đây (Nghi Xuân) mỗi lần đi chơi thường đến chỗ này” ( Nghi Xuân địa chí.tr 44). Tìm trong sử sách, nhiều danh nhân, khoa bảng như La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Nguyễn Hữu Lễ… đã từng du ngoạn cảnh đẹp núi Lài, núi Liệt. Điều này được chép rõ trong sách Nghi Xuân địa chí: “Vườn Chánh sứ dưới chân núi Liêu Đông, (tổng Cổ Đạm). Ông tên là Hoàng Ngạn Chương, người xã Mỹ Dương ở vườn đó. Về sau còn có Phan Liệt công (tức Phan Chánh Nghị) cũng tới ở chỗ đó. Thơ Hạnh Am có câu: “Nghe nói Phan, Hoàng ẩn ở đây”; Thơ Nguyễn Hữu Lễ có câu: “Phan, Hoàng đã đi ba niên kỷ” đều có ý nói chỗ đó.” (Tr.80). Chỗ đó được hiểu là vườn Chánh sứ, dinh ông Ký Lục, tức là đền Ký Lục, nơi thờ ba vị tiến sĩ đời Lê sơ và 7 vị thành hoàng xã Liêu Đông trước năm 1945.

          Đền Ký Lục là nơi thờ cúng: Tiến sĩ Hoàng Ngạn Chương người làng Mỹ Dương, (nay là xã Xuân Mỹ) đỗ đệ tam giáp đồng tiến sĩ vào năm Đinh Mùi  (1487) thời vua Lê Thánh Tông. Ông làm quan đến chức Thừa Chánh sứ. Khi nhà Mạc cướp ngôi của nhà Lê vào năm 1527, ông từ chức về ở ẩn tại núi Liêu Đông. Hoàng giáp Phan Chính Nghị, người làng Phan Xá, trú ở làng Mỹ Dương, đỗ đệ nhị giáp tiến sĩ khoa Tân Mùi (1511), niên hiệu Hồng Thuận, thời vua Lê Tương Dực. Ông làm quan đến chức Cấp sự trung bộ Lại. Khi nhà Mạc cướp ngôi vua Lê, ông bỏ về ở ẩn tại núi Sét, còn gọi núi Liệt tử. Sau đó bị nhà Mạc bắt ép đưa về kinh đô Thăng Long, khi thuyền  đến làng Bát Tràng, ông nhảy xuống sông Hồng tuẫn tiết vì nhà Lê. Bảng nhãn Trần Bảo Tín, người làng Khải Mông (nay thuộc thị trấn Xuân An), đỗ nhất giáp nhị danh, khoa thi năm Tân Mùi (1511) đời Hồng Thuận, vua Tương Dực, làm quan đến chức Đông các, Hiệu thư. Nhà Mạc, cướp ngôi vua Lê, bỏ quan về quê hương, lên núi ẩn dật. Ông cùng Hoàng Ngạn Chương, Phan Chánh Nghị tụ hội ở Lài Sơn mưu việc khởi binh “phò Lê diệt Mạc” nhưng bất thành. Sau khi Phan Chánh Nghị bị bắt, Trần Bảo Tín lên núi Lần tiếp tục ở ẩn và mở trường dạy học.  

Di tích đền Ký Lục vẫn giữ được 1 đạo sắc phong thần đề ngày 11 tháng 8 năm Duy Tân thứ 3, vua có sắc phong giao cho dân xã Phú Lạp lo việc thờ tự các vị thần thờ ở đền Ký Lục. Theo sắc phong của hoàng đế Duy Tân, đền Ký Lục thờ 7 vị thần Thành hoàng đã có công lập làng mạc vùng này. Vị thần thứ nhất hiệu: “ Linh phù Dực bảo trung hưng Bản cảnh Thành hoàng Linh ứng Kỷ Lục hầu hùng lược chi thần”. Vị thứ 2, “ Dực bảo trung hưng Bản cảnh Thành hoàng linh phù chi thần. Thứ 3, “Đôn ngưng Bản cảnh Thành hoàng Uy linh Tuấn đức chi thần”. Thứ 4, “ Trừng trạm Dực bảo Trung hưng Bản cảnh Thành hoàng Đông hải Cự ngư chi thần.” Thứ 5, “ Dực bảo Trung hưng linh phù Bản cảnh Thành hoàng Linh hải Yên Xuyên hầu chi thần”. Thứ 6, “ Dực bảo Trung hưng linh phù Bản cảnh Thành hoàng Kiên Nghĩa bá chi thần.” Thứ 7, “ Dực bảo Trung hưng Linh phù Bản cảnh Thành hoàng Quang Nhạc chi thần”. Theo người dân địa phương, ba vị thần thứ nhất đến thứ 3 được thờ chính ở đền Ký Lục. Các vị thần Đông hải Cự ngư, Yên Xuyên hầu, Kiên Nghĩa bá và Quang Nhạc chỉ phối thờ ở đền Ký Lục, vì được thờ chính tại đền Tam Tòa ở thôn Thiên Linh, (Phú Lạp) nay thuộc xã Xuân Liên.

Đầu tháng 5, ông Hoàng Cường, hơn 70 tuổi gọi điện thông báo việc làng và mời tôi về dự lễ hội: “Ngày 4/5, tức ngày 26 / 3 âm lịch, lãnh đạo thôn và ban đền tổ chức lễ hội rước bằng sắc xếp hạng, công nhận di tích lịch sử văn hoá đền Ký Lục. Kế hoạch nhận bằng tại ban văn hoá UBND xã, rước về đền Ký Lục. Làng mời anh về dự lễ hội chung vui cùng bà con”. Tôi nhận lời về Xuân Sơn. Sáng hôm ấy, 7 giờ tôi lên đường đến UBND xã Cổ Đạm. Nhưng đến uỷ ban xã, được biết đoàn người đi rước sắc bằng đã trên đường về thôn Xuân Sơn. Quảng đường từ UBND xã Cổ Đạm đến đền Ký Lục có khoảng cách 4 km. Tôi chạy xe đuổi theo, may kịp và vượt lên đoàn người rước bằng sắc, đón đầu chụp vài kiểu ảnh tư liệu.

 

Đoàn rước sắc bằng trống dong, cờ mở, đoàn người và xe ô tô đi qua ruộng lúa uốn lưỡi câu thắng cánh cò bay, qua vườn cây mai đào chăm sóc tốt lên xanh mơn mởn. Dẫn đầu đoàn rước là băng rôn trang trọng đề dòng chữ: “Lễ rước bằng sắc di tích văn hoá cấp tỉnh đền Ký Lục thôn Xuân Sơn”. Đoàn chị em phụ nữ mặc áo dài đầu đội nón lá, hai tay cầm cờ tổ quốc, cờ hội truyền thống giơ cao. Đi cùng đoàn cờ quạt là dàn nhạc thanh la, não bạt, chiêng trống, xe nhạc cổ truyền làm không khí ngày hội thêm sinh động, náo nhiệt. Kiệu đi đầu rước chân dung chủ tích Hồ Chí Minh muôn đời kính yêu, kiệu đặt sắc bằng, tàn lọng từng bước tiến sau. Đoàn người rước sắc bằng, lượn vòng qua cung đường 5 cây số, nhiều ngõ xóm tiến về vườn Chánh sứ, tức dinh ông Ký Lục hầu. Đoàn rước bằng tạm dừng trước công đền sửa soạn, cung kính làm lễ nghi truyền thống trước khi đặt bằng sắc lên giá thờ  7 vị thành hoàng được dân làng thờ tự.

 Phần hội, có màn múa ô sinh động và các tiết mục diễn xướng hát ca trù ngọt ngào để chào mừng vinh dự đền Ký Lục được xếp hạng di tích. Phần lễ truyền thống, công bố diễn văn khai mạc: Nêu rõ công lao, sự nghiệp lập làng, giúp vua Lê cứu nước, đức thương dân của các vị thành hoàng là Phan Chánh Nghị, Hoàng Ngạn Chương, Trần Bảo Tín cùng các tướng lĩnh cứu giúp vua Lê đầu thế kỷ 16. Hồ sơ di tích ghi nhận, thời xưa có 3 vị tướng quân lên ngọn Cẩm Sơn, tức núi Liệt, chiêu tập dũng sĩ khởi binh phò Lê diệt Mạc. Sau đó chuyển vào núi Lài nơi địa thế hiểm trở đóng doanh trại. Nghĩa sĩ nhà Lê trung hưng dựa vào thế núi hiểm trở, phía trước có thung lũng bằng phẳng dễ quan sát biến động, lưng tựa núi Lài như bức tường thành thiên tạo vững chắc để xây dựng căn cứ chống đối nhà Mạc. Bấy giờ quân nhà Mạc đến Hồng Lĩnh đàn áp nghĩa sĩ nhà Lê, tiến theo đường biển tràn lên đốt làng mạc, cướp đất, tàn hại sinh linh. Nghĩa sĩ trung hưng nhà Lê chiến đấu dũng càn nhưng đã thất bại do quân ít, thiếu lương thực, vũ khí. Trong số các tướng sĩ, người anh dũng ngã xuống núi Lài, người bị nhà Mạc bắt đem lên chiến thuyền đưa về kinh đô, người lên núi Hồng Lĩnh giấu biệt tung tích.

Di sản đền Ký Lục, hiện nay đang bảo tồn 2 bức hoành phi cổ: “Đản tế linh” ( nghĩa là: buổi sáng cho chữ thiêng); “Thành trường nhất” (nghĩa là Một thành dài, ngụ ý núi Lài như bắt thành thiên nhiên,vững chắc). Ngoài ra còn hai câu đối, rất hay, đắp nổi ở cột trước thượng điện. Câu thứ nhất đề: “Lục công trường dự cẩm sơn truyền / Ký tích dĩ kinh đào thái duyệt” (Tạm dịch là: Đi theo công lao đảng phái cẩm sơn truyền đời này sang đời khác/ Đạo tích lũy đã đứt sách vở khơi nguồn vò đãi cũng bỏ đi vui vẻ). Câu thứ 2: “Vĩnh cửu tiên phong tích ẩn hồng/ Huân hiệu chính khí sơn tề thọ” (Tạm dịch là: Lâu dài mãi mãi thần tiên theo tục ẩn náu dấu tích ở núi Hồng Lĩnh / Ngọn lửa bốc cháy khí chất ngay thẳng sống thọ cùng với rừng núi.)

Đến nay tại đền Ký Lục còn lưu giữ 2 đạo sắc phong thần do các vị vua Thành Thái, vua Duy Tân, triều Nguyễn ban tặng, giao cho dân xã Phú Lạp, tổng Cổ Đạm ( thôn Xuân Sơn, xã Cổ Đạm ngày nay) thờ cúng theo lễ nghi truyền thống./.

 

Đ.V.T

. . . . .
Loading the player...