Nghệ nhân dân gian Võ Hồng Hà sinh năm 1960 tại xã Thịnh Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, nơi có những cánh đồng lúa bát ngát trải dài như tấm thảm xanh mướt và những dòng sông hiền hòa chảy qua mang theo tiếng thì thầm của gió. Cuộc đời và sự nghiệp của nghệ nhân dân gian Võ Hồng Hà đã được dệt nên từ những sợi tơ tình yêu và lòng đam mê với nghệ thuật truyền thống.
NGHỆ NHÂN VÕ HỒNG HÀ TRỌN TÌNH VỚI CÂU VÍ GIẶM
Linh Châu
Ngay từ khi còn nhỏ, Võ Hồng Hà đã được đắm mình trong những giai điệu ngọt ngào mà người mẹ thân yêu thường ru mỗi đêm. Tiếng hát ru ấy không chỉ là lời dỗ dành giấc ngủ, mà còn là ngọn lửa đầu tiên thắp lên tình yêu với nghệ thuật truyền thống trong lòng cô bé Hà ngày nào. Chính những điều giản dị ấy đã gieo vào lòng Võ Hồng Hà niềm đam mê và ý chí theo đuổi nghệ thuật truyền thống đến cùng. Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống văn hóa lâu đời, Võ Hồng Hà không chỉ kế thừa di sản nghệ thuật của gia đình mà còn phát triển nó thành một phong cách riêng biệt, ghi dấu ấn đậm nét trong lòng công chúng.
Nghệ nhân dân gian Võ Hồng Hà
Người cha của nghệ nhân Võ Hồng Hà là cố học giả Võ Hồng Huy, nguyên là Chánh Văn phòng Tỉnh ủy, Trưởng Ban kiểm tra Tỉnh ủy - là Bí thư Chi bộ đầu tiên của xã Thịnh Lộc, sau đó trở thành cán bộ chủ chốt cấp tỉnh với gần 20 năm đứng đầu Cơ quan Kiểm tra Đảng của Tỉnh ủy Hà Tĩnh rồi Nghệ Tĩnh và là Hội viên Hội văn nghệ Dân gian Việt Nam, Hội viên Hội Di sản Văn hóa Việt Nam; Hội viên Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh. Với vốn kiến thức Nho học, Tây học và tự học, sau hơn 30 năm lao động sáng tạo, nhà nghiên cứu văn hóa Võ Hồng Huy đã để lại cho đời 20 đầu sách đã được xuất bản và hàng trăm trang bản thảo đang còn viết dở… Ông có nhiều công trình nghiên cứu và biên dịch Hán Nôm đồ sộ như: Non nước Hồng Lam; An – Tĩnh sơn thủy vịnh (thơ chữ Hán của TS. Nguyễn Phúc Hạp); ông còn tham gia biên soạn một số công trình địa chí, lịch sử của các huyện Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà… cùng các tập sách: Làng cổ Hà Tĩnh; Văn hiến Hà Tĩnh xưa và nay; Nghi Xuân di tích và danh thắng, Can Lộc một vùng đất địa linh nhân kiệt… Sinh thời, giới nghiên cứu, báo chí và bạn bè đồng nghiệp đã phong tặng cho nhà nghiên cứu văn hóa Võ Hồng Huy các biệt danh “Ông đồ Nghệ” “Kẻ sĩ Ngàn Hống”, “Nhà địa phương học”,“Người leo núi dẻo dai”… đầy sự trân trọng và mến phục. Và ông đã được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý như Huân chương Độc lập hạng ba, Huân chương kháng chiến chống Pháp hạng ba, Huân chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng nhất, Huy chương, kỷ niệm chương vì sự nghiệp Văn hóa, Văn học nghệ thuật và Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng. Anh trai nghệ nhân Võ Hồng Hà là TS. Võ Hồng Hải - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh uỷ. Ông từng là Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, kiêm Tổng Biên tập Tạp chí Văn hóa Hà Tĩnh. TS. Võ Hồng Hải là nhà báo, nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa, người có nhiều tác phẩm đặc sắc đã xuất bản như: Gió một thời trai (tập thơ chọn lọc), Tìm lại dấu xưa (tiểu luận văn hóa), Văn hóa dòng họ ở Hà Tĩnh (chuyên khảo) … và rất nhiều công trình, bài nghiên cứu, ghi chép, thơ... công bố trên các sách, báo, tạp chí ở TW, địa phương. Em trai út của nghệ nhân Võ Hồng Hà là Ths.Võ Hồng Sơn, hiện đang là Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Hà Tĩnh.
Sinh ra và lớn lên trong gia đình có truyền thống văn hóa đáng kính như vậy, nghệ nhân Võ Hồng Hà luôn có ý thức cao trong việc kế tục sự nghiệp văn hóa của gia đình. Tuy không sớm được đào tạo chính quy trong môi trường văn hóa nghệ thuật, nhưng chị đã rèn luyện ý chí tự học. Học hỏi từ cha mẹ, anh em chưa đủ, chị còn học trực tiếp các nhà nghiên cứu, nghệ nhân, nghệ sỹ lớn tuổi trong tỉnh, từ những buổi diễn xướng dân gian cho đến các lễ hội truyền thống… Hàng ngày, chị kiên trì tự mày mò tìm hiểu, rèn luyện kỹ năng lấy hơi, nhả chữ, luyến láy, cho đến việc hiểu nội dung từng lời ca, ý nghĩa của từng giai điệu trong câu ví, giặm.
Một sự thật mà nhiều người không thể tin nổi, là khi Võ Hồng Hà đã bước sang tuổi “lục tuần”, nhưng chị đã làm đơn xin gia nhập lớp đào tạo dân ca Nghệ Tĩnh tại chức tại trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật của tỉnh. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của một nghệ nhân, mở ra cánh cửa mới để chị nâng cao kiến thức và kỹ năng chuyên môn trong lĩnh vực mà mình yêu thích. Lớp học này, không chỉ thu hút những người yêu nghệ thuật truyền thống từ khắp nơi trong tỉnh về dự, mà còn là nơi hội tụ của các nghệ nhân tài năng, những người đã có nhiều năm kinh nghiệm và đam mê mãnh liệt với dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh. Nghệ nhân Võ Hồng Hà, với tinh thần ham học hỏi và ý chí quyết tâm, đã trở thành một trong những học viên xuất sắc của khóa. Đối với Võ Hồng Hà, mỗi buổi học cũng như mỗi buổi biểu diễn thực hành, đều là những khoảnh khắc chị dồn hết tâm huyết và tình yêu vào từng câu hát, từng giai điệu, chẳng khác gì thời thơ trẻ. Những khi rỗi chị lại học múa, múa để minh họa cho hát. Nhờ vậy, nhiều tiết mục của CLB nếu thiếu diễn viên múa thì chị xung phong sang nhóm múa. Ngược lại, khi thiếu diễn viên hát thì chị lại đứng vào đội hình hát. Phải là người đa năng toàn diện, mới nhập cuộc được một cách nhanh chóng như vậy. Lợi thế của nghệ nhân Võ Hồng Hà không chỉ ở giọng hát đượm chất dân ca Nghệ Tĩnh, chị có khuôn mặt bầu bĩnh, tươi duyên, trẻ hơn tuổi, khá bắt mắt trên sân khấu. Sự nhẫn nại và niềm đam mê đã giúp chị hoàn thiện giọng hát, phát triển kỹ năng biểu diễn và sáng tạo thêm nhiều điệu hát mới, phù hợp với thị hiếu của công chúng hiện đại nhưng vẫn giữ được nét cổ truyền của dân tộc. Với nghệ nhân Võ Hồng Hà, mỗi câu hát, mỗi điệu múa đều mang trong đó tình yêu quê hương, niềm tự hào cũng như trách về di sản văn hóa quê hương, dân tộc và gia đình của mình. Nhờ sự nỗ lực không ngừng, Võ Hồng Hà nhanh chóng trở thành Nghệ nhân dân gian được nhiều người yêu mến. Hiện tại, chị là Phó chủ nhiệm của CLB Dân ca Dân vũ Thành Sen, đồng thời là chủ nhiệm CLB Dân ca Dân vũ phường Văn Yên. Với sự nhiệt huyết của mình, chị đã dẫn dắt 2 câu lạc bộ do mình phụ trách đạt được nhiều thành tích đáng kể trong các hội thi của tỉnh, thành phố. Chị không chỉ là người đứng sau những tiết mục xuất sắc, mà còn là một diễn viên kỳ cựu góp phần làm nên các giải thưởng to, nhỏ và là người truyền nguồn cảm hứng, truyền lửa cho các thành viên trong và ngoài câu lạc bộ. Đến nay, chị là một trong số ít người có thể hát thành thạo các làn điệu như: Xẩm ru, ví phường vải, ví phường cấy, giặm đức sơn, giặm nối, giặm kể, hò khoan đi đường, hò leo núi...
Với niềm đam mê và sự khổ luyện, nghệ nhân Võ Hồng Hà đã nhanh chóng trở thành một trong những giọng ca dân ca đằm thắm, trữ tình, thường xuyên lưu diễn trong và ngoài tỉnh. Với giọng hát trong trẻo và truyền cảm, đúng phách nhịp, tiết tấu, trường độ, cao độ cùng với phong cách trình diễn uyển chuyển, khán giả như cảm thấy có một dòng suối mát lành, chảy vào lòng người nghe, làm rung động những trái tim yêu nghệ thuật. Trong từng câu hát, từng lời ca của Võ Hồng Hà, chúng ta không chỉ nghe thấy âm thanh, mà còn cảm nhận được một trái tim tràn đầy tình yêu, một tâm hồn kiên định với sự nghiệp bảo tồn và phát triển nghệ thuật dân gian được bồi đắp lên từ môi trường đậm đà văn hóa dân gian. Truyền thống văn hóa gia đình và làng quê đã thấm sâu vào từng lời ca của nghệ nhân dân gian Võ Hồng Hà, đến nay dẫu đã bước sang tuổi 65, chị vẫn luôn cháy hết mình, để giữ cho ngọn lửa văn hóa dân gian luôn bừng sáng trong cộng đồng người Nghệ./.
Linh Châu