Trò chơi dân gian luôn mang trong mình giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học vô cùng lớn; thông qua hoạt động này thể hiện tính cộng đồng, tính tập thể, tinh thần đoàn kết. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài viết “Hà Tĩnh vào Hội Xuân và những trò chơi dân gian” của tác giả Đặng Viết Tường, Hội viên chuyên ngành Văn nghệ dân gian, Hội LHVHNT Hà Tĩnh.
Hà Tĩnh vào Hội Xuân và những trò chơi dân gian
Đặng Viết Tường
Trong những ngày lễ hội đầu xuân, sau phần lễ nghi tôn nghiêm cúng tế thần linh, tổ tiên và những người đã khuất là lễ hội sôi động, náo nhiệt. Lễ hội là bản sắc, tinh hoa văn hóa vùng miền được chắt lọc, truyền bá từ bao đời ở các làng xã nông thôn khắp mọi miền đất nước. Trên đất Việt nói chung, quê hương Hà Tĩnh, trong đó có huyện Nghi Xuân, Can Lộc, vào ngày xuân, ngày tết lễ hội đâu đâu cũng có, nhưng mỗi miền quê đều có bản sắc riêng.
Làng Động Gián, nay thuộc thôn Song Nam và Đại Đồng có lễ hội trừ tịch nguyên đán. Lễ trừ tịch có nghĩa lễ tất niên, kết thúc năm cũ. Lễ hội nguyên đán có ý nghĩa đón mừng năm mới, đi chúc tết mọi người. Lễ hội này được tổ chức, diễn ra tại đền Chính – Bản Thổ, thờ phụng danh tướng Cương Quốc công Nguyễn Xí. Lễ hội có tuổi thọ đến nay gần 600 năm. Theo các cụ cao niên ở Song Nam kể: Ngày trước thành phần làm lễ do cựu quan chức, đương chức trong làng, các bô lão và sinh đồ (học trò) đảm nhiệm. Lễ trừ tịch được tiến hành vào giờ cuối năm cũ. Lễ nguyên đán bắt đầu từ giờ tý, khắc đầu tiên (thời điểm 23 giờ dương lịch) giao thừa của năm mới. Lễ hội nguyên đán, quan trọng nhất là lễ khai chiêng trống. Dùi trống đặt trước bàn thờ danh tướng nhân thần Nguyễn Xí. Khi sang giao thừa vị thủ chỉ (cụ già cao tuổi nhất làng) lấy dùi trống làm lễ bái thần linh, sau đó giao dùi trống cho ông “Quyền” (quan võ), tức người cựu binh chức tước cao nhất làng. Các ông Quyền trong trang phục áo nẹp, lưng thắt gọn gàng, cầm dùi hai tay vái trước bàn thờ danh tướng Nguyễn Xí và các vị thần núi, thần sông, long mạch, thổ thần rồi bắt đầu đánh trống, đánh chiêng. Lễ khai chiêng trống, bắt đầu từ giao thừa đến tảng sáng thì kết thúc 3 hồi 9 tiếng trống, chiêng. Theo các cụ, lễ hội khai chiêng trống đầu năm mới rất hệ trọng có ý nghĩa tưởng nhớ anh hùng Nguyễn Xí, ghi nhớ tiếng trống chiêng kéo vạn quân Lam Sơn xông trận diệt giặc. Nghi thức tổ chức lễ hội hết sức thận trọng và nghiêm túc.
Sau 3 ngày Tết, từ ngày mồng 4 tết các xã đều có tục mừng thọ những người cao tuổi. Nhưng đặc sắc nhất là lễ mừng thọ rước thơ còn gọi là hội rước lão ở xã Tiên Điền. Tục lễ này có từ thời cổ, với tuổi thọ trên 400 năm. Xưa người dân Tiên Điền chỉ sống đến tuổi 53 thôi. Có người trong làng đến tuổi ấy lo sợ, đã sắm sửa lễ vật đến chùa Trường Ninh cầu Phật xin được sống qua cái định mệnh ấy. Thế rồi người ấy sống qua tuổi 53 và tiếp tục sống đến già. Từ đó trong làng ai đến tuổi 53 định mệnh đều sắm sửa lễ vật cúng Phật tại chùa Trường Ninh để cầu sống thọ. Từ đó dân làng nhiều người đã vượt qua định mệnh. Từ việc cầu Phật ở chùa Trường Ninh phát sinh tục lễ lên lão ngày nay. Tuổi 53 được gọi là hạ lão. Hàng năm những người đến tuổi chẵn 60,70,80,90…thì được con cháu tổ chức lễ mừng thọ. Làng xã có định lệ tổ chức mừng chung người lên thọ. Lễ vật mừng tùy ý, có thể mừng bằng lễ vật có sẵn. Mừng thọ đặc biệt rất quý đó là những bài thơ Đường luật, câu đối, bức trướng, đôi khi tặng cả chữ Hán nữa.
Sau khi các thôn lễ Phật xong, toàn xã họp mặt ở đình Tiên Điền, ngâm thơ, mừng thọ chung vui với các cụ được dân làng mừng thọ. Có một năm, trong lễ mừng thọ, thi sĩ Nguyễn Hành, cháu gọi Đại thi hào Nguyễn Du bằng chú ruột làm một bài thơ mừng thọ ông Chánh xã có câu rằng:
“Tự nhiên tục lệ lâu đời
Nét riêng, riêng một bầu trời Trường Ninh”
Sau khi mừng thọ tại đình làng, xã tổ chức rước thơ về nhà ông Chánh xã. Từ đó trở thành tập quán, nét đẹp đầy chất nhân văn của người Tiên Điền, được các vùng lân cận ca ngợi.
Xã Tiên Bào nay là Xuân Yên theo lệ xã định những người đến tuổi 70 nhân ngày lễ khai hạ làm xôi gà cúng thần tổ chức lễ mừng thọ luôn. Làng Báu Lâm tức thôn Hồng Lam xã Xuân Giang quy định những người 50,60,70…đều mừng thọ. Tổng Tam Đăng theo lệ 4 người trưởng lão thường năm phải tổ chức xôi gà làm lễ mừng thọ. Ngày nay, phần lễ do chính quyền ủy nhiệm Hội người cao đứng ra tổ chức lễ hội. Sau phần lễ là phần hội. Phần hội với những tiết mục thơ mừng thọ, bài hát mừng xuân, mừng quê hương đất nước bằng chương trình văn nghệ ngắn gọn. Hiện nay huyện ta đã nhiều xã tổ chức rất trọng thể, nghiêm trang và náo nhiệt. Làng Động Gián lễ khai tiến hành hạ nêu và động thổ, vị thủ chỉ phải cuốc đất 3 nhát để phát động dân sản xuất. Đồng thời làm lên lão, mừng tuổi các chức sắc bô lão thêm tuổi mới. Thăng bậc cho thủ chỉ, chấp nhận sinh đồ, tri sự.
Song song với lễ hội mừng thọ là lễ hội Khai hạ mồng 7 tháng 1 âm lịch giống như lễ tịch điền ở kinh đô,có ý nghĩa khai hội cày cấy phát triển nghề nông. Lễ này các xã thôn có ruộng công thì giao cho ông trùm hội cấy biện lễ, không có ruộng công thì góp tiền. Nơi có ruộng chia cho người đi lính thì tế riêng. Lễ khai hạ thường cúng ở nền đàn tế của xã. Ở Đan Hải lại cử 12 người trưởng lão (cao tuổi nhất), lần lượt hàng năm mỗi người làm một cỗ xôi rất hậu rất tinh khiết để cúng thần nông . Ở xã Đan Trường, xưa vào ngày mồng 4 tết, dân địa phương có tổ chức lễ hội khai xuân tại đình này rất long trọng. Vào ngày lễ hội, con em đi làm ăn xa cũng tìm về dự. Ngày hội thật tưng bừng, mọi người ăn mặc đẹp, cầm cờ quạt, tàn lọng, rước kiệu Thành hoàng đi khắp làng rồi rước về đình trong tiếng trống hội. Sáng mồng 4 tết, xã chiêng trống nổi lên ba hồi 9 tiếng ở đình làng. Đám rước lớn nhất là rước kiệu long đình ông Cả. Ngày 4,5 làm lễ bách thần, lễ khai xuân và lễ tất cả các nơi thờ cúng trong xã. Ngày mồng 6 bắt đầu hội . Đầu tiên là đám rước các thần quanh xã, sau đó thì rước về đình Ráng và tổ chức các trò chơi dân gian như đấu vật, kéo co, đi cầu kiều, ném bóng vào thau đồng, đánh cờ người. Ngày mồng 6 mở hội hoa đăng và diễn các tích cổ. Sáng mồng 7 mở yến tiệc mừng lão tại đình làng. Các bậc cao tuổi được mời đến dự tiệc. Yến lão xong các cụ được rước chung với đoàn kiệu làng về nhà, rồi hạ nêu, kết thúc lễ hội xuân.
Ở xã Xuân Viên ,vào dịp xuân về tết đến, đình Hát là địa điểm được xã Xuân Viên tổ chức hội lễ khai hạ với mục đích cầu mong quanh năm được “nhân yên, vật thịnh, tăng tài, tăng lộc” (Người yên, súc vật phát triển, tăng tiền của, phát lợi lộc). Lễ hội khai hạ, mỗi làng đều sửa soạn 1 mâm xôi, con gà hoặc thủ lợn và tổ chức rước bài vị , sắc phong các đình, đền, miếu mạo được thờ trong xã về đính tế lễ Thành hoàng. Khi tiếng trống đền Cao Sơn ,Cao Các nổi lên, các chiêng trống trong xã hòa theo, cờ quạt tưng bừng, người đi xem hội náo nhiệt. Tế lễ xong, ban chủ khảo chấm thi và công bố kết quả hội lễ rất nghiêm túc. Phần hội có tổ chức các trò chơi dân gian như đánh đu, kéo co, cờ tướng, chọi cù…Trong các trò chơi trên, chọi cù là hấp dẫn nhất, thu hút nhiều trai trẻ tham gia.
Sau ngày khai hạ, các hoạt động vui chơi giải trí, trò chơi dân gian, diễn trò…đưa niềm vui đến với mọi miền quê tưng bừng, náo nhiệt. Các xã Tiên Điền, Xuân Liên, đội trò Kiều có diễn một số trích đoạn như “ Chị em Thúy Kiều du xuân”, “Kim Kiều hẹn ước”. Có năm đội trò diễn cả tích Kim Vân Kiều kéo dài 3-4 đêm. Xã Xuân Giang có năm tết đến, đội văn nghệ hát dân ca ví giặm và diễn tuồng “Kiều Nguyệt Nga”, “ Thoát Hoan”, kéo dài 2 đêm để phục vụ nhân dân.
Hội Xuân và các trò chơi dân gian (Minh họa: Châu Ái Vân)
Cùng với các hoạt động dân ca, văn nghệ quần chúng, các trò chơi dân gian sôi động, thượng võ đã đóng góp không khí hội xuân nóng lên trong cái se se lạnh của tiết lập xuân. Người dân vùng ven biển, ven sông Lam có tục đi cà kheo. Nhân dân Tiên Điền, Xuân Yên thường tổ chức trò chơi đi cầu chiền chiện, cầu khỉ, bịt mắt đập mặt nạ, đập niêu rất thú vị. Người chơi bịt mắt, cầm gậy đập niêu. Nếu đập niêu vỡ người chơi được nhận phần thưởng để sẵn bên trong rất bất ngờ. Đánh cờ tướng, cờ người nổi tiếng ở xã Xuân Đan, Xuân Phổ và đất Giang Đình. Cổ Đạm có trò chơi bắt vịt dưới ao. Trò chơi này không yêu cầu kỷ thuật khéo léo, nhưng lại yêu cầu người chơi giỏi bơi lặn. Ở xã Xuân Giang có các trò chơi ném vòng vào cổ chai, cổ vịt , ném bóng vào thau đồng rất vui. Với trò chơi này đòi hỏi người chơi phải có kỷ thuật điêu luyện, có tính kiên nhẫn. Kéo co, đấu vật ở Cổ Đạm, Đan Trường và nhiều xã trong huyện . Đây là trò chơi thể hiện tinh thần thượng võ, phô trương sức mạnh rèn luyện sức khỏe, ý chí của trai làng. Hội Thống thi nâng đá cột đình . Các xã Tiên Điền, Xuân Mỹ, Xuân Giang có trò chơi đánh cù. Trò chơi này giống như bóng rổ của phương tây. Là trò chơi đòi hỏi có thể lực, kỷ thuật, nhanh nhẹn, khéo léo và đoàn kết. Nhiều xã, sau tết ra xuân có tổ chức đánh đu, tổ chúc thi chèo thuyền, bơi thuyền ở sông Lam.
Ở làng Động Gián ngày xưa, quy định 3 -5 năm tổ chức lễ hội xuân 1 lần, trong 3 ngày vào dịp rằm tháng Giêng . Làng rước kiệu thần danh tướng Nguyễn Xí ở đền Bản Thuộc, kiệu các thần thờ ở đền Bạch Thạch, tập trung ở bến đò Bát Trạc. Rồi rước xuống 6 chiếc thuyền gồ đánh cá của 6 bạn chài trong làng xã. Và phân chia theo thứ tự thuyền rước kiệu, thuyền rước hương án, thuyền rước voi ngựa, cáng võng, đồ tế đao, kiếm, giáo, chuỳ, cờ sắc…Rồi xuôi dòng lạch Kèn, tiến đến bến Trò Đỗ. Rồi rước lên bờ tiến ra bãi biển thôn Động Kèn làm lễ yết tại rạp. Sau đó đoàn người rước kiệu, hương án, voi ngựa, gươm giáo…về đình làng làm đại lễ theo phong tục truyền thống. Ngày hôm sau, làm lễ khai hội. Trai tráng trong làng thi ném cù, chèo đua, thi vật, cà kheo, kéo co… Cũng vào dịp hội xuân, làng Động Gián tổ chức lễ cầu ngư, cầu phúc, cầu tài cho mưa thuận gió hoà.
Lễ hội rước sắc xưa nay ở xã Ích Hậu, huyện Lộc Hà, hàng năm diễn ra vào mùa xuân trong 3 ngày 12, 13 và 14 tháng Giêng âm lịch, có diễn ra lễ hội rước sắc Hoàng giáp, rất sôi động. Hôm đó, ngày 12 con cháu và dân làng mặc trang phục đẹp, chỉnh tề, cùng về tập trung ở khu di tích đền thờ tể tướng Nguyễn Văn Giai. Sau khi sửa soạn chu đáo, cẩn trọng, đoàn rước có cờ quạt, nhiều đao kiếm, giáo mác, kiệu thần từ đền tới nhà tộc trưởng họ Nguyễn Văn nhận 43 đạo sắc phong chức tước, nhân thần cụ Hoàng giáp Nguyễn Văn Giai, và Bằng di tích Lịch sử - Văn hoá Quốc gia của nước nhà. Từ đây, đám rước sắc, bằng hành trình quanh xã Ích Hậu, rước tới lăng mộ phát tích Thái bảo (ông nội Hoàng giáp), lăng mộ bà nội, lăng mộ người cha (Nguyễn Văn Củng) mẹ. Từ đây đoàn rước sắc rước tới lăng mộ Thái phó Nguyễn Văn Giai lễ tạ. Sau đó rước về làm lễ tế thần theo phong tục địa phương vào ngày 13, chính giổ Hoàng giáp. Ngày 14, đoàn rước theo hành trình hôm trước, rước các đạo sắc, bằng về tộc trưởng để giữ gìn, bảo tồn.
Lễ hội 10 tháng Giêng tại đền thờ tôn vinh kỷ niệm công đức của danh nhân cha con Đặng Tất, Đặng Dung ở xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc có thọ 370 năm tính đến nay. Theo gia phả họ Đặng, năm 1654, tổng binh Đặng Ngụ Quế là cháu xa đời của nhân thần Đặng Tất, Đặng Dung lấy năm Nhâm Tý làm chuẩn, quy định 3 năm 1 lần làm lễ hội long trọng. Mỗi độ xuân về, đến kỳ lễ hội nhân thần Đặng Tất, Đặng Dung, người họ Đặng bất kỳ là hậu duệ của danh nhân (vị phúc thần quả cảm đánh giặc Minh, phục hưng nhà Trần đã hi sinh vì nước Việt) từ khắp mọi miền Tổ quốc đưa nhau tìm về cội nguồn. Lễ hội triển khai rước biểu tượng danh nhân, voi ngựa, đua thuyền, diễu võ, kể chuyện, ca hát tích cổ sôi động. Lễ hội 10 tháng Giêng ở đền thờ nhân thần Đặng Tất, Đặng Dung năm Giáp Thìn hứa hẹn sôi động, chào đón con cháu họ Đặng và du khách gần xa mọi miền.
Ngày nay, lễ hội và một số trò chơi dân gian Hà Tĩnh bị mai một, thất truyền như đánh đu, đánh cù. May mắn, các trò chơi đánh cờ người, cờ thẻ, đấu vật, kéo co được phục hồi để bảo tồn những giá trị bản sắc văn hóa vùng miền. Mùa xuân về, cùng với lễ hội trẩy chùa, viếng đền truyền thống, những trò chơi dân gian thượng võ, rèn luyện sức khỏe cũng là một điểm nhấn trong văn hóa Việt.
Đặng Viết Tường