07-05-2019 - 14:58

Chiến thắng Điện Biên Phủ, nguồn cảm hứng của hội họa Việt Nam

Tạp chí Hồng Lĩnh số 153 hân hạnh giới thiệu bài viết "Chiến thắng Điện Biên Phủ, nguồn cảm hứng của hội họa Việt Nam" của Họa sĩ Lê Anh Tuấn.

         Cuộc kháng chiến chín năm chống Pháp đã làm nên kỳ tích Điện Biên Phủ. Đó không chỉ là một trận đánh, nó là đỉnh điểm cáo chung kết thúc hàng trăm năm đô hộ của thực dân Pháp. Chiến thắng lẫy lừng Điện Biên Phủ, thay đổi vận mệnh của dân tộc Việt Nam. Ảnh hưởng lớn của cách mạng, của Bác Hồ đã thức tỉnh ý thức dân tộc, giác ngộ chính trị cho toàn bộ giới văn nghệ sỹ, trong đó có mỹ thuật. Ở chiến khu Việt Bắc họa sỹ hàng đầu Việt Nam lúc bấy giờ: Tô Ngọc Vân trong bài viết cho báo Văn nghệ đã khẳng định: “Bây giờ mới có hội họa Việt Nam”. Quá trình giác ngộ cách mạng của danh họa này không đơn giản, bởi ông được đào tạo dưới mái trường “Cao đẳng mỹ thuật Đông Dương” do chính người Pháp thành lập tại Việt Nam. Sự lột xác không hề dễ dàng gì của ông là bài học lớn cho Văn nghệ sỹ cả nước, đặc biệt là mỹ thuật. Ông hy sinh anh dũng đúng vào giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến ngay trên chiến trường Điện Biên Phủ. Máu của ông còn thấm mãi trong tác phẩm sơn mài: “Dân quân bộ đội ngồi nghỉ chân trên đồi”. Đó là màu đỏ cách mạng mà Tô Ngọc Vân tìm được trong cuộc kháng chiến chín năm, nó là bước ngoặt quan trọng nhất thay đổi hoàn toàn nhận thức của người nghệ sỹ - chiến sỹ - trí thức Hà Nội. Ông là người đi đầu trong giới mỹ thuật Việt Nam, đưa mỹ thuật nước nhà vào quỹ đạo mới: Quỹ đạo nghệ thuật vị nhân sinh. Một cách nhìn nhận của người nghệ sỹ đã thực sự thay đổi nhận thức nghệ thuật. Tính thường trực chiến đấu được biểu đạt ở dáng ngồi ôm súng của anh bộ đội lúc nghỉ chân. Với tầm nhìn mang nặng tình yêu hòa bình của một dân tộc căm ghét chiến tranh, có truyền thống chống ngoại xâm ngay từ những ngày đầu dựng nước.
Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ - Tranh sơn mài - Nguyễn Sáng
         Những họa sỹ thời tiền chiến, sau ngày hòa bình lập lại với đại thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu họ đều sáng tác về đề tài Điện Biên, mỗi người một cách nhìn của riêng mình. Họ sỹ Trần Văn Cẩn, trong tác phẩm: “Con đọc bầm nghe” cho ta một cảm nhận thanh bình, anh thương binh với bà mẹ và em bé nằm gọn trong lòng, một sự chở che đầy nhân bản, ở đó tất cả ba nhân vật đều là người chiến thắng, vừa bước ra từ cuộc chiến cam go và ác liệt, mà gia đình là pháo đài vững chắc để người lính yên tâm cầm súng đánh giặc. Mai Văn Hiến trong tác phẩm: “Gặp nhau” trên đường đánh giặc năm 1954, giữa những người lính và dân công hỏa tuyến, họ nhận ra nhau như những người thân quen nhất. Tất cả hiện lên ở gương mặt hồ hởi, tự tin ở thắng lợi mà họ cầm chắc trong tay. Những sáng tác về đề tài chiến thắng Điện Biên Phủ của Dương Hướng Minh: “Kéo pháo”, ghi lại hình ảnh kéo pháo bằng đôi tay trần với đường dốc dựng đứng. Ở họ khó khăn chẳng coi là gì bởi phía trước là kẻ thù mà họ phải chiến thắng, tác phẩm sơn mài cỡ lớn này được xây dựng sau ngày giải phóng Điện Biên. Một khoảng khắc vô cùng xúc động ghi lại hình ảnh: “Bế Văn Đàn” tranh lụa của Lê Vinh vẽ hai người lính đang trút căm hờn lên đầu giặc. Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng, một hình tượng hiếm có tiêu biểu cho lòng dũng cảm của chiến sỹ Điện Biên “Đầu nung lửa sắt”. Bức tranh sơn dầu của Lê Anh Tuấn (thế hệ sau kháng chiến 9 năm) vẽ về người anh hùng Phan Đình Giót, mô tả người chiến sỹ hiên ngang, dũng cảm lấy thân mình lấp lỗ Châu Mai trước hỏa lực ác liệt của kẻ thù. Đây là bài ca chiến thắng bất hủ của người chiến sỹ kiên trung, người con Hà Tĩnh trên chiến trường ác liệt Điện Biên Phủ…

         Họa sỹ - chiến sỹ Nguyễn Sáng có những tác phẩm để đời về chiến thắng Điện Biên. Ông lặn lội trên chiến trường với tinh thần nghệ sỹ là chiến sỹ như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: “Văn hóa nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em là chiến sỹ trên mặt trận ấy”. Vào những ngày đầu năm 1954, sau khi chỉnh huấn xong ông được phân công theo một đơn vị chủ lực chuẩn bị tham gia chiến dịch Điện Biên, chính thời gian này ông xây dựng tác phẩm: “Giặc đốt làng tôi” bằng chất liệu sơn dầu được vẽ ngay sau khi kết thúc chiến dịch, và nó trở thành tác phẩm mẫu mực của sơn dầu Việt Nam. Sau này ông tâm sự trong bài viết: “Sáng tác tranh giặc đốt làng tôi”: … Đêm không vẽ được người bứt rứt khó chịu. Nhiều lúc tôi có ý muốn kỳ lạ, chỉ muốn mặt trời không lặn hai ba ngày liền để tôi có thể vẽ liên tục. Đêm nằm trằn trọc không ngủ được tôi lúi húi thắp đèn soi từng mặt người trên tranh. Lại nhớ những ngày Tây Bắc. Tôi thấy bất mãn với tôi. Diễn đạt chưa đúng, chưa sâu, chưa xứng đáng những lời gửi gắm của đồng bào Tây Bắc. Tôi lại xóa đi, vẽ lại một anh bộ đội, tôi vẽ đi vẽ lại đến gần hai chục lần. Làm sao phải nói lên được tình cảm anh bộ đội vừa thù giặc vừa yêu thương đồng bào”. Với chúng tôi, những họa sỹ lớp say này thì ngọn lửa cháy trên những gương mặt trong tranh còn mãi mãi tỏa sáng, ông cho chúng tôi một cách làm nghệ thuật hiện thực kinh điển, cách diễn hình, diễn màu, “mới” đến mãi sau này, mặc dù nó ra đời đến nay đã 65 năm rồi… Ở một phương diện nào đó toàn bộ tác phẩm có vương nhẹ chút tâm hồn Vangốc (danh họa Hà Lan) âu cũng là lẽ thường tình trong nghệ thuật. Mà cũng lạ hai con người này, ấy thế mà lại có một thân phận cuộc đời ảm đạm và trần lặng như một định mệnh.

         Chín năm sau (1963), Nguyễn Sáng cho ra đời bức sơn mài khổ lớn, sáng tác về đề tài Điện Biên Phủ, đó là khoảng thời gian cần thiết cho tư duy nghệ thuật đối với một nghệ sỹ cỡ lớn như Nguyễn Sáng, khoảng nghỉ cần của một bản giao hưởng trong nghệ thuật tạo hình. Là một họa sỹ từng tham gia chiến dịch Điện Biên vĩ đại, quyết định vận mệnh của cả một dân tộc: Nguyễn Sáng hiểu rất rõ vai trò người lính, hiểu rất rõ tinh thần quyết thắng của toàn dân, toàn quân. Họa sỹ ở thời điểm này là đỉnh điểm sáng chói trong nghệ thuật ở cả hai yếu tố: Tư tưởng và nghề nghiệp. Ông xây dựng tác phẩm: “Kết nạp Đảng ở Điện Biên”, trên chất liệu truyền thống sơn mài với khổ tranh lớn (112cm x 180cm). Nếu “Giặc đốt làng tôi” là bản Sônát thì đây: “Kết nạp Đảng ở Điện Biên” là một giao hưởng lớn của nghệ thuật tạo hình. Ông bố cục 8 nhân vật bộ đội choán gần hết mặt tranh, phần còn lại là vách chiến hào, tất cả im lặng, linh thiêng. Một lá cờ Đảng treo trên vách hào, trước mặt người lính với tư thế trịnh trọng và hiên ngang. Ở tác phẩm này cấu trúc hình của ống vững, khỏe, có chút lập thể, tất cả khúc chiết góc cạnh, hoành tráng, với cách nhìn của khuynh hướng tối giản. Từ những dáng người rất động (trong sự tĩnh lặng), người lính của ông rắn chắc, uy nghiêm toát lên phong thái của người chiến thắng. Nguyên liệu truyền thống được Nguyễn Sáng biểu đạt trong tác phẩm không còn sự tỷ mẩn của sơn mài mỹ nghệ, ở đây nó thoát ra khởi sự ràng buộc vô lối, xưa cũ. Nghệ thuật của ông bỏ xa những tác phẩm cùng thời, ông đã đưa tác phẩm của mình với đúng nghĩa của nó: Truyền thống - Hiện đại… “Kết nạp Đảng ở Điện Biên Phủ” là tác phẩm sơn mài hoàn bích của Nguyễn Sáng về cả nội dung và hình thức, nó là khuôn vàng thước ngọc cho các thế hệ mỹ thuật Việt Nam sau này, chỉ tiếc những người lính cụ Hồ của ông còn khá giống nhau, còn bị cường lên hơi quá, vì vậy mà thiếu đi tính dung dị, bình giản của những chàng trai nông dân mặc áo lính…

         Chúng ta biết đến Điện Biên Phủ thời chống Pháp qua nhiều tác phẩm của những tác giả từng là chiến sỹ Điện Biên, đó là “Dân quân, bộ đội nghỉ chân trên đồi”, sơn mài của Tô Ngọc Vân 1954, là “Bế Văn Đàn” lụa của Lê Vinh 1958, kéo pháo, sơn mài của của Dương Hướng Minh 1957, chiến thắng Điện Biên Phủ, tranh hoành tráng của Trần Gia Bích 1995, tượng đài chiến thắng Điện Biên Phủ của Nguyễn Hải 2004… Nhưng tác phẩm vẽ về anh lính Cụ Hồ ở chiến trường Điện Biên thì Nguyễn Sáng với “Kết nạp Đảng ở Điện Biên phủ” là tác phẩm điển hình nhất, tiêu biểu nhất ở tất cả mọi phương diện trong hội họa.

         Tác phẩm đẹp trước hết là nội dung của nó phong phú và sau đó là hình thức biểu hiện đẹp, quan niệm và tính nhân văn cao cả của nghệ sỹ trong tác phẩm là cái mà hậu thế được thừa hưởng. Nghệ thuật không có giới hạn, nhưng nghệ sỹ thì có không gian cụ thể. Cách mạng là động lực cho mọi hình thái xã hội… Sự tồn vong của tác phẩm nghệ thuật thảy đều phụ thuộc vào người sáng tạo ra nó. Chúng ta yêu đất nước, quý trọng lịch sử, thương quý tất cả nhân quần trong xã hội, nhưng nếu không hiểu về nó thì tình yêu ấy chỉ dừng lại ở hình thức mà thôi.

                                                                       Hà Tĩnh, tháng 4 năm 2019

                                                                          L.A.T

 

. . . . .
Loading the player...