16-12-2019 - 15:42

Chiến tranh và những vấn đề đặt ra với sự phát triển của Nhiếp ảnh

Tạp chí Hồng Lĩnh số 160 giới thiệu bài viết "Chiến tranh và những vấn đề đặt ra với sự phát triển của Nhiếp ảnh" của Nghệ sĩ nhiếp ảnh Vũ Huyến.

 

       Việt Nam là một nước của những cuộc chiến tranh, nhiếp ảnh cần phải cùng lúc phản ánh cuộc chiến tranh một cách đầy đủ, phản ánh đúng, phản ánh hay. Nhiếp ảnh đã làm gì để thực hiện những yêu cầu ấy? Và làm được đến đâu? Câu hỏi và câu trả lời đặt ra cho người trực tiếp cầm máy, người quản lý và lãnh đạo họ, và đương nhiên với cả người sử dụng các sản phẩm nhiếp ảnh.

       Gần nửa thế kỷ kết thúc chiến tranh, trừ nhiếp ảnh, các loại hình sáng tác nghệ thuật khác vẫn coi chiến tranh là đề tài lớn. Các nhà văn, nhà thơ, nhà soạn nhạc, các họa sĩ, các nhà nghiên cứu… vẫn đang nung nấu để cho ra đời những sản phẩm văn nghệ về đề tài chiến tranh. Đề tài đó, với các loại hình văn nghệ nói trên không bao giờ là cũ, là vơi cạn… Chỉ có một ngành nghệ thuật “hoàn toàn bất lực” với đề tài ấy ngay sau khi kết thúc cuộc chiến tranh. Đó là nhiếp ảnh. Những khoảnh khắc đã qua đi, dù quý giá mấy cũng đã trở thành vĩnh viễn. Lịch sử không lặp lại, nhà nhiếp ảnh không thể quay lại thời khắc sự kiện xảy ra, không thể nhìn thấy lại những điều đã xảy ra. Nhiếp ảnh, một thể loại có tính “xung kích”, tiếp tục vai trò tích cực của mình với đề tài quân đội và người lính trong một tư thế mới, tinh thần mới…

       Những năm chiến tranh, các nhà nhiếp ảnh Việt Nam đã thấy những gì qua ống kính: Họ đã thấy bom đạn do máy bay Mỹ ném xuống Hà Nội, Hải Phòng, xuống rất nhiều tỉnh ở miền Bắc. Thấy dân Hà Nội đi sơ tán, thanh niên khắp nơi nhập ngũ, thấy cảnh bè bạn đi B. Ở miền Bắc (từ sông Bến Hải trở ra) có phong trào “Ba sẵn sàng”, “Mỗi người làm việc bằng hai”, “Cờ ba nhất”, “Gió Đại Phong”, họ còn thấy ở Hà Nội các cháu bé đội mũ rơm, tự vệ đội mũ sắt, thấy có nhiều hầm trú ẩn… Các phóng viên nhiếp ảnh thì ai ai cũng mặc quần áo chiến sĩ, khi được cử đi vào đường mòn Trường Sơn thì được phát thêm súng, đạn… Còn thấy và nghe, biết nhiều điều khác nữa, nhưng họ tập trung vào công việc của chiến sĩ dùng máy ảnh để “ca ngợi cuộc chiến đấu chống Mỹ như lớp đàn anh họ đã từng ca ngợi cuộc chiến đấu chống Pháp”, những hình ảnh khác như cảnh đẹp, mây núi đẹp, hoàng hôn và bình minh…, đành tạm bỏ lại, chờ cho ngày hòa bình mới chụp. Lúc này, nghĩa vụ công dân, trách nhiệm nhà báo, người chiến sĩ… gắn kết là một.

       Những hình ảnh đang lưu giữ tại Bảo tàng các lực lượng vũ trang, bảo tàng cách mạng, bảo tàng các quân chủng binh chủng, trong tư liệu của Cục lưu trữ Nhà nước hay các cơ quan báo chí truyền thông khác… Hiện rất nhiều nhưng phải chăng đã là đủ những gì mà lịch sử yêu cầu quanh “Câu chuyện chiến tranh Việt Nam”?

      Ở Mỹ, và nhiều nước khác, hiện có không ít sách ảnh nói về chiến tranh Việt Nam, chiến tranh Đông Dương. Chưa nói về qui mô và khả năng thuyết phục, sự đa dạng về nội dung chiến tranh trong các cuốn sách ấy khiến chúng ta phải suy nghĩ, và hiểu được các hình thức và phương pháp tác nghiệp nghề ảnh ở những nơi có chiến tranh như thế nào? Vì sao hiện nay, tại rất nhiều điểm nóng trên thế giới hầu như không thấy các nhà báo, phóng viên nhiếp ảnh Việt Nam? Vì không cần thiết hay do không có kinh phí? Hay còn vì lý do nào khác?

       Nếu thực hiện được yêu cầu lớn thứ nhất: là phản ánh đầy đủ cuộc chiến tranh ở Việt Nam thì dĩ nhiên cần có hình ảnh ở cả hai phía ta và địch, ở tiền tuyến và hậu phương, hậu cần quân sự, ở vùng núi, nông thôn lẫn đô thị, đồng bằng, cả trên bộ, trên sông, trên không, cả đánh tập kích lẫn xung phong và đổ bộ.Chiến tranh xảy ra ở Việt Nam từ năm 1946 đến hết tháng 4/1975. Năm 1965, những ai chụp ảnh, cứ coi là chuyên nghiệp tham dự đại hội lần thứ Nhất Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam tổ chức tại 51 Trần Hưng Đạo, cả thảy có 71 người. Con số ấy lý giải, rằng lượng người ít ỏi như thế thì sao có đủ nhân lực để chụp nhiều sự kiện ở nhiều mặt trận khác nhau (A, B, C, D). Các phóng viên báo chí Trung ương hồi đó dùng xe đạp là phương tiện đi lại duy nhất (xe mua qua phân phối tới từng đơn vị báo chí). Liệu xe đạp có là phương tiện đủ để cho một phóng viên ảnh chiến tranh tác nghiệp? Còn thiết bị, mỗi người được phát một máy ảnh, ống kính tiêu cự dài thường chỉ là 135mm, phim được phát rất hạn chế… Vì sự thiếu thốn ấy, nên ảnh chiến tranh do Việt Nam chụp không nhiều, bị bó hẹp về đề tài là vì thế…

Báo động - Ảnh: Vũ Huyến

       Yêu cầu quan trọng khác của nhiếp ảnh là phải phản ánh đúng cuộc chiến tranh Việt Nam là cuộc chiến kéo dài nhất sau đại chiến thế giới thứ 2, là cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc, là cuộc chiến tranh giải phóng? Ở một khía cạnh khác đấy còn là cuộc chiến đấu vì lý tưởng Xã hội chủ nghĩa.Để giành thắng lợi, Việt Nam phát huy tiềm lực duy nhất là ý chí chiến đấu cao, tinh thần “Thà chết chứ không chịu mất nước”. Các nhà nhiếp ảnh Việt Nam đã làm được việc lớn là đưa quyết tâm chống Mỹ, “Vì miền Nam ruột thịt” đến các độc giả xem ảnh. Bức ảnh “Phúc Tân kêu gọi trả thù” của phóng viên Vũ Ba (Báo Quân đội Nhân dân) chụp cháu bé gái ở Phúc Tân (Hà Nội) gào khóc trong bom đạn của không quân Mỹ… đã bị phê phán là “diễn biến hòa bình”, “làm giảm quyết tâm chiến đấu”, lý do thật đơn giản: bức ảnh như đã không hướng người xem vào hướng duy nhất: “tiêu diệt địch”.

       Nói thực, đúng và đủ nhưng cũng đừng quên phát huy năng lực lưu giữ tài liệu vốn có của nhiếp ảnh. Rất tiếc trong nhiều năm chiến tranh do quá tập trung đến sự cổ vũ động viên, nhiếp ảnh Việt Nam chưa có nhiều những ảnh có giá trị tố cáo cao, có tư liệu về cuộc chiến đẫm máu kéo dài qua nhiều thế hệ ở Việt Nam. Chiến đấu và sẵn sàng chiến đấu được hiểu rất sơ sài qua hình ảnh là việc lắp đạn, là chuẩn bị nạp đạn và lên đường ra mặt trận, là các đoàn xe ra trận chứ không phải là một cận cảnh chụp người chiến sĩ ngồi sau tay lái.Khác với phóng viên ảnh nước ngoài, hầu như việc chụp tại chỗ ngay trong các cuộc chiến và hành quân ở Việt Nam rất khó được thực hiện. Người chụp Việt Nam thường không cùng sống, ăn ở tại các đơn vị chiến đấu, các quân binh chủng cụ thể trong mọi thời gian và hoàn cảnh, mà thường chỉ đi chụp và lấy tài liệu theo đợt, theo việc được giao từ các toà soạn báo với biên chế ít ỏi. Báo QĐND trong chiến tranh chỉ có một phòng ở Hà Nội với thiết bị kém và thiếu như đã nói ở trên. Vì vậy, để có những ảnh cần cho tuyên truyền, không gì hơn là tìm cách sắp đặt và bố trí sao cho khuôn hình sạch sẽ, có nhiều nội dung rõ khỏi bị hiểu lầm, tránh không có gì sai, càng nói được nhiều điều càng tốt và chú ý để tránh sao khỏi bị, suy diễn điều này tiếng nọ. Áp đặt nội dung vào ảnh là thói quen được thừa nhận dần trở thành lối chụp của hầu hết các nhà nhiếp ảnh thế hệ sau. Chất lượng không cao của ảnh báo chí Việt Nam (tính tài liệu yếu kém, nặng về miêu tả và làm dáng, tư liệu không mới và thiếu sự phát hiện) và của ảnh nghệ thuật (thiếu cảm xúc, nặng về trình bày hình thức) phải chăng bắt nguồn từ thói quen chụp nặng về sao chép đã có từ những năm chiến tranh.

       Đề tài chiến tranh cách mạng, có ý nghĩa lâu dài, rất cần thiết cho công tác tuyên truyền, giáo dục các thế hệ nối tiếp nhằm giáo dục tình yêu nước, thực hiện cùng lúc hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng phát triển kinh tế xã hội và bảo vệ an ninh Tổ quốc. Với các ngành văn nghệ khác thời gian trôi qua đôi khi còn là thuận lợi để mỗi người sáng tạo, chiêm nghiệm. Với nhiếp ảnh, cái cần được từ những tác phẩm ảnh chiến tranh đã qua là giúp cho những người sáng tạo thế hệ hôm nay tìm ra những bài học nghề nghiệp, rút kinh nghiệm trong tìm kiếm chọn lựa đề tài. Chí ít cũng để họ nhận ra là những gì đang có ở Việt Nam, trong từng thời khắc, ở bất cứ đâu… cũng cần phải lưu lại bằng hình ảnh.

       Cuộc sống đa dạng, phong phú và rất nhiều chiều là “đơn đặt hàng” thường xuyên với mỗi nhà nhiếp ảnh.Những hình ảnh về cuộc chiến tranh Việt nam vẫn đang tiếp tục đến với độc giả, khán giả báo chí và truyền hình Việt Nam, ở Pháp, Mỹ và nhiều nơi trên thế giới, để ca ngợi khí phách dân tộc. Ở Việt Nam, đất nước có nhiều ngày kỷ niệm lớn, hình ảnh các cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc như chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ, chiến dịch Hồ Chí Minh luôn được tô đậm…

       Chụp ảnh không chỉ cho hôm nay, ngày mai mà cho cả đời đời con cháu. Hãy thức dậy với chiếc máy ảnh và quan sát bất cứ lúc nào. Đó là nhận thức đầu tiên cho công việc của mỗi người làm nghề chụp ảnh, làm chứng cho lịch sử.

                                                                                                          V.H

. . . . .
Loading the player...