05-03-2019 - 09:48

Chùm tác phẩm dự thi Viết - Vẽ tuổi học trò lần thứ XII

Tạp chí Hồng Lĩnh số 151 tháng 3/2019 giới thiệu chùm tác phẩm dự thi Viết - Vẽ tuổi học trò lần thứ XII của các em trường THCS Lê Văn Thiêm - TP Hà Tĩnh và trường THCS Hoàng Xuân Hãn - Đức Thọ.

Gió


Luồn qua từng khóm cây
Đánh thức từng chiếc lá
Lướt nhẹ nhàng ra biển
Ôm ấp cánh buồm khơi

Gió đi qua cánh đồng
Đung đưa từng bông lúa
Gió ghé qua trường học
Xem chúng em học bài.
                                          Thái Hà Bảo Trân 
               (Lớp 6/2 - Trường THCS Lê Văn Thiêm - TP Hà Tĩnh)

 

Bác hàng xóm


Bác hàng xóm nhà em
Người cao gầy ốm yếu
Con cái bác ở xa
Trong nhà gì cũng thiếu

Có những đêm mùa đông
Em học bài chưa ngủ
Thấy bác đạp xe về
Chở vỏ bia, vỏ bánh

Thu qua, xuân đến nhanh
Em mong bác khỏe mạnh
Mong những ngọn gió lành
Mang niềm vui tặng bác
 

Tiếng rao đêm


Ai còn nghe một tiếng rao đêm
Như tối nay em học bài, chưa ngủ
Tiếng rao buồn, vật vờ, lạc lõng
Có ai mua cho bác chút gì không?

Khuya lắm rồi, một đêm vắng mùa đông
Em cuộn mình trong nệm chăn ấm cúng
Tiếng rao quen vẫn vang lên buồn bã
Có cơn mưa nào làm ướt áo bác không?

Em chờ mong những buổi sáng mai hồng
Xua đêm tối và muôn vàn giá rét
Mang nụ cười và thật nhiều ấm áp
Hong khô nỗi buồn của một tiếng rao đêm.
                                                      Phan Tuấn Bảo
               (Lớp 6/1 - Trường THCS Lê Văn Thiêm - TP Hà Tĩnh)

Đi chợ vùng cao - Tranh: Nguyễn Huy Thuận - Lớp 9E - Trường THCS Hoàng Xuân Hãn - Đức Thọ

 

Truyện ngắn: HỘP BÚT MÀU

 

Trời nắng. Nắng như trút dầu đổ lửa, nhảy nhót vũ điệu cuồng nhiệt của mùa hạ oi ả trên những đôi vai mỏi nhừ thấm đẫm mồ hôi. Lòng nhiệt thành và động lực vốn đã nhỏ xíu xìu xiu trong lòng mỗi đứa chúng tôi dần dần bị thiêu rụi chỉ còn một nhúm…
Chuyện là, hôm nay trường chúng tôi tổ chức hoạt động ngoại khóa cho học sinh. Lúc mới nghe tin, cả lũ hét ầm lên vì thích thú, mồm năm miệng mười chen nhau mường tượng ra đủ thứ viễn cảnh kỳ ngoạn của một cuộc vui chơi lý tưởng. Trẻ con mà, chỉ cần không phải cắm mặt vào đống sách vở chi chít chữ là sáng mắt ngay. Thế nhưng! Khung cảnh trước mắt như đang phũ phàng tạt một gáo nước lạnh lên niềm hào hứng vừa mới nhen nhóm chưa được bao lâu của chúng tôi: một bức tường dài dằng dặc rêu phong mốc phủ, chằng chịt những hình vẽ sặc sỡ kỳ quặc và giấy dán quảng cáo, cùng… một đống giẻ lau và vôi quét tường!
Vâng, đúng như bạn đang nghĩ đấy. Không hội thi, không đàn hát, không vui chơi. Thay vào đó, việc chúng tôi cần làm trong buổi hoạt động ngoại khóa hôm nay chính là: tẩy sạch bức tường này, với mục tiêu “làm đẹp cảnh quan khu vực công cộng xung quanh nhà trường”. Được rồi, phải thừa nhận rằng, đối với học sinh chúng tôi, nhận thức tầm quan trọng của việc bảo vệ và giữ gìn cảnh quan môi trường là một chuyện, còn việc biến nhận thức đó thành hành động lại là chuyện khác. Bởi thế cho nên, mấy chục cô cậu học trò ôm “hoài bão cao cả vì nghiệp lớn” còn dang dở đành phải “nuốt nước mắt vào trong”, tay cầm giẻ lau, hì hụi chùi cọ với tâm trạng não nề.
Trong lúc tôi nghỉ tay, tôi bắt gặp hình ảnh một cậu nhóc tầm 7, 8 tuổi. Nhóc ta nấp sau lùm cây um tùm ngay bên cạnh, thân hình thấp bé, mặt mũi lẫn quần áo đều nhem nhuốc vết bẩn, đang loay hoay nhét hộp bút màu vào ba lô. Có vẻ như nhóc cũng đã phát hiện ra cái nhìn chằm chằm từ tôi. Tôi ngại ngùng mở lời trước:
- Sao em lại đứng ở đây? Đang trên đường đi học hả ?
Cậu nhóc nheo mắt nhìn tôi như đang dò xét rồi mới lơ đãng trả lời:
- Em không đi học…
- Ê, Vy! Mau qua đây cái coi! Phần của mày còn đang bẩn đây này!

Minh họa: TRÍ DŨNG

Đột nhiên, giọng cái Hân - cô bạn thân của tôi - vang lên lảnh lót, làm nhóc ta chưa kịp nói dứt câu đã chạy biến mất tăm. “Có lẽ là nó ngại chăng?”, tôi tự hỏi. Dù sao tôi cũng chẳng buồn để tâm tới cuộc gặp mặt chớp nhoáng đó, chỉ là một đứa nhóc giận dỗi bố mẹ bỏ học lén đi chơi thôi. Bước vội đến chỗ cái Hân, từ tận đằng xa tôi đã có thể nghe thấy tiếng nó càm ràm bực bội với mấy đứa xung quanh rồi. Ừ thì, trách nhiệm đốc thúc các bạn làm việc của lớp trưởng ấy mà.
- Đây này, đây này. Nguyên một mảng to bự chảng luôn kìa. - Vừa nói, nó vừa chỉ vào dưới góc tường nơi tôi được phân công.
Giữa khoảng tường trắng ngà được chùi rửa sạch sẽ, bức tranh hỗn độn hiện lên thật nổi bật, nhưng vì ở vị trí tương đối thấp nên tôi phải cúi hẳn người xuống mới thấy rõ được. Nét bút ngây ngô non nớt phác họa nên cảnh biển sinh động ngập tràn màu sắc: Những ngọn sóng dập dờn êm ả, sải cánh tay bạc trắng vỗ về bãi cát trải dài tít tắp. Phía xa xa, thấp thoáng bóng con thuyền đánh cá ra khơi, giương cánh buồm nhuộm ánh bình minh. Điều này thật kỳ lạ, bởi vừa mới cách đây không lâu, tôi đã dọn dẹp chỗ này rất cẩn thận rồi cơ mà! Tại sao bức vẽ này lại đột nhiên xuất hiện ở đây vậy? 
Bất chợt, tôi nghĩ đến cậu nhóc cầm hộp màu vừa nãy. Hóa ra “thủ phạm” là một thằng nhóc nghịch ngợm.
Tôi chép miệng, lọ mọ chùi sạch bức tường lại một lần nữa. Đành vậy thôi chứ biết sao được, tôi đâu thể chấp nhặt với một đứa nhóc chưa bằng phân nửa tuổi mình. Đằng nào cũng chẳng mất mấy thời gian.
Tuy nhiên, mọi chuyện không kết thúc đơn giản như tôi nghĩ.
Ngày hôm sau, lại có thêm một bức vẽ khác ở ngay khoảng tường mà chúng tôi đã tẩy sạch sẽ, thậm chí nó còn lớn hơn, đồ sộ hơn nhiều. Và dĩ nhiên, kết cục là, chúng tôi buộc phải dành thêm một buổi chiều để dọn dẹp lại lần nữa. Sự việc tái diễn ngày này qua ngày khác, song có vẻ cậu nhóc nọ chẳng hề thấy nhàm chán chút nào. Thậm chí khung cảnh của mỗi bức tranh cũng khác nhau, có khi là hoàng hôn trên biển, có khi là một chú cá voi lớn đang quẫy mình lướt trên mặt nước lấp lánh dát bạc, có khi là thế giới đại dương mênh mông rộng lớn với vô vàn loài thủy sinh khác nhau. Chúng tôi tìm đủ mọi biện pháp, nhưng nhận lại chỉ là ánh mắt ranh mãnh của cậu nhóc từ đằng xa và những hình vẽ thì ngày thêm chồng chất.
Mọi sức chịu đựng trên đời đều có giới hạn, hay như cha ông ta từng nói: “Tức nước thì vỡ bờ”. Đương nhiên, tôi và lũ bạn chẳng vui thú gì, hay nói đúng hơn là phát ngấy chuyện phải ngồi kỳ cọ đi kỳ cọ lại một bức tường suốt mấy tiếng đồng hồ mỗi ngày (qua vụ việc này tôi lại càng kính phục những người làm nghề lao công hơn). Bên cạnh đó, nếu lớp chúng tôi không hoàn thành nhiệm vụ kịp thời thì sẽ bị phê bình trước trường, điều không một ai mong muốn trong đợt thi đua cuối năm này cả. Vậy nên, tôi và nhỏ Hân đành phải đưa ra “quyết sách” cuối cùng: “phục kích”. Nói trắng ra chính là ngồi rình chờ thằng nhóc ra tay, chúng tôi sẽ lao vào bắt tại trận. Con nít phá phách ấy mà, dọa nạt vài câu là đâu ra đấy ngay, chẳng dám hó hé gì nữa đâu.
Sau một khoảng thời gian chờ đợi mỏi mòn tưởng chừng như vô tận, lúc chúng tôi đã mệt nhoài định bỏ về thì nhóc ta xuất hiện. Vẫn dùng hộp màu đó, nó bắt đầu hí hoáy tô vẽ lên bức tường. Nhưng dường như có gì đó khác lạ…
Bức tranh dần hiển hiện ra trước mắt chúng tôi. Bầu trời xám xịt, giông tố bão bùng, ngọn sóng lớn cuồn cuộn chực đổ ập lên con thuyền đánh cá tròng trành sắp lật ngã. Một màu sắc u ám tang tóc bao trùm lên tất thảy, khác hẳn với những khung cảnh vui nhộn trước kia. Cậu nhóc lặng người ngắm nhìn hình vẽ một hồi lâu, và rồi, nó… bật khóc!
Tôi và cái Hân còn chưa kịp lên tiếng, nhóc ta đã nhận ra sự hiện diện của chúng tôi, giật mình hốt hoảng bỏ chạy. Do quá vội vã, nó để quên hộp bút màu trên mặt đất. Tôi chưa từng thấy nó chạy trốn trong bộ dạng thảm thương như thế này. Cứ như thể đứa trẻ tinh ranh nghịch ngợm trước kia là một người hoàn toàn khác vậy. Tôi nhận ra lúc nào cậu nhóc cũng vẽ biển. Tại sao lại thế? Rốt cuộc, những bức tranh có ý nghĩa gì? Bố mẹ nó đâu? Tại sao nó lúc nào cũng lủi thủi một mình? Tại sao nó lại khóc? Hàng vạn câu hỏi vần xoay trong tâm trí tôi mà không thể tìm ra lời giải đáp thích hợp. Trong lúc tôi còn đang vẩn vơ suy nghĩ, cái Hân đã nhặt hộp màu lên xem xét, nó gọi tôi:
- Ở đây có tấm ảnh nè Vy. 
Tôi hoàn hồn, vội vàng chạy đến xem. Là cậu nhóc nọ, cùng với một người đàn ông lạ mặt mà chúng tôi đoán là bố của nhóc. Mặt sau tấm ảnh có ghi địa chỉ của một bệnh viện nhỏ trong thành phố. Chúng tôi bốn mắt nhìn nhau đầy nghi hoặc, có lẽ đây chính là chìa khóa hé lộ sự thật.
Vài ngày sau, cậu nhóc không trở lại nữa. Cuộc sống của lớp chúng tôi trở về quỹ đạo bình thường, nhưng trong lòng của cả tôi lẫn cái Hân vẫn còn khúc mắc về câu chuyện của cậu nhóc kỳ quái. Chiều hôm đó, chúng tôi quyết định cùng nhau tìm đến địa chỉ ghi trên tấm ảnh, vừa để gặp cậu nhóc hỏi cho ra nhẽ những vấn đề vừa qua, vừa để trả lại hộp màu cùng tấm ảnh, có lẽ vật này có rất nhiều ý nghĩa đối với nó.
Hỏi thăm một hồi, cuối cùng tôi và cái Hân cũng tìm được đến chỗ của cậu nhóc. Mẫn - tên của nó - mất mẹ từ nhỏ, do một tay cha nuôi lớn. Hai cha con nương tựa vào nhau sống qua ngày, hoàn cảnh vô cùng khó khăn. Không may, Mẫn lại mắc phải một căn bệnh hiểm nghèo, cần phải được phẫu thuật càng sớm càng tốt. Để có tiền chữa trị cho con, người cha không còn cách nào khác, buộc phải đi biển làm việc suốt ngày đêm, hiếm có dịp trở về. Cuộc sống hiện tại của một đứa trẻ còn tuổi ăn tuổi học bị vây quanh bởi bốn bức tường bệnh viện. Nó không được đến trường nữa, đó là sự thật. Theo như lời của cô y tá, có một đợt Mẫn thường xuyên lẻn ra ngoài trốn đi chơi, nhưng sau khi được nhắc nhở, nó đã chịu ngoan ngoãn ở yên trong phòng, không la cà lung tung nữa. Mà có lẽ nói đúng hơn là, sau khi nó hay tin một cơn bão bất ngờ đã hoàn toàn cắt đứt liên lạc giữa tàu của bố Mẫn với đất liền…
Tôi và cái Hân đã nói chuyện riêng với Mẫn. Nó xin lỗi vì đã vẽ bậy, gây ra nhiều phiền phức cho chúng tôi. Nhìn đôi mắt đỏ bừng, gương mặt cúi gằm, lại nghĩ đến hoàn cảnh hiện giờ của nó, cả hai chẳng thể mở miệng trách móc nổi. Khi được hỏi về lý do tại sao lại vẽ những bức tranh đó, Mẫn chỉ khẽ đáp rằng, “vì em nhớ bố…”
Hai chúng tôi trở về với nhiều suy tư. Sau khi bàn bạc với cô giáo và cả lớp, chúng tôi quyết định mình cần phải làm gì đó để giúp Mẫn. Chúng tôi kêu gọi quyên góp tiền để hỗ trợ tiền viện phí và chạy chữa cho Mẫn, và phân công nhau đến dạy kèm những kiến thức cơ bản cho Mẫn mỗi khi có thời gian rảnh. Có lẽ chúng tôi không thể thay đổi vận mệnh, nhưng chúng tôi sẽ làm hết tất cả những gì có thể để giúp đỡ cậu nhóc, để nó biết rằng, nó không cô đơn, nó không chỉ có một mình, dù có chuyện gì xảy ra vẫn có những người như chúng tôi luôn sẵn sàng sát cánh bên cạnh nó.
Hôm nay, trời vẫn nắng. Bức tường từng chỉ có một màu trắng khô khan trống trải, giờ đã ngập tràn hình vẽ biển cả sinh động tràn đầy màu sắc. Và dường như, có điều gì đang thay đổi từng chút một, trong cuộc đời của một ai đó, trong chính tâm hồn của chúng tôi.


           Phạm Thị Khánh Linh
(Lớp 9.2 - Trường THCS Lê Văn Thiêm - TP Hà Tĩnh)

. . . . .
Loading the player...