11-04-2019 - 08:38

Chùm tản văn của tác giả Dương Thế Võ - Tạp chí Hồng Lĩnh

Tạp chí Hồng Lĩnh số 152 giới thiệu chùm tản văn "Mùa cá rô đồng", "Tép đồng" của tác giả Dương Thế Võ.

MÙA CÁ RÔ ĐỒNG

 
Tháng 9 âm, trời bắt đầu vần vũ những cơn mưa. Mới một đêm thôi mà sáng ra cả cánh đồng ngập nước. Cha thao lại vàng tay lưới. Tôi ngồi bên tò mò hỏi:
Trời mưa, cha thao lưới mần chi?
Cha cười:
- Để bắt cá rô đồng. 
Tôi hỏi tiếp:
- Cá rô đồng ở mô mà cha bắt?
- Thì cá rô đồng ở ngoài cánh đồng chứ ở mô nữa con.
- Cha cho con đi với
- Ừ cha sẽ cho con đi.
Dù màn mưa vẫn còn dày đặc, dù bầu trời vẫn còn đen xịt. Nhưng cha con tôi vẫn ra đồng thả lưới. Cha đi trước, tôi đi theo sau. Chốc chốc cha lại dặn: Đi theo cha, cẩn thận, nước nhiều chỗ sâu lắm. Tôi gật đầu để cha yên tâm. Cha thả lưới vòng quanh những thửa ruộng mà ngày hè bọn tôi đi chăn bò thường chơi đá bóng. Tôi không thể tin nổi là chỉ khoảng sau ba mươi phút, cá rô đồng đã mắc đầy lưới. Hai cha con tôi cặm cụi gỡ cá. Từng con cá rô đồng nhảy đành đạch trong oi nghe đến vui tai. Vốn tính tò mò tôi hỏi cha:
- Cha ơi! Cá rô đồng mô mà nhiều rứa cha hè? Mới bữa trước ở đây ruộng còn khô rứa mà.
Cha vừa gỡ cá vừa nói lại:
- Trời mưa, đồng trên đồng dưới mênh mông nước. Cá rô từ mọi hướng đổ về. Rồi cha giải thích thêm: Loài cá này vốn tính ưa vùng vẫy giữa trời mưa. Chúng thích ngược dòng nước để vui đùa. Chẳng thế mà có câu hát: “Cá rô mà ngược mưa rào/ Ai mang câu hát giội vào lòng anh”.
Tôi chưa hiểu được câu hát, nhưng tôi biết cha đang lợi dụng tập tính này của cá để thả lưới. 
Cả buổi chiều đội mưa, người cha con tôi ướt sũng. Đổi lại chúng tôi lại được một oi cá rô đồng đầy. Mẹ nhìn tôi môi tím tái thì trách cha: 
- Trời mưa, anh cho con đi làm chi.
Cha vuốt mái tóc ướt nước của tôi nói:
- Em cứ lo, nó lớn rồi. Đàn ông con trai là phải phong trần. Lỡ mai cha có bề gì thì còn thay cha mà gánh vác gia đình.
Mẹ chau mày:
- Anh vào thay quần áo đi, đừng đứng đó mà nói gở.
Cá rô đồng được mẹ nấu với khế chua thì không tả hết được độ ngon độ béo. Cái thơm bùi của cá, quyện với vị chua của khế ai ăn qua một lần thì  khó mà quên được. Cả buổi ngâm mình dưới nước, bụng đói cồn cào, nay được ngồi bên bếp lửa thưởng thức cá rô kho khế ăn với cơm nóng thì không gì bằng. Mẹ cẩn thận nhặt từng miếng thịt cá bỏ vào bát cơm của tôi vì sợ tôi mắc xương. Cha khề khà bên chai rượu nhìn hai mẹ con nói: 
- Cá rô ngon khi nhai cả xương lẫn đầu. Em làm thế thì con mần răng mà cảm nhận được hết cái ngon.
Mẹ không nhìn cha nhưng vẫn trả lời:
- Anh uống ít thôi, rồi ăn cơm kẻo cơm nguội thì không ngon. Nó mà ăn xương rồi cha nó bày cách cho mà uống riệu.
Cha tôi cười khà, miệng hát: Cá rô mà ngược mưa rào/ Ai mang câu hát giội vào lòng anh.
Minh họa: TRÍ DŨNG
Tiết trời như đã thành lệ, năm nào đến tháng 9 âm lịch trời cũng mưa. Những cơn mưa ngày nối ngày, làm đồng trên bãi dưới ngập trắng một màu nước. Tôi cũng đã lớn tự khi nào. Nhưng cha tôi thì không ra đồng thả lưới bắt cá rô được nữa. Vì cha đã bỏ mẹ con tôi để về với cõi hư vô. Dù không có cha, tôi vẫn một mình ra đồng thả lưới. Tôi thả cho vơi đi nỗi nhớ cha. Tôi thả để nơi cõi xa xăm kia cha yên tâm mà nghĩ rằng: Con trai cha đã lớn. 
Cá rô tôi bắt về mẹ vẫn nấu khế như ngày nào. Khi nấu xong mẹ vẫn đặt lên bàn thờ cha một tô cá cùng với chai rượu. Mẹ không khóc to vì sợ tôi buồn. Nhưng mắt mẹ thì nhòe nước khi nhìn tôi: “Cha con thích nhất món này! Mẹ mời cha để cha biết được rằng con trai cha giờ đã trưởng thành, đã có thể tự đi bắt cá rô đồng về cho mẹ nấu khế” .
Tôi bưng bát cơm lên, lòng trào lên nỗi nhớ cha không nguôi. Tôi chợt nhận ra, cá rô nấu khế ngon còn bởi cái không khí đầm ấm gia đình, tình cảm yêu thương trách nhiệm mà cha tôi đã dày công dạy dỗ. Nhìn lên di ảnh cha, qua hàng nước mắt, tôi lại như thấy cha đang cười và hát: Cá rô mà ngược mưa rào/ Ai mang câu hát giội vào lòng anh!
 
 
TÉP ĐỒNG
 
 
Tháng hai, khi những tia nắng ấm áp của mùa xuân bắt đầu hừng lên. Đâu đó trông ngõ ngách của làng quê vang lên tiếng rao: “Ai tép đây!”, “Ai tép đây!”. Thì tôi biết mùa tép đồng đã đến.
Tép đồng là loài thuộc họ tôm. Nhưng nó không bao giờ thành tôm. Tép đồng nhỏ hơn cọng rơm, nó chỉ sinh trưởng trông môi trường nước ngọt. Mùa tép đồng bắt đầu từ tháng hai âm lịch và kết thúc vào tháng tư âm lịch. Vòng đời sinh trưởng của tép đồng ngắn, nhưng nó lại có cách duy trì nòi giống riêng. Ngày còn bé tôi cứ thắc mắc là vì sao tép đồng không bao giờ thành được tôm. Hay vì sao cứ đến tháng tư là tép đồng bắt đầu hết. Tháng sáu nước như được đun sôi, đồng trên đồng dưới khô hạn. Cứ nghĩ tép đồng sẽ không còn tồn tại nữa, thế mà rồi một ngày kia khi mùa xuân trở lại thì trên các ao hồ đồng ruộng tép lại xuất hiện. Thế mới biết sự duy trì nòi giống của tép đồng thật kỳ diệu đến cỡ nào. Ngày bé, tôi cùng lũ trẻ trong làng thường mong đến mùa tép đồng để đi bắt. Bắt tép đồng không cầu kỳ và phức tạp như bắt tôm. Chỉ cần người bắt làm  những chiếc rớ nhỏ. Rớ là những tấm lưới màn đã hổng cắt nhỏ buộc vào hai thanh tre đã được buộc chéo với nhau. Làm rớ hình thức cũng hao hao giống với những chiếc vó to. Mồi để nhử tép thường là người ta rang gạo lên thành thính, sau đem ra giã nhỏ là được. Khi đặt rớ xuống nước chỉ cần bỏ một ít bột thính đã được làm ước vào trong lòng rớ rồi nhẹ nhàng đặt xuống nước. Đợi khoảng một thời gian rồi nâng rớ lên thì sẽ thấy bao nhiêu là tép. Tép đồng là món ăn dân dã mà thơm ngon.Người ta có thể chế biến tép đồng thành nhiều món và nhiều cách nấu. Nhưng tép đồng ngon nhất vẫn là rang khô thêm ít cay bột. Khi ăn ta sẽ cảm nhận được cái vị béo thơm của tép, cái the the cay của ớt. Có lẽ trong cuộc đời của bất cứ một người dân quê nào cũng đã một lần được thưởng thức tép đồng. Và khi đã ăn rồi thì sẽ nhớ mãi không quên.
Tép đồng không chỉ là món ăn dân dã, mộc  mạc chân quê. Mà nó còn là ký ức của biết bao nhiêu thế hệ. Ngày xưa, khi đời sống kinh tế còn khó khăn. Bao gia đình đã nhờ từng con tép nhỏ này để vượt qua lúc bần hàn cơ cực. Mớ tép đồng, với ít rau khoai, rau mồng tơi, mẹ mang ra chợ. Đơn giản vậy thôi, nhưng bao mong đợi ở đó. Mẹ sẽ bán hết hàng. Mẹ sẽ mua được gạo. Có khi mẹ còn mua được cả chiếc bánh đa bánh đúc hay cả những con tò he xanh đỏ nữa... 
Tép đồng không đi vào ca dao cổ tích. Nhưng những dấu yêu về nó vẫn luôn gợi cho ta những cảm xúc quê nhà. Người đi xa nhớ về quê lại nhớ đến món tép đồng để rồi trầm ngâm kể cho con cho cháu. Bậc hậu sinh lại tò mò rồi ước một lần được về quê cha đất tổ để đi cất rớ, đi bắt tép đồng như một trò dân dã thú vị. Bởi thế, theo vòng quay của mùa, cứ qua tháng giêng là mùa tép đồng lại đến. Phiên chợ quê những ngày này không thiếu món tép đồng. Chiều chiều đâu đó trong các ngõ ngách làng quê lại vang lên tiếng rao: “Ai tép đây! Ai tép đây!”.Tiếng rao nghe thân thương ấm cúng, nghe hiện về bao nhiêu nhớ thương ngày cũ, mùa cũ…

                     D.T.V

 

. . . . .
Loading the player...