02-11-2017 - 19:53

Chùm thơ về nước Nga

Nhân dịp kỷ niệm 100 năm Cách mạng tháng 10 Nga ( 07/11/1017- 07/11/2017), "Văn nghệ Hà Tĩnh" xin trân trọng giới thiệu chùm thơ của các tác giả Lê Cảnh Nhạc, Lê Thành Nghị, Nguyễn Huy Hoàng, Đặng Quốc Vinh, Phùng Hồ, Nguyễn Trọng Nhiệu với những ấn tượng, cảm xúc về nước Nga trong quá khứ cũng như hiện tại.

Đặng Quốc Vinh

 

VIẾT CHO EM TỪ MOSKVA

 

Moskva giờ đã sặp vào thu

Cây đang chuyển màu vàng rực rỡ

Anh đã bay hàng ngàn cây số

Đất nước Nga tươi đẹp vô cùng

 

Cung điện Mùa thu, Cung điện Mùa đông

Saint Petersburg đẹp như huyền thoại

Anh đã gặp những người con gái

Của nước Nga đang độ trăng tròn

 

Đêm trắng mơ màng không thể trắng hơn

Quảng trường Đỏ bây giờ vẫn đỏ

Sông Volga giấu bao điều trong đó

Những biến cố thăng trầm lịch sử mãi còn in

 

Anh đã qua điện Cremlin

Đã đặt chân bên bờ Ban tích

Thăm cột mốc Á- Âu, tận Xveclop

Gặp những người con nước Việt thân yêu

 

Và em ơi, xúc động biết bao nhiêu

Khi anh gặp nhà thơ Nga vĩ đại

Puskin còn đây mãi mãi

Cùng tình yêu muôn thủa trên đời

 

Trong vườn cây, bên tượng đài Người

Bao đôi lứa dâng những cành hoa thắm

Anh lại nghĩ về em nơi cách xa ngàn dặm

Bao đêm rồi thương nhớ gửi về nhau

Nga- thu vàng, anh tím cả trời Âu

 

                                          30/8/2014

 

Cung điện Mùa Đông

Nguyễn Trọng Nhiệu

 

NHỚ MÁTXCƠVA

( Nhân dịp kỷ niệm 100 năm 
cách mạng tháng mười Nga, thân tặng HS)

 

Chiều mùa thu anh đến Mátxcơva
Hàng bạch dương đón ta vào đại lộ
Điện Kremlin mưa mù giăng phủ
Cơn gió về ủ ấm mộ Lênin.

 

Đây, tượng đài của Puskin

Nhà thơ của nước Nga vĩ đại
Đây, sóng nước Nêva cuộn ngầm từ đáy
Nghe bước chân Người trên quảng trường Cung điện Mùa đông.

 

Anh đã đến bên bờ sâu Bantic
Chia sẻ chút mặn mòi của Thái Bình dương
Chia sẻ bốn ngàn năm, danh nhân và chiến tích
Mang đất nước Bác Hồ đến với Lênin.

 

Ơi nước Nga bao kỳ tích oai linh
Và người con gái Nga trang nghiêm, miệt mài thả bước..
Có phải em - chính là điều kỳ vĩ nhất?
Để chiều nay anh quên ngắm mọi lâu đài!

(Moscow - st.peterspurg 
- Hà Nội, tháng 9.2017)

Thiếu nữ nước Nga

Phùng Hồ

 

KÝ SỰ MÙA THU

 

Sao trời xanh, sao mây trắng nắng vàng

Sao lá rụng, sao sương gió nhẹ…

Ta đã hiểu vì ta “nhà vật lý”.

Còn lòng ta xao xuyến… ấy là sao?

 

Thu đã sang bão vẫn rớt mưa rào,

Bạn Bạn mất hay sao trời nặng hạt.

Đội mưa đến nhà người vừa mới khuất

Nước mắt trời hòa nhập nước mắt ta!

 

Tiễn bạn đi lòng nhớ những thu xa

Ta cùng bạn la cà đường Kiev

Những phố nắng “kastan” vàng tuyệt đẹp(*)

Chẳng bao giờ còn dịp bước chân qua!

 

 Kiev ơi! Ngàn vạn dặm cách xa!

Ta ngửi được lốp ô tô cháy khét

Mùi chiến tranh mùi máu tanh xác chết

Ở Lugansk, ở Đônhetsk tơi bời!

 

Sao hận thù, sao ngu xuẩn, dở hơi

Sao đạn nổ, sao bom rơi, người chết….

Ta không hiểu, không bao giờ hiểu hết

Cớ làm sao người cứ giết hại người?

     

                                       9/2014

(*) – Cây dẻ

 

 

Lê Cảnh Nhạc

 

DÒNG SÔNG NGUỒN CỘI
Tặng anh Phạm Nhật Vượng
Chủ tịch Tập đoàn Technocom - Ukraina

Nước sông Nghèn lên men
Rượu nồng môi nghiêng trời nghiêng đất
Chai rượu Kẻ Trang lá chuối khô mẹ nút
Con mang theo sóng sánh cả trời Âu
Đường Thiên Trù ngàn bậc non cao
Đỉnh Ngàn Hống con về dìu mẹ bước
Kharkov hôm nay xanh trời Can Lộc
Xanh Vinpearl Land, xanh Hồng Lĩnh đại ngàn
Nơi mẹ sinh con
Lửa làng rèn Vân Chàng, Minh Lang không bao giờ tắt
Ông Đùng xếp núi Hồng
Ông Đùng đào quặng sắt
Ông Đùng dạy dân làng đúc lưỡi cày, lưỡi mác
Trồng cây, đánh giặc, đắp đập, quai đê
Củ sắn gầy mẹ giấm bãi chiêm khê
Hạt lúa đất phèn quạt từ bông lép
Nuôi con lớn lên suốt một đời khó nhọc
Như giọt rượu Nghèn mẹ cất nước sông quê
Mẹ ơi!
Giờ chúng con xây
Những toà tháp Vincom
Sun City Plaza
Barabasova
Những ngôi trường
ở Việt Nam, ở Ucraina
và chùa thiêng Kharkov
Xây tầm cao dáng Việt
Trong linh thiêng dòng chảy cội nguồn
Líu lo trẻ thơ trường học Mùa Xuân
Xa đất nước vẫn hát lời mẹ hát
Trang sách hôm nay
Không quằn khô gió Lào nắng khét
Theo tuổi thơ con chân đất đến trường làng
Chúng con ngẩng cao đầu nghe hai tiếng Việt Nam
Trong kiêu hãnh mỗi khi bè bạn gọi
Mivina vượt qua nhiều biên giới
Thương hiệu Việt Nam, trí tuệ Việt Nam
Sông Nghèn sông La tắm mát tuổi thơ con
Đang hoà chảy cùng Lopan, Uda, Kharkov
Chén rượu thơm nồng từ sông Nghèn mẹ chắt
Con rót mời bè bạn khắp phương xa 

 

                 Kharkov, ngày 5/8/2008
 

Sông Neva

 

Lê Thành Nghị

 

LEV TONSTOI

 

Người ta sẽ còn phải lắng nghe ông

Vì thế gian vẫn còn những giọt hòa bình

                 nhỏ nhoi trên tấm thảm đen chiến tranh

 

Cuộc chiến tranh 1812 của người Nga thật là vĩ đại

Nhưng ai bảo bốn tập sách của ông * là không vĩ đại

Ông làm cả thế gian đêm đêm phải soi đèn tìm

Những lời tiên tri về tình yêu, về hòa bình

 

Tám mươi tuổi

              vẫn không ngừng viết sách, đi săn, làm vườn,

mở lớp dạy trẻ em nghèo, chia bánh mì cho người khó

Bốn mùa nhà không cài cửa

Người có thể vừa đi, có thể vẫn chưa về…

 

Poliana mùa hoa táo rụng

Trang trại vườn nhà Tonstoi bát ngát mỏi tầm nhìn

Tôi bước đi trong ý nghĩ ngập ngừng…

 

Trong ý nghĩ ngập ngừng:

Vì sao một người như ông

Chúa bắt phải chết?

 

                                    2009

 

* Bốn tập Chiến tranh và hòa bình

Nguyễn Huy Hoàng

VỚI GOGOL

(Kính dâng hương hồn thầy V. Turbin) 

Thảo nguyên Nga hoang vắng tận chân trời 
Gió vần vũ dọc luống cày se lạnh 
Đi về đâu, hỡi nước Nga bất hạnh 
Xà ích già nới lỏng vạt dây cương? 

Hồn thời gian ngủ trên tháp dát vàng 
Cây thánh giá trầm tư cùng tuế nguyệt 
Tụng niệm mãi kinh nguyện cầu bất lực 
Sóng Nheva mòn mỏi vỗ muôn đời 

Sau bóng cờ, tím tái những lằn roi 
Bụi phủ kín trang thực hư lịch sử 
Lăn chầm chậm bánh cỗ xe quá khứ 
Bài hát xưa biếng nhác tự ru mình 

Con đường mòn không đến được quang vinh 
Cất sao tiếng khải hoàn trong đói khát! 
Đi về đâu? 
Đã âm vang lời đáp: 
Dân tộc nào cũng sức mạnh nhân dân! 

Khua động chiều hoang lạnh thảo nguyên 
Vó tam mã chồm lên, bờm dậy sóng 
Gió mở lối cuộc hành trình hy vọng 
Phía chân trời kiêu hãnh nước Nga ơi!

Bảo Phan ( tuyển chọn, giới thiệu)

Ảnh minh họa: Intenet

. . . . .
Loading the player...