11-09-2017 - 08:04

"Đất lạnh" trích tiểu thuyết của nhà văn Trần Đắc Túc

Nhà văn Trần Đắc Túc (Hội viên Hội nhà văn Việt Nam năm 2016), mặc dầu lâm trọng bệnh nhưng vẫn miệt mài say mê sáng tạo hoàn thành cuốn tiểu thuyết “Đất lạnh”, viết về những người nông dân ở làng Đống với nhiều số phận. Mỗi người là một cuốn biên làng quê hơn nửa thế kỷ qua. Tạp chí Hồng lĩnh đã từng giới thiệu một chương với tựa đề “Đêm làng Đống” với phác họa chân dung một nhóm thợ quê... Tạp chí Hồng Lĩnh trân trọng giới thiệu tiểu thuyết trong 3 kỳ: Tạp chí số tháng 9, 10 và 11, viết về chân dung một số phận kỳ lạ, chứng nhân cho tiến trình của làng Đống hôm nay. Đó chính là Lão Cam.

                                           
                                                             Nhà văn Trần Đắc Túc
 

Từ trên cao nhìn xuống, làng Đống giống hệt con rùa xanh khổng lồ. Núi đất nhỏ giữa làng nhô cao rồi thấp đều các phía như cái mai. Nhà cửa vườn cây cũng cứ thế mà tụt dần để hình thành nên sáu cụm nhà cửa, có đủ đầu đuôi và bốn chân. Chẳng rủ mà nên, kẻ trước người sau, năm trong sáu nhà ở trên đầu và chân rùa này hình thành tốp thợ xây của làng. Cái đầu là nhà Định, còn gọi là Định rỗ. Hai chân trước là nhà của hai chàng thợ xây đều tên Hùng. Cặp bơi chèo sau là nhà Hai với nhà Năm Xòe. Nhà lão Cam chẳng xây đắp gì thì ngự trên cái chót đuôi rùa; trước ngõ nhà lão giờ lại có thêm nhà Đặng.

Cũng là vì cuối làng lại thấp trũng, chưa mưa đã ngập, nên mọi sinh hoạt cũng như đồ gia dụng trong nhà lão Cam chẳng giống ai. Dân thổ sơn, núi đất nhưng lão vẫn sắm sanh từ cái thuyền thúng quanh năm treo đầu hồi, cho đến các loại lưới, vó giăng mắc như người làng chài sông Nghèn, con sông lượn gần hai cua quanh làng Đống. Khi rượu vào lão Cam hay khoe mình là dân lính thủy đánh bộ. Khác với mấy anh ở trên gò.Tư cách, sinh hoạt, tính nết cũng khác. Bởi vậy, có nhà sát sạt với nhau, ra đụng vào chạm nhưng lão không ưa. Nhà Đặng chẳng hạn. Ngày tại chức chẳng nói làm gì nhưng đến khi nghỉ hưu Đặng lại xây nhà ngay sát ngõ nhà lão. Cái nỗi không thích nhau như thế tưởng đã coi là giọt nước tràn li... Thế mà chưa hết. Lão Cam càng không ưa khi Đặng làm Bí thư chi bộ. Dào, đã hưu rồi còn tham. Bao năm làm anh tổ chức, ăn biết bao bổng lộc, giờ về còn muốn bám chức quyền. Lương hưu cao mà vẫn theo thợ xây, đi phụ cho đám Định rỗ để kiếm thêm. Thật bụng dạ người ta không biết đâu mà kể.

Đặng không ưa lão Cam lại khác. Người đâu như ma xó, chuyện gì cũng biết. Chẳng có chuyện gì của nhà nào trong làng mà lão lại không tường tận gốc tích. Ai không rõ chuyện gì cứ đến hỏi lão. Mà lão thật tài, nhà cuối làng mà ngồi đâu cũng khéo moi, bao nhiêu chuyện nhỏ to biết hết. Đặng vừa ghét vừa chờn chợn khi gặp lão. Chợn nhất đối với Đặng, lão Cam là vua thức đêm. Lão có thể không ngủ hàng tháng trời. Không ngủ thì đêm là ngày của lão. Lão làm gì trong đêm, ngồi đâu, rình rập những xó nào thì có trời mà biết. Cũng bởi vậy nên mỗi lần gặp lão, Đặng cứ như người ớn rét. Gai gai như ra nghĩa địa gặp âm hồn. Ngỡ như lão nhìn xuyên được da thịt

Mà có dễ thế thật. Mắt lão không giống ai, nhìn nghiêng thì sắc như dao cau mà nhìn thẳng thì lờ đờ như say thuốc. Nhưng mà cẩn thận nhé, đừng tưởng lờ đờ mà bở ăn. Lão lại là người có tài kể chuyện, cứ xưng xưng mọc mọc mà kể. Thêm cả tài đặt vè. Vè của lão thường có đầu có đuôi, có chuyện. Chuyện người làng Đống. Chuyện vui nghe êm tai, chuyện buồn cũng cứ như xóc óc. Ngồi chuyện vãn với lão, hay thì hay thực, lão biết nhiều lại thêm mắm muối, thêm cả vần vè, làm gì mà chả hay, nhưng mệt. Đặng thường nghe người làng bảo lão Cam cầm tinh con cú. Cú mới hay thức đêm, cái mỏ nhọn hoắt, đang vui bỗng chọt một câu thế là có thằng như bị đào tận gốc trốc tận rễ. Toàn là đào trúng tử huyệt của đối tượng lão đang kể. Thế mới chết, thế mới đau. Nghe chuyện lão Cam mệt cũng là vì vậy. Lắm khi nghe lão kể, chẳng biết yêu ghét thế nào mà vuốt đuôi. Thành ra, lão muốn dắt ai đi đến tận đẩu tận đâu trong mớ hẩu lốn chuyện vặt làng Đống cũng đành im lặng cho lão dắt. Cứ biết cười cái đã, hoặc cùng tức với nhau tí đã. Sau hẵng hay, thật giả thế nào thì còn người kia của kia. Chạy đi đâu!

Thực ra người làng Đống đã biết gì nhiều về lão Cam. Lão vốn xuất thân là cháu nhà địa chủ Ngải. Ông Ngải giàu có tiếng ở đất Thổ sơn. Nhà trên chóp đỉnh mu rùa. Làm nghề bốc thuốc bắc. Có cả nhà chứa thuốc, mời thêm thầy thuốc ở để trị bệnh cho người nơi xa. Giống như một bệnh viên tư nho nhỏ bây giờ. Thời đó, cơ ngơi như thế là giàu lắm. Chẳng những nhiều bệnh nhân ở xa đến mà thi thoảng còn có nhiều khách sang như mấy ông lục sự, rồi quan huyện trẻ tuổi cũng tìm đến chơi nói chuyện thơ văn. Có lần quan còn mời ông Ngải vào tận quê nhà Quảng bình để chữa bệnh cho mẹ.

Ông Đoan, bố lão Cam, là con trai trưởng của ông Ngải. Những năm 30 vừa làm hương sư vừa tham gia hội kín chống Tây. Ông Ngải nói, anh theo Cộng sản, Tây đồn nó biết thì cha khó bề làm ăn, mới tậu cho một mảnh vườn kề bên. Nói như người thời nay, gọi là tách khẩu. Hai vợ chồng giáo Đoan tiếng là làm nhà ở riêng nhưng mọi sinh hoạt thì vẫn cứ như trong một nhà. Cũng bởi ông Ngải lận đận trong cung thê thiếp, cả hai bà vợ đều mất sớm, nên chị giáo Đoan còn kiêm thêm quản gia cho bố chồng, việc có tên, việc không tên, vất vả tối tăm mặt mũi vậy mà vẫn đẻ sòn sòn, 5 năm 4 đứa. Đẻ dày như đan mà vẫn xinh. Người làng kháo nhau, chị giáo được bố chồng cắt riêng cho bài thuốc bắc tẩm bổ nên mới khỏe thế. Anh giáo Đoan thì sau hồi cướp chính quyền thì chuyển hẳn sang nghề dạy học, ngồi dạy cách hàng huyện, ít về. Thề rồi đến đận Cải cách, ông Ngải bị đấu tố, là địa chủ cường hào bóc lột nhân công. Đưa lên Trại Đưng giam. Năm đó, Cam còn nhỏ.

Anh ruột Cam học xong đệ nhị cấp, đi dân công La giang. Trời nắng nóng, xin canh uống. Múc lầm vào chảo canh hến, cũng giống nước gạo cháy. Bố Đặng thấy, cho là con địa chủ mà ăn trên ngồi trốc. Bằng vào vốn liếng chữ nghĩa của anh buôn bò, ông ta bắt anh Cam phải chịu phạt qùy giữa trưa nắng. Cảm nắng. Chết trên nhà thương Lam kiều.

Cam được ông Hiền, một anh đi ở cho nhà ông Ngải nhận về nuôi. Ông Hiền là rễ thối, đội không xâu được rễ chuỗi. Thấy Cam ở nhà cố nông Hiền, ông đội Cụt hỏi, Hiền nói rằng bắt nó- thằng Cam, phải làm như tao ngày xưa ở cho bố nó. Kỳ tình Cam chẳng phải làm gì nặng nhọc. Khi có người lạ, nhất là ông đội Cụt đến nhà, ông Hiền mới to tiếng quát nạt Cam. Ông Cụt về, ông Hiền khóc. Nói trời không có mắt. Sau ngày anh trai chết thì Cam ở hẳn với ông Hiền. Hai chị trên Cam trốn sang Thiên lộc đi ở chăn bò. Một chị sau này lấy chồng ở đó, trốn ra Hà nội. Sau anh chồng là Giảng viên Đại học..

Bố Cam đang dạy học ở xa,  không được về với địa chủ, mẹ Cam một mình một góc ràn trâu. Đội chia hết tài sản. Có người sau khi chia rồi đi qua tiện tay còn nhặt cái bàn trang, cái cào rơm. Nói tao thích lấy của bọn bóc lột.

 

                                                                                   Minh họa: NGỌC ANH

Một tối thằng Cam trốn ông Hiền về với mẹ. Nó vào lối sau, trèo lên chạn ràn trâu, tụt xuống. Nó giật mình chết lặng. Ông Cụt đang đè mẹ nó xuống chõng. Cánh tay lành của ông vòng dưới gáy, bàn tay bưng miệng mẹ, đoạn tay cụt như ống thịt chà chà trên bụng mẹ nó cho đến khi quần mẹ tụt xuống hở bụng trắng hếu. Rồi ông Cụt chồm lên bụng mẹ, đoạn thịt cụt lại chà cho quần ông tụt ra. Rồi nhấp nhổm như người bào gỗ. Không hiểu sao nó không nhắm mắt được. Nó không kêu được. Mồm cứ như bị dính keo....

Suốt đêm Cam nằm trên chạn không xuống khi mẹ khóc. Mẹ khóc cả đêm.

Mất ngủ từ đấy... Thành người không ngủ. Không ngủ từ nhỏ, thành người đi lang thang trong đêm, biết rất sớm nhiều chuyện mà người làng không biết hoặc chưa biết.

                                                                             *  

Lão Cam mở phanh cúc áo ngực, tay phe phẩy chiếc quạt lá tro đan kết cầu kỳ, chậm rãi bước ra ngõ. Vừa ngẩng mặt lên, mắt lão đã vập phải mái ngói nhà Đặng. Loại ngói này, nghe đám thợ xây Định rỗ kháo, mỗi viên đến mười mấy ngàn đồng, càng nắng càng rực lên màu mận chín. Nắng càng to như trưa nay, màu tím càng sẫm lại như sành. Gía mà còn trẻ, chắc lão đã có thể nhặt vài cục sỏi ném lên để nghe nó lăn cho sướng tai. Ấy là chợt nghĩ thế, chứ bây giờ lấy đâu sức mà ném ngói nhà ai. Chỉ tức cái mái đỏ chín ấy nó cứ như tấm phông phủ lên đầu, che mắt lão. Nhức nhối bí bách bởi nó cứ thựng ngược lên trước mặt.Vẫn biết là nhà ai nấy ở, cơm ai nấy ăn, lão có ghen tức bao giờ. Nhưng phải cái, hướng nó không kiêng dè, cứ thượng tọa lên như trêu ngươi. Ai mà không chướng.Với lại, địa thế nhà lão vốn thấp, trước đây nhìn ra ngoài đồng cho thoáng đã khó, giờ bị nhà Đặng xây sau chắn mặt, muốn cho mắt thở một chút cũng lại khó hơn. Biết vậy nên ban ngày lão thường ngồi nhà, hoặc giả có ra khỏi nhà thì cũng là do công việc.

Nhà lão Cam có kiểu dáng chẳng giống ai. Thấp mà chiều ngang dài. Chiều rộng lại chẳng... rộng! Nhưng đặc biệt. Nhà lão có tường dày như lô cốt. Giữa hai lớp đá cơm lão độn một lớp trấu, tường như thế vừa cách nhiệt lại vừa cách âm. Kiểu này lão học được hồi xưa, ngày lên xem người ta phá chùa Cao. Có lớp trấu ở giữa, ngày đông ấm đã đành mà ngày nắng thì mát thật là mát. Xưa, sư ngồi chùa tụng kinh gõ mõ suốt ngày không đau tai thì nay lão có hứng lên cao giọng thì người ở ngoài cũng không nghe được. Chắc cũng do phát hiện được ưu điểm này mà nhóm thợ xây Định rỗ thường tụ bạ nhà lão. Hò hét phét lác suốt đêm chẳng phiền ai. Trúng mánh hay tất công, tân gia, thể nào nhóm này cũng đùm thịt chó với vài chai nước thánh đến chùa của lão. Rượu xong thì lăn ra, vạ vật. Sướng!

Lão Cam cũng vậy. Có chén rượu vào, cao hứng, lão chỉ vào ngực mình rồi nói: mình là dân làng Đống, quê thổ sơn rú đất mà sắm sửa vật gia dụng là của anh làng chài. Lão chỉ vào chiếc thuyền thúng trát nhựa đường dày cộp đen thui đang treo úp đầu hồi mà rằng: Các ông lạ lắm. Trong nhà, anh nào cũng xe máy rồi xe đạp dựng kềnh càng, khi nước lên thì chịu chết. Cái này của mình tiền cũng chỉ bằng cái xe đạp thôi. Nhưng nước lên là có việc liền. Nuôi quân ba năm sử dụng một ngày. Kệ nước to, mình muốn chèo đi đâu cũng được. Các ông thì ngồi đợi mì tôm. Nhà hàng xóm có bị trôi cũng chịu chết. Đợi nước xuống thì đến mồng thất. Mà rồi lũ lụt còn là nhiều nhiều. Các ông cứ nghiệm mà coi.

Khoe thuyền thúng xong thì đến tiết mục khác. Lão kéo tay từng gã thợ xây xuống tận chuồng bò, nơi phía ngoài lão đang ngoắc phơi mấy tay lưới bén. Lão vừa nhẹ nhàng cuộn mấy tay lưới vừa chỉ xuống mép sông Ngàn: nhất cận thị nhị cận giang là thế này- thả cái lưới xuống khi chập choạng rồi kéo nó lên khi rạng đông. Thế nào không nhiều thì ít, cũng có chất tanh cho các ông. Các ông đừng ham cá to chợ Ngàn. Nó chở từ dưới bể lên, không phải Thạch Kim, Cửa Nhượng đâu, ông ơi. Nó mua của bọn đưa từ trong Nam ra đó. Chúng ướp đá, ướp hóa chất đấy. Độc lắm, độc lắm! Tôi chả ham..

Khách cứ há hốc mồm ra nghe. Lão nói hay rượu nói? Mà cho là gì gì nói đi nữa thì cũng chí lí lắm. Quái thật, quanh năm suốt tháng chỉ độc mấy hôm lên chùa vào dịp sóc vọng mà nói năng cứ như ông Bành tổ. Mà lại nói hay mới chết chứ?

Cái lão già này, giờ ai còn mang áo tơi mà  còn thửa những hai cái. Cái treo trong nhà, cái treo ở hiên. Lão khoe: Áo cố Vượng Thạch Hương đấy. Nhẹ lắm, bền lắm. Đám thợ xây nào có biết cố Vượng là ông nào nhưng lại cứ phải há mồm ra nghe tán về cái áo lá của lão: Này, người đời xưa là khôn lắm nhé. Mang cái áo tơi, nắng che được nắng, mưa che được mưa, đến khi gió, thì chiều nào che chiều ấy. Ha ha ha...Lão mang áo vào rồi vừa xoay vừa cười. Như ma cười. Cả đám cứ im thin thít mà nhìn.

Đến nước này thì khách cứ gọi là phục lăn. Phục lắm! Cả bọn không còn đứa nào dám hỏi những câu cà chớn. Anh nào anh nấy tỏ ra đăm chiêu hơn Riêng Định thì càng nghe càng thấy lão là người bí hiểm. Chẳng giống lão Cam mỗi bận ngồi quán thường ngày, giỏi rít thuốc lào vặt.

Khác với Định và nhóm thợ xây, nhiều anh là dân làng Đống chính hiệu lại không thích nghe lão Cam kể chuyện. Toàn chuyện xóc óc!

Ngọn đèn đường phía ngõ nhà ông Vui cháy đã mấy hôm mà chưa thấy ai thay. Chuyện này lão Cam biết sớm.

Trong cụm nhà chung nhau để trả tiền cho ngọn đèn này có nhà Đặng và nhà lão Cam. Biên bản hồi lập đường dây đã ghi: điện nguồn thì lấy qua công tơ nhà ông Vui, thanh toán theo cách chia nhau, mỗi hộ 5 ngàn đồng. Việc đỏ đèn tắt đèn ông Vui chịu trách nhiệm. Đích thân xóm trưởng và Bí thư chi bộ, gọi là Ban cán sự xóm đến giao tận nhà. Riêng khoản bóng đèn và đường dây thì quỹ xóm chịu.

Từ ngày lắp được đèn chiếu sáng, việc qua lại khúc quanh trước ngõ nhà ông Vui dễ hơn và khung cảnh có phần cũng vui hơn. Bởi một lẽ nữa, đây là lối rẽ lên đền làng Đống. Đền dỡ lâu rồi nhưng giờ ai đi qua vào buổi đêm vẫn sợ lắm. Nay lại cháy bóng đèn ở đây thì đàn bà con gái càng sợ.

Ông Vui đi thăm cháu trong Nam dễ đã hơn tuần nay, chưa về. Bà vợ gặp ai cũng phân bua, rằng ông nhà đi vắng, chẳng nhờ được ai thay hộ. Với lại, bóng đèn mới chưa thấy Ban mang đến, chứ nếu có thì sẽ đi nhờ người. Chuyện cháy cái bóng đèn trước ngõ nhà ông Vui thành một cái cớ để các bà ngồi với nhau đỡ nhạt miệng.

Bóng đèn chưa kịp thay thì đến chuyện nhà Đặng mất chó. Con chó lài cao to, dễ gần ba chục cân lúc nào cũng nằm gếch mõm sát lối ra vào, nhìn dữ như con hùm. Ấy thế mà đầu tối còn nghe nó sủa, sáng ra mở cổng đã không thấy đâu. Hai cánh cổng sắt khóa còn nguyên mà con Lai thì mất dạng. Vợ chồng con cái nhà Đặng gọi chó inh ỏi khắp làng. Vợ Đặng còn sai mấy thằng cậu phóng xe xuống thị trấn, vào các  nhà hàng thịt chó dò hỏi, nếu có thì đừng tiếc tiền, bao nhiêu cũng chuộc. Xe máy chạy đi chạy về như con thoi, khi đi thì anh nào anh nấy mặt đằng đằng, nhưng về thì rũ như tàu lá héo. Những cái lắc đầu chán ngán, nét nhìn buồn hiu. Thất vọng. Trưa, chiều, rồi tối mịt..con Lai vẫn biệt tăm.Thế là mất toi con chó. Mất mấy triệu bạc không tiếc bằng. Cả tiếc của, rồi nhớ và thương nó nữa. Nhà Đặng như có tang. Không cả tiếng cười  đùa. Không tiếng đài, tiếng ti vi rộn ràng như mọi hôm. Chốc chốc, hàng xóm lại thấy Đặng ra ngõ, mở toang hai cánh cổng, nhìn săm soi như anh công an đang nghiên cứu hiện trường. Có lúc, thấy Đặng rạp mình xuống đất như người đang ngửi mùi để lại. Rồi lắc lắc đầu.

Nhìn nhìn, ngửi ngửi chán, Đặng ngó lơ lên chỗ chiếc đèn đường trước ngõ nhà ông Vui. Đặng thót người. Thôi chết. Phải rồi. Sao mình lại mất cảnh giác đến thế mới được chứ ? Chúng làm cháy ngọn đèn rồi mới ra tay. Bọn này tổ chức tinh vi thật. Con Lai nhà mình khôn thế sao không sủa nhỉ? Hay bọn trộm là người quen? Có tay trong?

Một thoáng lạnh sống lưng, Đặng nghĩ đến lão Cam. Đặng rùng mình. Lão này là vua thức đêm như ma xó. Chuyện gì mà lão lại không biết. Từ ngày về làm hàng xóm với lão Cam, Đặng đã phát hiện ra điều này. Lão có thể không ngủ hàng tháng trời, có thể là dài hơn, nhiều hơn nhưng Đặng không thể thống kê được. Không ngủ thì đêm là ngày của lão. Lão làm gì trong đêm, ngồi đâu, rình rập những xó nào, có trời mà biết. Cẩn thận nhé! Đặng đã từng dặn mình. Đang cười cười đấy, ngoặc một phát liền bằng câu nói chọt. Tỉ như là: tối qua đi mò vũng về muộn hè, có bắt được con diếc nớ không? hoặc thủ trưởng rứa mà nhanh chân, ban đêm đi nhẹ như mèo, người có tướng như thủ trưởng là quý lắm!

Đấy, lão tinh thế. Đêm lão vẫn thấy. Thấy, tức là sẽ có chuyện để mà kể. Cứ tưng tửng, xưng xưng. Lão bảo lão cứ kể giữa trời trăng trăng, thằng nào nhăn răng thì cạp lấy... Lão lại là tay đặt vè có hạng. Hồi ông Xuân Phong có lá đơn viết rất vần: Việt nam dân chủ cộng hòa, đơn xin ra hợp tác, tên tôi là Xuân Phong, chính là do lão Cam đọc cho ông Phong viết. Một lá đơn dài bằng thơ lục bát đã được người làng Đống từ trẻ đến già ai cũng thuộc. Xã gọi lên thì lão bảo tôi có thêm thắt gì đâu, chỉ là nói có vần cho dễ nhớ. Xã bảo ông làm thơ như vậy sẽ có nhiều người xin ra. Lão cười bảo tôi có phải là thơ thần đâu mà người ta theo, tôi chỉ là anh làm thơ thẩn. Đại loại thế. Cứ lý sự với lão thì thua là cái chắc. Nhiều anh cán bộ ngại chuyện trò với lão. Đặng cũng nằm trong số này. Vừa ghét vừa chờn chợn khi gặp lão.

Vậy mà bây giờ lại phải cầu viện đến lão, may ra có thể giúp tìm tung tích con Lai. Xót của thì phải liều thôi, chứ một lần gặp là một lần thấy mình như bị lột truồng trước cặp mắt ma quái của lão.

- Bác Cam ơi! Đặng cất tiếng gọi ân cần từ ngoài ngõ. Không có tiếng trả lời. -Bác Cam có nhà không? Đặng đổi cách gọi lần nữa. Vẫn không thấy có tiếng trả lời. Bước vào sân, mắt Đặng không tài nào rời được hình ảnh 4 chiếc vại sành được đặt dưới mỗi gốc cau. Trên miệng vại buộc tấm mo để lấy nước mưa như người ta hứng mủ cao su. Lão không xây bể xi măng mà làm theo cách cổ lỗ thế này đây. Thảo nào bọn Định rỗ mỗi lần gặp Đặng thường rủ đi uống nước Cam. Chúng bảo uống thứ nước mưa này thật mát ngọt, giã rượu nhanh lại không độc.

Quên khuấy việc tìm hỏi chuyện mất chó, Đặng cứ đứng ngẩn người trước ngôi nhà nhỏ của lão Cam. Khéo tay thật! Đặng buột miệng thốt ra. Mắt cứ như bị hút vào những nốt buộc bằng sợi mây gọn gàng trau chuốt, những hàng lạt giang xiên chéo tăm tắp khâu đều đặn trên mái lá tro. Đặng liếc nhanh sang phía chuồng bò, thán phục trước mấy cái gióng ngang được đẽo gọt bào chuốt công phu. Rồi cả đến tấm phên nứa đan lóng đôi để che nắng của lão thì thật tuyệt.Cứ như bức bình phong mỹ nghệ ở các cuộc triển lãm đồ mây tre Đặng đã được xem. Lão đan hay ai đan cho nhỉ. Chẳng lẽ lão lại tỉ mẩn được như vậy a?

Làng Đống nhiều người khéo tay nhưng quả thật Đặng chưa thấy ai được như lão này. Phải là người tuyệt đối không bị câu thúc trước thời gian, hoặc giả là dân tù đày thì mới giết thời gian một cách tỉ mỉ chi tiết như thế. Vốn không phải hạng dốt nát nên Đặng biết điều này. Chỉ có điều vì sao bây giờ Đặng mới phát hiện ra thì cũng có lý do của nó. Của đáng tội,  Đặng đã từng đối diện với một lão Cam ngoài đường ngoài chợ, thậm chí ngoài đồng nhưng chưa một lần anh vào chơi nhà lão. Ở trong nhà người khác, ta dễ dàng bắt gặp chính xác nhất thần khí của chủ nhà qua bài biện trang trí nội thất của họ. Đặng đọc được đâu đó câu này hoặc một điều tương tự như thế. Đúng thật, vào nhà lão Cam thì mới biết con người thật của lão. Thốt nhiên, một điều gì như nỗi sợ không  căn nguyên bỗng ùa đến trong Đặng. Và, khó chịu nữa.

Lấy hết can đảm, Đặng giơ tấm rèm để lách vào. Nhà đóng kín cửa.

Lão Cam vắng nhà.

Đặng cứ ngơ ngẩn hoài suốt ngày, tận đến buổi tối họp xóm. Nghĩ, giá gặp lão Cam, người không ngủ của làng, biết đâu lại lần ra manh mối...

                                                                                                                             (Kỳ sau đăng tiếp)

                                                                                                                                         T.Đ.T

. . . . .
Loading the player...