17-08-2020 - 06:40

ĐỂ NHIẾP ẢNH HÀ TĨNH PHÁT TRIỂN XỨNG TẦM NON NƯỚC HỒNG LAM

"Ngày nay, cùng với sự phát triển từng ngày của nghệ thuật nhiếp ảnh trong đời sống xã hội hiện đại và bối cảnh hội nhập, vấn đề đào tạo đôi ngũ hoạt động nghệ thuật nhiếp ảnh ở Hà Tĩnh đang đối mặt với nhiều thách thức mới mẻ... Bởi vậy công tác tập huấn nghiệp vụ, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn chuyên ngành, đặc biệt là nắm vững kỹ thuật số, sử dụng thành thạo thiết bị điện tử là hết sức quan trọng đối với các hội viên Nhiếp ảnh trong nhiệm kỳ tới.". Đây là vấn đề trọng tâm được đề cập đến trong tham luận của nghệ sĩ Nhiếp ảnh Nguyễn Đình Thông tại Đại hội Hội LHVHNT Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2020-2025. Tạp chí Hồng Lĩnh trân trọng giới thiệu bài viết.

 

ĐỂ NHIẾP ẢNH HÀ TĨNH PHÁT TRIỂN XỨNG TẦM

NON NƯỚC HỒNG LAM

 

           Năm 1865, cụ Ðặng Huy Trứ, nguyên là một vị quan dưới triều vua Tự Ðức, khi đi công tác sang Trung Hoa theo chỉ thị của vua Tự Ðức, đã mua trọn một bộ máy chụp và rửa ảnh từ Trung Hoa rồi sau này khi về Hà Nội, đã mở nên hiệu ảnh Cảm Hiếu Ðường vào ngày 2 tháng 2 năm Kỷ Tỵ, (tức ngày 14/3/1869). Ðây là hiệu ảnh đầu tiên của một người Việt Nam mở tại Việt Nam, là điểm đánh dấu cho sự ra đời của nghệ thuật nhiếp ảnh Việt Nam.Kể từ thời điểm đó, Nhiếp ảnh Việt Nam đã có gần hai trăm năm hình thành, trải qua những thời kì khác nhau lại có những bước phát triển và màu sắc khác nhau. Không chỉ lưu giữ hình ảnh tư liệu, kỷ niệm riêng tư với mỗi người, mỗi gia đình, nhiếp ảnh còn giữ vai trò lưu giữ lịch sử và những khoảnh khắc tuyệt đẹp của phong cảnh, thiên nhiên dưới vô vàn các góc độ. Có thể nói, nhiếp ảnh đã thật sự len lỏi đến với từng người, từng gia đình và toàn xã hội, qua đó từng bước tự khẳng định được một vị thế vững vàng. Nhiếp ảnh cũng là hình thức và phương tiện tuyên truyền chính của tất cả các ban, ngành, đơn vị, tổ chức xã hội, đặc biệt là trong công tác tuyên truyền đối ngoại, quảng bá Du lịch.

Với Hà Tĩnh, từ chỗ chỉ có một vài cơ quan nhiếp ảnh trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, cho đến hôm nay, chúng ta đã có một đội ngũ cầm máy trải rộng cả tỉnh với 3 tổ chức: Ban ảnh của Hội LHVHNT, Chi hội NSNAVN tỉnh và CLB NANT Hà Tĩnh. Trong đó có 8 NSNA quốc gia thuộc Chi hội NSNAVN, gần 30 hội viên chuyên ngành nhiếp ảnh  Hội LHVHNT tỉnh và gần 40 hội viên CLB nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Tĩnh. Hiện nay Chi hội NSNAVN tỉnh nhà chỉ có 8 hội viên, trong đó có 3 hội viên tuổi đã cao, sức khỏe yếu không còn khả năng hoạt động, có 2 hv trên 80 tuổi, 2 hội viên tuổi 70… Sau 11 năm, năm 2019, Chi hội NSNAVN tỉnh Hà Tĩnh mới kết nạp thêm được một hội viên vào hội trung ương. Bởi vậy công tác phát hiện, tập huấn nghiệp vụ, đi thực tế sáng tác, động viên khuyến khích các nhà nhiếp ảnh  phấn đấu để được kết nạp vào hội viên trung ương là một trong những việc làm cấp bách, trọng tâm trong nhiệm kỳ tới của Chi hội NSNAVN tỉnh nhà.

          Ngoài ra còn có một lực lượng công chúng đông đảo yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh trong toàn tỉnh. Cho đến hôm nay, nhiếp ảnh Hà Tĩnh đã tổ chức được hàng chục cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật toàn tỉnh, bốn cuộc triển lãm ảnh nghệ thuật cá nhân, xuất bản hàng chục sách ảnh nhóm tác giả và cá nhân cùng với hàng vạn tác phẩm  trên các báo, tạp chí trong và ngoài tỉnh, quốc tế. Vượt lên khó khăn các nhà nhiếp ảnh Hà Tĩnh đã tích cực gửi ảnh tham gia các cuộc thi trong và ngoài nước và đã giành nhiều giải thưởng, nhiều Huy chương, tiêu biểu là HCV liên hoan ảnh quốc tế với tác phẩm: “ O Du kích nhỏ…” của NSNA Phan Thoan. 

Với hoạt động đa dạng của nghệ thuật nhiếp ảnh, công tác quản lý nghệ thuật nhiếp ảnh gặp không ít khó khăn và phức tạp. Đâu đó vẫn có những tác phẩm không phù hợp thuần phong mỹ tục, phản văn hóa. Việc động viên, khen thưởng vẫn còn nhiều khó khăn để đến được với những nghệ sĩ nhiếp ảnh đã và đang tích cực đóng góp cho nghệ thuật nói riêng và cho sự phát triển của tỉnh nhà nói chung. Hiện tượng vi phạm bản quyền nhiếp ảnh vẫn còn xảy ra.

 Ngày nay, cùng với sự phát triển từng ngày của nghệ thuật nhiếp ảnh trong đời sống xã hội hiện đại và bối cảnh hội nhập, vấn đề đào tạo đôi ngũ hoạt động nghệ thuật nhiếp ảnh ở Hà Tĩnh đang đối mặt với nhiều thách thức mới mẻ. Con đường đến với nhiếp ảnh của các nhiếp ảnh gia Hà Tĩnh hết sức đa dạng, hầu hết tự tìm hiểu hoặc mày mò học qua mạng, học truyền tay, chuyển ngành từ các nghề khác, rất ít người được học nhiếp ảnh chuyên nghiệp một cách bài bản và hệ thống. Vì không học bài bản nên khiến họ bỏ qua hầu hết những kiến thức quan trọng nhất của nghệ thuật nhiếp ảnh, vốn đòi hỏi thời gian và công sức học tập không kém gì những ngành nghệ thuật khác. Bởi vậy công tác tập huấn nghiệp vụ, nâng cao nghiệp vụ chuyên môn chuyên ngành, đặc biệt là nắm vững kỹ thuật số, sử dụng thành thạo thiết bị điện tử là hết sức quan trọng đối với các hội viên Nhiếp ảnh trong nhiệm kỳ tới.

Hiện nay, công nghệ thông tin phát triển vượt bậc, việc áp dụng kỹ thuật số, các phần mềm chỉnh sửa ảnh vào sáng tác và sản xuất ảnh được giới nhiếp ảnh tiếp thu, đã tạo rất nhiều thuận lợi, giải phóng sức lao động đáng kể. Thiết nghĩ trong nhiệm kỳ tới lãnh đạo hội, cụ thể là Ban ảnh cần chú trọng, ưu tiên phát triển lĩnh vực này một cách bài bản, có chiến lược và kế hoạch cụ thể mới mang lại hiệu quả như mong muốn.

Nghệ thuật nhiếp ảnh là một lĩnh vực sáng tạo tiêu tiền, bởi phải đầu tư rất lớn kinh phí cho mua sắm trang thiết bị máy móc cũng như phải tiêu hao nhiều năng lượng.Vì muốn có ảnh ngoài sức khỏe, tư duy sáng tạo, thiết bị thì điều tiên quyết là người nghệ sỹ phải rời nhà đi thực tế sáng tác thì mới có tác phẩm chứ ở trong phòng sẽ không thể cho ra tác phẩm mới được.

Bởi vậy, để nhiếp ảnh Hà Tĩnh phát triển xứng tầm, nhất thiết phải có sự quan tâm của lãnh đạo tỉnh, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước về nhiếp ảnh trên tất cả các mặt từ sáng tác, quảng bá, sử dụng tác phẩm, bản quyền. Tạo điều kiện về vật chất và tinh thần để cá nhân các nghệ sĩ đi thực tế sáng tác nhiều, công bố tác phẩm với các hình thức như triển lãm, xuất bản sách ảnh, công trình nghiên cứu lý luận,... cũng như tạo điều kiện, mở rộng giao lưu, hội nhập và hợp tác với nhiếp ảnh  các nước trong khu vực, các tỉnh thành bạn; có cơ chế, chính sách động viên, khen thưởng kịp thời với các tác phẩm xuất sắc và với những nhà nhiếp ảnh có đóng góp xuất sắc. Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Sở VHTTDL, Hội VHNT tỉnh… quan tâm thực sự hơn về phân bổ kinh phí đầu tư, mở lớp bồi dưỡng về đường lối, quan điểm sáng tác, tư cách đạo đức người cầm máy, bồi dưỡng nâng cao kiến thức chuyên sâu về nhiếp ảnh, mở trại sáng tác để có nhiều tác phẩm tốt tham gia các cuộc thi khu vực, trong nước và quốc tế, khuyến khích cá nhân mở triển lãm chuyên đề, xuất bản sách ảnh…

Trong nhiệm kỳ tới, Tỉnh cần có chính sách, ủng hộ,khuyến khích, tạo điều kiện tốt nhất để  kết nạp thêm nhiều hội viên  chuyên ngành nhiếp ảnh tỉnh, đặc biệt là kết nạp vào hội viên trung ương, bởi đây là lực lượng nồng cốt quan trọng để  kế thừa và phát triển phong trào nhiếp ảnh nghệ thuật Hà Tĩnh xứng tầm quê hương non nước Hồng Lam.

Nguyễn Đình Thông

 

 

 

. . . . .
Loading the player...