15-03-2020 - 16:42

ĐỖ THÀNH ĐỒNG - "GỒNG TRÊN LƯNG XÁC CHỮ" của Ngô Đức Hành

Nhà thơ Đỗ Thành Đồng, người Quảng Bình, Hội viên Hội nhà văn Việt Nam đã có 5 tập thơ nhận được nhiều quan tâm của bạn đọc. Anh vừa nhận giải C cho tập thơ “ Đá ( NXB Hội nhà văn ) của Hội Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2019


Nhà thơ ĐỖ THÀNH ĐỒNG

 

ĐỖ THÀNH ĐỒNG “GỒNG TRÊN LƯNG XÁC CHỮ”

                                                                                          Ngô Đức Hành

 

            Đỗ Thành Đồng đã đi được một hành trình thơ từ “Cỏ vô danh”, năm 2010 đến “Đá”, năm 2019. Tất cả 05 tập thơ. Nếu “Cỏ vô danh” chỉ chuyên chú vào thể thơ Đường luật, chưa hề có bóng dáng của thơ hiện đại thì đến “Rác”, đó là sự lột xác hẳn về đề tài và chất liệu, kỹ thuật mẫu tự; đặt dấu ấn cho những triết lý, chiêm nghiệm đúc rút từ bản thể đời sống; và đó cũng là nền tảng để Đỗ Thành Đồng bước vào lãnh địa thơ cách tân.

Rỗng” tiếp nối mạch nguồn của “Rác” nhưng cao trào hơn ở sắc màu tình yêu. “Xác” lại là điểm hội tụ, gặp gỡ giữa “Rác” và “Rỗng”: hiện thực được dựng lập như ma trận của một ván cờ chấp chới thực-ảo và những bài thơ tình lồng ghép ruột gan - trí tuệ. Đến “Đá” đã tạo ra một diện mạo mới của một nhà thơ cách tân, hiện đại; và như nhà lý luận phê bình văn học – nhà thơ Hoàng Thụy Anh đánh giá đó là “lịch trình sáng tác khá đều đặn”.

Đỗ Thành Đồng trai làng Thổ Ngọa (phường Quảng Thuận, thị xã Ba Đồn). Cha anh, cụ Đỗ Tịnh lúc còn sống là một “cây” thơ Đường luật nổi tiếng. Cụ là người sáng lập và phát triển câu lạc bộ thơ ở quê nhà. Thừa hưởng gene của bố mình, Đỗ Thành Đồng làm thơ khá sớm. Song tên tuổi Đỗ Thành Đồng được khẳng định khi đã ở độ tuổi ngoại tứ tuần. Năm 2019, Đỗ Thành Đồng lần đầu tiên “rón rén” nộp đơn và anh chính thức trở thành tân Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam ngay lần đầu tiên xin vào Hội. Đỗ Thành Đồng gánh trên vai một “sứ mạng” mới: thơ phải hay hơn.

            “Đá”, Nhà xuất bản Hội Nhà văn năm 2019 – giải C cùng năm của Liên hiệp các Hội văn học nghệ thuật Việt Nam cùng năm, gồm 55 bài là tập thơ mới nhất của anh. Tên gọi bốn tập thơ sau “Cỏ vô danh” gọn, tối đa đến mức có thể: từ đơn và đến “Đá” cho thấy gần như Đỗ Thành Đồng đã đạt đến mức “siêu tối giản”, không chỉ ở tên các bài thơ mà cả ở hồn cốt của từng bài thơ. Tôi là người làm thơ, được tặng nhiều thơ, thơ của các nhà thơ nổi danh, thành danh và cả các nhà thơ chưa có danh và chịu đọc. Nhưng với thơ Đỗ Thành Đồng tôi cứ phải đọc đi, đọc lại. Ám ảnh. Tự nghĩ rằng, nếu chưa hiểu được thơ anh, mình cảm thấy có lỗi với thi phẩm, có lỗi với thời gian của chính mình.

            Đỗ Thành Đồng là người của trải nghiệm, dẫu anh sinh ra, lớn lên, làm việc chỉ trên đất Quảng Bình. Dẫu vậy, nắng và gió của tự nhiên, nắng và gió của cuộc đời đủ “gieo” vào lòng anh những suy tư. Anh luôn cảm thấy mình “mắc nợ”:

            kiếp làm người không cứu nổi trái tim

            nụ hôn cũng lang thang cơ nhỡ

            nột ngàn năm một triệu năm nức nở

            những câu thơ vẹt mòn

            (Ai)

            Khi được hỏi, “Thơ với anh có phải là cuộc dạo chơi?”, Đỗ Thành Đồng không ngần ngại trả lời: “Hoàn toàn không, đó là gan ruột”. Anh kể, trước đây, thơ hiện đại với anh là một sự xa lạ và anh cũng không có ý định làm quen với thể loại thơ này. Nhưng cái gì đến tất sẽ đến và cuộc gặp gỡ với nhà thơ Hoàng Vũ Thuật-một trong những “cây đại thụ” của  thơ hiện đại đã hướng anh đến với những khám phá, để rồi “” từ lúc nào không hay. Có người nhận xét, Đỗ Thành Đồng là “môn đệ” của thi sỹ Hoàng Vũ Thuật, quả không sai. Anh gặp thơ hiện đại “hay và đẹp” như cùng hẹn trước, để rồi nhận ra “trọng trách” mà “tiền bối” đã giao: Tiếp tục làm mới, khám phá vẻ đẹp của nó và tận hiến, dẫu: “thi ca ngày càng rẻ rúng/ nghĩa tình ngày càng khan hiếm/ cơm gạo ngày càng thừa mứa/ nhớ cha con cúng giỗ đời/ thơ”, “Cha”.

            Hiện thực trong thơ Đỗ Thành Đồng được mô tả trực diện, thẳng thắn “em có hiểu/ trời đất là của chung/ nhưng những mảnh ruộng mỡ màu/ luôn nằm trong tay địa chủ”, “Đốt”. Đỗ Thành Đồng luôn tìm cách lý giải của riêng mình trước hiện thực:

            là con đĩ em tử tế hơn nhiều con không đĩ

            em nhận và trả sòng phẳng rõ ràng

            con không đĩ không bao giờ minh mạch

            trước anh hùng triệu phú tan hoang!

            (Đĩ)

            dường như hắn có ba cái miệng

            một cái miệng uống thuốc để tống ký sinh trùng

            một cái miệng thèm những thứ chứa đầy ấu trùng của nó

            một cái miệng chuyên la đau oai oái

            (Giun)

Đỗ Thành Đồng đã có nhiều cố gắng để phản ánh đúng chân tướng của đời sống, gọi đúng bản chất của đời sống. Gần như anh đã cởi bỏ được chiếc áo huyền ảo của sự thật, gọi tên và bày tỏ thái độ với trách nhiệm của một nhà thơ:

anh đã hứng trong veo từ bầu trời đen bạc

hứng trong veo trong hình hài thạch nhũ

hứng giọt hồng trong ánh mắt

hứng cơn mưa thắt ngực

(Hứng)

và từ đó tôi hay nằm mơ

những cái bóng trùm lên đôi mắt giữ chặt tay chân

tôi cảm thấy bị tước đi cái quyền vùng vẫy

nhưng không biết đó là ai

(Kẹt)

Nói như nhà lý luận phê bình văn học Hoàng Thụy Anh, thơ thế sự không hề dễ nếu thi sĩ non tay. Vấn đề thi sỹ xử lý và đẩy nó vào thơ bằng cách nào để bật lên đặc trưng riêng của mình mới quan trọng. Chênh một chút về tư liệu, sự kiện thì sa vào trần trụi, tê liệt mạch cảm xúc. Chênh một chút về bản năng - nguồn sống của tâm hồn dễ bề rơi vào trạng huống nghèo nàn tư tưởng, triết lý. Thơ Đỗ Thành Đồng đảm bảo được trật tự ấy của cảm xúc cần có của thi ca. Sự tiết chế giữa bản năng tự nhiên và tư duy lí trí đã giúp Đỗ Thành Đồng “tiêu hóa” những gập ghềnh, chông gai đã nói ở trên mà không ít người làm thơ còn mắc phải. Do đó, hiện thực trong thơ anh vẫn đảm bảo được nguồn rung động tinh tế, sâu sắc và một tâm thế đầy bản lĩnh của nhà thơ.

Đỗ Thành Đồng là người Khu 4 cũ, thành thật đến tận cùng của thánh thiện. Anh kể trong “hành trình” tìm tòi, khám phá đã đọc đi, đọc lại không biết bao nhiêu lần tập thơ “Tháp nghiêng” mà nhà thơ Hoàng Vũ Thuật tặng. Vốn là người kiệm lời nên khi Đỗ Thành Đồng tâm sự khó khăn khi tiếp cận với nhà thơ Hoàng Vũ Thuật chỉ nhận được ở ông sự cảm thông từ ánh mắt và khích lệ.

Đỗ Thành Đồng nói một cách ví von rằng: trước đây, thơ hiện đại với anh như một khu rừng đầy bí ẩn, chẳng có lối nào để vào, càng muốn vào sâu càng bế tắc, nhưng không hết hy vọng. Bài thơ đầu tiên đánh dấu một Đỗ Thành Đồng lạ lẫm so với trước kia là bài “Người đàn bà chờ”, lột tả cảm xúc sâu xa của người phụ nữ khi chồng chưa tỉnh cơn say: “chẳng thể nằm nghiêng/ chẳng thể nằm ngửa/ chẳng thể nằm sấp/ người đàn bà chờ chồng/ nhắm mắt/ ngồi thiền...”. Bài thơ này anh viết năm 2010 và khi ra đời, đã nhận được sự khích lệ của nhiều người, để rồi sau đó Đỗ Thành Đồng say sưa tận hưởng chiếc áo mới mà anh “khoác lên”, lần lượt cho ra đời các tập “Rác”, “Rỗng” “Xác”, “Đá”liên tục trong các năm 2012, 2014, 2017, 2019. Có thể nói “hành trình”, dẫu mới ghi nhận đến hôm nay Đỗ Thành Đồng đã ghi những dấu ấn “lột xác” của mình.

Trong “hành trình” khám phá chính mình, làm giàu thêm vẻ đẹp của thi ca, tôi nghĩ Đỗ Thành Đồng thành công khi biết làm toát lên vẻ đẹp của bi kịch, không chỉ của đời sống, mà ngay cả bi kịch của thi nhân.

tôi có một ngày con nít

thích nhìn xung quanh bằng một chân

thích ăn trái cấm bằng chiếc gậy

thích bay lên bằng nước mắt

(Có)

ngày nay con vụng về hơn đứa trẻ

không khâu được cơn đau của mẹ

từng mảng tuổi tác bung thêm

càng vá nỗi già càng rách

(Rách)

            Thơ Đỗ Thành Đồng gần đây xuất hiện nhiều, là “giọng thơ riêng” , khó lẫn, được đánh giá là gương mặt mới trong dòng thơ hiện đại Việt Nam. Anh được đón nhận, vì: “Đỗ Thành Đồng khẳng định được miền sâu lắng của tâm thơ, luôn ngả về phía thánh thiện, về ánh sáng tinh khôi của tâm hồn”, như đánh giá của Hoàng Thụy Anh.

N.Đ.H

 

 

 

. . . . .
Loading the player...