21-09-2018 - 10:32

Đọc "Tiết bụt sinh" của Nguyễn Trung Tuyến

Tạp chí Hồng Lĩnh số 145 giới thiệu bài viết đọc "Tiết bụt sinh" của Nguyễn Trung Tuyến, Nxb Hội nhà văn 2018

Nguyễn Trung Tuyến vừa ra mắt tập truyện ngắn đầu tay “Tiết bụt sinh”. Là một thầy giáo, viết truyện ngắn từ khá lâu, anh đã có nhiều truyện ngắn được in báo, tạp chí. Tập truyện hơn 250 trang chọn lựa 20 truyện ngắn được viết trong khoảng thời gian 20 năm, đã cho người đọc hình dung đầy đủ hơn về một cây bút văn xuôi với niềm say mê văn chương, đã mạnh dạn dấn thân vào con đường viết lách khó khăn, nhọc nhằn để được sẻ chia, gửi gắm những trăn trở, chiêm nghiệm về con người, cuộc sống. Phải thực sự say mê, muốn hiện thực hóa những suy tưởng của mình bằng những trang viết, hình tượng, nhận vật, câu chuyện cụ thể, sống động… người viết mới có thể duy trì và tiếp tục được lâu dài công việc quá nhiều đòi hỏi này. Và xem ra những người viết văn xuôi như thế trong đời sống văn học ở địa phương là rất hiếm và rất đáng quý.

Đề tài, nhân vật được đề cập trong các truyện ngắn của Nguyễn Trung Tuyến là cuộc sống thường ngày, chuyện làm ăn mưu sinh, chuyện về  những cuộc đời bất hạnh, trắc trở, uẩn khúc, những con người lương thiện, tâm hồn nhân hậu, giàu cảm xúc, những con người biết trân trọng những giá trị tốt đẹp trong cuộc sống, trong tình người (Mùa mận quân, Cây bàng độc trụ, Bên hồ huyện cũ, Người sau bóng núi, Gió ngoài sông)… Người đọc còn thấy người viết dành sự trăn trở, quan tâm nhiều đến những giá trị truyền thống, đời sống tinh thần xưa cũ, những ký ức tốt đẹp… Và đặt chúng trong tương quan với hiện thực xô bồ, vừa như một hàm ý nâng niu gìn giữ, vừa như một lo lắng về sự nhạt phai dần của những điều tốt đẹp đó (Cửu khổng, Tiết bụt sinh, Ngày xưa thương mến, Mai núi…). Qua các cốt truyện ngắn gọn, cách kể truyện, dẫn truyện chân thật, mộc mạc, người đọc có thể thấy ý tứ, tư tưởng đó của tác giả thể hiện khá cụ thể, rõ ràng. Truyện của Nguyễn Trung Tuyến thường được “thiết kế” trên một hình thức dẫn truyện mà nhân vật được đóng vai trò dẫn truyện, dẫn dắt, diễn giải ý tưởng của tác giả. Nhân vật thường là “anh” và “em”, đôi lứa yêu nhau, thấu hiểu nhau qua sự đồng cảm về những cái đẹp trong cuộc sống. Họ được đặt trong một bối cảnh, để cùng đối diện với những vấn đề mà tác giả muốn đề cập đến, để được “kể”, được “nghe”, được “hiểu” và được “ngộ” ra những điều tốt đẹp. Ví như ở các truyện ngắn “Mai núi”, “Cây bàng độc trụ”, “Mây trắng đầu non”, “Sóng Mũi Đao”. Truyện được dẫn dắt theo hình thức đối thoại giữa các nhân vật, và tạo ra những cái cớ hợp lý để nhân vật kể chuyện, dẫn dắt câu chuyện. “Mai núi” là một truyện  được tác giả viết kỹ, công phu. Truyện viết về vẻ đẹp của khí chất con người, hồn cốt của vùng đất, thiên nhiên, chiều sâu của lịch sử qua vẻ đẹp đặc biệt của mai núi, loại  hoa mai  đặc trưng chỉ có vùng chân đèo Hoành Sơn. Anh và em tay trong tay tản bộ dưới chân đèo mãi mê ngắm mai vàng rực rỡ. Anh có cớ hợp lý là giải thích cho người yêu nghe về vẻ đẹp của loài hoa đẹp đẽ nơi vùng đất vốn khô cằn đá sỏi và gió Lào này bằng câu chuyện về gốc tích hoàng mai ở Kinh kỳ Thăng Long và vẻ đẹp của phẩm cách, đức độ, khí khái của Võ công, chủ nhân của giống hoa mai “gia bảo”, không khuất phục trước lũ tàn àn, bất lương trong phủ Chúa, mang theo hoàng mai và gia quyến đi về phương Nam, bảo vệ danh dự gia tộc, vẻ đẹp của loài mai quý. Vẻ đẹp rực rỡ, đặc biệt của mai núi Hoành Sơn cho đến bây giờ, chứng minh về những giá trị cao quý thật sự không thể mất đi. Một câu chuyện lộ ý tứ và mang tính diễn giải của tác giả nhưng cách dẫn truyện tự nhiên và câu chuyện được nhuốm màu khói sương của quá khứ nên “Mai núi” là truyện ngắn đẹp trong tập. Tuy nhiên, ở một số truyện khác hình thức tổ chức cốt truyện này bị đơn giản hóa, cùng với đối thoại quá gần khẩu ngữ, ngữ cảnh đời thực nên làm cho những truyện ngắn này thiếu “chất truyện” mà ngả sang “chất ký” nhiều hơn, như ở truyện “Mấy trắng đầu non”, một truyện ngắn viết về cảm xúc mạnh mẽ của những người tuổi trẻ hôm nay khi thăm lại Ngã ba Đồng Lộc, cảm nhận nỗi đau chiến tranh… Nhìn chung các truyện ngắn của Nguyễn Trung Tuyến khá đơn giản trong cốt truyện, ngôn ngữ mộc mạc, gần với ngôn ngữ đời thường, nhân vật ít có sự phức tạp trong tính cách, nội tâm. Với những truyện ngắn của mình, Nguyễn Trung Tuyến chỉ muốn thể hiện những hình ảnh cuộc sống xung quanh, những tâm hồn đẹp của những con người bình thường  mà anh cảm nhận được; nâng niu, tường giải những giá trị mà anh cho là trân quý của mảnh đất quê hương. Trong tập có một truyện ngắn giàu chất văn, ngôn ngữ, tình tiết truyện “thăng hoa” hơn cả là “Gió ngoài sông”. Đây là một truyện ngắn trong trẻo, dung dị và đôn hậu với cái nhìn tươi tắn, ấm áp và đấy sức sống về con người, cảnh sắc nông thôn, đặc biệt là những người trẻ, những con người có ý chí, có sức vóc, có tấm lòng tha thiết với quê hương, muốn tạo lập cuộc sống no ấm và bình yên trên chính mảnh đất quê hương. “Gió ngoài sông” tựa như ngọn gió trong lành trong tập truyện. Tôi vẫn nghĩ tác giả cần có sự trau chuốt hơn, gia tăng chất hư cấu nghệ thuật nhiều hơn để có được những truyện ngắn như “Mai núi”, “Gió ngoài sông”…

 

                                      Nguyễn Thị Nguyệt

. . . . .
Loading the player...