07-12-2020 - 07:24

Dù hun hút gió mưa buồn cỏ vẫn xanh ngắt triền đê

Văn nghệ Hà Tĩnh trân trong giới thiệu bài viết "Dù hun hút gió mưa buồn cỏ vẫn xanh ngắt triền đê" của Nhà thơ Lê Thành Nghị

Đời một con người buồn nhiều hay vui nhiều? Tôi đem câu hỏi “tiêu cực” này để mong tìm câu trả lời “tích cực” từ một số bạn bè mình. Câu trả lời hóa ra rất đáng bi quan. Cái vui, cái may thì ít vô cùng, cái buồn, cái rủi thì vô thiên lủng. Cái vui thì qua đi rất nhanh, cái buồn thì như chạm như khắc. Cái vui thì thường khi phải cố hết sức, phải “toát mồ hôi hột” mới có được. Cái buồn thì tự dưng như trên trời giáng xuống, nhiều khi tưởng không cách gì gượng dậy được. Trong vô số nỗi buồn kia, có cái buồn do số phận, có cái buồn do chính con người gây ra. Đau đớn nhất là cái buồn do chính con người gây ra cho nhau, vì sự đố kỵ có, vì sự ích kỷ có, vì sự suy mạt đạo đức có… Phật gọi đời là bể khổ là thế chăng?

Tôi đọc tập thơ Nửa vầng trăng của Nguyễn Văn Thanh và nhận ra nỗi buồn từ cuộc đời anh được chuyển hóa thành những câu thơ khá buồn của anh. Nhưng may mắn thay, đó chỉ là những nỗi buồn do số phận, chứ không phải (hoặc ít ra anh đã chưa kịp nói đến) những nỗi buồn “nhân tạo”. Như thế chừng nào đó hình như cũng được an ủi rồi, rằng nào ai cưỡng lại được số phận bao giờ?

Ngay cái tên Nửa vầng trăng như một biểu tượng nghệ thuật kia cũng cho thấy sự “khuyết thiếu”, sự không viên mãn, không tròn đầy, một nửa phần chìm, một nửa sự che khuất… “hun hút gió mưa buồn” (Nửa vầng trăng). Phải chăng đó là điều nhà thơ Nguyễn Văn Thanh muốn tâm sự cùng chúng ta?

Một lần trong hành lang bệnh viện u bướu, Nguyễn Văn Thanh nghẹn ngào trước cảnh những em bé bị bạo bệnh. Người lớn, người già bị bạo bệnh đã rất thương tâm. Trẻ nhỏ bị bạo bệnh, xanh xao, ngơ ngác và bất lực, yếu đuối trước cái án phạt nghiệt ngã của số phận kia như một bi kịch thảm thiết, làm anh đau thắt. Câu thơ trở thành tiếng kêu ai oán:

          Bao số phận dập vùi trong bão lớn

          Nhàu nhĩ, úa vàng bên em

          Xót thương chiếc lá xanh non

          Đau xé tâm can, đắng cay số phận.

                             (Viết bên hành lang khoa ung bướu)

Một lần chúng kiến những bất hạnh của người thân, anh như hòa trong nước mắt:

          Gối ướt đầm-đêm- con

          …Nửa đường thuyền-cánh buồm gãy nát

                             (Viết cho con)

Một lần đưa vợ đi bệnh viện, vì bạo bệnh, vợ anh, người đã gần năm mươi năm chung sống, cùng đi tìm hạnh phúc trên đôi chân của mình, bỗng dưng không còn cách nào khác, phải cắt bỏ một bên chân. Nguyễn Văn Thanh “uất nghẹn mà không thể nói”:

          Ngồi bên em đau xé cõi lòng

          Buốt nhói con tim mỗi lần em bước

          …Anh ngắm nhìn lần nữa đôi chân

          Lặn lội bên anh tìm bến bờ hạnh phúc

                             (Chỉ còn hôm nay)

Một lần ngồi lặng trước mộ Nguyễn Du, ngòi bút Nguyễn Văn Thanh rưng rưng thương cảm với thi nhân trước sự thăng giáng tang thương của phận người:

          Mấy phen lên thác xuống ghềnh

          Cánh bèo bạt xứ lênh đênh phận người

                             (Thăm mộ Nguyễn Du)

Làm thơ là bày tỏ chân thực những đau đớn của trái tim trước sự bất hạnh của số phận con người. Không còn đau đớn với số phận con người thì cũng coi như không còn khả năng làm thơ nữa. Đấy là thiên chức của nhà thơ, và cũng là lý do cuộc đời cần có thơ. Nguyễn Văn Thanh không giấu diếm những “nỗi đau” muôn kiếp của thi nhân: Ta vụng dại giấu một thời nông nổi/ Để bây giờ bạc tóc vẫn còn đau (Viết trước ngày mồng tám tháng ba). Thơ trước hết là lương tâm, lương nhân, là lòng nhân ái đối với con người. Lảm thơ là để góp phần xoa dịu những vết thương đau mà con người gặp phải trên trần gian vốn ít vui nhiều buồn như ta đã biết vậy!

Nhưng trong tập thơ này, Nguyễn Văn Thanh không chỉ muốn bày tỏ lời an ủi trước những nỗi đau. Cao hơn lời an ủi, anh muốn làm một người dấn thân, một người tin cậy, một người đồng hành, một chỗ dựa tinh thần. Anh dặn con:

          Hãy cắn chặt răng dẫu ngàn lần đau đớn

          Tựa vào cha con hãy đứng lên nào!

                             (Viết cho con)

Như một sự từng trải, Nguyễn Văn Thanh biết vượt qua nỗi buồn, biết nhận ra qua nỗi đau, qua giông bão là bất khuất, là sự bất tử. Những lúc như vậy anh có những câu thơ rắn rỏi:

          Dẫu đó là bão giông luôn vùi dập

          Cỏ vẫn xanh ngăn ngắt những triền đê

                             (Mỹ từ và cỏ dại)

Đúng là không có gì có thể vùi dập được màu xanh cỏ. Cũng như khi cái đẹp cất lời, có cảm giác thế gian chỉ còn là cái đẹp hiện diện, cho dù quanh ta biết bao những “tệ nạn” đang vây bủa:

          Bụi và khí thải

          Vụt tan biến sau cây mai kia

          Nơi chú chim chào mào đang hót.

                             (Tiếng chim chào mào)

Cho dù tiếng chim chào mào kia cũng bao phen bị vùi dập:

          Thu miền Trung chìm trong bão lũ

          Chú chào mào ướt lạnh hót trong mưa

                             (Thu miền Trung)

Tôi thích hình ảnh “chú chào mào ướt lạnh hót trong mưa”. Có phải người làm thơ muốn nói: cho dù biết bao khổ đau vùi dập, cho dù biết bao bão lũ nổi chìm, vẫn không ngăn được tiếng hót của chú chim chào mào. Biểu tượng nói lên điều gì? Nói lên: cái đẹp luôn bất tử, vẻ đẹp tinh thần là bất diệt, nhưng cái đẹp cũng luôn mong manh, luôn phải trả giá. Đó là một suy nghĩ rất đáng để chúng ta quan tâm, nhất là giữa thời buổi đồng tiền và vật chất lên ngôi đang làm biến dạng mọi chân lý, đang làm đảo lộn các giá trị, làm ly tán mọi tình cảm…

Thơ Nguyễn Văn Thanh cũng có những bài nói về những ký ức đẹp của anh với quê hương.

 Đây là một “khung cảnh” thôn quê vào mùa: nhộn nhịp và thanh bình, rất thôn dã, thể hiện sự quan sát khá tinh tế của ngòi bút tả thực:

          Cu gáy gù râm ran tàu cau

          Lạt mềm cuộn tròn trước cửa

          Xe bò lốp nằm chờ ngoài ngõ

          Trâu cọ thoang chuồng lắc cắc suốt đêm

                             (Vào mùa)

Đây là một “hiện thực” ẩn rất sâu trong tiềm thức được phục hiện trong một khoảnh khắc tâm linh:

          Đột nhiên

          Có mùi trầu thoảng thơm

          Trên nấm mộ

                             (Ám ảnh)

Đây là một tâm trạng xa quê:

          Quê nhà trở gió heo may

          Cói cò chắc đã về bay trắng đồng

          …Mình ta giữa đất Sài Gòn

          Nỗi riêng nhớ bạn, nỗi buồn nhớ quê

                             (Nỗi riêng)

Và đây là một kỷ niệm tình yêu tuổi trẻ gắn với “hàng xóm có người con gái lẻ” (Nguyễn Bính) sau những ngày đi gom lá thông rất gần gụi ở quê hương:

          Lá thông khô trong nắng

          Như thảm vàng mùa hạ xuống từ cao.

Kỷ niệm “đồi thông” ấy luôn trong trí nhớ của anh và mỗi lần nhớ đến là một bức tranh “siêu thực” là hiện về:

          Một đồi nghiêng, lá thông vàng trơn trượt

          Một đồi thơm như lòng ta rạo rực

          Một đồi chiều kỷ niệm thuở xa xưa

                             (Lá thông khô)

Thơ Nguyễn Văn Thanh cũng hàm chứa những triết lý nhẹ nhàng. Anh mượn những bông hoa chiếu thủy để nói về “giá trị” không chỉ có ở những gì lớn lao, mà thường khi ẩn chứa trong những “khuất lấp”, “bé mọn”:

          Chậu nhỏ dáng cây cũng nhỏ

          Khuất xa ở tận cuối ngày

          Một mùi hương thơm lặng lẽ

          Gọi bàn chân ta về đây

                             (Mai chiếu thủy)

Anh có những câu thơ được viết trong “hình dung” gợi cảm, gợi liên tưởng, gợi suy nghĩ:

          Một chút nắng cuối thu

          Vàng tươi trên giàn mướp muộn

          Vườn thưa tiếng chim mỗi sáng

          Hình như đêm đã dài hơn

                             (Thu muộn)

“Nắng cuối thu” trên “giàn mướp muộn”, “tiếng chim mỗi sáng” gây cho tác giả cảm giác “hình như” đêm đã dài hơn mọi đêm. Có gì đó phảng phất cách lập tứ của thơ Đường. Câu thơ vừa như để tả cảnh vừa như để bộc lộ tâm trạng. Thơ hay kim cổ thường theo cách này!

Nửa vầng trăng là tập thơ mới của Nguyễn Văn Thanh. Mấy năm gần đây anh viết được khá nhiều (Tập thơ Tìm sợi rơm vàng xuất bản năm 2012, tiếp đó đầu năm 2016 tập thơ thiếu nhi Quả từ đâu ra ra đời và tập truyện đồng thoại viết cho thiếu nhi Nhạc đồng quê được nhà xuất bản Kim Đồng lên kế hoạch xuất bản trong năm 2018. Anh vừa viết phê bình, bình thơ cho các báo và tạp chí. Hiện anh đã có hơn 100 trang bản thảo cho thể loại này cho tập Ráng đỏ cuối trời dự định xuất bản vào đầu năm sau. 73 trang bản thảo cho tập Lời mẹ ru bình thơ thiếu nhi của các tác giả thơ trong tỉnh Hà Tỉnh và bản thảo tập thơ thiếu nhi Mẹ cười đã hoàn chỉnh và chờ ngày xuất bản). Cần mẫn, không ồn ào, như một người sớm biết được giới hạn của mình trước cái vô hạn của văn chương, từng bước khám phá cái đẹp ẩn chứa trong những điều bình dị, từng bước khắc phục những nhược điểm mà bất cứ ai làm nghề đều vướng…, Nguyễn Văn Thanh cho ta hình ảnh của một “bạn đường” trên dặm dài xa lắc, nhiều sóng gió và cũng không ít niềm vui, con đường sáng tạo văn học.

                                     

                                                Hà Nội, tháng 12 năm 2017

Lê Thành Nghị

. . . . .
Loading the player...