13-06-2019 - 16:13

Đừng sợ mùa hè.....

Hồi còn là học sinh, tôi khá sợ mùa hè, không chỉ bởi áp lực từ “học kì thứ ba” giống nhiều người vẫn nghĩ. Tôi cũng từng có những buổi học hè phụ đạo để bổ túc kiến thức như bạn bè cùng trang lứa, những buổi học nóng nực và mệt mỏi vô cùng nhưng vẫn đồng thời đưa đến rất nhiều trải nghiệm thú vị. Thậm chí có những kỉ niệm mùa hè trở thành bài học nhớ đời và cho đến ngay lúc này đây, tôi vẫn lấy đó làm kim chỉ nam cho mọi hành động của mình.

      Tôi vốn là một đứa trẻ nhút nhát. Mùa hè năm tôi sáu tuổi, bố định cho tôi học võ để mạnh mẽ hơn, với bố thì một đứa con trai không thể nào cứ khóc tu tu dù đã học lớp một. Nhìn thấy dung mạo vị võ sư, tôi kinh hồn bạt vía khóc nhè to hơn bất kì lần khóc nhè ăn vạ nào. Hôm ấy giữa trưa hè, tôi bị bố đánh quắn mông đau điếng, mồ hôi mặn chảy xuống mấy vết xước, xót cứa quắm. Từng nhát gậy ghì lên mông dằn xuống kéo theo nặng nề bao nỗi thất vọng và xấu hổ của bố. Tôi chính thức sợ mùa hè từ ấy.
      Năm tôi lên bảy, vừa học xong lớp một nhưng tôi học Toán rất tệ, chẳng hiểu sao tôi tính toán chậm như rùa, lề mà lề mề mãi không nhẩm nổi mấy con số trong phạm vi các chữ số hàng đơn vị. Hồi đấy đi học tôi toàn ước mơ sau này làm siêu nhân nên mấy công thức cộng trừ gì đó, hoặc mấy cái bánh chia cho chị cho anh,… tôi thấy chán ngắt. Tôi chỉ chờ giờ tập đọc để ngắm hình vẽ minh họa trong sách Tiếng Việt, rồi thơ thẩn gấp quạt giống chỉ dẫn của môn Thủ công để vừa xem hình vừa quạt cho mát. Tôi không thể nào chăm chỉ kiểu các bạn giỏi Toán ở lớp được, giữa tầm hai giờ chiều vừa ăn xong bữa phụ bán trú mà đã nắn nót luyện thi vở sạch chữ đẹp hay cùng nhau thảo luận số gà số chó của bài toán.
     May quá, tôi không tệ môn Toán đến mức bị lưu ban, thực ra là có sự hỗ trợ của hai bàn tay thường múa máy cực kì điêu luyện dưới bàn học.  Tôi qua mắt được cô giáo nhưng sao có thể lừa được bố, vì lúc hè khi bố đi công tác về đã cật vấn ngay trình độ của tôi, thấy tôi cứ loay hoay giấu hai tay sau lưng, bố nghi ngờ luôn. Sau những trận đòn gay cấn không thể khiến khả năng tính toán của tôi cải thiện, bố quyết định đưa tôi đi học phụ đạo. Nhưng bố đã sai lầm khi mua tặng tôi hai tập truyện cổ tích thần thoại Việt Nam chọn lọc. Thay vì ngồi học Toán thật tập trung để hiểu cách giải bài toán có lời văn, tôi xuyến xao bởi tiếng chim hót ngoài sân nhà cô giáo, chúng lích chích chuyền cành rất đáng yêu, tạo ra vô vàn thanh âm đan hòa trong ánh nắng xanh lục. Đặc biệt ở nhà cô giáo trồng vài cây khế sai trĩu trịt, chỉ khiến tôi thêm lơ đãng và mơ mộng mình là chàng trai đang ngắm chim thần ăn khế. Cô giáo gọi tên nhắc nhở, tôi vô tư nói rằng đang nghe chim hót. Hậu quả là cả mùa hè đó tôi phải học gấp đôi, kể cả những ngày nóng hầm hập, cả lớp được nghỉ. Cũng may nữa, sau những lần cảm thấy không thể cộng trừ bằng bàn tay được mãi, rồi đến bàn chân cũng bất lực nốt, tôi sợ bị lưu ban thật nên tu chí học hành hơn.

Mùa hè tuyệt vời ( Ảnh: Lê Thắng)

        Lúc học tiểu học tôi cũng hay ốm vặt, mẹ bảo vì sinh non nên tôi yếu, hay ho do lạnh hoặc thời tiết thay đổi. Mẹ lo lắm, không mấy khi để tôi nghịch ngợm ngoài trời. Khổ nỗi ở xóm thì tôi lại là đứa đầu trò vì lớn tuổi nhất hội. Tôi vẫn thường ra oai hống hách với lũ trẻ ở xóm, tự xưng là đại vương và bắt chúng nó thần phục.
      Sau lần tổng kết năm lớp ba, cô giáo muốn chúng tôi trải nghiệm leo núi và có một buổi picnic nhỏ trên đỉnh đồi. Đằng sau trường cấp một tôi theo học có hai ngọn núi nối dính vào nhau, đỉnh cao nhất đạt khoảng hơn năm mươi mét so với mực nước biển, đường mòn khá lắt léo, lại hay có đá trơn ngáng đường, độ dốc tương đối, nói chung ngọn núi này là thứ không dễ dàng vượt qua với lũ trẻ tiểu học. Vốn nhút nhát, tôi sợ lắm, chưa gì đã tìm cách thoái thác công việc bưng bê khuân vác dưa hấu hay thứ gì đó nằng nặng. Nhưng cái tính huênh hoang thì chẳng bỏ được, tôi vẫn khoe với bọn trẻ con ở xóm rằng sẽ leo ngọn núi kia một cách đơn giản.
       Chính cái ngày cả lớp đi picnic, dự báo thời tiết đưa thông tin về một ngày nắng nóng kỉ lục. Ba giờ chiều, cả lớp xuất phát và nắng quái bắt đầu xiên lẹm một mạng sườn quả núi. Bóng keo tai tượng đổ rạp xuống những cụm đá lởm chởm. Chưa leo được bước nào, trán tôi vã vợi mồ hôi, chân run run tưởng phải khuỵu xuống. Có nhiều bạn cũng sợ, không chỉ riêng tôi, nhất là lúc qua đèo và nhìn lên phía trước vẫn chỉ thấy một dải nâu ngoằn ngoèo hun hút, mãi mà chưa thấy đỉnh núi đâu. Cô giáo động viên nhiệt tình rằng đây chưa thể là điểm cuối cùng, chỉ là nơi tạm dừng chân, chúng tôi có thể ăn tạm hay uống nước nghỉ ngơi nhưng không được chùn bước, mục tiêu đặt ra là trước sáu giờ tối, chúng tôi sẽ phải từ đỉnh núi quay trở về trường.
          Tôi ngó xuống khe vực mà hốt hoảng. Một cái vách dựng thẳng đứng tạo thành một thụng sâu hút nắng xuống. Nắng hè chói chang là vậy, khi đâm thẳng xuống dưới chân vách bỗng mất dạng. Ngửa mặt lên thì thấy mây bay thưa thớt, chỉ có nắng, nắng và nắng, thậm chí nắng dữ dội đến nỗi sáng lóa cả mặt trời, khiến mặt trời gầm ghì siết nhiệt vì không được trưng trổ sức mạnh. Gió yếu ớt luồn qua đèo, làm phất phơ mấy cọng lá keo tai tượng thuôn dài đến là thảm thiết. Tôi đã tưởng mình sẽ xin cô cho ở lại đây, chờ cả lớp quay lại sẽ về cùng. Ấy rồi ngoắt một cái, con gì đó sượt qua mũi chân, chẳng rõ là rắn hay côn trùng nữa, tôi la hét toán loạn, thật đã tạo cho cả lớp một trận cười rộn rã hơn cả tiếng ve sầu trên rừng. Tôi quyết định đi tiếp, một phần vì sợ cả lớp sẽ bỏ rơi mình ở chốn khủng khiếp này, mặt khác sợ mất hết thể diện với đám “thần dân” ở xóm.
          Sườn càng ngày càng dốc, đá mỗi lúc mỗi nhiều, cây cứ thưa dần, núi cứ thế gọi nắng gắt nhảy xuống chơi ú tim với lũ trẻ. Cứ bước được một bước, cứ leo được một nhịp, chúng tôi lại bị va vào một tảng nắng xối thẳng lên đỉnh đầu. Bóng của những đứa trẻ con méo xệch theo sườn núi, đằng này, uể oải, gió vẫn èo uột hát ru đưa đà. Chúng tôi thở dốc, bụi của đất núi tỏa lên mịt mù, bụi cũng thở theo nhịp hành quân của nắng. Còn lũ hoa cỏ dại trơ ra xơ xác, bất cần và thách thức. Có bạn bứt hoa, nghịch nghịch, một bông hoa tím lấp lóa trong nắng gắt. Bông hoa đã bị bẹp khi bạn cố bấm đôi bàn tay nhỏ vào thân cây để leo lên mỏm đá lớn ngáng giữa đường mòn. Cô giáo bảo rằng trước kia leo núi khó hơn nhiều, vì vốn dĩ ở đây chỉ có đất đá và cỏ dại. Sau này, cũng trong mùa hè tình nguyện, các học sinh phổ thông đã trồng keo tai tượng rất nhiều, phủ xanh đồi trọc và giúp việc leo trèo trở nên dễ dàng hơn. Đúng là những bóng cây ít nhiều khiến quả núi này xanh mát hơn nhưng tôi tiếc bông hoa kia quá. Đoạn đường vừa nãy mà không có bông hoa tím ngồ ngộ bạn nghịch, thì tôi sẽ bị nắng quái làm cho nhụt cạn sức lực mất. Đó!  Tôi vốn hay mất tập trung mà, nên một bông hoa tím ngồ ngộ hiếm hoi kia cũng có thể lừa được đôi chân rời rã của tôi.
Và thế là chưa kịp thốt ra lời tiếc rẻ bông hoa tím, tôi đã reo lên cùng tất cả các bạn. Một bãi bằng phẳng rộng rãi mở ra trước mắt cô trò, chắc cũng phải ngang ngửa nửa lớp học. Đỉnh đây rồi. Tôi vươn mắt ra tứ phía, kìa đằng Tây, mặt trời đã xuất hiện, cảm giác như nắng quái đã thua cuộc chúng tôi rồi. Gió bắt đầu hát lồng lộng căng mở thanh đới, keo tai tượng rì rạt chúc mừng. Cả lớp ngắm hoàng hôn buông đều đều, ngắm mặt trời mùa hè đỏ lựng tròn xoe như trứng lòng đào đang từ từ vẫy tay chào đỉnh núi…
           Sau lần đó, tôi bỗng bạo dạn hơn trước, kéo theo một loạt các trò nghịch ngợm gây gổ với trẻ con các xóm láng giềng, trở thành “đại vương” khá có tăm tiếng. Cũng bởi bạo dạn hơn, tôi được cô tổng phụ trách để ý tới và đưa vào đội văn nghệ. Đó là những ngày hè đáng nhớ lắm. Tôi thích ca hát hơn việc chúi đầu vào tìm mẫu số chung của hai phân số nên những ngày hè tiếng là đi học vất vả, song thực tế đầu óc toàn lẩm nhẩm lời bài hát. Tôi nhớ mãi ca khúc “Tia nắng, hạt mưa” năm ấy. Ngày lễ tổng kết năm lớp năm, tôi hát ca khúc này, tất nhiên chỉ thấy nắng nóng bỏng tuột chứ không dễ thương như giai điệu của ca khúc. Lạ kì thật, tôi chưa nhớ nổi một ngày nào diễn ra lễn tổng kết mà trời dịu mát, êm đềm. Nếu không chói chang gắt bỏng thì ông trời sẽ làm buổi lễ tổng duyệt binh cho hội sấm sét. Sau màn khoa trương sức mạnh từ xa, sấm chớp bắt đầu uy hiếp ồn ào.
        Tôi đã từng ghét mùa hè chỉ vì sự nguy hiểm và khoa trương của nó. Quê tôi hay có bão lũ vì là vùng ven biển. Những ngày đi tham gia văn nghệ phải bì bõm bẩn cả trang phục biểu diễn khiến mặt tôi nhăn nhó như khỉ.  Bố véo mạnh đau điếng, nói con trai không nên nhăn nhó. Bố lúc nào cũng muốn tôi phải thật bình tĩnh nhưng chính cái mùa hè kia có bao giờ bình tĩnh đâu, sao tôi phải bình tĩnh. Sầm sập sầm sập, thích giông là giông, thích bão là bão, không bao giờ hẹn trước, không bao giờ thương lượng. Sau mỗi trận bão hè, ngập lụt mênh mông ruộng đồng, nước rút đi tàn nhẫn để lại những bông lúa đã nặng bông nằm rạp xuống tang tóc. Ở lớp tôi ngày trước có những bạn gia đình làm nông, cuộc sống không dư dả gì. Sau mỗi trận bão, gia đình nhà họ thất thần như nhà đang có sự. Nhưng chắc chắn, đến ngày lễ khai giảng thì các bạn ấy luôn có đồng phục mới và sách bút, chẳng thiếu thứ gì cả. Mùa hè dữ tợn thế thôi, nó chẳng uy hiếp được ai, hoặc là một chú bò hiền lành sẽ rời xa gia đình họ, hoặc thậm chí một người chị cả nào đó sẽ thôi học, đi lấy chồng và em gái sẽ tiếp tục dự lễ khai giảng năm học mới.
          Ở vùng bão lũ hiểm nguy, lại thấy con trai chưa bỏ được tật tự mãn huênh hoang, bố tôi quyết định giục tôi học bơi. Thực ra tôi thấy các vụ chết đuối ở quê đã nhiều, nên cũng sờ sợ. Nhưng nghĩ đến dòng sông thăm thẳm kia cũng hơi chợn. Ngần ngừ khá lâu, mãi tới năm mười bốn tuổi, tôi mới dám mon men ra sông tập bơi.
          Dưới gầm cây cầu hút gió đông bấc và nhả phù sa mùa lũ gần nhà, tôi ì oạp bơi. Lúc đó lớn nhiều nên không thấy sợ sệt gì lắm, sau mấy hôm chỉ thấy hay ho bởi nước sông mát vô cùng. Bố tôi vui vì con trai đã lớn, không còn nhút nhát như trước nữa. Nhưng bố không thể ngờ lúc ấy, vì đang trong lứa tuổi muốn chứng tỏ, tôi đã từng suýt chết đuối. Chuyện là một ngày trời nắng gắt hơn bình thường, đoạn sông an toàn mà nhiều người bơi tự dưng nóng lên thấy rõ, tôi rủ bạn mình ra xa hơn. Đoạn sông này họ từng hút bùn làm móng cầu nên chỗ lồi chỗ lõm. Tôi chạm chân thử xuống. Chà. Chỗ này nông toẹt, nước chỉ đến ngang ngực. Thế là chúng tôi cứ vô tư vui đùa dù kĩ năng bơi còn rất hạn chế.
          Ngoạm một cái, chiếc hố từ đâu xuất hiện lôi tuột tôi xuống, tôi chới với không sao ngoi lên được. Trong lúc cố vùng vẫy để gào thằng bạn đứng gần đấy kéo vào thì tôi chỉ thấy nó cười khà khà. Tôi thử ngụp sâu xuống xem chân có chạm được đáy sông không thì khiếp đảm vì tưởng đã có một bàn tay lạnh toát sờ luồn hai bắp chân mình, còn mũi chân vẫn vô định mải miết giữa nước và nước. Trong một tích tắc nhỏ, tôi cảm thấy giữa lồng ngực căng tức của mình nhói lên tiếng hô đứng dậy mạnh mẽ, không thể chìm, chìm xuống là chết, là chết. Cũng một tích tắc nhỏ khác, tôi loáng thoáng thấy hình ảnh của tương (một loài ma nước, thuồng luồng… theo cách gọi ở quê tôi) đang vờn vuốt chân mình, tương sắp sửa cuốn lấy tôi giống như bao lần đã cướp đi sinh mạng của những đứa trẻ xấu số.
         Tôi quậy cựa thật dữ hai chân để tạo lực đẩy ghê gớm từ phía thăm thẳm thần bí, đầu tôi ngoi vọt dứt khoát, tôi thấy mặt trời lấp lánh ở mí mắt song chỉ kịp hớp một hơi, rồi lại nhanh chóng bị lôi tuột xuống, uống vào bụng cơ man là nước. Một lần nữa, tôi quẫy dự dội hơn, hai mu bàn chân duỗi thật thẳng quạt liên hồi, hai bắp tay với lên phía đỉnh đầu, tôi tìm cách thoát chết bằng tất cả những gì có thể, xoay người, ngả ngớn, trồi lên kêu cứu…Lần bị lôi tuột thứ tư, tôi nhanh trí nghĩ ra sự kì diệu của lực đẩy từ phía mu bàn chân, ngay sau lúc mở vội mắt để nhìn cho chuẩn hướng thằng bạn đang đứng, tôi lập tức nằm úp xuống và đập chân liên tục, tay thì cứ múa mang loạn xạ.
Thấy có sự lạ, một người gần đấy bơi ra lôi tôi vào, ngạc nhiên thấy mặt tôi nhợt đi. Tôi kể lại sự tình và bỗng trở thành nhà thám hiểm để những ai chưa biết cái hố thâm hiểm kia phải tránh né. Không thể tin được, cái hố chỉ cách bờ chưa đầy mười mét. Ngay cạnh mép hố, mực nước chỉ đến ngực tôi vậy mà hẫng chân một giây tưởng đã đi toi. Thằng bạn bơi cùng há hốc mồm, nó đã tưởng tôi… đùa, dù cũng thắc mắc sao hôm nay tôi đùa… lâu hơn mọi hôm, đang định ra thì thấy tôi đang cố bơi vào gần bờ rồi.
          Sau mùa hè biết bơi đó, tôi bắt đầu những mùa hè không biết vui chơi gì , liên tục các kì thi diễn ra và hễ cứ phượng vĩ nở rầm rộ khắp sân trường, chúng tôi lại lao vào guồng quay học học. Lúc thì ôn thi vào cấp ba, lúc lại ôn thi học sinh giỏi và tất nhiên là ôn thi đại học. Thi đại học là kì thi đáng nhớ nhất, mùa hè 2017 đổ đầy những trở trắc vào sức khỏe khiến tôi tưởng đã gặp phải đại bại. Ngay bây giờ đây, tôi đang viết những dòng này trong căn phòng trọ sinh viên rộng hơn chục mét vuông, mồ hôi lại làm náo loạn cả bàn phím laptop vì phòng không có điều hòa và cái nóng của thủ đô thì hẳn không phải bàn thêm…

Nguyễn Hoàng Hiệp
 

. . . . .
Loading the player...