18-08-2020 - 14:14

Ghi chép NHÂN GIAN LƯU DẤU DANH NHÂN của nhà văn Nguyễn Thế Tường

DÂN GIAN LƯU DẤU DANH NHÂN

                                                                                    Nguyễn Thế Tường      

    Chuyện bắt đầu từ một cuộc hành quân lịch sử của thầy trò trường cấp 3 (nay là PTTH) Lệ Thủy cách nay đã tròn 53 năm. Năm 1967, cuộc chiến tranh phá hoại của không quân Mỹ trên đất Quảng Bình dần dần đẩy đến độ hủy diệt. Để bảo vệ nguồn nhân lực cho tương lai, tỉnh chủ trương sơ tán toàn trường ra vùng núi trong dãy Hoành Sơn. Đêm đầu tiên tập kết ngủ lại ở một làng thuộc xã Sơn Thủy, tình cờ chúng tôi đọc thấy trên một tấm bảng phân công lao động của đội sản xuất có viết, nội dung: Ngày mai, các ông (...) đi cày ở đồng Nguyễn Du. Học sinh lớp 9/10, đã có học truyện Kiều - Nguyễn Du, nên kháo nhau coi như là sự lạ. Sáng hôm sau, cả trường rồng rắn hành quân trong tiếng máy bay phản lực gầm thét, không ai để tâm tìm hiểu. Nhưng, ký ức thì không nguôi động cựa. Cho đến một ngày cuối tháng 10/2015, Hội di sản văn hóa tổ chức tọa đàm kỉ niệm 250 năm ngày sinh thi hào Nguyễn Du (1765-2015), Tôi cùng nhà nghiên cứu Văn Tăng quyết định tìm tới “ngọn nguồn lạch sông” để lý giải gốc tích địa danh khá độc đáo này.

Phá Hạc Hải ở cuối nguồn sông Kiến Giang

(nơi tiếp giáp hai huyện Lệ Thủy và Quảng Ninh tỉnh Quảng Bình)

    Cũng cần nhớ, Nguyễn Du từng làm Cai bạ Quảng Bình bốn năm (1809-1813) là thời hoạn lộ dài nhất, cũng như trong vốn thơ chữ Hán số lượng bài về Quảng Bình là nhiều nhất (8 bài) và đều là những áng văn chương đặc sắc.

Theo tự điển quan chức phong kiến, mục nói về quan lại thời nhà Nguyễn có ghi: “Cai bạ là vị quan đứng thứ nhì của trấn (tỉnh) coi về thuế khóa, quân lương, địa bạ”. Mối dây liên hệ có lẽ từ đây. Nhưng, vì sao chỉ có vùng đất nêu trên mang tên danh nhân? Sử sách hầu như không ghi chép, chỉ có thể tìm câu lý giải từ trong dân gian. Lội ngược dòng lịch sử tên đất tên làng mà lòng hồi hộp: Năm mươi ba năm trôi qua, vật đổi sao dời. Hợp tác xã, với phương thức làm ăn tập thể, ruộng chung canh tác chung, đã tan rã, vùng đất ấy liệu có còn nguyên thổ? Dân gian có còn bảo tồn địa danh cũ, liệu có tìm được người hiểu được gốc tích vấn đề?! Dịp may, chúng tôi gặp được nhà nghiên cứu văn hóa Trần Văn Chưởng ở huyện Quảng Ninh cùng với tác giả thơ Đường luật Ngô Đình Hống và qua các vị mà vừa hiểu được căn nguyên cũng như được hướng đạo đến mục sở thị bao điều thú vị khác.

    Trước hết là CÁNH ĐỒNG NGUYỄN DU: không những vẫn còn nguyên vẹn cả thổ nhưỡng địa danh mà còn đi vào thơ ca hiện đại. Tác giả Ngô Đình Hống năm nay gần 80 tuổi, năm 2014 đã giật giải cao nhất cuộc thi thơ Đường luật do hội di sản văn hóa tổ chức. Trong cuộc thi năm 2015, kỉ niệm năm sinh Nguyễn Tiên Điền, ông cũng đã góp mặt tám câu chỉnh chu Đường luật vịnh cánh đồng hiện hữu ngay trên quê ông:

                 Ngước mắt Áng Sơn buổi nắng tà

                   Nguyễn Du kinh lý chốn non xa

                   Ba bề núi dựng beo rừng hét

                   Một lối truông quành cọp rú la

 

                   Khe cạn đất cằn lều mấy túp

                   Đồi khô lau cỗi rẫy đôi

                  Thương dân Chuồn - Vạn đời lao khổ

                  Thoáng bút phê đơn đồng mở ra

   Theo chân hai vị ‘thổ công” chúng tôi dễ dàng tìm tới vuông đất rộng ngót trăm ha nằm ngay cạnh đại lộ Hồ Chí Minh, dưới chân ngọn Áng Sơn nơi tiếp giáp hai huyện Quảng Ninh và Lệ Thủy. Cẩn thận hơn, chúng tôi làm phép thử xem cái địa danh đặc biệt này còn thông dụng đối với người thời nay. Chặn một người đàn ông trung niên không có vẻ là nông dân lắm:

- Bác cho hỏi thăm tới cánh đồng Nguyễn Du.

  Người đàn ông chững lại nghi hoặc:

- Các bác hỏi tới đồng Nguyễn Du... sắp quy hoạch à?

Đến lượt chúng tôi ngỡ ngàng. Người đàn ông giải thích rằng nhà ông có ruộng ở đấy, rằng người ta đã phát triển thị trấn (Lệ Ninh) ra sát cánh đồng Nguyễn Du rồi. vv... Không quan trọng, điều chúng tôi cần là trong giao tiếp đời thường địa danh ấy vẫn nguyên vẹn. Nhà nghiên cứu văn hóa Trần Văn Chường cho hay rằng, việc cánh đồng mang tên danh nhân là cả một câu chuyện khá thú vị, và, không phải chỉ cánh đồng, còn cả một khu vực lăng mộ cho cư dân một làng cách đó dăm cây số. Chuyện được truyền miệng khá s:inh động.

          Thời Nguyễn Du làm Cai Bạ Quảng Bình (1809-1813) đương nhiên là đóng ở trấn lỵ Đồng Hới hiện nay. Trong một lần đi thuyền ngược sông Nhật Lệ lên đốc thúc thuế khóa ở trạm thuế thượng nguồn Kiến Giang (Lệ Thủy), khi trở về, đến phá Hạc Hải thì gặp sóng to gió lớn đành phải dạt vào trú ở làng Phú Triều nằm ven bờ Nam mặt phá. Có quan tỉnh ghé bản địa, chức sắc và các cụ bô lão đón tiếp trịnh trọng thành kính. Chuyện qua ngày thâu đêm càng thân thiết. Thấy làng có nhiều vị cao niên thượng thọ, quan Cai Bạ bèn cho đổi Phú Triều thành Phú Thọ (nay thuộc xã An Thủy). Nhân đó các cụ bô lão kêu trình rằng, làng nằm ven mặt phá, không có đất mai táng, sống ngâm da chết ngâm xương...!. Quan cai bạ bèn giở địa đồ cắt cho làng một vùng đất rộng vùng gò đồi chân thềm Trường Sơn để vừa trồng hoa màu cải thiện đời sống vừa làm nơi an táng những người quá cố. Làng Phú Thọ bèn dành khoảnh đất cao ráo làm nghĩa địa, ngày nay vẫn còn đủ chỗ cho hậu nhân. Vùng trồng màu ngót trăm ha thì tới năm 1960, thời kỳ làm ăn tập thể  Hợp tác xã, huyện đã chuyển lại cho người bản địa canh tác thuận lợi hơn. Riêng địa danh gắn liền với danh nhân xuất phát từ lòng biết ơn của người dân thì vẫn không thay đổi. Cái dòng chữ lạ lùng thú vị tôi đọc được trên tấm bảng phân công lao động của đội sản xuất cách nay gần nửa thế kỷ đã được giải mã. Câu chuyện truyền khẩu trên đây còn được minh chứng bằng văn bản: Trong “Phủ biên tạp lục” của Lê Quý Đôn viết năm 1776, làng Phú Thọ bây giờ hồi ấy vẫn còn tên là Phú Triều. Địa danh Phú Thọ chỉ xuất hiện đầu thế kỉ 19, là thời Nguyễn tiên sinh làm cai Bạ Quảng Bình.

   Thăm cánh đồng Nguyễn Du, nhóm chúng tôi còn gặp những điều bất ngờ khác. Trong câu chuyện, một bác nông dân nói rất tự nhiên:

  • Trước đây, đồng Nguyễn Du chỉ canh tác một vụ, từ khi có mương ông Thoan mới lên hai vụ...

MƯƠNG ÔNG THOAN? Thì ra, thời làm Bí thư Tỉnh ủy (Khoảng 1965-1975) ông Nguyễn Tư Thoan đã chủ trương nhiều công trình thủy lợi “dẫn thủy nhập điền”. Người thời nay gọi ông là “Doanh điền sứ” của Quảng Bình. Ông đã cho đào kênh dẫn nước tự chảy từ chân núi Trường Sơn về đồng Nguyễn Du. Thế là ‘tân cổ giao duyên”, dân ta rất công bằng, ai làm điều lợi cho dân đều được ghi nhận, dẫu địa danh ban đầu chỉ là ngẫu hứng, truyền khẩu rồi sau đó hiện hữu trong văn bản. Chưa hết, còn một chi tiết nữa khiến chúng tôi phải “mắt tròn mắt dẹt”: Ngay trong cánh đồng Nguyễn Du ngót trăm ha ấy lại có một vùng đất nhỏ bằng phẳng được gọi bởi một cái tên đầy tự hào: Sân bay Tôn Đức Thắng. Nghe mà sửng sốt. Nhưng biết làm sao! Dân cứ hồn nhiên định danh như vậy. Dẫu biết rằng, ngôn ngữ mang tính võ đoán, nhưng những địa danh đặc biệt này chắc không phải ngẫu nhiên. Tới đây thì chúng tôi phải vận tới lịch sử địa phương để biết rằng, vào năm 1958, Quảng Bình mở đại hội thi đua, Bác Tôn Đức Thắng khi ấy là Chủ tịch mặt trận tổ quốc Việt Nam từ Hà Nội vào dự. Biết được có một trung đoàn bộ binh “giải trừ quân bị” có nhiều bộ đội quê miền Nam đang chuẩn bị thành lập nông trường Lệ Ninh, bác Tôn liền đáp máy bay trực thăng từ sân bay Bờ Hơ (Cảng hàng không Đồng Hới bây giờ) lên thăm. Và mặc nhiên, cánh đồng màu Nguyễn Du bằng phẳng được chọn làm điểm hạ cánh. Thế là thửa đất đó được bà con gọi luôn là...SÂN BAY TÔN ĐỨC THẮNG.

                                                     *

  Chúng tôi gọi chuyến khảo sát thực địa là bội thu ba trong một “kêu một việc được ba việc”. Đi tìm dấu vết một Thi hào lại gặp ba vị ‘quan chức’đắc nhân tâm thuộc ba thời kỳ được kí ức dân gian lưu giữ. Ngày nay, lữ khách nào đi chuyển theo đại lộ Hồ Chí Minh ngang qua thị trấn Lệ Ninh hoặc đi tàu hỏa đến cách ga Mỹ Đức chừng một kilomet, hãy nhìn về phía Tây, có một vùng đất bằng phẳng, mùa xuân khoai bắp xanh tốt, mùa thu thì trâu bò nhẩn nha gặm cỏ, cánh đồng Nguyễn Du đấy. Con mương dẫn nước vào mang tên vị bí thư tỉnh ủy một thời - Mương ông Thoan và một khoảnh đất bằng phẳng trong cánh đồng lại mang tên vị nguyên thủ quốc gia: sân bay Tôn Đức Thắng.

                                                                    

                                                                             N.T.T

. . . . .
Loading the player...