Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu bài viết “Gọi hoàng hôn – Nghe vọng lại tiếng mình” của nhà thơ Hồ Minh Tâm
Tôi hỏi nàng thơ: Này nàng, nàng đã uống hết bao nhiêu đêm để nở đầy tập thơ này. Nàng bảo: em không uống ngày, không uống đêm, em uống bóng tối và những cơn mơ... À, vâng. Tôi hiểu rồi, thảo nào vườn thời gian trải rộng trong tập thơ tôi không tìm đâu ra cái ranh giới của nó để dừng lại. Trên tay tôi lúc này, chẳng những hữu hình một cuốn sách dày dặn, mà sức nặng của nó là ẩn chứa những âm vọng vô hình đang rung lắc, đang ngược về, đang hướng đến.
“Gọi hoàng hôn” (Nxb Hội Nhà văn, 9/2024) khiến tôi ngẫm về ba âm tiết ấy… Tôi đọc mục lục một cách chậm rãi, rồi lật mở một trang bất kỳ: Tôi khóc tôi của nghìn năm trước/ Bằng màu nước mắt mẹ những chiều tan chợ muộn/ Mẹ bán trầu để mua cau/ Mẹ bán chỉ để mua kim/ Mẹ đổ tiếng cười vào những im lìm/ Mẹ ngồi họp giữa phiên chợ vắng... Như một thước phim chậm & buồn, thiếu hụt quá, tôi phải nhìn ra ngoài xa để không thấy trang thơ đang nhòe sương Thu. Trầu cần cau, kim cần chỉ, cớ sao phải thế, cớ sao phải đổ tiếng cười vào câm lặng giữa một phiên chợ vắng? Những câu thơ trên vô tình bắt tôi ngoái về một ngày xa lắc. Ngày đó, khi còn sống ở làng, tôi được theo mẹ đi chợ một đôi lần. Làng tôi bên này sông, chợ bên kia sông, mỗi lần đi chợ mẹ tôi phải thức dậy từ 4h sáng, triêng gióng, thúng mủng, vén phéo rồi tất bật gánh đi. Đến bến đò cũng là khi mặt trời rạng chút sáng, đủ nhìn thấy mặt nhau. Bên này, mẹ tôi và những cô dì chú bác thay nhau gọi “đò ơi”. Mỗi lần gọi là tất cả lại đồng loạt nhìn vóng qua bên kia. Cảm giác chờ đợi xuất hiện một bóng người nhảy lên đò, nhổ sào chèo đi, khi ấy thật là diệu kỳ...giống như mình sắp được qua sông. Cảm giác chờ đợi một cái gì đó chẳng hề chắc chắn sau tiếng gọi luôn tạo sự chơi vơi. Như thế có phải là buồn, là tuyệt vọng, là chới với?
Gọi đò, gọi một thực thể, gọi một chuyến sang sông thường ngày như bữa chợ mà mang lại cảm giác ấy… thì “Gọi hoàng hôn”, gọi một khái niệm vô hình, sau tiếng gọi ấy là gì... sau tiếng gọi có tiếng vọng nào không?
Hay là: con dế tự ru mình bằng câu hát?
Người thơ, người làm thơ như một tháp đồng hồ bốn mặt, ngấu nghiến từng giây giữa đất trời. Nuốt từng giây mà trồi nụ. Mặt nào của chiếc đồng hồ cũng một giờ ấy, nhưng với ánh sáng, bóng tối, mưa, nắng... và những bóng người, bóng mình ngang qua, khiến như trước mỗi mặt đồng hồ là một thời gian khác. Nếu sâu, rộng và cao là ba chiều của không gian, thì thời gian là chiều thứ tư. Chiều không gian thứ tư đã được đưa ra bởi Charles Howard Hinton [nhà toán học, nhà văn người Anh 1853-1907] với những lý lẽ sâu sắc về không gian 4 chiều. Qua đó, thế giới có thể giải thích được rõ ràng hơn về không gian 4 chiều từ mô hình của một khối lập phương... Hinton đã đưa ra “giáo cụ trực quan” đơn giản nhất để có thể hiểu được khái niệm này bằng cách vẽ hai khối hình nằm cách nhau ở khoảng “không nhìn thấy”, rồi ông vẽ cho nó đường giữa ở các đỉnh tương đương tạo ra 8 đường kết nối từ các đỉnh thuộc 2 khối hình này. Đây chính là đại diện cho một hướng duy nhất ở trong chiều không gian thứ 4 không thể nhìn thấy... Ừ, thì thế, nhưng tôi chẳng thấy khối lập phương, đường chéo nào cả trong cái không gian thơ của nàng. Thơ thì chẳng thể đo bằng gang tay mà phải đo bằng độ trải, nàng bảo thế.
Hồ Minh Thông đang canh tác phần lớn ở chiều không gian ấy, vườn chữ đa sắc, đa hương [và cả đa đoan nữa - chữ mách với tôi và tôi cũng đoán thế...]. Và, “Gọi Hoàng hôn” như là cái vẫy tay mời mọc chúng ta dạo chơi một mình trong không gian sâu rộng... đủ để lạc. Ngay cả chủ vườn cũng phải: từ đó tôi mê mải tìm tôi/ Cánh đồng cỏ úa sắc phai phôi/ Nhiều tháng năm sau tôi tìm thấy/ Một nhánh cỏ gầy giữa sông trôi…
Ai đó cho rằng thơ là tiếng nói từ lòng mình, nói cho mình [chủ thể]. Nhưng nếu thừa nhận vậy, chỉ vậy thì đó là cách tự đóng khung ý nghĩ. Ngoài những bài thơ như lời tự sự, như “chuyện đêm muộn” thì phần nhiều trong tập thơ “Gọi hoàng hôn”, Hồ Minh Thông đã kể những câu chuyện của muôn vật: cỏ hoa mây nước cá chim ong bướm bằng chính ngôn ngữ của khách thể. Chị biến khách thể, hoán đổi vị trí khách thể cho chủ thể để sống cuộc đời của nó, rồi kể lại câu chuyện của nó... Em xắn quần vớt lên từ bùn ngấu/ Chú cá lia thia buồn/ Lỡ uống giọt tình từ những hạt mưa ngâu.
Họ bảo văn là người, theo tôi thì thơ người hơn. Bởi thơ như mưng mủ âm thầm, như nụ mầm ấp ủ dọc tháng năm, chúng chực lúc “tốt giời” là vụt hiện, chính sự vụt hiện trong vô thức chẳng “hướng dẫn, phụ đạo” gì thì căn tính bẩm sinh nó mới thực là nó. Chẳng hiểu sao tôi thường nghĩ Nhà thơ chính là những người thường cứ lặng thầm “sống thay” cho nhiều người vô tình mà bắt gặp. Họ cô độc thân xác, nhưng lòng lại luôn xôn xao... xôn xao bởi những thinh lặng đang va đập trong lòng họ. Họ đứng ra xa, họ lật trở, họ nhìn sự sống bằng thứ ánh sáng của riêng họ. Nào, hãy ngắm hoàng hôn trên cánh đồng cùng với Hồ Minh Thông, để xem ta thấy gì ? Xa kia là con sông Cụt: “... Ngày mẹ sinh tôi/ Cha hối hả chạy băng qua sông Cụt/ Mẹ vỡ ối đầm đìa/ Sông vẫn cạn khô... Ngày tôi sinh/ Cây cầu đã gãy/ Mẹ vô thức chạy ra sông giặt áo/ Soi bóng mình dưới sình lầy khô cạn/ Không thấy mây ngàn… vò nát ánh trăng...” Nếu đoạn thơ đầu bài viết tôi trích là một thước phim chậm, thì đoạn thơ bạn vừa đọc là một thước phim hối hả... chỉ đọc thôi cũng đủ quặn thắt… Nhà thơ nhiều khi ngại giao thiệp với người lạ, người ngoài là phải, bởi trong họ luôn rộn ràng ký ức họ phải lắng nghe, chiều lòng ký ức.
Một nghĩa nào đó, sống như là kiếm tìm rồi xâu chuỗi những mất mát. Chúng ta đang ăn mòn chính đời sống của mình, hay chúng ta vo viên số phận. Cả hai cách ăn mòn hay vo viên đời mình tôi đều không thích, và bạn hẳn cũng thế. Nhưng, một mùi thơm, một cái đẹp nếu cứ mãi thế thì chẳng còn ai nhận ra, bởi thói quen thường phủ che những sáng tạo. Mỗi ngày qua là một mất mát, mất để còn... Cảm thức về thời gian, cái chiều thứ tư của không gian sống, không gian thơ Hồ Minh Thông gần như là một sợi chỉ vô hình khâu vá lại các mảnh rời... nàng sợ đánh rơi, nàng sợ không gặp lại. Có lẽ vì thế mà sự hoán đổi khách thể, chủ thể luôn được chú trọng trong cách lập ngôn, cấu trúc thơ của nàng. Ví như: Ngày cạn, đêm cũng thế/ Đổ mình đầy vào đâu. Câu thơ lột tả sự cô độc, tự cảm thấy mình như cái gì đó lẹm ra ngoài sự tươi vui của cuộc đời. Họ bảo thi nhân là thư ký của cuộc đời, tuy nhiên thi nhân luôn thấy mình đứng ngoài nhiều cuộc vui... Nếu chỉ làm một người ghi chép để kể, tả lại...thì thơ đâu tồn tại đến bây giờ. Họ nào muốn lạc lõng, họ gặm nhấm hoài chẳng hết cô đơn, chỉ vì trong họ còn một vài con người khác thôi thúc họ, dắt díu họ. Ừ, thì cứ thế, để xem. Cùng lắm thì: Rót buồn vào đáy cốc/ Uống bao giờ cho say/ Rót tràn tận chân mây/ Cỏ vẫn xanh khờ dại. Chính từ cái “cỏ xanh khờ dại” này mà bao nhiêu thơm tho, xinh đẹp của nhiều đóa hồn nhiên cứ thi thoảng bất ngờ vụt nở. Chẳng ai, chẳng gì thật lòng, khiêm nhường như cỏ?! Hay là cứ: Đêm ngã vào tôi/ Tôi ngã vào mưa/ Giấc mơ trượt chân về hai phía/ Tôi không biết khi mình bừng tỉnh/ Có giọt nắng nào/ Đã thức dậy hay chưa? Nắng dậy rồi nàng ạ, nhưng vì, đợi đám mây hôm qua chưa chịu bay đi... Rất lâu rồi/ Một vầng mây ủ rũ/ Ngơ ngác đậu bên ngoài cửa sổ/ Chờ đợi hoài không thấy người qua. Và, vì sợ nắng cây hồng chẳng nở hoa, thế nên cần lưu cửu cho căn phòng nhớ một mùi hương cũ.
Thường trực lật trở đời mình, có phải thế là cách nhấm nháp những tinh túy của cuộc sống, bởi mỗi khắc trôi qua là mỗi khắc ta sẽ già đi... mất dần cho đến khi chỉ còn nuối tiếc. Viết đến đây, chợt nhớ ca từ trong một bài hát của Vũ Thành An “Ngày mai rồi mình cũng già/ Nhưng đời người không thể hết/ Hồn ta một đốm tinh hoa/ Về viễn phương bay xa bay xa”.Tôi rất thích bài hát này, và có lẽ Vũ Thành An có thêm ít nhất một đồng điệu này nữa: “Đom đóm vắt kiệt đêm/ Bằng chút ánh sáng cuối cùng/ Rồi tự đốt cháy mình/ Trong chuyến lang thang không đầu không cuối”. Vâng, chúng ta có là gì, là ngôi sao bừng bừng trên cõi tạm... nhưng trong vô hạn của thời gian, không gian... Còn lại trong mắt đời sau một chút sáng khi phải đốt hết mình như con đom đóm kia cũng đã là tồn tại.
Đọc “Gọi Hoàng hôn” là thấy và nghe những thanh âm khác, là ngắm bóng của những trống không, là vọng âm của lời sắp nói. Với tôi, thơ phải như vậy. Là thấy hoa ngay từ khi mới ươm mầm, là thẳm sâu đáy hồn người đọc trồi sinh ra đôi nụ ưu tư... để rồi gật gù, đồng cảm cùng cái đằng sau, cái bên dưới chữ/nghĩa của thi sĩ... tôi gọi đấy là đồng sáng tác, là cùng sáng tạo, và trên hết là cùng sống.
Hoàng hôn là cái thời khắc khép lại một ngày, khép lại những dang dở, khép lại chẳng phải kết thúc mà khép lại để le lói một không gian khác... ở đó chẳng có gì ngoài những mất mát, thiếu vắng đang lơ mơ hiện về. Vì thế mà nàng gọi chăng? Hồ Minh Thông tự cấp visa cho mình chu du khắp cả thế giới mông lung, cho mình đến vùng chưa ai đến được... để được cô độc. Trong cái thế giới lớn hơn, xa hơn tầm mắt ấy, nữ sĩ mặc sức trò chuyện với bất kỳ thức/thứ gì bằng muôn vàn ngôn ngữ. Chỉ nói chẳng cần nghe và rất nhiều khi chỉ lặng nghe mà không phải nói điều gì. Ngôn ngữ là gì nếu nó không phải là phương tiện để truyền/chuyển tâm trạng, cảm xúc từ người đến người, từ người đến vật và ngược lại, từ cỏ cây gió bụi đến rung rinh chao động đất trời. Giữa những tương sinh, tương hợp tưởng như câm lặng, thờ ơ... đôi khi là cả một khuấy đảo, va đập, va đập đến vỡ ra, vỡ ra để sáng lòa trong một đời sống khác!
Và, đúng thế. Người thơ, trong vô thức họ sống với nhiều “bắt gặp’ khác. Một cọng cỏ, một bông hoa dại ven đường. Một con sóng cuối đường bơi vụn vỡ, một con cá lia thia vẫy vùng trên bùn quánh... người thơ, người làm thơ và người đang đọc tập thơ này... thấy mình trong đó.
Hà Nội, Thu 2024.
H.M.T