19-10-2019 - 19:52

Hình ảnh người mẹ trong thơ: Ân tình và cảm động...

        Tôi có lần thử làm một phép thống kê so sánh ngẫu nhiên khi đọc  tuyển tập thơ hay viết về Mẹ. Thấy đa phần các nhà thơ nữ rất chú ý đến các chi tiết cụ thể đời thường khá xúc động. Bởi họ cũng đã làm mẹ và người mẹ của họ có khi là một người bạn lớn tuổi nữa. Họ có thể giãi bày chia sẻ nỗi buồn vui với mẹ mình với một sự tin cậy tuyệt đối. Họ hay nhớ cụ thể hơn là khái quát. Còn các tác giả nam viết về mẹ thường có khoảng cách chiêm ngưỡng để tôn kính. Mẹ chính là chỗ dựa tinh thần như nhà thơ Henrich Hainơ (Đức) đã viết: “Không tìm thấy tình yêu con trở về với mẹ - Tâm trí chán chê thân thể rã rời - Con bỗng thấy một tình yêu rất thật - Trong đôi mắt mẹ hiền của mẹ, Mẹ ơi!”.  Lúc buồn nhất, mềm yếu nhất, thất vọng nhất là lúc cần đến mẹ nhất. Mẹ như là một nguồn năng lượng để truyền nhiệt năng cho con trên bước đường lập nghiệp cũng như dòng sữa mẹ nuôi con từ thơ bé - dòng sữa ngọt lành và tinh khiết chắt chiu, chắt lọc từ Mẹ. Nhà thơ Nguyễn Duy trong “Ngồi buồn nhớ mẹ ta xưa” đưa ta về một khung cảnh trong hồi ức hoài niệm của không gian thuần việt nông thôn: “Mẹ ta không có yếm đào - Nón mê thay nón quai thao đội đầu - Rối ren tay bí tay bầu - Váy nhuộm bùn áo nhuộm nâu bốn mùa”. Tôi mới hiểu vì sao ông thi sỹ thảo dân này có một thời là cố vấn cho một nghệ sỹ múa đương đại người Pháp về các vùng quê Thái Bình để chọn những diễn viên múa cho vở kịch múa “Hạn hán và cơn mưa” là những người nông dân đích thực. Họ từ ruộng đồng chân chất lên sân khấu mang theo cả hồn cốt hương vị đất đai rồi gánh gồng ra cả nước ngoài biểu diễn. Nếu Nguyễn Duy là đứa con đã trưởng thành thì thần đồng Trần Đăng Khoa lúc còn tuổi nhỏ đã viết “Mẹ ốm” với những phát hiện nhận xét thật  hồn nhiên dưới con mắt trẻ thơ: “Cả đời đi gió đi sương - Bây giờ mẹ lại lần giường tập đi”.  Và thật xúc động biết bao khi: “Rồi con diễn kịch giữa nhà - Một mình con đóng cả ba vai chèo” chỉ thiết tha mong được mẹ vui chóng lành.

          Lê Đình Cánh là người rất có duyên với thể thơ lục bát “Mẹ ra Hà Nội” là bài thơ hay viết rất thần thái của Lê Đình Cánh. Chỉ mấy câu thơ thật tự nhiên mà ông đã dựng được chân dung tính cách, nếp sống của người mẹ nông thôn hồn hậu biết bao: “Sang đường tay níu áo con - Ngã tư hối hả xe bon ngược chiều”. Và “Lên thang chẳng dám bước dài - Vào khu tập thể gặp ai cũng chào”. Đọc xong ta thấy bùi ngùi vừa thương vừa kính trọng mẹ. Một đời gắn bó với làng quê trong vây bọc lũy tre xanh, trong vòng tay rộng mở của xóm giềng lần đầu ra thành thị vẫn mang nguyên vẹn cốt cách chân quê và cao hơn cả chân quê đó là đầm đậm vị quê, hương quê, tình quê như miếng trầu cay của mẹ. Nếu tìm tứ thơ hay viết về Mẹ thì tôi chọn bài “Mẹ và quả” của nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm. Người đã từng hào sảng ngân vọng với “Đất nước” trong trường ca “Mặt đường khát vọng” thì khi viết về Mẹ ông lại nhỏ nhẹ và cô đọng với những triết lý sâu sắc mà ám ảnh, day dứt khôn nguôi khi nối mạch liên tưởng giữa Mẹ với quả. Một sự sinh thành cô đúc mà cứ ngân ngấn vào ta những vòng sóng thổn thức bời bời: “Lũ chúng tôi từ mẹ lớn lên - Còn những bí những bầu thì lớn xuống - Chúng mang dáng giọt mồ hôi mặn - Rỏ xuống lòng thầm lặng mẹ tôi”. Đọc những dòng này tôi càng thấm thía cái vị mặn đắng đót để chắt chiu vị ngọt cho quả cho đời. Thơ ông lay thức một cách điềm tĩnh mà vẫn nồng ấm đôn hậu. Nếu mở rộng hơn thơ hay về sự khái quát mà lại rất cụ thể, ta lại nhớ đến văn hào MaximGooxcki khi ông viết “Những người mẹ hiền từ - Cả thế giới nương nhờ - Dưới hai bầu vú sữa - Trời không xanh có hoa nào nở - Dạ vắng yêu thương dạ những sầu - Đời thiếu mẹ hiền người phụ nữ - Anh hùng thi sỹ hỏi còn đâu” Một bà mẹ Việt Nam và một bà mẹ nhân loại đều là những tượng đài nhân ái  được tạc bằng ngôn ngữ vượt qua rào cản của ngoại ngữ đó là: Mẹ vĩnh cửu của cội nguồn của yêu thương của sự  vĩ đại lớn lao trong một dịu dàng thân thiết, thân thiện gần gũi thường ngày. Thường ngày như nữ thi sỹ Nguyễn Thị Mai “Qua hàng trầu nhớ mẹ”. Cái hàng trầu bé nhỏ có thể những người con trai dễ bỏ qua nhưng với con gái thì không. Họ có những trực cảm, linh giác rất riêng của mình hay liên hệ với mình: “Thơm cay một miếng trầu xưa - Mà con phải bớt tiền mua vì nghèo - Bây giờ đã bớt gieo leo - Lại không còn mẹ mà chiều. Khổ không!”. “Khổ không” nhà thơ tự dằn vặt với mình như muốn trào dâng nước mắt nghẹn lòng. Cùng một thiết tha tự vấn lay thức ân tình như thế nhà thơ Chu Thị Thơm lại “Đi dọc lời ru” chính là tìm về ngọn nguồn  nuôi dưỡng đứa con không chỉ về thể chất mà cả  tâm hồn - một tâm hồn được chăm bẵm thanh lọc tinh khiết từ lời ru dân ca được chắt lọc, đúc kết có ngọt ngào có đắng cay, có thân phận có nỗi chìm để nâng đỡ để giao hòa để vượt lên: “Câu ca từ thuở ngày xưa - Hắt hiu những nẻo nắng mưa cuộc đời - Chông chênh hạnh phúc xa vời - Lắt lay số phận những lời đắng cay”.

        Có một mảng thơ viết về sự mất mát khi mẹ không còn nhưng lời thơ không bi lụi mà nghe như lời khấn thầm cầu nguyện. Nhà thơ Phạm Quốc Ca chọn thể thơ năm chữ như láy đi láy lại cái nhịp thắm thiết ân tình biết bao trong bài thơ “Bên mộ mẹ”: “Làm sao tin có thể - Mẹ đã hóa mây trời - Mẹ đã thành nấm đất - Mẹ đã thành xa xôi”. Ông bàng hoàng nghẹn thắt cứ gọi lên điệp khúc tiếng “ mẹ” như đang đắp thêm vào mộ mẹ những nấm cỏ xanh đan cài dệt vào nhau một tấm áo nghĩa tình. Với Đồng Đức Bốn “Trở về với mẹ ta thôi” cũng là trở lại chính mình, tự hoàn thiện mình. Cái mất đi để  ươm mầm cái sống hồi sinh sự sống với sự phục thiện: “Mẹ không còn nữa để gầy - Gió không còn nữa để say tóc buồn”. Chính sự “Không còn”     lay thức cái còn, vun đắp cái còn và hiện hữu cả trong cái còn để ông thi sỹ   bỗng hối hận thú nhận: “Trở về với mẹ ta thôi - Lỡ mai chết lại mồ côi dưới mồ”. Nhà thơ Võ Văn Trực lại đi “Tìm mộ mẹ” bị thất lạc trong những năm đói kém của một thời đã xa khi ông đã ở tuổi bảy mươi cái  tuổi “Xưa nay hiếm”. Ông tìm cả mộ mẹ trong mơ: “Canh cánh mãi bên lòng đau xé ruột - Giữa chiêm bao giấc ngủ nặng như chì - Mơ thấy mộ tay ôm  vồng cỏ mọc - Mở mắt ra chăn gối ướt đầm đìa”. Mẹ đã hóa thân vào đất đai quê hương, nhìn ở đâu cũng thấy dáng mẹ: “Đất nơi đâu cũng thấy mẹ đang chờ - Hài cốt mẹ suốt mười năm lưu lạc”. Đây là những tứ thơ rất riêng viết về người mẹ của mình nhưng là nỗi lòng canh cánh rất chung trong niềm thổn thức của  những đứa con.  

          Trong các bài thơ viết về mẹ có một thi phẩm khá lạ của nhà thơ Xuân Quỳnh viết về mẹ chồng. Xưa nay dân gian có câu “Mẹ chồng nàng dâu” để nói về mối quan hệ này với một vài mặc cảm trong ứng xử cuộc sống. Thế nhưng thi sỹ Xuân Quỳnh đã vượt lên những mặc định như là một định kiến ấy để viết về mẹ chồng với những tri ân thắm thiết, chân thành tin cậy: “Mẹ tuy không  đẻ không nuôi - Mà em ơn mẹ suốt đời chưa xong” Bởi chị đã nhận ra hình hài của người chồng thân yêu chính là một phần hình hài máu thịt của mẹ chồng: “Bây giờ tóc mẹ trắng phau - Để cho mái tóc trên đầu anh đen”. Bởi chị nhận ra: “Mẹ không  ghét bỏ em đâu - Yêu anh em đã là dâu trong nhà”. Ở đây Xuân Quỳnh hai lần làm mẹ. Chị làm mẹ những đứa con của mình, và chị lại một lần nữa ước vọng mong chăm sóc chồng mình như người mẹ đã sinh ra anh. Phải có một trái tim phụ nữ, trái tim người mẹ chị  mới nhận ra và tự hào rằng: “Chắt chiu từ những ngày xưa - Mẹ sinh anh để bây giờ cho em”.

           Nhà thơ Hữu Thỉnh đã từng viết: “Mẹ tôi nón lá bước lên - Mạ non đầu hạ trăng liềm cuối thu” (Trông ra bờ ruộng). Có lẽ đây là một trong những chân dung đẹp nhất của mẹ trong khung cảnh thiên nhiên như thế. Và mẹ đã bước lên trên những dặm đường đời với một niềm tin: “Con dù lớn vẫn là con của mẹ - Đi suốt đời lòng mẹ vẫn theo con” (Chế Lan Viên)…

Nguyễn Ngọc Phú

. . . . .
Loading the player...