30-05-2019 - 06:18

Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nhà thơ Huy Cận (31/5/1919 - 31/5/2019)

Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nhà thơ Huy Cận, người con của quê hương Hà Tĩnh, nhà thơ lớn trong nền thơ ca hiện đại Việt Nam, Tạp chí Hồng Lĩnh xin giới thiệu lại một số bài thơ của ông viết trước và sau Cách mạng tháng Tám, và bài viết của nhà văn Đức Ban, TS. Đặng Lưu.

Nhà thơ Huy Cận

         Nhà thơ Huy Cận sinh ngày 31/5/1919, quê ở làng Ân Phú, huyện Hương Sơn, nay là xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, Hà Tĩnh. Ông sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo dưới chân núi Mồng Gà bên dòng sông Ngàn Sâu. Huy Cận lúc nhỏ học ở quê, sau vào Huế học trung học, đậu tú tài Pháp, rồi ra Hà Nội học trường Cao đẳng Canh nông. 
         Từ năm 1942, Huy Cận tham gia phong trào sinh viên yêu nước và Mặt trận Việt Minh. Tháng 8 năm 1945, ông đã tham dự Quốc dân Đại hội ở Tân Trào và được bầu vào Ủy ban Giải phóng. Từ sau Cách mạng tháng Tám, ông đã giữ nhiều trọng trách khác nhau: Ủy viên Ban thanh tra đặc biệt của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Canh nông trong Chính phủ Lâm thời, Thứ trưởng Bộ Nội vụ, Thứ trưởng Bộ kinh tế, Tổng thư ký Hội đồng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ văn hóa, rồi Bộ trưởng đặc trách Văn hóa Thông tin trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng... Năm 1984, ông là Chủ tịch Ủy ban Trung ương Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Ông là Đại biểu Quốc hội các khóa I, II, và VII. Tháng 6 năm 2001, ông được bầu là Viện sĩ Viện Hàn lâm Thơ thế giới. Huy Cận đã được Nhà nước phong tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - Nghệ thuật (đợt I, năm 1996). Ông mất ngày 19 tháng 2 năm 2005 tại Hà Nội.
         Huy Cận có thơ đăng báo từ năm 1936, khi tuổi đời còn khá trẻ. Năm 1940, Ông cho in tập thơ đầu tay “Lửa thiêng” và trở thành một trong những tên tuổi xuất sắc của Phong trào Thơ Mới… Sau Cách mạng tháng Tám thành công, cũng như nhiều nhà thơ của phong trào Thơ Mới, ông đã hòa nhập một cách mau lẹ với số phận của đất nước và nhân dân, liên tiếp cho ra đời các tập thơ thể hiện niềm vui và niềm tự hào trước cuộc sống mới, đất trời mới, một số tập thơ tiêu biểu như: “Trời mỗi ngày lại sáng” (1958), “Đất nở hoa” (1960), “Bài thơ cuộc đời” (1963), “Những năm sáu mươi” (1968),“Chiến trường gần đến chiến trường xa” (1973), “Hạt lại gieo” (1984)… Thơ Huy Cận dù mang nỗi buồn da diết, ảo não,“Một chiếc linh hồn nhỏ. Mang mang thiên cổ sầu” trong Thơ Mới, hay tươi sáng lạc quan, đầy niềm vui trong chặng đường sáng tác sau Cách mạng Tháng 8, thì vẫn luôn mạng đậm phong vị quê hương đất nước, bản sắc dân tộc. Hồn thơ Huy Cận được tiếp nguồn từ mạch chảy của thơ ca truyền thống, mang vẻ đẹp cổ điển, hàm súc, dung dị, mộc mạc, dễ đi vào lòng người. Vẻ đẹp, tình yêu thiên nhiên, quê hương đất nước là dòng mạch xuyên suốt trong thơ Huy Cận.
         Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nhà thơ Huy Cận, người con của quê hương Hà Tĩnh, nhà thơ lớn trong nền thơ ca hiện đại Việt Nam, Tạp chí Hồng Lĩnh xin giới thiệu lại một số bài thơ của ông viết trước và sau Cách mạng tháng Tám, và bài viết của nhà văn Đức Ban, TS. Đặng Lưu. 

 

Buồn đêm mưa


Đêm mưa làm nhớ không gian,
Lòng run thêm lạnh nỗi hàn bao la... 

Tai nương nước giọt mái nhà
Nghe trời nằng nặng, nghe ta buồn buồn. 

Nghe đi rời rạc trong hồn
Những chân xa vắng dặm mòn lẻ loi... 

Rơi rơi... dìu dịu rơi rơi...
Trăm muôn giọt nhẹ nối lời vu vơ... 

Tương tư hướng lạc, phương mờ...
Trở nghiêng gối mộng hững hờ nằm nghe. 

Gió về, lòng rộng không che,
Hơi may hiu hắt bốn bề tâm tư...
                                                     (Lửa thiêng)
 

Mưa xuân trên biển


Mưa xuân trên biển, thuyền yên chỗ
Tôm cá chắc đầy phiên chợ mai
Sắm tết thuyền về dăm khóm đỗ;
Đảo xa thâm thẩm vệt mưa dài.

Thuyền đậu thuyền đi hạ kín mui,
Lưa thưa mưa biển ấm chân trời.
Chiếc tàu chở đá về bến Cảng
Khói lẩn màu mây tưởng đảo khơi.

Em bé thuyền ai ra giỡn nước,
Mưa xuân tươi tốt cả cây buồm.
Biển bằng không có dòng xuôi ngược,
Cơm giữa ngày mưa gạo trắng thơm.
                                                            Hồng Gai, 2-1959
 

Nhà thơ Huy Cận về tham dự Ngày thơ Việt Nam tổ chức ở Nghi Xuân năm 1992 - Ảnh: Thái Văn Sinh

 

 

PHONG VỊ QUÊ HƯƠNG TRONG THƠ HUY CẬN
(Tham luận của Đức Ban, Chi hội trưởng Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Hà Tĩnh tại Hội thảo khoa học Kỷ niệm 100 năm ngày sinh Nhà thơ Huy Cận)
 

 

         1. Trong đội ngũ các nhà thơ đương đại kiệt xuất Việt Nam từng giữ nhiều trọng trách quan trọng trong bộ máy của Đảng và Nhà nước, sau Tố Hữu phải kể đến Huy Cận. Ông là Bộ trưởng Bộ Canh nông, một trong những vị Bộ trưởng đầu tiên của Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà sau năm 1945. Trong cao trào Cách mạng tháng Tám năm ấy, ông đã cùng ông Trần Huy Liệu và ông  Nguyễn Lương Bằng vào Huế  để chấp nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại. Những năm 1945 - 1946, ông là Ủy viên Ban thanh tra đặc biệt của Chính phủ. Sau này ông làm Thứ trưởng Bộ Văn hóa, rồi Bộ trưởng đặc trách Văn hóa Thông tin trực thuộc Hội đồng Bộ trưởng, phụ trách các công tác văn hóa và văn nghệ. Từ 1984, ông là Chủ tịch Ủy ban Toàn quốc Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam. Ngoài ra, ông còn là Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa I, II và VII. Chủ tịch Đại hội Nhà văn Á- Phi, đồng chủ tịch Đại hội Văn hoá toàn Thế giới; Uỷ viên Hội đồng chấp hành UNESCO; Phó chủ tịch tổ chức hợp tác  văn hoá - kỷ thuật của Cộng đồng nói tiếng Pháp (ACCP) và là thành viên Viện Hàn lâm Thơ Thế giới.

         2. Huy Cận là nhà thơ lớn vĩnh cửu của thi đàn, một nhà văn hoá uyên thâm trên mọi phương diện, mọi lĩnh vực thuộc phạm trù văn hoá, triết học, văn học nghệ thuật, trong cái vẻ ngoài giản dị, mộc mạc, bình dân, tuềnh toàng, thô tháp. Ông mặc áo vải bông, thường là thứ bạc màu, sờn gấu, đi giày vẹt gót cáu đen bụi đất. 86 năm trên đời, làm nhiều việc ở Huế, Hà Nội, đi nhiều nơi trong nước và ngoài nước, giỏi tiếng Pháp, thông thạo Hán - Nôm, thường xuyên giao tiếp với nhiều ngôn ngữ, ông vẫn nói tiếng quê Ân Phú, vẫn giọng điệu dân Xứ Nghệ. Hàm Bộ trưởng, xếp của trăm người, vẫn  giấu trong túi áo, trong cặp tài liệu giả da nhúm lá diếp cá, vài củ khoai lang vỏ đỏ, những đặc sản quê hương ông hằng thích. Còn nhiều nét đặc trưng trong tính cách của nhà thơ lớn Huy Cận và còn bao điều về nỗi buồn siêu hình, mênh mông như vũ trụ trước cuộc đời, kiếp người nhỏ bé, cô đơn trong các tác phẩm Lửa Thiêng, Kinh cầu tự, Vũ trụ ca…, về những tiếng ca của cuộc sống gần, xa thấm đẫm niềm tin yêu con người trong Những năm sáu mươi, Trời mỗi ngày lại sáng, Đất nở hoa, Chiến trường gần, chiến trường xa, Lời tâm nguyện cùng hai thế kỷ, Cha ông ngàn thuở…

Ở bài viết này chỉ xin được nhận biết cái phong vị quê hương trong một số tác phẩm thơ của ông.

         3. Huy Cận  sinh 31/5/1919 ở xóm Bòng, xã Trại Đầu, tổng Đồng Công, nay là xã Ân Phú, huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh trong một gia đình nhà nho gốc nông dân. Ân Phú tựa lưng vào núi Mồng Gà, ngoảnh mặt ra sông Ngàn Sâu. Làng quê nghèo này có từ thời Trạng nguyên Sử Hy Nhan, Sử Đức Huy chiêu dân, lập ấp 600 năm trước. Sông Ngàn Sâu bắt nguồn từ vùng núi  Cù Lân thuộc dãy Trường Sơn, rong ruỗi 131 km, rồi hoà nhập với Ngàn Phố, sông La làm nên ngã ba Tam Soa với Thi Đàn Thạch nổi tiếng một thời. Trên mảnh đất này, nhìn phía nào cũng gặp màu xanh của cây, của nước, cũng nghe tiếng vọng mơ hồ của gió rừng Trường Sơn. Cảnh sắc thiên nhiên thơ mộng, xa vắng, đìu hiu, các làn điệu dân ca cổ truyền, phong tục tập quán cư dân miền sơn cước chốn “giang sơn tụ khí” ngấm vào Huy Cận từ thuở nhỏ và sống trong tâm hồn ông, neo theo văn chương ông..

         Những buồn thương sầu não sâu đậm cái sắc thái hiu hắt, u hoài, vời vợi của sông nước Tam Soa: “Sóng gợn tràng giang buồn điệp điệp/ Con thuyền xuôi mái nước song song/ Thuyền về, nước lại, sầu trăm ngả/ Củi một cành khô lạc mấy dòng”;  những mênh mông, tê tái của vũ trụ: “Nắng xuống, trời lên sâu chót vót/ Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”… cùng hương thơm đặc trưng mùa màng quê kiểng: “đất thơm hương mùa mới dậy”, cái sắc màu chiều thu: “Giếng trong lẻo, trời xanh in thăm thẳm”; cái mùi gần gũi, quen thuộc của mọi gia đình nông dân: “Chuồng bò bốc ấm mùi phân ủ/ Mùi cỏ còn hăng xen cọng rơm/ Nắng rọi phên thưa chiều rạo rực/ Ngoài vườn luống cải hoa vàng đơm”(…)Mùi đất mùi phân nhuyễn với nhau/ Mùi bùn vừa nạo dưới ao sâu/ Chua chua ráp ráp mùi ngâm mạ/ Nghe nứt mầm xanh mỗi tế bào”. Huy Cận đã mở cả tâm hồn vận dụng mọi giác quan để  cảm nhận một cách tinh tế hình dáng, sắc màu, hương vị và cả những chuyển động vô hình của quê hương.  Đến  Nhớ mẹ năm lụt” thì phong vị quê là tâm trạng, là tình cảm chân thành: “Năm ấy lụt to tận mái nhà/ Mẹ con lên chạn - Bố đi xa/ Bốn bề nước réo nghe ghê lạnh / Tay mẹ trùm con, tựa mẹ gà / (…) Năm ấy vườn cau long mấy gốc/ Rầy đi một dạo trái cau còi / Trên đầu tóc mẹ thêm chùm bạc/ Lụt xuống, còn vương mảnh nước soi”. Huy Cận bảo: “Cảm quan về vũ trụ và cảm quan về sự sống và cuộc sống nhuyễn quyện vào làm một. Thơ là cái này, là cái nọ, nhưng chắc chắn thơ cũng là ánh chớp, là sự sáng bừng cửa cảm quan toàn diện ấy.” 

         4. Sau Cách mạng tháng Tám thành công, Huy Cận đã hòa nhập một cách mau lẹ với số phận của đất nước và nhân dân, vui với niềm vui của công dân một đất nước mới giành được độc lập, người dân thực sự được làm chủ vận mệnh của mình. Huy Cận mở rộng tâm hồn đón những đổi thay của cuộc sống mới, với niềm tin, hy vọng mới: “Buổi trưa ấm lại bốn bề tiếp tục/ Con gà mái lại đâu đây cục tác/ Báo với đời thêm một quả trứng to”.

         Đây là giai đoạn Huy Cận viết nhiều, viết về những điều mắt thấy tai nghe, chủ yếu là hô hào, ngợi ca cuộc sống mới, con người mới, theo dòng chảy “văn nghệ phải đạo” (Từ dùng của Hoàng Ngọc Hiến). Ông không còn “gọi dậy hồn buồn của Đông Á, khơi dậy cái mạch sầu mấy nghìn năm vẫn ngấm ngầm trong cõi đất này” (Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh - Hoài Chân). Những suy tư trước biến đổi cuộc sống, những tiếc nuối, những buồn thương đến đắm đuối trước cõi nhân sinh ngổn ngang, những trăn trở, dằn vặt trước thân phận con người cũng vắng bóng trong thơ ông. 

         Dẫu vậy, sự sống và cuộc sống quê hương vẫn bám riết trong tâm thức Huy Cận, nét quê vẫn sinh động, vẫn là bản sắc đặc trưng trong thơ Huy Cận. Vùng quê Chợ Bộng miền Tây Đức Thọ: “Lá mía xanh nhung quạt vào mái rạ/ Tiếng lao xao như ai ngả nón chào/ Hoa mướp cuối mùa vàng rực như sao/ Giếng trong lẻo, trời xanh in thăm thẳm”. Tiếng gà gáy quen thuộc nơi bờ tre, cồn rơm rạ: “Được mùa giống mới gà no bữa/ Tiếng gáy tròn như lúa nặng bông.”

         Với Huy Cận tiếng gà gáy giữa làng quê, của làng quê là một ám ảnh, một   phong vị: “Tiếng gà gáy sáng, nghe nghìn vạn lần vẫn không thấy chán, vẫn dào lòng tin. Tiếng gà gáy gợi cảm về cuộc đời, rất cuộc đời mà cũng rất vũ trụ. Tiếng gà gáy: âm thanh của một sự yên tâm lớn. Tiếng gà gáy không dài hơn, không vút cao. Nhưng tiếng chắc và tròn, vòm tròn của tiếng gáy phải chăng gợi lên vòm tròn của vũ trụ? Tiếng gà gáy bình tĩnh, tuần tự, độ lượng  giữa đồng quê bên ruộng lúa, bờ tre.” (Bàn về thơ; Hội Nhà văn.vn)

         Không chỉ tiếng gà, với cảm hứng không gian rộng mở mà trở thành hình tượng nghệ thuật, đến phong vị quả cà, nước chè xanh, củ khoai, quả cam… trong  đời sống thường nhật cũng lặn vào suy tư, thấm đẫm trong thao thức của Huy Cận làm nên nét đặc trưng cho thơ ông: “Ai ơi cà xứ Nghệ/ Càng mặn lại càng giòn / Nước chè xanh xứ Nghệ / Càng chát lại càng ngon/ Khoai lang vàng xứ Nghệ/  Càng nhai kỹ càng bùi/ Cam Xã Đoài xứ Nghệ/ Càng chín lại càng tươi…”. Và cái lò rèn của bác thợ rèn ở làng quê  trong tâm thức ông: “Bể lò rèn làng tôi thuở nhỏ/ Tôi nhìn hoài, không chán, không về/ Sắt đập sắt, nguội rồi, lại đỏ/ Cái lò cừ thôn xóm sớm khuya/ Bác thợ rèn - Ông thần phép lạ/ Ngực để trần hồng nâu ánh lửa/ Bác cho tôi đốm lửa ban sơ/ Tôi luyện rèn năm tháng thành thơ.”

         5. Phong vị quê hương là nguồn mạch góp phần làm nên điệu tâm hồn Huy Cận, nuôi dưỡng và nhuần thắm cho thơ ông. Thời trẻ tuổi chơi vơi trong vũ trụ bao la, hay lúc trung niên lắm nỗi riêng mình và quanh mình, khi về già, thâm trầm trong suy tưởng về cuộc đời, về con người về  nhân tình, thế thái trong cõi nhân gian ngổn ngang và sinh động thì Huy Cận vẫn làm được những việc lớn mà ông tự gánh lấy hay đời đã giao cho ông, bởi ông:

“Sinh ra giữa miền sơn cước

  Có núi làm xương cốt tháng ngày

  Đất bãi tươi làm da thịt mát

 Sóng sông như những cánh buồm bay”

         Giờ đây ông đang ở nơi đâu trong vũ trụ bao la và huyền bí này? Tôi tự hỏi và ngay đấy tôi thấy ông đang đi trên con đường làng đầy lá rụng, trước những ngôi nhà lợp tranh tro không cửa rả, hồn hậu hương vị của trời đất, hoa lá,… nơi ông đã từng đi, từng ngắm nhìn, từng lắng nghe, từng khắc khoải nhớ thương. Tôi chợt nghe tiếng ông vọng tới: 

“Rồi một ngày kia giã cõi này

Xin cho gieo hết hạt trong tay”./.

                                                                                                     Đức Ban

 

 

NÉT RIÊNG LỤC BÁT HUY CẬN

 

 

         Nói đến thành công của Huy Cận trong việc sử dụng thể thơ để sáng tác, không thể không nhắc đến lục bát. Trong di sản ông để lại, mặc dù số lượng lục bát không phải nhiều nhất, song dấu ấn tài năng Huy Cận qua những bài thơ sử dụng thể thơ này là điều đã được thừa nhận rộng rãi. Bên cạnh những “cây lục bát” tên tuổi như Nguyễn Bính, Tố Hữu, Bùi Giáng, và sau này là Nguyễn Duy, thì Huy Cận xứng đáng được dành một vị trí danh dự.

         Tuy có quá trình sáng tác trải dài trên 70 năm, thuộc hai giai đoạn trước và sau cách mạng, nhưng những bài lục bát để đời của Huy Cận chủ yếu là ở tập Lửa thiêng, ấn hành trước 1945. Đúng vậy, nếu lục tìm trong vài chục tập thơ của ông xuất bản sau 1945, khó có thể thấy bài lục bát nào sánh được với những Ngậm ngùi, Buồn đêm mưa, Đẹp xưa... được viết trong thời Thơ mới.

         Tập Lửa thiêng của Huy Cận có 50 bài thơ, số lượng và tỉ lệ các thể thơ được sử dụng không đồng đều. Cụ thể: thơ 4 tiếng chỉ 2 bài (4%); thơ 5 tiếng: 5 bài (10%); lục bát có 8 bài (16%); thơ 7 tiếng: 19 bài (38%), thơ 8 tiếng có 16 bài (32%). Xem thế đủ thấy, trong giai đoạn Thơ mới, Huy Cận ưu tiên cho thể thơ 7 tiếng và thơ 8 tiếng. Không chỉ về số lượng, giá trị nghệ thuật của những bài tiêu biểu thuộc hai thể thơ này như: Buồn, Áo trắng, Tràng giang… (thơ 7 tiếng), Trình bày, Đi giữa đường thơm, Mai sau… (thơ 8 tiếng) đã đưa Huy Cận vào hàng những cây bút xuất sắc nhất của thơ lãng mạn. Nhưng, góp phần vào việc củng cố vị trí ấy của Huy Cận, không thể không kể đến những sáng tạo ở thể lục bát. Có thể khẳng định: trên hành trình dằng dặc của lục bát Việt Nam, Huy Cận đã thực sự cắm được một dấu mốc ấn tượng.

         Vốn sinh thành cùng ca dao, lục bát được sử dụng rộng rãi trong truyện Nôm khuyết danh (Tống Trân - Cúc Hoa, Phạm Tải - Ngọc Hoa, Phan Trần, Hoàng Trừu…). Ở thể loại truyện Nôm, lục bát vẫn còn mang bộ mặt thuần phác, quê kiểng, mà hiện tượng từ ký sinh ở vị trí gieo vần khiến ngày nay đọc lại, ta thấy thật ngô nghê: Cha tôi trưởng giả nhà quê/ Giàu sang sớm đã sinh thì ba tôi (Tống Trân - Cúc Hoa); Nằm lăn em mới ngủ đi/ Vừa hết canh một sang thì canh năm (Phạm Tải - Ngọc Hoa)…Qua bàn tay của thiên tài Nguyễn Du, lục bát dường như được lột xác. Vẫn những quy cách vần điệu ấy, nhưng câu lục bát trong Truyện Kiều đã trở nên nhuần nhụy, tươi tắn, có khả năng đáp ứng mọi yêu cầu biểu đạt, diễn tả (tả cảnh, tả người, tả tình, dẫn chuyện, phẩm bình, triết lý). Dù vậy, lục bát của Nguyễn Du vẫn thiên về thuật sự. Việc hàm súc hóa lục bát trong một chỉnh thể thơ trữ tình tinh gọn vẫn còn ở là câu chuyện của tương lai. Những nhà thơ như Tú Xương, Tản Đà sẽ bước tiếp con đường của tiền nhân. Đi hát mất ô (Tú Xương), Thề non nước (Tản Đà), nhất là những bài thơ Đường được Tản Đà dịch bằng lục bát kiểu như Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu đã cho Huy Cận những kinh nghiệm quí báu. Đến Thơ mới 1932 - 1945, lục bát đã được không ít nhà thơ thử bút. Viết một đôi bài, có Thế Lữ, Lưu Trọng Lư, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử,… viết nhiều hơn có Hồ DZếnh. Tuy nhiên, nếu kể đến một “đối trọng” nặng ký của Huy Cận ở lục bát, thì người đó phải là Nguyễn Bính. Tuy nhiên, tạo nên một cấu trúc trữ tình hoàn chỉnh trong một hình thức thơ đúc nén mang tính cổ điển, ấy là nỗ lực của Huy Cận trong việc cá biệt hóa sáng tạo ở lục bát. Trong Thi nhân Việt Nam, Hoài Thanh xếp Huy Cận vào nhóm những tác giả chịu ảnh hưởng của thơ Pháp theo lối tượng trưng. Nhưng nhà phê bình đã tinh ý nhận ra rằng, Huy Cận cũng là một trong số những cây bút tuy chịu ảnh hưởng thơ Pháp, nhưng lại mang trong hồn cốt của mình chất Đường thi.

         Chất Đường thi cổ điển ấy thấm nhiễm sâu sắc và chi phối mạnh mẽ đặc điểm tư duy thơ Huy Cận. Sở đắc của ông về thể thơ 7 tiếng có lẽ xuất phát từ điều này. Mỗi khổ thơ trong Tràng giang, Xuân, Vạn lý tình… có thể xem như một bài thất ngôn tứ tuyệt. Viết lục bát, Huy Cận cũng triệt để khai thác những thế mạnh của Đường thi ở kết cấu chặt chẽ, ở tính đăng đối, cách dùng nhãn tự, tính cô đúc, ở thủ pháp dùng tĩnh tả động, dùng hữu hạn để nói cái vô cùng...

         Tám bài lục bát có mặt ở tập Lửa thiêng, không có bài nào dài. Dài nhất là bài Trông lên (16 câu), còn lại, có bốn bài 12 câu (Buồn đêm mưa, Thuyền đi, Ngậm ngùiXuân ý), ba bài 10 câu (Chiều xuân, Đẹp xưa, Thu rừng). Một sự gặp gỡ đáng lưu ý: phần lớn lục bát của Huy Cận có số câu hầu như tương đương với thơ 7 tiếng – một loại thơ gần với thơ Đường nhất. Trong khi đó, ở thơ 8 tiếng, độ dài lại khác hẳn. Không hiếm những bài khá dài như Đi giữa đường thơm (27 câu), Thân thể (35 câu). Nhạc sầu (37 câu), Trình bày (41 câu)… Độ dài ngắn ở đây không đơn thuần phản ánh mức dồi dào của cảm xúc hoặc sự phong phú của ý tứ cần biểu đạt, mà là ở vấn đề tư tưởng và cấu trúc. Một khi tư tưởng và cấu trúc được đặt ở bình diện thứ nhất, thì thể thơ sẽ là hệ quả của sự lựa chọn. Có một trường hợp đáng xem là minh chứng cho luận điểm này: bài Tràng giang. Trước đó, Huy Cận đã viết bài Chiều trên sông bằng thể lục bát, nhưng ông không vừa ý nên đã viết lại thành bài thơ 7 tiếng để có được một Tràng giang mĩ mãn như ta đã thấy.

         Để gia tăng chất Đường thi cổ điển cho lục bát, bên cạnh việc cô đọng hóa bài thơ, Huy Cận còn sử dụng những thủ pháp như “đúc chữ”, tiểu đối, kết hợp lạ kiểu bất ngờ cú pháp… Ông tước bỏ những rườm rà của định ngữ nghệ thuật để lời thơ trở nên thật tinh gọn, hàm súc. Thay vì dùng những cụm từ quen thuộc kiểu “cấu kiện đúc sẵn”, ông thích tạo nên những tổ hợp mới mẻ của riêng mình. “Nỗi hàn bao la”, “rời rạc trong hồn”, “chân xa vắng”, “dặm mòn lẻ loi”, “hướng lạc, phương mờ”, “bốn bề tâm tư”, “dòng mộng tuôn dòn”, “hương  vị đời ngon”, “chiều tê cúi đầu”, “mấy mùa thương đau”… là những sáng tạo ngôn từ như thế. Hầu như ở bài lục bát nào của Huy Cận, ta cũng dễ dàng bắt gặp lối “đúc chữ” ấy. Cũng vậy, câu thơ tiểu đối kiểu “Nghe trời nằng nặng/ nghe ta buồn buồn”, “Trời xa sắc biển/ lá thon mình thuyền”, “Trăm chèo của Nhạc/ muôn lời của Thơ”, “Đèo cao quán chật/ bến đò lau thưa”… khá phổ biến trong tập Lửa thiêng. Tiểu đối nhưng vẫn rất tự nhiên, không gò bó, câu thúc, khiến lời thơ vừa uyên súc cổ điển, vừa trang nhã hiện đại.

         Vang lên từ lục bát Huy Cận là giọng sầu thương rất đặc trưng. “Sầu” vốn là thứ “gia bảo” truyền đời của hồn thơ Huy Cận. Nó phổ vào mọi bài thơ, mọi thể thơ. Nhưng có lẽ lục bát với nhịp chẵn đều đặn, với lối bắt vần lưng ở vị trí bất biến đã tạo nên một hiệu ứng âm điệu rất đặc biệt. Bằng lục bát mà Nguyễn Du đã cất lên cái giọng cảm thương không lẫn với bất cứ ai. Cũng với lục bát, điệu hồn sầu thương của Huy Cận có cơ được cất lên thành giọng điệu nghệ thuật rất riêng, ngay cả ở bài thơ vắng bóng chữ “sầu”, chữ “buồn”, chữ “tái tê” – những chữ đã in “dấu vân tay” của ông.

         Lục bát là một thể thơ minh triết - nhà ngôn ngữ học Nguyễn Phan Cảnh đã nhận định như thế. Sự minh triết đó thể hiện ở trường nét dư, có nghĩa là, dù cho phát triển đến độ rực rỡ nhất, lục bát vẫn không hề bị vắt kiệt khả năng biểu hiện, ngược lại, nó luôn tạo độ dư, chừa khoảng trống cho sự sáng tạo. Huy Cận là một minh chứng về khả năng tái sử dụng một thể thơ đã quá quen thuộc trong văn học Việt Nam. Sau ông, một số cây bút cũng tìm được ít nhiều vinh quang ở thể lục bát. Dĩ nhiên, trước hết là vấn đề tài năng. Với Huy Cận, tài năng ấy nẩy nở trên một vốn văn hóa thâm hậu, ở đó, có ảnh hưởng của văn học phương Tây, có sự vấn vương với “hồn cũ thịnh Đường”, đồng thời có sự bắt rễ rất sâu vào truyền thống dân tộc.

                                                                                                            Đặng Lưu

 

. . . . .
Loading the player...