19-05-2017 - 09:35

Làng sen quê Bác: Quê chung

Hương sen được ví như vẻ đẹp thanh cao của con người Việt Nam. Và có một con người được cả dân tộc tôn vinh, gọi Người là Bác!. Có một vùng quê được gọi là quê chung cho mọi miền quê đất nước. Có những áng thơ hay đi vào lòng người như một áng ca dao muôn thủa: "Tháp mười đẹp nhất hoa sen/ Việt Nam đẹp nhất có tên Bác Hồ". Đó là làng sen quê Bác: quê chung!

Có một ngôi làng như bao làng quê nông thôn Việt Nam với những nét đẹp kiến trúc truyền thống bao đời. Nơi đó có lũy tre xanh. Cây tre như là một biểu tượng cho khí chất của người dân nơi này đó là tính ngay thẳng, dẻo dai, vừa có cái mềm mại, vít võng của ngọn; vừa có ken dày, ken chắc  thành một khối bền bỉ, bám chặt vào nhau, vào đất đai thổ nhưỡng huyết mạch của làng. Cứ thế mà thành lũy, thành bờ. Ở đó còn có những ao làng, giếng nước. Ao như một vành gương trong lặng lẽ thẳm sâu mà viền lại bao ký ức, nỗi niềm. Giếng khơi, giếng làng đánh thức vòm trời rút ruột mùa hạ mà trong mà mát, rút ruột mùa đông mà bốc hơi tỏa ấm cho người. Nơi đó có những con đường khi vòng khi thẳng, uốn lượn mà ít quanh co rối rắm. Đường như lòng dạ con người luôn mở ra những tươi tắn bời bời bao ngõ nhà, ngõ xóm. Cái cửa ngõ như một ô cửa số, như một con mắt làng có lim dim trưa hè, có nồng nã hơi xuân cuốn theo mùa lễ hội ra giêng.. .
         Có một ngôi làng như thế được gọi là làng Sen - làng Kim Liên (Sen vàng). Bởi ngay đầu làng có hồ sen và gần đó là cái giếng Cốc như một cái ao con. Cái loài hoa sen thật lạ: “Gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Đó là ta chưa nói đến cái đẹp mềm mại mà sang trọng của: “Lá xanh bông trắng lại chen nhị vàng”. Ba sắc màu hài hòa vào nhau, tôn vinh nhau và  đằm thắm trong nhau. Có cái màu trắng trong tinh khiết của thủy, của nước. Có cái màu xanh muôn thủa của mộc, của cây. Lại có cái màu vàng hoàng thổ của sự phú quý ấm no. Lá sen xòe ra như một lời chào mời nhuần nhị. Lá sen gói vào mình hương thơm của mùa cốm mới Hồ Tây. Rồi sáng sớm mai đọng lại vài giọt sương lóng lánh hút tinh chất của đất, của trời để tỏa hương cho hương trà đối ẩm. Búp sen như búp tay vừa dâng tặng, vừa tượng hình như là điệu múa cổ. Có cái trang trọng thiêng liêng lại gần gũi nhường nào khi từng cánh sen mở ra  một đài sen với tâm sen mà một thi sĩ đã từng thề thốt: “Tâm sen đắng mình đi ta vẫn đợi”. Hình ảnh đức Phật  tọa thiền trên đài sen mang một vẻ đẹp tâm linh hướng về cõi thiện, tỏa ra lung linh hào quang những vòng sóng luân hồi gợi mở, thức dậy trong ta lan tỏa sự bình yên an lạc. Hoa sen được ví như là quốc hoa của đất nước Việt Nam  đã từng là lô-gô trên những cánh bay của hãng Vietnam Airlines  đến với bạn bè quốc tế. Hương sen được ví như vẻ đẹp thanh cao của con người Việt Nam. Và có một con người được cả dân tộc tôn vinh là Cha già dân tộc gọi Người là Bác!. Có một vùng quê được gọi là quê chung cho mọi miền quê đất nước. Có những áng thơ hay đi vào lòng người như một áng ca dao muôn thủa:“Tháp mười đẹp nhất hoa sen - Việt Nam đẹp nhất có tên bác Hồ”. Đó là làng sen quê Bác: quê chung!

Bác Hồ về thăm Kim Liên, Nam Đàn (Nghệ An) năm 1957. Ảnh tư liệu
         Tôi đã về làng sen vào dịp tháng 5. Đây là dịp mùa sen nở rộ tưng bừng ướp cả hương đồng hương lúa. Một làn hương dịu nhẹ thật quyến rũ, mơ màng xua tan đi cái oi bức ngột ngạt của miền quê gió Lào khắc nghiệt. Hương sen như thấm vào trong ngực mà tâm tình mà thủ thỉ mà dẫn dắt ta men theo những bờ rào xanh được cắt xén tăm tắp. Đó là những rặng cây man hảo có những sợi tơ óng ảnh như bén tơ duyên. Có một sự ngẫu nhiên kỳ lạ như là sự sắp đặt hoàn hảo của thiên nhiên nơi đây: Đúng dịp tháng 5 này có một ngày mà ai cũng như nhớ là sinh nhật bác Hồ kính yêu ngày 19/5. Tôi đã  về thăm quê ngoại Bác Hồ - Làng Hoàng Trù cái nôi của văn hóa đồng quê xứ Nghệ còn gọi là làng Chùa. Ôi cái tên làng thật nôm na bình di, thật truyền thống cội nguồn. Sau cánh cửa tre rộng mở lối đi giữa hai bờ dậu dẫn chúng ta đến ngôi nhà thờ và hai ngôi nhà tranh thân thiện. Nơi đây cách đây 127 năm Bác Hồ đã cất tiếng khóc chào đời trong vòng tay thân mẫu của mình - Một người quen nghề dệt vài. Những ngón tay mềm mại đã từng chuốt những sợi tơ rút  từ những con tằm bụ bẫm ăn những nong lá dâu rào rào:“Tiếng mưa như tiếng tằm ăn”. Những ngón tay ấy đã tháng ngày dệt nên những tấm vải cũng là dệt nên những ước mong sao cho chồng mình chăm lo đèn sách đỗ đạt. Lấy chữ hiếu, chữ học làm đầu. Bàn tay của mẹ Hoàng Thị Loan mười  ngón mảnh mai như mười nhịp cầu đầu tiên nâng đỡ đứa con bước vào đời với cả tình thâm mẫu tử  “nơi ướt mẹ nằm” cho con khô ráo. Trong ngôi nhà đơn sơ quen thuộc như bao  ngôi nhà của vùng thôn quê này còn lưu giữ chiếc võng gai gắn bó với tuổi thơ của Bác Hồ. Cánh võng đã nâng bỗng những giấc mơ bởi những câu hát ru dân ca của mẹ, những câu chuyện cổ tích của bà ngoại đã bồi đắp tâm hồn ban đầu hướng tới những gía trị nhân văn cao cả sau này. Vẫn còn đó chiếc khung cửi đặt ở gian thứ ba. Chiếc khung đã lên nước thời gian mài bóng. Nhưng ta vẫn như còn nghe được cả tiếng thoi đưa dệt vải khi gà gáy sang canh. Chiếc khung cửi thân thiết đó đã được cách điệu trở thành cái mái che đúc bằng bê tông trên mộ của bà Hoàng Thị Loan ở núi  Động Tranh - một biểu tượng thanh cao bình dị lưu giữ  nét làng nghề, làng quê truyền thống. .
         Cũng trong ngôi nhà tranh ở Hoàng Trù gian ngoài cạnh cửa sổ có chiếc án thư với nghiên mực, hộp đựng bút lông, hai chiếc ghế vuông, chếch về phía bên trong là hai giá sách đựng sách thánh hiền. Các cụ già ở làng Kim Liên kể truyền lại cho các con cháu đời sau rằng cạnh ngôi nhà của cụ Hoàng Đường (ông ngoại Bác) là ngôi nhà của cụ Nguyễn Sinh Sắc và bà Hoàng Thị Loan nơi Bác Hồ sinh ra. Ngôi nhà nhỏ ba gian lợp tranh trên đất vườn ông bà ngoại. Hàng ngày cụ Hoàng Đường thường bên ngôi nhà của mình qua đây đàm đạo văn chương với ông Sắc. Tôi bỗng hình dung ra khi đưa thoi dệt vải, bà Loan cũng đã lắng  nghe được những tâm huyết của chồng mình say mê với việc đèn sách. Nhà văn Nguyễn Thế Quang - người đã từng viết thành công nhiều cuốn tiểu thuyết lịch sử dựng lên chân dung Đại thi hào Nguyễn Du (cuốn Nguyễn Du) và Nguyễn Công Trứ (cuốn “Thông reo Ngàn Hống”). Ông cũng là tác giả cuốn tiểu huyết “Khúc hát những dòng sông” tái hiện lại   không gian sống của Bác Hồ những ngày tuổi thơ. Và đặc biệt là dựng lên chân dung thật sinh động bà Hoàng Thị Loan, người mà cố thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng viết ngợi ca và nhà văn Nguyễn Thế Quang lấy làm lời đề tựa cuốn sách của mình: “Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với cụ người đã có công sinh thành và nuôi dưỡng chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã mang lại vinh quang cho đất nước Việt Nam, người mà mọi người Việt Nam từ thế hệ này đến thế hệ khác sẽ mãi mãi biết ơn”. Và tiến sĩ Nguyễ Thế Kỷ - Nguyên phó trưởng ban tuyên giáo trung ương cũng đã trân trọng giới thiệu: “Chân dung bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu của chủ tịch Hồ Chí Minh hiện lên rõ rét và sinh động với tính cần cù, quả cảm, tình yêu thương đằm thắm, đức hy sinh vô bờ và niềm mong mỏi cháy bỏng rèn luyện con nên người. Bà đã có ảnh hưởng lớn trong việc hình thành nhân cách đạo đức của cậu bé Nguyễn  Sinh Cung thời thơ ấu đặt nền móng  vững chắc cho sự phát triển của Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc, Hồ Chí Minh sau này. Bà là người hội tụ những phầm chất cao đẹp của con người Xứ Nghệ, của Người Mẹ Việt Nam”. Giờ đây đứng trong ngôi nhà nhỏ này tôi vẫn còn ngỡ như nghe văng vẳng lời dặn dò của ông ngoại Bác Hồ với cụ Nguyễn Sinh Sắc đã được nhà văn Nguyễn Thế Quang viết thật xúc đông: “Họ Hoàng nhà ta từ Khoái Châu được vua Lê cho vào đây khai hoang, lấp ấp đã hơn 300 năm. Binh nghiệp lẫy lừng mà văn chuong còn mỏng. Phụ thân ta cố lắm cũng chỉ đạt 3 khóa tú tài, ông ngoại cái Loan cũng chỉ 4 khóa tú tài. Còn ta đi thi cũng chỉ đến nhị trường. Ta là trưởng tộc, trời không cho ta có đứa con trai. Giờ anh là con ta. Ta mong anh bền học vững chí quyết dành cho ta cái đại khoa thay ta đáp ơn gia tộc là ta mãn nguyện’’ (Trích ‘‘Khúc hát những dòng sông’’). Và đúng như lời căn dặn tâm huyết của cụ Hoàng Đường, năm 1901 cụ Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Bác Hồ đã thi đỗ phó bảng đem lại vinh dụ cho cả làng. Nhân dân làng Sen đã dựng ngôi nhà mới 5 gian mộc mạc cách quê ngoại Hoàng Trù hai cây số để chào mừng cụ phó bảng vinh quy bái tổ. Đó chính là làng quê thơm ngát hương sen mà Bác Hồ đã sống thời niên thiếu (1901-1906). Trong ngôi nhà đơn sơ này, cụ Sắc đã dành hai gian rộng rãi để đặt bàn thờ bà Hoàng Thị Loan và để tiếp khách. Bàn thờ được làm bằng liếp tre nứa trên trải chiếu nhỏ để bát hương, cây nến và bài vị bằng gỗ giản dị. Gian thứ tư là nơi nghỉ của cụ Sắc, ở đây có bộ bàn ghế kê bên cửa sổ chính, bên cạnh có chiếc án thư nơi cụ dạy các con học chữ và đây cũng là nơi các buổi tối cụ thường mời bà con ngồi quây quần uống nước chè xanh. Hiện nay các kỷ vật trong ngôi nhà này còn được giữ lại hầu như nguyện vẹn. Hai bộ phản gỗ là nơi nghỉ của cụ phó bảng và hai con trai là Nguyễn Sinh Khiêm - anh của Bác và Nguyễn Sinh Cung (Bác Hồ). Chiếc giường xinh xinh là của bà Thanh (chị cả Bác Hồ). Chiếc rương đựng lương thực, chiếc tủ đứng hai ngăn đựng đồ dùng, chiếc mâm bằng gỗ sơn đen vẫn còn nguyên đó. Theo như lời hướng dẫn viên tôi hình dung ra những năm tháng ấy cụ phó bảng vất vả với cảnh ‘‘gà trống nuôi con’’ thì hình ảnh cô Thanh đã đảm nhiệm công việc nấu nướng chăm sóc gia đình. Dù là người tài sắc lại thông  thạo chữ Hán nhưng bà Thanh đã từ chối các đám dạm hỏi của trai làng để toàn tâm, toàn chí lo việc nhà thay mẹ đã mất. Sau này ra Hà Nội thăm Bác Hồ lúc đó đã là chủ tịch nước bà vẫn mang theo món quà quê hương đơn giản mà ngày nhỏ Bác thích  và  tranh thủ gặp Bác rồi về quê ngay để Bác dành thời gian lo việc nước. Có thể nói hai người phụ nữ trong gia đình Bác đã hội tụ bao nét đẹp truyền thống của người phụ nữ Việt nam vừa chung thủy đảm đang, vừa hy sinh quên mình như những bông hoa sen lặng lẽ tỏa hương dâng hiến cho đời. Tham quan khu du lịch làng Sen ta có thể cảm nhận đầy đủ hơn về một làng quê, hồn quê đặc trung thuần Việt. Ở làng Sen quê Bác ta được vào thăm những ngôi nhà hàng xóm thân thiết với gia đình Bác thời kỳ đó như: lò rèn cố Điền; nhà cụ cử Vương Thúc Qúy, nhà của một lương y bốc thuốc nam với  dao cầu, thuyền tán và vườn cây thuốc Nam. Hay một hộ nông dân với cuốc cày, chõng tre, nồi đất, cối say lúa, giã gạo… Rộng ra ở Nam Đàn còn có nhiều di tích danh  thắng lưu  giữ ký ức những danh nhân kiệt xuất như Đình Hoành Sơn bến Sa Nam mộ và đền thờ vua Mai Hắc Đế nhà lưu niêm Phan Bội Châu... Ta gặp lại ở đây cây đa làng mà hai lần Bác Hồ về thăm quê năm 1957 và năm 1961 đứng dưới bóng cây cổ thụ xanh tốt, bác đã căn dặn bà con làng Sen Kim Liên với giọng trầm ấm áp dù bao năm đi xa tiếp xúc với nhiều ngoại ngữ các nước khác nhau nhưng Bác vẫn giọng quê quen thuộc, vẫn những lời thân thiết gần gũi như một câu Kiều: ‘‘Quê hương nghĩa nặng tình cao - Qua bao năm ấy biết bao ân tình’’. Cũng như ngày 2/9/1945 ở quảng trường Ba Đình đang đọc Tuyên ngôn độc lập Bác dừng lại hỏi: ‘‘Tôi nói đồng bào nghe rõ không ?’’. Vâng thưa Bác, giọng miền trung của Bác ấm áp biết bao mang cả phong vị huyết mạch đất đai nắng gió, cả hồn thiêng núi sông địa linh nhân kiệt vẫn âm vang rành rọt từng lời. Khi trở về thăm quê Bác vẫn nhận ra người bạn thủa nhỏ đã từng câu cá với mình năm xưa ở hồ sen đầu làng. Bác chỉ vào vết sẹo ở vành tai mình mà nói: ‘‘Vết sẹo này là do ông giật câu đấy nhé’’. Rồi cả hai cùng cười thật giản dị như một lão nông. Về thăm quê dù đã cách xa mấy chục năm Bác vẫn lần theo lối quen ngày trước và Người ngồi lặng đi trên chiếc  chõng tre ngày xưa. Bây giờ đứng trong khung cảnh đơn sơ của ngôi nhà tranh của Bác ở làng Sen tôi mới hiểu vì sao ở lối đi vào ngôi nhà sàn ngoài thủ đô Bác lại cho trồng những rặng hoa dâm bụt. Những cánh hoa đỏ nhị vàng xòe ra trong nắng sớm dập dờn, mỏng manh như những cánh bướm. Thì đây, trong khu vườn cũ của Bác lối vào nhà cũng được xén gọn  đều tăm tắp những khóm hoa dâm bụt mộc mạc đơn sơ khoe sắc. Loài hoa mà cái tên thật thiện căn, bác ái đã gieo vào lòng Bác ngày tuổi thơ từ những cái vịn tay bước đi chập chững đầu tiên ở nơi này. Vườn nhà Bác được trồng các loại cây quen thuộc với đời sống ở nông dân đó là: Những hàng cau vút thẳng, những khóm chuối tán lá mướt xanh, mướt nắng, vít cong những cành ổi chín la đà, những vòng khoai lang sum suê củ… Tôi bỗng nhớ đến mấy câu thơ của nhà thơ Nguyễn Duy khi đến thăm nhà Bác ở làng Sen: ‘‘Ngõ nhà Bác đỏ hàng hoa dâm bụt - Không khác chi hàng dâm bụt trước nhà tôi - Vườn Bác xanh luống lạc, luống khoai - Giống mọi mảnh vườn trồng khoai, trồng lạc - Mái nhà lợp bằng mái mía trắng phau - Như mọi mái nhà lợp bằng lá mía…’’ ngôi nhà Bác nơi đây đã là ngôi nhà chung như mọi ngôi nhà. Dù bây giờ làng Sen đã nhiều đổi thay. Đường làng bằng đất đã được lát bằng  bê tông, nhiều ngôi nhà san sát mọc lên ngói đỏ. Nhưng vẫn còn đó những ao sen, đầm sen tỏa hương tháng 5 thơm ngát. Và nếp nhà tranh trong vườn của Bác đã  chuốt bao sương gió vẫn một màu mộc mạc đồng quê. Những liếp cửa bằng tre đã nhẵn bóng thời gian vẫn mở ra đón lộng gió. Và cây vườn vẫn xanh tốt tươi theo năm tháng đã sống dậy, thức dậy trong ta bao ký ức của một thời, của một vành nôi đã sinh ra một vĩ nhân. Tháng 5 về làng Sen quê Bác ta lại gặp ở đây giọng nói ríu rít của trăm miền quê, của bao lứa tuổi. Bởi làng Sen quê Bác là quê chung cho mọi người cho mọi miền quê tổ quốc.

 
                                                                                               Hà Huy Phú
. . . . .
Loading the player...