23-06-2019 - 07:40

Mai Hồng Niên, câu thơ nối nhịp đò đưa quê nhà

Tạp chí Hồng Lĩnh số 154 giới thiệu bài viết "Mai Hồng Niên, câu thơ nối nhịp đò đưa quê nhà" của Nhà thơ Tùng Bách.

Tôi biết Mai Hồng Niên từ những “Năm tám mươi gạo tám mươi” - Ngày ấy không riêng gì xứ Nghệ mà dân tình nhiều tỉnh thành trong cả nưóc mắt cũng vàng như nghệ vì thiếu ăn!

Thỉnh thoảng dở chứng ham vui nhảy tàu ra Hà Nội, tôi thường tá túc tại nhà ông cậu là nhà thơ Hồ Minh Hà. Cậu tôi bảo: Hà Tịnh có tay Mai Hồng Niên chơi được lắm. Mần thơ hay ra phết đặc biệt là lục bát. Hắn quê Can Lộc, tuổi Mùi, đẻ năm 1943 nhưng vào quán thịt dê, món nào cũng khoái! Nghe vậy, biết thế nhưng cũng phải đến năm 1987-1988 tôi mới có dịp tiếp xúc với thơ Mai Hồng Niên qua những bài thơ anh đăng trên báo và tạp chí như “Ghi ở cung đương La Khê - Con Về - Có mấy người như chị”… đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong tôi.

Mai Hồng Niên vốn là một nhà thơ làm báo. Ai cũng biết Thơ không chỉ là nghiệp mà còn nghiệp chướng! Còn báo là nghề. Nghề có thể bỏ (giải nghệ) nếu không thích, không nuôi nổi mình! Còn nghiệp mà lại nghiệp Thơ thì xem ra trời ơi đất hỡi lắm! Người đời gọi Thơ là nàng. Bản tính Nàng Thơ không chỉ đa đoan mà còn cực kỳ đỏng đảnh! Nàng chuyên thả bùa mê thuốc lú cho hầu khắp cõi thế gian này không chừa một ai! Nàng Thơ có thể làm cho kẻ vô danh tiểu tốt thành danh, nổi danh và cũng khiến cho không ít những bậc chức sắc quyền hành thành “dở hơi hâm hấp”!

May thay, Mai Hồng Niên không rơi vào “nghiệt cảnh” trên ! Anh cũng như tôi, thuộc giòng bạch đinh, suốt quãng đời trai trẻ luôn “no đòn - đói cơm”!

Cũng đành lấy Báo nuôi Thơ

Nuôi thân, thi thoáng nuôi mơ Thị Mầu!

Trên giá sách của tôi có hơn chục đầu sách của Mai Hồng Niên, có cuốn tái bản đến lần thứ tư. Mười năm xuất bản mười đầu sách quả là “bất thường”!

Thởi buổi nhà nhà làm thơ, người người in thơ như hiện nay đa phần tác giả chỉ dám in vài ba trăm cuốn, máu lắm cũng chỉ 500 cuốn là kịch bờ tiền. Thơ in ra chủ yếu chỉ để giao lưu với bạn bè, còn để bán lấy tiền thì…

Gặp nhau tay mắt mặt mừng

Tặng chi cũng được, xin đừng tặng thơ!

Ấy thế mà thơ Mai Hồng Niên in ra mấy ngàn cuốn cũng hết veo! Ai tin thì tin không tin thì…cũng chả sao!

Trong số các nhà thơ Xứ Nghệ thành danh ở xứ người hay những nhà thơ Xứ Nghệ bám trụ tại quê hương thì Mai Hồng Niên là nhà thơ có số lượng thơ viết về Xứ Nghệ nhiều nhất. Nhiều câu thơ, bài thơ làm nên thương hiệu Mai Hồng Niên cũng là những gì anh viết về tình đất tình người nơi đây: “Bao chàng trai Nghệ tha phương/ Yêu quê lại khó tìm đường về quê”!. Có những loài chim không chịu được rét vùng này phải di trú đến một vùng đất khác ấm áp hơn, chờ hết mùa đông giá lại sẽ quay về, còn con người thì sự ra đi đã khó và muốn quay về xem ra còn khó bội phần: Mấp mô đất đá con đường/Về quê bao nỗi tơ vương hỡi người/ Đã bớt đi cảnh lần hồi/ Hạt thóc nhuộm chín mồ hôi thợ cày/ Cái nghèo còn nặng bàn tay/ Niềm vui đứt nối vơi đầy - dở dang!. Mai Hồng Niên có cảm quan nhạy bén và tinh tế về những biến đổi, biến động của xã hội: Về Vinh đang buổi phân chia/ Chỉ ồn ào những quán bia dọc đường/ Có quê hương bỏ quê hương/ Mười lăm năm cảnh đoạn trường là đây!

Thật lòng mà nói, thơ Mai Hồng Niên không phải bài nào cũng hay và số bài hay trong các tập cũng không nhiều, nhưng thơ Mai Hồng Niên lại được đông đảo người đọc thích thú, đón nhận, trong số đó, không ít người mê thơ anh đến mức nghiện. Chỉ riêng Xứ Nghệ, hễ nơi nào có đàm đạo hoặc sinh hoạt thơ ca, người ta lại đưa Mai Hồng Niên ra để ví dụ. Rằng thơ, cứ phải như thơ Mai Hồng Niên mới đáng mặt thơ!
Tôi nhớ, vào dịp hè năm 1974, nhà thơ Xuân Diệu trong chuyến đi thực tế ở Vĩnh Linh ra, tranh thủ ghé thăm anh em văn nghệ Hà Tĩnh. Nói chuyện một lúc ông khoe: Vừa rồi ở Pháp có xuất bản tuyển tập thơ tình thế giới. Việt Nam ta có 5 nhà thơ được chọn gồm Tố Hữu, Xuân Diệu, Huy Cận, Chế Lan Viên và Tế Hanh. Dòng chữ in dưới tên 4 tác giả đều ghi rõ Việt Nam. Riêng Xuân Diệu không ghi nước nào! Các bạn biết vì sao không? Rồi ông tự trả lời: Là vì thơ Xuân Diệu đã thuộc về nhân loại rồi! Vậy thì tôi cũng xin phép nhà thơ nhân loại Xuân Diệu được mạo muội gọi Mai Hồng Niên là Nhà thơ của công chúng (đặc biệt là công chúng Xứ Nghệ).

Không vô cớ mà thơ Mai Hồng Niên được nhiều người mến mộ yêu quý đến thế. Là tín đồ của Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ, Mai Hồng Niên thừa biết chữ “Tai” luôn rập rình đâu đó cạnh chữ “Tài”!: “Cây sung già nằm ngang/ Tháp Bút nghiên quay ngược/ Viết lên trời những trang gió và mây!. Viết lên trời những thứ vu vơ vút vít mãi… rồi cũng chán. Cái đáng nói là người cầm viết có nhận ra điều ấy hay không? Người đọc yêu quý Mai Hồng Niên không phải những gì anh viết lên trời, những thứ gió thổi mây bay mà: “Viết lên trời xanh… Khát vọng của đất dày”

Hai nhà thơ, nhà báo với cán bộ, chiến sĩ biên phòng Cửa khẩu Cầu Treo năm 2016

Ngoài phần thơ viết trực diện những vấn đề thời sự nóng hổi của đất nước, Mai Hồng Niên còn có nhiều bài thơ “nhân thế tình tang” đầy tính nhân văn. Anh là người đi nhiều, biết rộng, hiểu sâu về những mảnh đời đen bạc của thập loại chúng sinh. Thơ anh luôn đứng về phía cần lao hay nói bóng bẩy hơn một chút là” về phía nước mắt. “Bài nào ý tứ cũng rõ ràng có vần có điệu, dễ nhớ dễ thuộc. Tôi chúa ghét thứ thơ tù mù, hũ nút, lảm nhảm dạy đời rồi bảo đấy là thơ hiện đại, hậu hiện đại, là tân hình thức…!. Thơ chỉ có hay hoặc dở, thế thôi!: …Ở quê có đứa lên bà/ Chúng em tuổi đã bốn ba chưa chồng/ Anh xem con gái giao thông/ Nắng mưa tối mặt, ăn không kịp ngồi/ (Ghi ở cung đường La Khê), Đất La Khê những tháng năm này/ Nghe chị kể chuyện mình chuyện bạn/ Đám mây chiều lang thang dừng mái lán/ Tôi thẫn thờ tiếng vượn hú rừng xa (Có mấy người như chị).

Xưa nay thi sỹ vốn đồng nghĩa với cái nghèo, không những thế mà còn bạc bẽo nữa! Còn anh? Thành thi sỹ để rong chơi/ Giàu nghèo là số ông trời đã cho. Mai Hồng Niên sống thực lòng, biết trọng chữ tín, hay thương người nên được nhiều người thương yêu! Gặp những hoàn cảnh éo le hoạn nạn anh không nỡ ngoảnh mặt làm ngơ mà luôn sẵn sàng ra tay “tế độ”, bằng những gì mình có thể, từ lời thăm hỏi, an ủi đến đồng bạc lẻ cuối cùng!: “Ở trong quê bão lụt mất mùa/Chị em nuôi nhau, mẹ chia tay bố/Họ biết mình không có tên trong thành phố/Cứ tạo dựng cảnh nghèo giữ thế ăn xin!/Tôi đi qua chiến tranh…hòa bình/ Chiếc xe đạp cà tàng bởi hám nghề thơ phú/Vẫn là người ăn xin với cuộc đời câu chữ/ Đồng cảnh chia nhau vui buồn! (Những người không có tên trong thành phố). Mai Hồng Niên là người chịu chơi và không thèm chơi chịu ai bao giờ. Yêu là yêu, ghét là ghét, không ỡm ờ trở mặt như một số đàn ông tôi từng gặp trong đời. 

Bước qua tuổi thất thập, con đò Thơ Mai Hồng Niên vẫn chưa nghĩ đến bến buông neo, «lão giả yên chi ». Con đò Thơ ấy vẫn dong buồm ngày đêm ra khơi vào lộng

Anh vừa lên lão em ơi

Cứ xênh xang với tiếng cười trời cho

Nhà thấp đường hẹp lối vô

Phố hàng Buồm mộng con đò tình tang…

Thi phú là thứ trời cho. Bây giờ, linh hồn ông đã đi mây về gió, nhưng tôi tin, dù ở chân trời góc bể nào thì Mai Hồng Niên cũng vẫn đau đáu một niềm yêu thương mãnh liệt hướng về Quê mình Xứ Nghệ!

                                                                                                        T.B

. . . . .
Loading the player...