25-08-2018 - 06:00

Mẹ chồng tôi

Tôi bước lên thềm, khẽ lách cánh cửa. Màu xanh ngọc của những viên gạch trải khắp cả căn nhà ba gian. Cảm giác thật mát mẻ, dễ chịu. Không một tiếng động. Bỗng “Meo!!!”. Giật mình, tôi nhìn sang. Trên chiếc sập đã cũ mà ngày thường mẹ chồng tôi đựng thóc, chú mèo đang mở to đôi mắt nhìn tôi. Đấy là chú mèo mướp – “dũng sĩ diệt chuột” của cả nhà mà mẹ chồng tôi rất quý.

          Ngoài vườn, những chùm cam đong đưa trong làn gió thổi nhè nhẹ, mấy chùm nhãn lắc lư. Những tia nắng xuyên qua các tán lá nhảy múa dưới nền đất, chiếc lá chuối khô lạo xạo dưới bước chân tôi…
 - Mẹ ơi, mẹ ?
          Không một câu đáp lại. Tít sau khu vườn, dáng mẹ chồng tôi đang lom khom nhổ cỏ cho mấy gốc cam. Chiếc nón lá lấp lánh dưới ánh nắng.
          Tôi là con dâu nhưng còn nhỏ tuổi hơn cả con gái út và cháu ngoại của mẹ. Mỗi lần hai mẹ con đi đâu người ta cứ chào hai bà cháu. Những lúc đó mẹ chỉ cười, nụ cười thật hiền:  “Nó là con dâu út của tôi đấy!”. 
        Nhớ ngày tôi mới về làm dâu mẹ, chân ướt chân ráo cái gì với tôi cũng mới, cũng lạ. Hiểu được cảm xúc của tôi nên mẹ nhanh chóng gần gũi, sẻ chia như một người bạn. Những gì tôi chưa hiểu mẹ hướng dẫn tôi từng ly từng tý một. Mẹ chồng - nàng dâu tuy hai thế hệ nhưng chúng tôi khá hợp nhau. Tôi còn nhớ những hôm mẹ đi trông cháu, tối đến hai mẹ con lại ri rích những câu chuyện có hôm tận đến hai, ba giờ sáng mới chịu đi ngủ. Trong những câu chuyện của mẹ có đàn gà mới nở, chuyện tem phiếu xếp hàng mua thực phẩm ngày xưa, rồi cả chuyện chuyện cày bừa gặt hái và những dự định trong tương lai của mẹ...

Mẹ chồng tôi ( Nguồn ảnh: Internet)

           Nhiều hôm nghe tiếng xe xình xịch ngoài ngõ, dáng mẹ lom khom từ trong nhà bước ra, nheo nheo mắt mãi mới nhận ra các con. Mấy chị em tôi vờ trêu “Không khéo ít lâu nữa mẹ không nhận ra tụi con mất!”. Chỉ là câu nói đùa bang quơ thôi mà sao lòng chẳng thể cười. Ước gì có thể níu lại thời gian để xóa đi những nếp nhăn, những vết đồi mồi, trả lại những tháng ngày tuổi xuân cho mẹ. 
            Mười hai đứa con, mười hai khúc ruột cũng là mười hai nỗi niềm của mẹ. Dẫu cho các con đã trưởng thành, đã yên bề gia thất, trong số các con của mẹ có mấy người đã lên chức ông, chức bà nhưng trong mắt mẹ các con vẫn bé bỏng như thuở còn thơ. Hằng đêm trong giấc ngủ chập chờn mẹ vẫn không thôi nghĩ về con cháu. Dẫu biết rằng toàn vẹn là rất khó nhưng trong hằng trăm nỗi lo thế nào mẹ cũng tìm ra được cái cớ để mà lo. Nỗi lo cứ thế kéo dài đi đến suốt cuộc đời của mẹ.
          Giờ đây mẹ chồng tôi đã ngoài tám mươi tuổi, ở vào cái tuổi “xưa nay hiếm” ấy thế mà không lúc nào mẹ ngơi tay. Lúc thì ra vườn rau nhổ cỏ, tưới nước, bắt sâu, lót ổ cho mấy mẹ gà...Mấy chị em tôi lúc nào về cũng có quà của mẹ, đứa thì nải chuối, mớ rau hay chục trứng gà...Lắm hôm chúng tôi chưa về kịp là mẹ lại gọi điện thoại ra : “Có mấy quả mướp và nải chuối chín thứ bảy này con có về lấy được không?” Thấy lòng chợt trào dâng một niềm hạnh phúc
         Suốt một đời mẹ tảo tần, hi sinh, lặng lẽ dõi theo cuộc đời của các con. Có miếng gì ngon mẹ cũng để dành chờ con, chờ cháu về. Mẹ bảo chỉ cần nhìn thấy các con mẹ hạnh phúc, ăn nên làm ra là mẹ vui lòng. Cái bếp ga mua đã mấy năm lắm lúc mẹ cũng không nỡ nấu, khi nào về tôi cũng thấy nó được đậy bằng tấm bìa các tông rất cẩn thận. Ngày ngày mẹ lại lúi húi bên cái bếp củi tạp nham khói bụi và bồ hóng, mắt cay xè. Mỗi lần về, tôi lại được uống một thứ nước rất đặc biệt mà tôi cứ đùa nước mẹ nấu rất ngon, rất ngọt bởi nó có thêm vị khói, một chút tro bụi và hơn hết vì có cả sự vất vả, tảo tần của mẹ. Mẹ thường nói, với mẹ “Dâu là kế thế, rể là con cưng”. Chính vì thế, dẫu là con dâu hay con rể mẹ đều thương như nhau.

Cánh cò cõng nắng cõng mưa / Mẹ tôi cõng cả bốn mùa gió sương

             Tháng bảy về, một mùa Vu Lan nữa lại tới là dịp nhắc nhở chúng ta thôi chật vật, quay quắt kiếm sống để hướng về cha mẹ, nhớ ơn sinh thành dưỡng dục. Mỗi cái tết đến lòng xót xa hơn khi lưng mẹ đã còng, mắt mờ, chân yếu. Nếu chúng ta chần chừ, liệu còn kịp không? Hãy bớt đi trong những đồng lương ít ỏi, những bữa tiệc tùng, bia rượu, những chiếc túi xách hàng hiệu, váy vóc thời trang thay bằng những món quà nhỏ bé mang tất cả tình yêu thương như một tấm bánh, là chiếc áo ấm mẹ mặc trong mùa đông giá lạnh, là đôi giày ủ ấm bàn chân mẹ...Nhiều lúc cái mẹ cần rất giản đơn là con cái sum vầy vào ngày nghỉ, ngày lễ, ngày tết, cả gia đình quây quần bên mâm cơm. Đừng để đến lúc chỉ còn là bát hương trên bàn thờ nghi ngút khói hay nấm mồ xanh cỏ chúng ta mới giật mình “không còn mẹ nữa” mới khát khao dù chỉ một lần được nhìn thấy bóng dáng mẹ, được nghe tiếng nói của mẹ thì đã muộn màng bởi tất cả đã trôi vào dĩ vãng.
        Đâu đây trong cuộc sống này chúng ta vẫn nghe những câu chuyện về mâu thuẫn mẹ chồng, nàng dâu. Tôi tự thấy mình thật may mắn khi được làm con dâu của mẹ. Đối với tôi mẹ gần gũi, thân thương biết nhường nào, ước gì mẹ mãi bên cạnh chúng tôi.


Nguyễn Thị Liên
 

. . . . .
Loading the player...