22-01-2021 - 00:31

MỘT CÁCH HIỂU MỚI VỀ HAI CÂU CÂU KẾT CỦA BÀI THƠ: THU ĐIẾU CỦA NGUYỄN KHUYẾN

Tác giả Trần Quốc Thường, quê quán Yên Hồ, Đức Thọ, Hà Tĩnh. Là một nhà giáo đã nghỉ hưu, ông có niềm đam mê tìm hiều, nghiên cứu văn hóa, văn học và lịch sử và đã có nhiều bài viết đăng trân các Báo, Tạp chí Trung ương và địa phương. Cuốn "Một góc nhìn" (NXB Hội nhà văn, 2020) thể hiện "góc nhìn" đầy tính tìm tòi và tâm huyết của ông về các lĩnh vực mà ông quan tâm. Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu 2 bài viết in trong cuốn sách "Một góc nhìn" của tác giả Trần Quốc Thường

MỘT CÁCH HIỂU MỚI VỀ HAI CÂU CÂU KẾT CỦA BÀI THƠ: THU ĐIẾU CỦA NGUYỄN KHUYẾN             

           

 

     Trong thể thơ Thất ngôn  bát cú Đường luật, tác giả muốn gửi gắm tâm sự của mình  chủ yếu là nằm trong hai câu kết.

         Trong Đường thi, yêu cầu: "Mạch kị lộ, ý kị nông; Ý tại ngôn ngoại" là thước đo chủ yếu giá trị của thi phẩm và tài năng của nhà thơ. Với chùm ba bài thơ về mùa thu nổi tiếng của Nguyễn Khuyến, có lẽ hai câu kết trong: “Thu điếu”, tâm sự của cụ được diễn tả một cách kín đáo và hay hơn cả:

Tựa gối ôm cần lâu chẳng được                                  

Cá đâu đớp động dưới chân bèo.

       Lời hai câu thơ giản dị nhưng ý thơ thật thâm thúy khiến hậu sinh vất vả để kiếm tìm, lí giải. Tìm không được, hiểu không thấu, đôi khi ta lại ngộ nhận. Quả vậy, thơ tuy có khi không thể giải thích được bằng cái ý thức sáng tỏ mà phải dùng cái cảm nhận của trực giác - nhưng không phải vì vậy mà bài thơ nào, câu thơ nào cũng dùng cảm nhận chủ quan mơ hồ để lí giải. Trong cách hiểu xưa nay của nhiều người, có nhiều bài viết, nhiều giáo viên giảng dạy bài thơ này, khi phân tích 2 câu kết họ đều chỉ nói qua, mang tính chung chung hoặc lí giải chưa thấu đáo, nên chưa có sức thuyết phục với người học.     

      Trong bài viết này tôi thử mạnh dạn đưa ra một cách lý giải mới, giải mã ý nghĩa hai câu kết nêu trên qua việc so sánh nó với một câu ca dao cổ,  với cuộc đời và với phong cách của cụ Tam nguyên.

      Trong ca dao cổ của nước ta có câu:

             Nước trong cá chẳng ăn mồi                                                         Anh đừng câu mà nhọc, bạn đừng ngồi mà khuya.

       Câu ca dao này tôi không phân tích ở góc độ tình yêu trai gái mà chỉ thuần tuý nói về việc đi câu. Một kinh nghiệm khi đi câu cá là: Nước trong (thì) cá chẳng ăn mồi, nên anh đi câu chỉ là một việc vô ích, không có kết quả.

      Câu ca dao trên, cũng như câu Tựa gối ôm cần lâu chẳng được của bài Thu điếu, với mặt “ nước trong veo”  là dấu hiệu báo trước vì sao cá chẳng ăn mồi, vì thế ôm cần lâu cũng chẳng được gì. Tất cả  đều có hàm ý “khuyên” người đi câu nên ra về, anh đừng câu mà nhọc, ở lại anh cũng chẳng được tích sự gì.

      Ngược lại, trong câu Cá đâu đớp động dưới chân bèo ta được nghe cái âm thanh của tiếng cá đớp mồi. Đây là âm thanh báo hiệu cho người đi câu là dưới ao có cá, cá đang đớp mồi, tức là cá đang đói, chủ ý muốn khuyên người đi câu nên ở lại.

         Nói tới cuộc đời của Nguyễn Khuyến, ta hãy tìm hiểu một tý về cái xuất thời - xử thế của cụ. Vấn đề này ở Nguyễn Khuyến không đặt ra một cách nôn nóng, ồn ào như ở Nguyễn Công Trứ, cũng không đến nỗi day dứt như ở Nguyễn Trãi. Nguyễn Khuyến không như Nguyễn Công Trứ ở vào lúc nhà Nguyễn mới lên, không tự tin như Nguyễn Công Trứ  ở một sự nghiệp lẫy lừng mà mình cầm chắc sẽ thực hiện được. Nguyễn Khuyến cũng không như Nguyễn Trãi không dứt áo ra về được vì đằng sau ông còn để lại một sự nghiệp to lớn, đang dở dang.         

          Vấn đề đặt ra cho Tam nguyên Yên Đỗ là nên hay về.

       Nguyễn Khuyến sống vào lúc nền nếp của triều đình nhà Nguyễn đã ổn định. Kẻ sĩ không có gì phải lựa chọn vì trước mắt họ đã vạch sẵn một con đường là học - thi đỗ - làm quan. Nguyễn Khuyến có mười hai năm làm quan thì có đến sáu năm làm ở Sử quán, một thứ nhàn quan. Không được giao trọng trách nên ông cũng không phải trực tiếp vật lộn với các vấn đề gay cấn của tình trạng giặc Tây, giặc khách, đê vỡ, mùa mất,... của thời Tự Đức. Thế rồi tình hình đang an chuyển thành nguy kịch. Thực dân Pháp chiếm Bắc bộ rồi chiếm kinh thành Huế. Tự Đức băng hà. Triều chính lộn xộn. Nguyễn Khuyến cảm thấy bất lực trước thời thế nên đã lấy cớ ốm đau, xin cáo quan về quê ẩn dật. Thời thế loạn, không hành được thì tàng. Lẽ xuất xử của thánh hiền cho phép ông noi gương  Đào Tiềm về vườn Bùi "trồng ba rặng cúc", ngắm "năm cây liễu".

        Trong cuộc đời mình, cụ Tam nguyên đã từng diễn ra vài ba lần chuyện ra rồi về, về rồi ra. Cụ đã từng có mười năm: Tựa gối ôm cần, cụ ra giúp đời như thế cũng có thể gọi là: lâu (Từ 1871 đến 1884, trong đó có ba năm về chịu tang) nhưng kết quả thu về: “Chẳng được bao nhiêu. Cụ đành bất lực trước cuộc đời.  Trước trách nhiệm tựu nghĩa, Nguyễn Khuyến không chọn vứt bút tòng quân mà chọn “dũng thoái” (cương quyết rút lui).  Với Nguyễn Khuyến ra về không hợp tác với giặc, không để danh lợi vướng víu vào thân cũng là việc nghĩa nhưng thật là khó đối với cụ:  

                    Nhược vi thảng thốt lâm nghi dị,
                    Đáo đắc thoan thuần biện diệc nan.

   Dịch nghĩa:
      Nếu như thảng thốt mà xông vào chỗ chết thì còn dễ,
     Nhưng dùng dằng mà quyết chết được thực là khó.

                                                       (Xuân dạ liên nga)  

        Năm 1884, Nguyễn Khuyến sau: “Mười năm gió bụi trở về nhà” (Hoàn gia tác) cụ trở về vườn Bùi ẩn dật mấy năm. Sau đó, vạn bất đắc dĩ cụ lại ra làm gia sư cho gia đình Hoàng Cao Khải. Cuối cùng, cụ lại trở về quê cũ nương thân, rồi trút hơi thở cuối cùng ở đó.

     Ta thật sự cảm thông và chia sẽ về cái tâm sự giằng xé, nỗi trở trăn, thái độ dùng dằng nên về hay nên của một kẻ sỹ sinh bất phùng thời như cụ.

      *Đọc thơ Nguyễn Khuyến, ta thấy nhà thơ vẫn thường hay mượn tiếng loài vật để gửi gắm tâm sự trắc ẩn, sâu kín của mình.

       Nghe tiếng muỗi, nhà thơ nghĩ tới loại người hãnh tiến,  xuất thân từ tầng lớp cặn bã của xã hội, nay ngang nhiên biến thành kẻ thượng lưu. Họ cũng tìm đến nhà thơ. Họ nhờ ông dạy học, xin ông cho chữ, nhờ ông viết văn bia ca tụng kẻ cộng tác với giặc.  Bọn họ quấy rối ông như tiếng đàn muỗi thường xuyên réo bên tai:
                             Ta say vừa buồn ngủ,
                             Muỗi quấy không cho nằm.
                             Giơ quạt xua lại đến
                             Bên tai réo ầm ầm...

                                        (Văn - Nguyễn Văn Tú dịch)

  Tiếng hạc, hình ảnh con hạc cũng thường được nhà thơ đưa vào thơ để qua đó gửi gắm tâm sự và nói lên thân phận đơn côi của chính mình:                                                             

                 Đầm đìa lệ sớm, cành tre rủ,
                Lạc lõng canh khuya, tiếng hạc qua.
                Ấm chỗ chẳng buồn tung áo dậy,
               Cửa ngoài vẫn mở, khách chừng thưa.

                                              (Xuân nhật - Nguyễn Văn Tú dịch)
                    Nước non man mác về đâu tá,
                    Bè bạn lơ thơ sót mấy người.
                    Đời loạn đi về như hạc độc,
                   Tuổi già hình bóng tựa mây côi.   

                                                 (Gửi bạn)                                                                        

Nghe tiếng ngỗng trời, nhà thơ cứ bâng khuâng, hoài cổ. Tiếng ngỗng kêu trên trời cao mà Nguyễn Khuyến xót xa thay cho cảnh lê dân chịu cảnh lầm than mất nước, li tán tha hương :

                 Mấy chùm trước dậu hoa năm ngoái                                                                        Một tiếng trên không, ngỗng nước nào.                                           

                                                     (Thu vịnh)

         Sự thúc dục của tiếng con chim chích choè cũng làm xao động tâm tư trắc ẩn của Nguyễn Khuyến, như hối thúc nhà thơ nên ra về hay nên ở lại:

Văng vẳng tai nghe tiếng chích choè                                                Lặng đi kẻo động khách làng quê                                                        (…) Lại còn giục giã về hay ở                                                  

Đôi gót phong trần vẫn khoẻ khoe.

                                                           (Về hay ở)

        Qua tiếng con chim cuốc chốn Đèo Ngang hoang sơ, Bà huyện Thanh Quan gửi gắm tấc lòng nhớ nước đến “ đau lòng ” của mình về một triều Lê xưa, nay đã đi vào dĩ vãng. Với Nguyễn Khuyến, nhà thơ cũng đã mượn tiếng khắc khoải  đến máu chảy, hồn tan của con chim cuốc  để nói hộ lòng mình về cái tâm trạng: “Tiếc xuân … nhớ nước:

                  Năm canh máu chảy đêm hè vắng

               Sáu khắc hồn tan, bóng nguyệt mờ

               Có phải tiếc xuân mà đứng gọi

                Hay là nhớ nước vẫn nằm                                        

                                 (Cuốc kêu cảm hứng)

        Rõ ràng qua các âm thanh của loài vật kể trên, ta dễ nhận ra tâm sự của nhà thơ hơn là tiếng cá đớp động dưới chân bèo trong bài thơ Thu điếu. Tiếng cá đớp mồi ở đây thật kín đáo, khó lí giải. Nó không chỉ là một tiếng thu dân giã, thân quen của làng quê, gợi cho ta một hoài niệm đẹp về đất nước, quê hương mà đằng sau âm thanh đó là cả một nỗi niềm sâu kín, khó tả của nhà thơ. Âm thanh này ít có giá trị miêu tả, mà chủ yếu là sự giải bày tâm sự sâu lắng của nhà nho Nguyễn Khuyến, đó là: Yêu nước, thương nhà nhưng bất lực trước thời cuộc. Tiếng cá đớp mồi phải chăng cũng là tiếng gọi của cuộc đời thúc dục cụ Tam nguyên Yên Đỗ ra giúp dân, giúp nước?

       Hai câu kết của bài thơ Thu điếu, qua hình ảnh người câu cá, qua âm thanh của tiếng cá đớp mồi, ta thấy được tâm sự sâu kín của nhà thơ Nguyễn Khuyến; thấy được sự bất lực của một vị quan triều Nguyễn trước cuộc đời ngang trái; thấy được tấm lòng yêu nước thương dân, cũng như nỗi niềm day dứt, giằng xé trước cái đạo xuất thời - xử thế của một kẻ sỹ./. 

 

 

 

BÀN VỀ 4 CHỮ: THIẾT KIẾN NGUỴ SỨ TRONG BÀI  HỊCH TƯỚNG SỸ CỦA TRẦN QUỐC TUẤN

 

 

        Như ta đã biết Hịch tướng sỹ là “áng thiên cổ hùng văn” lần đầu tiên được các chí sỹ yêu nước đầu thế kỉ XX dịch từ Đại Việt sử kí toàn thư của Ngô Sỹ Liên để nhằm mục đích tuyên truyền lòng yêu nước cho nhân dân.Tiêu đề Hịch tướng sỹ bắt đầu có từ đây vì trong Đại Việt sử kí chưa có tiêu đề. Sau này được các dịch giả như: Bùi Kỉ, Ngô Tất Tố... nhóm tác giả Bùi Văn Nguyên, Lê Thước, nhóm biên soạn Thơ văn Lí Trần chỉnh lí và dịch lại. Bản dịch văn bản này đưa vào giảng dạy ở bậc học phổ thông được trích từ Hợp tuyển thơ văn Lí-Trần của Nhà xuất bản Văn học -1976, tính đến nay đã trên 40 năm. Điều này nói lên tính tối ưu của bản dịch được đưa vào nhà trường phổ thông hiện nay.
      Vẫn biết: "Cái khó hiện thời là bản dịch hiện hành đã vào sâu trong tâm thức đại chúng, trong bảo tàng, di tích lịch sử, nhà lưu niệm... qua hàng thế kỷ, giờ muốn đổi thay dù chỉ một đôi chữ, cũng đâu phải chuyện dễ. Dầu sao thì đây là vấn đề khoa học văn bản nghiêm túc, đối với quốc thi, quốc chiếu, quốc hịch, đại cáo, vừa là kiệt tác văn chương vừa là văn kiện lịch sử trọng đại của quốc gia, nên thấy vấn đề về văn bản tất phải nêu ra trước công luận".[1]

     Với tinh thần ấy, tôi mạnh dạn nêu lên vài chổ cần được bàn bạc nghiêm túc, nếu đúng, cần được chỉnh lí trong đợt in sách giáo khoa sắp tới. Đó là trường hợp về bốn chữ: “Thiết kiến nguỵ sứ” trong câu: Thiết kiến ngụy sứ vãng lai, đạo đồ bàng ngọ.

                掉鴞烏之寸舌而陵辱朝廷
Về vấn đề này tôi xin được trao đổi mấy ý như sau:

1. Tình hình về cách dịch 4 chữ này hiện nay:

- Hầu hết các văn bản khi dịch 4 chữ này đều dịch là: Ngó thấy sứ giặc (Bùi Kỉ, nhóm biên soạn Thơ văn Lí Trần, một số tác giả khuyết danh).

- Giáo sư Bùi Xuân Nguyên và Giáo sư Lê Thước dịch là: Liếc thấy sứ giặc. (Tập bài giảng ĐHSP).

- Nhà văn Ngô Tất Tố có lần dịch là: Chính mắt ngó thấy sứ nguỵ.

- Diễn đàn Hàng hải Việt Nam (http://vinathuquan.net) và của Lê Quốc Quân đăng trên: blogspot.com có bản Khuyết danh ghi là: “Lén nhìn sứ nguỵ”.

2. Qua các cách dịch trên theo tôi phải dịch: “Thiết kiến nguỵ sứ “là “Lén nhìn sứ nguỵ”là đúng với nguyên tác hơn cả, đúng với tầm của một vị tướng lỗi lạc, văn võ song toàn như Trần Quốc Tuấn. Vì sao vậy? Tôi xin được lí giải như sau:
       Về 4 chữ “Thiết kiến nguỵ sứ “ta cần lưu ý:

* Hai chữ “Thiết kiến”:

- Trước hết là căn cứ vào hai bộ từ điển Hán Việt quen dùng hiện nay của các cụ: Đào Duy Anh[2], Thiều Chửu[3]. Chữ “Thiết” ở đây theo từ điển được hiểu là: ăn cắp, ăn trộm, kẻ cắp.

- Hai là với Hưng Đạo Đại vương bằng lối khích tướng, ông chủ ý muốn đánh vào lòng tự trọng của tướng sỹ dưới quyền. Đường đường là một tướng Đại Việt mà khi nhìn tên nguỵ sứ mà vẫn còn lấm lét, vụng trộm, thiếu đường hoàng thì khi đối diện với thiên binh vạn mã của kẻ thù thì làm như thế nào?.

       Giáo sư Bùi Văn Nguyên và Giáo sư Lê Thước dịch là “Liếc thấy sứ giặc”đã có sự xích lại gần nguyên tác hơn, thể hiện được 1 phần cái nhìn không dám nhìn thẳng của vị tướng nhà Trần qua từ “Liếc”. Ta không thể hiểu “Thiết kiến”là“Ngó thấy”được, mà phải dùng một trong các từ sau mới đúng: “Ngó trộm”, “Lén nhìn”, “Nhìn trộm”mới đúng.

* Hai chữ “Nguỵ sứ”: Chúng ta không thể hiểu hai chữ “Nguỵ sứ”là “sứ giặc”được. Bởi lẽ:

- Nếu chỉ là thuần tuý là sứ giặc thì nhất định Trần Quốc Tuấn không dùng “Nguỵ sứ”mà ông sẽ dùng một trong các từ sau thay thế: “Tặc sứ”, “Khấu sứ”hoặc “Lỗ sứ”.

      Vì sao vậy? Trước hết, theo quan điểm của nhân dân Trung Hoa thì trong lịch sử của dân tộc mình, họ không công nhận triều Nguyên là chính thống. Triều đình không được xem là chính thống thì thường gọi là “Nguỵ triều”. Sứ giả của “Nguỵ triều” thì tất nhiên phải gọi là “Nguỵ sứ”.

       Ở đây Trần Quốc Tuấn dùng từ “Nguỵ sứ” mà không dùng 3 từ “Tặc sứ”, “Khấu sứ” hoặc “Lỗ sứ” vì ông muốn thể hiện quan điểm của mình, của nhân dân Đại Việt là hoàn toàn thống nhất với quan niệm của nhân dân Trung Hoa. Giặc Nguyên là kẻ thù của nhân dân ta đồng thời cũng là kẻ thù của nhân dân Trung Hoa. Nó là kẻ thù chung của cả hai dân tộc. Vì thế khi Trần Quốc Tuấn dùng chữ “Nguỵ sứ” vừa khẳng định được tính chất chính nghĩa của cuộc kháng chiến của dân tộc ta, vừa cô lập nhà Nguyên, phân hoá hàng ngũ địch. (Trong đội quân Nguyên - Mông hầu hết là người Hán, nhiều người bất đắc dĩ mới làm tay sai cho Hốt Tất Liệt sang xâm lược nước ta, giá trị thức tỉnh ý thức dân tộc trong hàng ngũ binh lính giặc chính là ở chổ đó)

3. Trải qua trên 40 năm, các giáo viên, các em học sinh đều dạy và học 4 chữ “Thiết kiến nguỵ sứ”là: “Ngó thấy sứ giặc”, hiểu như thế là chưa sát với nguyên tác, chưa hiểu thông điệp sâu xa mà Hưng đạo vương gửi gắm. Chưa hiểu hết tài năng của ông, một tài năng quân sự, đã được Hội đồng Hoàng gia Anh bình chọn là 1 trong 10 vị tướng kiệt xuất cổ kim của thế giới.

      Tôi xin đề nghị các đồng chí giáo viên khi dạy đến phần này nên dừng lại vài phút phân tích cho học sinh hiểu sâu thêm giá trị của nguyên tác. Nếu tái bản lần sau tôi đề nghị sách giáo khoa dùng 1 trong các chữ sau đây: Lén nhìn sứ nguỵ, Liếc trộm nguỵ sứ, Trộm ngó sứ nguỵ. Cuối văn bản cần có chú thích nêu ngắn gọn, giải thích để học sinh hiểu khi đọc và soạn bài.
Tôi coi đây là một phần trong nội dung đổi mới sách giáo khoa mà ngành giáo dục đang quan tâm hiện nay. Là một cán bộ quản lí có tham gia giảng dạy, vấn đề trên tôi đã trăn trở từ lâu, nay xin mạo muội đưa lên để các bạn đồng nghiệp tham khảo. Đây là vấn đề khó, vốn Hán Nôm của mình lại có hạn, rất mong được các đồng nghiệp cảm thông chia sẻ.

 

Trần Quốc Thường

 

[1]GS Bùi Duy Tân –Đại học Quốc gia Hà Nội.

[2] Đào Duy Anh, Hán Việt Tự điển, NXB KHXH, 1976.

[3] Thiều Chửu, Hán Việt tự điển, NXB thành phố Hồ Chí Minh, 1998.

. . . . .
Loading the player...