11-10-2019 - 14:22

Một vùng địa linh nhân kiệt - Tạp chí Hồng Lĩnh

Tạp chí Hồng Lĩnh số 158 hân hạnh giới thiệu ghi chép "Một vùng địa linh nhân kiệt" của Nhà thơ Lê Quốc Hán.

 

        Nhân sự kiện lớn: Hai huyện Hương Sơn (cố hương) và huyện Nghi Xuân (quê hương của Nguyễn Du - Đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới) kỷ niệm 550 năm thành lập, gia đình chúng tôi làm một chuyến hành hương về quê với một niềm xúc cảm khó tả. Từ sáng sớm, cậu út đã lái chiếc antic đen bóng xuất phát từ Thành Vinh nhằm hướng Quốc lộ số 1 thẳng tiến. Con đường từ Vinh về Đức Thọ không đầy ba mươi cây số trải ra bao phong cảnh hữu tình: nào núi Phượng Hoàng, nào cầu Bến Thủy gợi nhớ những chiến tích anh hùng, nào Sông Lam núi Hồng gắn với bao sự tích huyền thoại. Người xưa kể rằng có 100 con phượng hoàng về đậu vùng đất này, tiếc thay núi Hồng chỉ 99 đỉnh bầy phượng hoàng phải bay về phương trời khác. Cảm khái làm sao. Phượng hoàng trên trời dẫu bay mất, phượng hoàng dưới đất không thời nào không xuất hiện, đỉnh cao là Đại thi hào dân tộc - Danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Du.

        Qua cầu Bến Thủy, sương mù còn đặc quánh như sữa. Nhìn xuống sông Lam, dòng nước chảy lững lờ ngỡ như những đám mây trắng xốp bềnh bồng trôi. Hồn những muốn xuôi về bến “Giang Đình cố độ” để nhập cùng hồn Tố Như xưa khi thi nhân lên sáu tuổi theo cha là Đại tư đồ Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm – Tể tướng triều Hậu Lê về quê trí sĩ trong một cuộc đón rước náo nhiệt tại đây. Để rồi một thời gian sau, khi về quê chạy loạn, chứng kiến cảnh: lối xưa xe ngựa hồn thu thảo/ ngõ cũ lâu đài bóng tịch dương (Bà huyện Thanh Quan). Để rồi sau những tháng năm: Trải qua một cuộc bể dâu/ những điều trông thấy mà đau đớn lòng đã rỏ máu thành mực viết nên thiên Truyện Kiều bất hủ xót thương bao kiếp người bất hạnh, mà phụ nữ là tầng lớp điển hình: Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung. Ôi! Vùng đất Nghi Xuân vỏn vẹn vài trăm cây số vuông mà đã sinh ra bao anh hùng hào kiệt: Danh nhân văn hóa Thế giới – Đại thi hào dân tộc Nguyễn Du; Uy Viễn Tướng công - Đại doanh điền sứ, nhà thơ Nguyễn Công Trứ; Nhà Địa lý kiệt xuất Tả Ao thời Hậu Lê; Nhà sử học Trần Trọng Kim, Nhà Khảo cổ học Giáo sư Hà Văn Tấn… cùng với những dòng họ nổi tiếng khoa bảng: Nguyễn Tiên Điền, Ngụy Khắc, Trần, Phan, Uông, Đậu….,với các làng giàu truyền thống văn hóa: Tiên Điền, Uy Viễn, Cương Gián, Cổ Đạm, Tả Ao, Phan Xá…. Đây cũng là vùng đất “địa linh nhân kiệt” bậc nhất Xứ Nghệ, có nhiều di sản phi văn hóa vật thể: Ca trù Cổ Đạm, Trò Kiều Tiên Điền và Xuân Liên, Sắc bùa Xuân Lam, Chầu văn Xuân Hồng, lễ hội cầu ngư Xuân Hội…Nửa hồn lại muốn theo Uy Viên Tướng công Nguyễn Công Trứ cùng trai thanh gái lịch hát mừng Nghi Xuân được Chính phủ công nhận huyện nông thôn mới.

        Vào Bấn, dọc đê La giang lên tận bến Tam Soa, chạnh lòng nhớ tới câu thơ của cố thi sĩ  Xuân Hoài: Con đường về bến Tam Soa/ như câu thơ đẹp trải ra đón mời/ xanh chi lắm cỏ đê ơi/ Để anh muốn chọn chỗ ngồi với em. Cách Bấn chưa đầy mười cây số là xã Bùi Xá, quê hương cố nhà văn Xuân Thiều – Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật (2016) và cố nghệ sĩ kịch gia Phan Lương Hảo  – Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật (2014). Gần bến Tam Soa gặp xã Tùng Ảnh với làng Đông Thái,  xưa nhiều người đỗ đại khoa. Bây giờ trên cổng vào làng chạy một hàng chữ to kiêu hãnh: Đông Thái - Làng khoa bảng. Đông Thái cũng là quê hương của cố văn sĩ Song An Hoàng Ngọc Phách, tác giả Tố Tâm - cuốn tiểu thuyết được đánh giá mở đầu cho tiểu thuyết hiện đại Việt Nam. Vùng đất này từng sản sinh ra những anh hùng hào kiệt với những cái tên nghe đến đã phải nghiêng mình: Phan Đình Phùng -  lãnh tụ của cuộc khởi nghĩa Hương Khê, Trần Phú - Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng cộng sản Việt Nam, Nguyễn Thị Minh Khai – Bí thư Xứ ủy Nam Kỳ… Đối xứng Tùng Ảnh qua con đê La giang, Chợ Hạ một thời nổi tiếng với nghề chăm tằm dệt lụa. Xa một chút Chợ Thượng (Đức Trường) nổi tiếng với món hến. Ai đã ăn hến Chợ Thượng một lần suốt đời không thể quên. Nhớ ngày mới làm rể, mỗi lần về quê được mẹ vợ chiêu đãi món bánh đa Chợ Hôm kẹp với hến Chợ Thượng xào giá, ngon đến tận bây giờ. Đứng bên này Tam Soa vọng qua bên kia sông Ngàn Phố thấp thoáng làng Xa Lang (Hương Sơn), cố hương với kỷ niệm ngọt ngào thuở thanh xuân: Xế chiều muốn vượt Tam Soa/ thủy triều xô lệch ngỡ là trăng nghiêng/ Mẹ thương thả mảnh trăng liềm/ xuống dòng nước biếc làm thuyền anh sang.

Ban mai Ngàn Phố - Ảnh: Minh Lý

        Hương Sơn là một huyện trung du - miền núi ở vùng Tây Bắc tỉnh Hà Tĩnh. Thiên nhiên ưu đãi ban tặng cho vùng đất này những đặc sản động thực vật quý hiếm: chè xanh, cam bù, hươu sao, dê núi, nước sốt Sơn Kim… Phong cảnh hữu tình với danh thắng núi Nầm sông Phố nên thơ. Con người hiền hòa phúc hậu. Gái Hương Sơn nổi tiếng xinh đẹp dịu hiền. Bởi thế chàng trai lạ nào một lần lạc bước vào đây cũng không thể nào quên: Thơm thơm bát nước mẹ hiền/ Con hươu sao nhỏ và …tên một người (Huy Huyền). Trai Hương Sơn nổi tiếng hào hoa phong nhã, cô gái đất lạ nào vướng phải tơ tình trai xứ này suốt đời không gỡ ra: Hương Sơn ơi tự thủa nào/ Ta xa lối hẹn đường vào thăm nhau/ Bây giờ người ở nơi đâu/ Em bơ vơ giữa thẳm sâu tim mình (Vân Anh). Hương Sơn còn nổi tiếng đất học lâu đời, quê hương của nhiều danh nho hiền sĩ. Người được nhắc đến nhiều là tướng Cao Thắng, cánh tay phải của Phan Đình Phùng trong cuộc khởi nghĩa Hương Khê. Ông đã nghiên cứu súng của thực dân Pháp để tự chế tạo súng cho nghĩa quân mình, giúp cuộc khởi nghĩa trụ vững hơn mười năm đến khi ông mất. Tương truyền ông là truyền nhân của tướng Cao Lỗ, người chế tạo nỏ thần cho An Dương Vương. Cũng chính do sự ưu đãi của thiên nhiên và tấm lòng rộng mở của con người mà chàng trai Lê Hữu Trác (quê nội Phố Hiến - Hải Dương) đã rời bỏ kinh thành Thăng Long xa hoa về Hương Sơn quê mẹ làm thuốc và trở thành Đại danh y Hải thượng Lãn Ông, tổ sư của nghề thuốc Việt Nam. 

        Dọc theo đường quốc lộ số 8 ngược lên, bên trái là Sơn Long Sơn Trà có núi Mồng Gà tuyệt đẹp, bên phải là Sơn Tân Sơn Mỹ soi mình xuống sông Ngàn Phố mộng mơ. Sơn Tân cố hương tôi phong cảnh hữu tình, phía Bắc xuất phát từ bến Tam Soa chạy dọc theo sông Ngàn Phố lên bến đò Choi, bên kia sông là dãy núi Thiên Nhẫn trập trùng soi bóng xuống dòng nước trong veo: Ai lên Ngàn Phố ta xin gửi/ một chút tình ngây thuở dại khờ/ Sông vẫn nghiêng mình ôm bóng núi/ sao người xưa mãi kiếp bơ vơ. Phía nam đường quốc lộ 8 chạy từ Thị xã Hồng Lĩnh lên tận biên giới Việt Lào, mạch máu giao thông chính của bắc và tây bắc Hà Tĩnh. Đến bến đò Choi, bên kia sông Sơn Thịnh, Sơn Hòa, xưa gọi là Gôi Choi, Thịnh Xá, vùng đất văn vật bậc nhất nước Nam với những dòng họ lớn: Nguyễn Khắc, Hà Huy, Đinh Nho, Tống Trần…

        Từ Bến Tam Soa, dọc theo Ngàn Sâu dăm cây số, phía hữu ngạn bạn sẽ gặp làng Ân Phú, quê hương của cố thi sĩ Huy Cận, một trong “tứ bất tử” của dòng Thơ mới (1930 – 1945). Ngôi làng này có vị trí đặc biệt, là chỗ giao nhau của ba huyện Hương Sơn, Đức Thọ, Hương Khê. Nơi đây chứng kiến bao cơn lũ tràn về trôi cả cây cối nhà cửa. Phải đó là nguồn cảm hứng để sau này Huy Cận sáng tác nên  bài thơ tuyệt tác Tràng giang chăng? Đối diện với làng Ân Phú là xã Đức Hòa, nơi có ngôi chùa Am nổi tiếng. Xin bạn dừng lại tìm hiểu một chút về ngôi cổ tự này. Chùa Am có tên chữ là Diên Quang tự, do hoàng hậu Bạch Ngọc, đời Trần Duệ Tông (1373 - 1377) sáng lập. Đây là nơi tu hành của ba vị nữ chúa: hoàng hậu Bạch Ngọc, con gái bà là Trần Thị Ngọc Hiên (công chúa Huy Chân) và Trang Từ (con gái công chúa Huy Chân). Hoàng hậu Bạch Ngọc có tên là Trần Thị Ngọc Hào, được vua Trần Duệ Tông lập làm hoàng hậu. Năm 41 tuổi, trong một trận đem quân chinh phạt Chiêm Thành, vua không may bị tử trận. Sau đó Hồ Quý Ly tiếm ngôi nhà Trần, đất nước lâm vào biến loạn. Bà cùng con gái là Trần Thị Ngọc Hiên cải trang thành người xuất gia cùng 572 gia nhân khác rời kinh thành về quê cha. Bà cho dựng trại trên núi Vua, một vùng thâm sơn cùng cốc thuộc dãy Trù Sơn. Bà chiêu mộ được gần 3.000 người nghèo khổ rồi cùng họ tiến hành công cuộc phá núi, san đồi, khai hoang, mở đất... Khai hoang đến đâu, bà cho lập làng đến đó. Bà có công lập ra 45 xã thôn, trang ấp trên địa bàn của bốn huyện Đức Thọ, Hương Khê, Hương Sơn và Can Lộc.

        Trên đường Bấn – Tam Soa, bâng khuâng dừng lại ngắm làng Yên Hồ, quê hương Nguyễn Biểu, người anh hùng từng ngang nhiên “ăn cỗ đầu người”  khiến giặc Minh khiếp sợ: Ngọc triện trân tu đã đủ mùi/ Gia hào thêm có cỗ đầu người/ Nem cuông chả phượng còn thua béo/ Thịt gụ gan lân cũng kém tươi/ Ca lối lộc minh so cũng một/ Đo bể vàng sắt bội hơn mười/ Kia kìa ngon ngọt tày vai lợn/ Tráng sĩ như Phàn tiếng để đời.

        Từ Yên Hồ rẽ vô Ngã Tư Chợ Trổ (Đức Nhân) rồi ngược lên theo đường quốc lộ số tám sẽ gặp làng Ngu Lâm, quê vợ mình (lâm là rừng, ngu là vui như nước ta thời nhà Hồ gọi là nước Đại Ngu). Có truyền thuyết nói rằng làng này vốn gọi Ngưu Lâm, bởi từ xưa nơi đây rừng rậm hoang vu và có nhiều loài thú quý (ngưu là tê giác). Ngu Lâm giờ chia thành ba xã Lâm - Trung - Thủy. Nói đến Đức Lâm nhớ đến Thái Can, một trong những thi sĩ đầu tiên nổi lên trong phong trào Thơ Mới với bài thơ tứ tuyệt “Cảnh đấy người đâu”  tuyệt tác: Gặp em thơ thẩn bên vườn hạnh/ Hỏi mãi mà em chẳng trả lời/ Từ đó Bắc Nam người một ngả/ Bên vườn hoa hạnh* bóng giăng soi. Trung Thủy nhiều người đậu đạt cao, nổi tiếng hơn cả GS Lê Văn Thiêm, người đặt nền móng cho lâu đài Toán học Việt Nam hiện đại. Từ Ngã ba Lạc Thiện (Đức Lâm) nhìn vào Can Lộc, quê hương hai cha con anh hùng bất khuất Đặng Tất, Đặng Dung, lòng bồi hồi nhớ đến bài thơ cảm khái nổi tiếng Thuật Hoài của Đặng Dung: Thế sự du du nại não hà/ Vô cùng thiên địa nhập hàm ca/ Thời lai đồ điếu thành công dị/ Vận khứ anh hùng ẩm hận đa/ Trì chủ hữu hoài phù địa trục/ Tẩy binh vô lộ vạn thiên hà/ Quốc thù vị báo đầu tiên bạch/ Kỷ độ Long Tuyền đới nguyệt ma (Cảm Hoài: Việc đời bối rối tuổi già vay/ Trời đất vô cùng một cuộc say/ Bần tiện gặp thời lên cũng dễ/Anh hùng lỡ bước ngẫm càng cay/ Vai khiêng trái đất mong phò chúa/ Giáp gột sông trời khó vạch mây/ Thù trả chưa xong đầu đã bạc/ Gươm mài bóng nguyệt biết bao rày - Bản dịch của Phan Kế Bính).

        Nhìn xa một chút nữa là làng Trường Lưu, nổi tiếng là đất văn vật một thời. Nơi đây có dòng họ Nguyễn Huy lừng danh mấy đời đỗ đại khoa: Nguyễn Huy Oánh, Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Hổ…Nguyễn Huy Tự là tác giả truyện nôm tuyệt tác Hoa Tiên, Nguyễn Huy Hổ có thiên Mai Đình mộng kí kiệt tác…được xem những tác phẩm có ảnh hưởng sâu sắc đến Đại thi hào Nguyễn Du khi sáng tác Truyện Kiều sau này. Phía tây bắc giáp Trường Lưu là xã Song Lộc, quê hương của lưỡng quốc Thám hoa Phan Kính và nhà bác học Nguyễn Đình Tứ. Phía nam Trường Lưu là Trung Lộc, quê hương nhà toán học xuất sắc, GS. Phan Đình Diệu. Xuôi về phía đông khoảng mươi cây số là xã Vĩnh Lộc, quê hương của nhà văn Đức Ban, Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2017), tác giả của tiểu thuyết Trăng vỡ. Đi xa một chút nữa về phía Nam sẽ gặp Ngã Ba Đồng Lộc huyền thoại, nơi mười cô gái thanh niên xung phong cùng lúc ngã xuống trong khi đang mở đường cho xe ra tuyền tuyến, viết nên trang sử vàng chói lọi trong cuộc chiến tranh chống Mỹ vĩ đại của dân tộc Việt Nam. Ngày nay, Đồng Lộc đã trở thành khu du lịch tâm linh khách du lịch thăm viếng quanh năm.

                                                                                                      L.Q.H

 

. . . . .
Loading the player...