15-05-2019 - 08:11

Ngôi nhà dưới gốc sung già - Tạp chí Hồng Lĩnh

Tạp chí Hồng Lĩnh số 153 giới thiệu truyện ngắn "Ngôi nhà dưới gốc sung già" của em Võ Thị Phương Thảo, lớp 8A, Trường THCS Hoàng Xuân Hãn, Đức Thọ (Giải B, Cuộc thi viết - vẽ tuổi học trò lần thứ XII).

Quê nội tôi, xa tự thưở nào các cụ đã gọi bằng một cái tên thân thương trĩu nặng - xóm Khuyết. Có phải xóm vạn chài nép mình lặng lẽ bên bờ sông quê tôi khuyết một đường men theo đường cong uốn ghập ghềnh của miếng lụa mềm mại gắn liền với tuổi thơ của bao thế hệ hay còn lẽ khác?
Ngày còn bé tí tôi háo hức về với xóm Khuyết lắm nhưng càng lớn cảm giác ấy nhạt dần. Nhiều khi tôi tự hỏi mình đã quen với cuộc sống nơi thành thị dây điện cáp wifi giăng kín trên đầu người chăng? Rồi tôi cũng theo bố về quê trong một dịp hè hiếm hoi. Bố theo công việc của bố, còn tôi ngày ngày nằm dài trong nhà hết đọc sách rồi lại nghịch nghịch hộp màu và vẽ. Tôi vốn có máu hội họa, và đối với tôi, vẽ có lẽ là cách tốt nhất để tôi thư giãn hơn và đốt thời gian… Hôm đó, như một cái duyên trời định, tôi rảo bước trên con đường làng đất hồng hào, nắng trưa oi ả, giúp một cô bé tên là An nhặt quả bóng hơi lăn xuống dưới mương sâu lầy lội. An cảm ơn tôi, đưa tôi đến một góc sông, trước mắt tôi là những chiếc thuyền chở những kiếp sống vạn chài ăn sông cần mẫn khổ cực. Bên bờ, một cây sung cổ thụ dáng thật đẹp, có cảm giác gì đó thật hùng vĩ, cũng thật hiền lành bao dung. Thân cây sung ấy cứng cáp trước giông tố, sần sùi chai sạn như bàn tay của người cha - trụ cột gia đình hàng ngày bươn chải. Rễ cây nhô ra khỏi mặt đất, giống như những bàn tay cứng cáp níu lấy đất mẹ, cây lớn đến mức rễ cây còn có thể tạo thành nhiều hang động nhỏ là “căn cứ” của lũ trẻ con. Lá cây sum suê, ẩn ẩn hạt, cành cây tùy tiện gấp khúc, tựa như vạn bàn tay và cánh tay lớn nhỏ, nhựa sống tràn trề vươn lên tìm đến ánh nắng ấm áp của mặt trời. Cây sung già nghiêng thành một dáng cong tuyệt đẹp, cành cây mọc dài ra mặt nước, vững chãi như cây cầu nối cuộc sống vạn chài với ước mơ được lên bờ chưa bao giờ nguôi ngoai. Rồi không biết tự lúc nào tôi đã trở thành một thành viên tích cực lũ loai choai xóm nhỏ với một tâm trạng cực kì hân hoan…
…“Tụi bây lâu thật đấy, nãy giờ chắc chắn tao đã ăn được năm bát cơm rồi kia”- nhỏ Trâm bĩu môi, tay còn mân mê cột lại tóc cho bé An; thằng Nam “cụ non” dựng chiếc xe đạp cà tàng đã đi đời chiếc cẳng chống tự bao giờ lên thân cây sung già, lấy ra từ chiếc giỏ một cuốn sổ tróc hết gáy ra rồi nhanh nhảu chạy lại chỗ chúng tôi. Bé An cùng vài đứa nhỏ khác lấy ra một chiếc chiếu nhỏ rách bươm, có lẽ đã mượn được từ ba mẹ chúng trải ra, thả hết thảy dép bên ngoài rồi ngồi vào chiếu, trò chuyện rôm rả. Chúng tôi là những đứa trẻ “to xác” hơn một tí, nên chịu phần lấy dép lót phía dưới rồi ngồi lên, cũng vây xung quanh thằng Nam đang huýt sáo như gọi đàn con về mổ thóc.
- Đây là quyển nhật kí ông cố tao để lại, hôm trước tao mới lục ra xem, trong này có ghi cả công cuộc tán tỉnh bà cố tao nữa kia - nó giới thiệu bằng một giọng thần bí hệt như đang kể phần đầu của một cuộc thám hiểm vậy. Lũ trẻ chúng tôi thích thú, mắt sáng lên long lanh nghe thằng Nam kể chuyện một cách “từ tốn và thần kì”. Trẻ con mà! Dài dòng và lê thê thật, nhưng mà đại khái là một lời thách đố thế hệ đời sau - chúng tôi, tìm được hoa sung - báu vật đó có màu đỏ tươi phát ra ánh hào quang rực rỡ, bên ngoài là một màu trắng như mạ một lớp bạc lấp lánh dưới ánh nắng, còn nữa, chúng đựơc đựng trong một cái vỏ được đúc bằng ngọc peridot - tượng trưng cho sức sống và niềm hi vọng. Ái chà! Nghe có vẻ thú vị phết, lũ trẻ con chúng tôi cố lấy cuốn sổ trên tay Nam để xác thực những lời nó vừa kể nhưng bất thành. Tay nó giữ khư khư, mồm nó lên tiếng: “Tao thề đấy! Lúc tao vừa sinh ra tao đã được ông cố cho xem hoa sung rồi kia!” Tao lạy mày - Tý “nhắt” góp lời, ba hoa vừa cho người ta tin với, “vừa sinh ra…” - nó nhại lại, làm cả bọn cười ngả nghiêng. Nhưng rồi cuối cùng cả bọn cũng thống nhất đi tìm hoa sung!
Ngay chiều hôm sau, theo như kế hoạch đã định sẵn, chúng tôi rủ nhau ngồi dưới gốc cây tính toán, nói là tính toán nhưng thực ra chỉ là đùn đẩy cho nhau xem ai sẽ là bệ nhảy. Mãi một hồi lâu tranh cãi, thằng Nam đành xốc Liên lên vai, rồi để nó víu lấy tóc mình trèo lên cây sung vững chãi. Thằng Tý “nhắt”, tôi cũng theo sau, mấy đứa trẻ nhỏ hơn đứng dưới chờ các anh chị đem chiến lợi phẩm về. Tôi vô cùng háo hức, nhanh chóng trèo lên cây sung già có những chiếc lá xanh rậm rạp, quả sung chi chít che khuất cả ánh nắng mặt trời, chúng tôi lần mò rồi trườn trên cành sung lớn nhỏ cứng cáp, như là luồn vào khe của một hang động đầy bí ẩn, và những tia mặt trời xuyên qua kẽ lá nhỏ tí như là những viên kim cương lấp lánh vậy. Tìm một lúc lâu chả thấy gì, tôi đảo mắt xung quanh, tôi thấy một khe sáng rực rỡ ở một cành vươn ra ngoài mặt sông, tôi hí hửng ới bọn thằng Tý, chúng nó cũng đang trườn trườn trên cành cây như những con sâu mọt khổng lồ: “Tụi bây, tao thấy đằng kia có ánh sáng lấp lánh, leo ra đó xem sao”.
- Thằng Tý “nhắt”! Nam “đề cử”.
- Có tao! Cứ bình tĩnh mà chờ nhé!

Minh họa: QUỲNH LAN

Vừa nói Tý “nhắt” vừa bò ra cành tôi chỉ và tiến gần hơn với ánh sáng ấy, rồi nó ồ lên khoái trá. Âm thanh tiếng ồ của nó chưa kịp lan tỏa thì bỗng một tiếng “Rắc” cũng kịp vang lên. Không ai bảo ai tôi và thằng Nam đồng thanh hét lớn: “Tý, cẩn thận”! Nhưng có kịp cẩn thận nữa đâu cả người Tý lộn nhào xuống… Tôi tụt xuống thật nhanh, thằng Nam nhảy ùm vào bờ sông sâu trong vắt... Tiếng hét cứu… xé toang sự yên tĩnh của buổi xế chiều. Thằng Tý tay khua loạn xạ, thằng Nam cố bơi ra… Ơ, Tý đâu rồi? Tý! Nam vừa bơi vừa hét.
- Nam, bơi vào đi! Tý được cứu r..ô..ì!
- Các bạn sao lại liều vậy? Bến sông này trước đây vốn cạn, phẳng nhưng nay do hút cát nên nhiều chớn lắm, rất dễ đuối nước. Tí nữa thì…
Trước mặt chúng tôi là một cô bé trạc hoặc hơn tuổi chúng tôi mặc bộ quần áo cũ kĩ ướt nhẹp, đầu tóc dài bết vào nhau, đôi má rám nắng… nhưng trên khuôn mặt ấy có một đôi mắt thật đen, trong veo. Thằng Tý đã bình tĩnh trở lại và sụt sùi, nức nở kể, lại cô bé phì cười.
- Hoa sung ư? Bọn mình đã tìm thấy từ lâu rồi kia! Lên nhà mình cho xem!
- Thằng Nam nghe vậy mặt buồn rười rượi, rồi lũ nhóc nhốn nháo phía sau cũng im bặt, đứa nào đứa nấy héo úa, ỉu xìu đi chẳng còn tí sức sống. Cô bé cười hiền, rồi giới thiệu với chúng tôi bạn ấy tên là Tâm, gia đình họ neo thuyền gần gốc sung này từ rất lâu rồi. Dạo này cá ở đây ít vì bị kích điện nhiều nên họ phải đi xa, đêm trên sông, sáng ở chợ, trưa mới về đây. Hôm nay mẹ chúng nó ốm, cha đi vắng nên giờ này thuyền vẫn còn neo lại và thằng Tý và cả bọn mới có được may mắn ấy. Chúng tôi được mời lên nhà của Tâm chơi. Chiếc thuyền quá nhỏ, nên nó cứ rung lắc. Bình thường thì chắc chắn là chúng tôi sợ rồi nhưng giờ nôn nóng muốn chiêm ngưỡng sự kì bí của hoa sung nên không còn cảm nhận được điều gì nữa. Trong thuyền, trước mắt chúng tôi là một người phụ nữ gầy còm khắc khổ và lít nhít ba đứa bé sàn sàn nhau, áo quần nhàu nhĩ, đầu tóc hoe vàng khét nắng đang tròn mắt ngơ ngác nhìn chúng tôi. Khi nghe chúng tôi kể lại mọi chuyện, người phụ nữ sửng sốt, thần sắc lần lượt chuyển từ màu trắng bệch rồi xanh tái đi rồi cuối cùng không giấu được niềm vui sướng và hãnh diện trên khuôn mặt còn rất mệt mỏi. Cô lui cui đi về phía cuối con thuyền rồi đưa ra một cái rổ con cùng với cái đĩa gỗ nhỏ. Dưới ánh đèn mờ mờ ảo ảo từ cái đèn pin nhựa nhỏ cũ kĩ, thi thoảng chớp nháy vài lần, cô lấy ra mấy quả nhỏ rồi dùng chiếc dao mổ cá khá cùn bổ ra một tiếng “cạch”. “Màu đỏ tươi bên trong nó rực rỡ, bên ngoài là một màu trắng như mạ một lớp bạc lấp lánh, chúng đựơc đựng trong một cái vỏ bằng ngọc peridot - tượng trưng cho sức sống và niềm hi vọng” - lời của thằng Nam còn vọng lại bên tai tôi lắm lần… Trên cái đĩa tuy cũ, nhưng mà nó vẫn cứ tỏa sáng dưới ánh đèn yếu ớt như lệ thường. Những quả sung nhân màu đỏ, hạt hạt ẩn ẩn như là vạn khối kim tuyến được đúc khuyết cẩn thận, lớp bên ngoài trắng xốp, vỏ bên ngoài màu xanh tuyệt đẹp, lại bóng mẩy.
- Ăn đi các cháu - mẹ Tâm giục! Bụng đứa nào đứa nấy đã lên tiếng rồi, chúng tôi nhón tay cho sung vào miệng như sợ rơi đi một hạt ngọc của nó vậy, cẩn thận nhai, từ từ nuốt. Đứa nào đứa nấy tấm tắc khen ngon, cả bờ sông vang vọng tiếng khanh khách cười của trẻ con từ con thuyền nhỏ lênh đênh trên mặt nước.
Sau này, bố tôi bảo Hoa sung là dạng đặc biệt, thực ra quả sung là đài hoa bao bọc các cánh hoa và nhị hoa bên trong nên khi bổ quả sung ra (quả vàng, chín) soi dưới kính lúp ta thấy rất rõ các cánh hoa, vòi nhụy và nhị hoa.
Từ đấy như một thói quen, ngày nào chúng tôi cũng ra chực sẵn nơi bờ sông quen thuộc, dưới cây sung già. Càng tiếp xúc, tôi càng mến Tâm. Bằng tuổi tôi, chăm chỉ, cần mẫn, và có phần già dặn - điều mà tôi thấy khi Tâm chăm sóc ba em của mình. Rồi dần dà thân nhau lúc nào không hay. Giống như bạn đã cảm mến ai đó, bạn sẽ thích tất thảy mọi điều của người đó vậy. Tôi chưa kể với các bạn rằng Tâm có giọng hát hay đến mức nào, Tâm thường hay hát vẩn vơ một câu duy nhất: “Có một làng quê bên ven sông Hồng phù sa, có một bến sông vời vợi tuổi thơ trôi, lời mẹ ru bâng khuâng trong những cánh cò, chuông chiều núi cái vọng về tuổi thơ”... Có lần tôi đem theo hộp màu cùng giấy vẽ, cả quyển sketch book đáng yêu ba năm tôi soạn nên nữa. Tâm nhìn chúng, tôi thoáng thấy có một tia ngưỡng mộ trong mắt Tâm mà tôi chưa bao giờ thấy, bởi tôi tránh kể cho cô ấy về việc học hành, khoe khoang cô ấy về trường lớp, và tất nhiên là cả kiến thức của tôi. Tâm ngắm nghía, thật chăm chú chúng, xin tôi cho xem thử một chút, tôi chẳng ngần ngại đưa cho cô bạn, và tôi thấy… một hạt nước mắt rơi xuống từ khóe mắt của Tâm.
Từng ngày từng ngày còn lại của ba tháng hè cứ thế lần lượt trôi qua, dập dềnh cảm xúc hệt như mặt nước sông. Tôi nằm trên sàn nhà, định bụng sẽ 30 phút nữa sẽ chuồn ra bờ sông cùng lũ bạn như thường ngày. Nhưng đến khi tôi bước ra ngoài cùng với chiếc mũ cói to bản trên tay, bố tôi đã xong thủ tục chào hỏi và cửa xe đã mở… Tôi còn chẳng kịp nói lời chào tạm biệt lũ bạn và con thuyền nhỏ neo đậu dưới gốc sung già. Buồn lắm, nhưng đành chịu!
Rồi việc học cuốn tôi vào. Nào chính khóa, học thêm buổi chiều, luyện tiếng Anh, học kèm Toán. Thế nhưng trong tâm trí tôi luôn vẩn vơ về kỉ niệm với lũ bạn ở xóm Khuyết. Rồi có lúc lại bất giác giật nảy, vu vơ nghĩ: Giờ này tụi nó đang làm gì nhỉ? Cả chị em Tâm nữa?
Hôm đó, tôi nghe tin nhà trường phát động cuộc thi “Hội họa - tâm hồn và ước mơ” với quy mô lớn, vừa nghe cô giáo thông báo về tên cuộc thi, lớp tôi đã nhao nháo như cái chợ vỡ: “Bạn Vy nè cô! Bạn ấy vẽ đẹp lắm!”, “Vy ơi Vy, trúng tủ của mày rồi nha!”… Những lúc đang buồn, được cháy và hòa mình vào đam mê thì còn gì thú vị hơn? Tôi liền đăng kí tham gia mà không chút chần chừ. Tôi dễ dàng vượt qua hết tất cả các đối thủ đáng gờm trong thành phố. Và thật bất ngờ tranh của tôi được BTC chọn vào vòng chung kết mà không cần tham gia vòng bán kết một, do lượt ủng hộ cao nhất từ đông đảo người xem tranh. Cứ thế, tôi tham gia vòng chung kết với một tâm trạng hết sức thoải mái tự tin, bên cạnh là hết thảy sự kì vọng của mọi người.
…“Cái đẹp của tranh là có bố cục rõ ràng sáng sủa, hình ảnh khơi gợi được ký ức; màu sắc của không gian, thời gian là điểm nhấn cố ý từ tâm hồn người nghệ sĩ, đường nét mềm mại thanh thoát làm bẩy bật sự rung động của tâm hồn hòa quyện với ngũ quan người họa sĩ. Và cũng có cái đẹp được tìm thấy sau đó bởi ý nghĩa của bức tranh. Tranh đẹp... là tranh khơi gợi được sự xúc động của người xem… với cảm xúc mơ màng, thanh thoát, gây cho người ta các thang bậc xúc cảm ...” Đó là nhận xét về bức tranh đoạt giải đặc biệt. Tôi nhận ra, và tôi bàng hoàng khi nhìn ngắm bức tranh đặc biệt ấy. Bức tranh treo chính diện trên mặt tường lấp lánh ánh đèn điện, phía trên là câu slogan cũng là chủ đề mà BTC đề ra: “Tuổi thơ ”… Tôi ngó xuống bảng tên của thí sinh xuất sắc đạt giải. Đặc biệt, kinh ngạc lẫn vui sướng đan xen, tôi miết nhẹ ngón tay vân vê lên dòng chữ: “Đặng Tùy Tâm - xóm Khuyết - huyện X, tỉnh X”. Là một chiếc thuyền vạn chài nhỏ nhắn mục nát đến thảm thương, chênh vênh giữa bờ sông dù đã được neo lại cẩn thận, phía sau mui thuyền gác dăm ba cái thúng cũ, chiếc thuyền neo lại dưới cây sung già cổ thụ dáng mềm mại, uốn lượn bao trùm cả mặt sông, như một trưởng lão nghìn tuổi với lòng yêu thương vô hạn hóa đá canh giữ ngôi làng. Đặc biệt, dưới gốc cây, trên mặt đất, được khắc lên những cái tên đầy ý nghĩa bằng nét chữ đơn giản, không mấy tròn trịa của lũ trẻ làng mới “o tròn như quả trứng gà” : “Tý” “Tâm” “Liên” “Nam” “Quốc” “Sơn” “Hà” “Bình” “An” và “Vy”…
Tôi vội vã tìm đến bục nhận thưởng, thoáng thấy bóng người nhỏ nhắn, gầy nhom ốm yếu, da đen sạm đi... Đến khi giọng nói ngọt như mía lùi của chị MC cất lên: “Giải đặc biệt - Đặng Tùy Tâm” vang lên thật to, thật rõ, sau đó là tràng pháo tay vang lên. Bàn tay chai sạn của Tâm run run, đón lấy bó hoa tươi thắm từ một họa sĩ nổi tiếng. Tôi thấy Tâm chực khóc. Xúc động, phấn khích tôi vẫy tay hét: “Tâm! Tâm ơi! Giỏi quá! Giỏi quá!”. Mọi người quay lại nhìn hai đứa trẻ ôm nhau nức nở…
Tôi cùng Tâm đi khắp mọi nơi, mua quà cho lũ bạn ở xóm Khuyết. Tâm kể biết bao nhiêu là chuyện, dở khóc dở cười. Rằng thằng Tý lúc biết tôi về thành phố, nó đã khóc toáng lên rồi đòi bắt xe chạy theo tôi, “chậc chậc, thằng Tý nom vậy cũng tình cảm ghê Tâm nhỉ?” Và Tâm cười khúc khích. Rồi Tâm thủ thỉ “Số tiền thưởng cùng học bổng mà BTC giành tặng cho thí sinh đạt giải đặc biệt có thể giúp cho cả chị em mình đi học trở lại Vy ạ”. Nghe thế, tôi vui lắm và cũng cay mắt lắm! Tâm thì chẳng thể nào giấu nổi niềm hạnh phúc trong đôi mắt biết cười lấp lánh.
Ngày chia tay, tôi và mẹ tiễn Tâm ra bến xe. Những chiếc xe chạy đến tôi đều mong đó không phải là chuyến xe Tâm đi. Tâm bước lên xe, quay đầu lại nhoẻn miệng cười. Tôi chực khóc, vẫy tay chào tạm biệt. Xe lăn bánh, chầm chậm, chầm chậm, giống như chở cả tuổi thơ rực lửa và hồn nhiên trong sáng của mùa hè cũ lùi lại, để đón chào một tương lai mới, một kỉ niệm mới dưới gốc sung đang đón chờ phía trước.


                 V.T.P.T

. . . . .
Loading the player...