04-01-2019 - 16:56

Người gác đền cụ Thượng

Tạp chí Hồng Lĩnh số 148 giới thiệu truyện ngắn "Người gác đền cụ Thượng" của tác giả Nguyễn Xuân Diệu.

Thưa bác, được biết bác đã trông đền cụ Thượng Trứ ở đây từ lâu. Đã lúc nào bác thấy được cụ hiển linh không ạ?

Người đàn ông gác đền ngước đôi mắt màu đồng hun, nhưng trông rất hiền từ dưới mái tóc hoa râm nhìn Xuân Nguyễn. Nâng chén trà Thái nghi ngút khói bốc mùi thơm ngan ngát mời anh, đôi mắt ông trở nên xa xăm:

- Nhiều người đã hỏi tôi câu này đó anh. Ngày trước cha tôi gác đền cụ, ngày ngôi đền còn lợp bằng tranh cơ đấy. Khi cha tôi tạ thế, bà con và chính quyền giao cho tôi. Chuyện dài lắm mà anh...

Nắng trưa mùa đông miên man. Tiếng sóng từ ngoài sông Ân theo gió vỗ vào nghe như vọng lại từ cõi nào. Những hàng cây lao xao in bóng xuống dòng sông trầm mặc. Lưng chừng trời xanh trên ngôi đền, một dải mây trắng trông như một ngọn bút lông phóng túng. Hình như có ai đó đang viết thơ lên trời xanh bằng những nét bút hào hoa...

- Đã lúc nào tôi thấy được cụ hiển linh chưa ư? - Người gác đền trầm ngâm như đang chiều nghĩ ngợi. Lâu lắm, hình như nhớ ra điều gì, ông mỉm cười - Tôi nhớ nghe được lời cụ nói thì đâu như đã vài ba lần. Như ảo ảnh ấy. Còn được trông thấy hình cụ thì mới có hai lần thôi. Cụ thường “về” vào những đêm rằm trăng rất sáng. Có lần tôi còn được vinh hạnh hầu chuyện cụ đấy anh ạ...

- Được hầu chuyện cụ?

- Phải! Tôi vinh hạnh được hầu chuyện cụ! - Người gác đền nhắc lại - Hôm ấy là ngày 14 tháng 11 ta, đúng ngày giỗ cụ. Chúng tôi làm giỗ cụ vừa xong, nói anh đừng cười, cũng có chén rượu vào, tôi trải chiếu nằm dưới bàn thờ cụ để ngủ. Những đêm trời oi thế này tôi thường nằm như thế, đôi khi cao hứng ngâm nga một đôi câu ca trù, rồi thưa với cụ: “Bẩm cụ lớn! Cho con hát hầu cụ ạ!”. Thực tình cái điệu ca trù trong đầu tôi vốn liếng cũng chẳng có được bao lăm, nên những lúc đó tôi thấy hình như cụ mỉm cười. Đêm ấy tôi cũng nằm và cũng mơ màng lẩm nhẩm hát. Ánh trăng choàng lên khu đền một màu trắng huyền hoặc. Cái màu trắng của trăng đêm ấy tôi chưa hề thấy bao giờ. Một trận gió thơm nồng mùi trầm hương thổi từ ngoài sông Ân vào. Thấp thoáng trong làn gió đẫm mùi hương tôi thấy một bóng người mặc đại quan, đội mũ cánh chuồn. Trời se se lạnh mà người ấy phe phẩy chiếc quạt đan bằng lá cọ đi từ nơi hai cây thông bên cạnh đền vào. Tôi vừa nhổm người lên nhìn, người ấy đã đến bên bàn thờ đại điện...

- Lúc ấy cảm giác của ông thế nào? Có sợ không? - Xuân Nguyễn tò mò.

- Lạ là tôi không hề sợ sệt gì cả. Tôi linh cảm cụ Thượng về. Lúc đó gió từ phía sông Ân bỗng hây hây thổi. Đang mơ màng, tôi nghe tiếng đọc thơ giọng Nghệ  ấm áp và phiêu bồng lắm:

“Trời đất cho ta một cái tài

Dắt lưng dành để tháng ngày chơi”

Tôi nhận ngay ra đó là thơ của cụ Thượng Trứ, liền lồm cồm đứng dậy, thì nhận thấy cái bóng người đang phe phẩy quạt nan bên bàn thờ cụ, khuôn mặt giống hệt cụ Thượng Trứ trong ảnh. Thấy tôi, người ấy đi đến, ngồi xuống bậc thềm đền. Ánh mắt cụ sáng lắm, nhưng trìu mến như người ông đang nhìn cháu. Cụ chỉ tay xuống thềm bảo tôi bằng giọng Nghệ nằng nặng:

-  Con ngồi xuống đây!

Tôi khép nép sửa sang lại quần áo, khép nép ngồi xuống. Cụ vuốt chòm râu trắng như cước mỉm cười:

- Con không biết ta đâu. Nhưng ta biết cha con con coi đền thờ ta đã hai đời nay. Cuộc sống của con bây giờ  khấm khá chứ!

Tôi chắp hai tay vào nhau, chả biết ai móc miếng cho mà trả lời trơn tru:

- Bẩm cụ lớn! Thế thì con biết rồi ạ. Cụ lớn là Dinh điền sứ, Uy Viễn Tướng công Nguyễn Công Trứ, chúng con quen gọi là cụ Thượng Trứ. Bẩm cụ lớn! Từ ngày cụ lớn cho lập nên huyện Kim Sơn này, người dân ở đây đã có đất đai để ở, có ruộng nương cày cấy; người ly tán đã có quê hương, nhà cửa, gia đình. Đất đai màu mỡ, cuộc sống ngày càng no ấm ạ!

Minh họa: HÀ NAM

- Ta biết! Nhìn đồng lúa tốt tươi, đường làng phong quang, đẹp đẽ, nhà nhà xây cất đàng hoàng, mặt mũi người người tươi tắn, ta vui lắm!

- Bẩm cụ lớn! Âu cũng nhờ ân đức cụ lớn chúng con mới có được ngày nay. Cụ lớn là bậc thánh trên trời, chúng con đội ơn nhiều lắm! Là hậu sinh nhưng con cũng biết, cụ là một danh tướng lỗi lạc, một đức ông thương yêu dân như con đẻ; con còn biết cụ lớn là một nhà thơ xuất chúng. Con thật có hồng phúc lớn được hầu hạ cụ lớn ạ...!

Cụ nhìn tôi, lại vuốt râu, cười lớn:

- Đừng quá khen ta! Ta chẳng phải là thánh trên trời như con nói đâu! Mà  cũng chẳng phải ơn đức của ta đâu mà ơn đức của Hoàng Thượng bệ hạ ban cho con dân đó. Ta đến với quan trường muộn mằn. Bốn mươi hai tuổi mới ra làm quan. Nhưng ta chẳng bận lòng về đường công danh, chỉ mong sao suốt đời trung quân, ái quốc, suốt đời được lo lắng cho dân...

Chợt cụ hỏi:

- Con sinh hạ được mấy đứa con?

- Bẩm cụ lớn! Vợ chồng con sinh được 4 con, hai trai, hai gái ạ!

- Thế là ổn rồi! Thời nay khác, thời xưa khác. Thời của ta “trai làm nên năm thê bảy thiếp...” Ta có tới 13 người vợ, 26 người con cơ đấy! Vì thế nên về già cũng nghèo túng. Nghèo túng nhưng cái tâm nhàn, thế mới có chuyện ta cưỡi bò vàng, đeo nhạc ngựa vào cổ bò, lấy mo cau che mồm thiên hạ.

Cụ lại cười lớn, phe phẩy chiếc quạt, hắng giọng:

- Lâu lắm rồi, bữa nay ta mới có dịp nói chuyện với người trần. Người đời thường bảo ta dại, làm quan mà thanh liêm! Làm quan thanh liêm thường nghèo. Chẳng phải như các tham quan, chúng vơ vét dân đen đến tận xương tủy. Nghe họ nói, ta chỉ cười! Con biết không, ta đã một thời làm Thị lang Bộ Hình, rồi thị lang Bộ Binh vâng mệnh Hoàng Thượng đi thanh sát các quan phủ, quan huyện. Ta thấy được nhiều điều ngang trái, nhiều vụ tham nhũng, bẩm báo lên đức vua. Lại dâng sớ tấu xin Hoàng Thượng thi hành các chính sách làm trong sạch quan trường, tinh giản quan lại, tăng lương cho người đang thực thi công vụ để họ khỏi tham nhũng, nhũng nhiễu dân lành. Ta tâu lên Hoàng Thượng là cốt để ngài trừng trị bọn quan tham, là cốt để yên dân. Dân mến ta thì nhiều, nhưng ta bị các quan thù cũng lắm. Chúng lén lút mật tấu lên Hoàng Thượng dèm pha, vu cáo ta, biến những điều ta làm đúng thành sai, phải thành trái. Vì thế, hai mươi tám năm làm quan, ta đã từng 5 lần bị giáng cấp rồi thăng cấp. Đến nỗi năm 1841 ta suýt bị xử trảm. Năm 1843, đã 65 tuổi, đang là Tuần Vũ An Giang, ta bị truất xuống làm lính thú.

Cụ dừng lời, phe phẩy quạt. Giọng cụ trầm xuống:

- Nhưng ta không nản. Từ nhỏ, ta đã tự dặn mình “Làm trai đứng ở trong trời đất/ Phải có danh gì với núi sông!” Đó là chí khí của ta. Ta lấy đó cổ súy mình, răn mình mà đi tới trên con đường đời đầy bất trắc. Con người ta giàu hay nghèo, sang hay hèn, đừng lấy đó làm điều. Cốt nhất là có được tri thức để sống cho đời. Con đã có công coi sóc nơi dân tình thờ phụng ta, ta có lời dặn này: “Hãy cho con cháu học hành đến nơi đến chốn. Chẳng phải ai học hành giỏi giang cũng giàu có. Nhưng có câu “Lộc tại học kỳ trung dã”(*) hay “Nhân bất học bất tri lí”(*), học chữ thánh hiền để chúng biết trung quân, ái quốc, biết hiếu nghĩa với đấng sinh thành, với huynh đệ; biết từ bỏ lòng tham, biết sống có ích cho đời”.

Cụ dừng lời, đưa tay vuốt chòm râu bạc, thở dài:

- Lâu nay quan sát dân tình thế thái, ta thấy ở thời nay cuộc sống người dân được nâng cao, đủ đầy, nhưng nạn tham nhũng thì trên dưới đều có. Ngày trước  bằng can tràng của ta có hai câu thơ này:

“Tiền tài hai chữ son khuyên ngược

Nhân nghĩa đôi đường nước chảy xuôi”

Khi tiền tài là chúa tể thì nhân nghĩa cũng theo đó mà suy đồi thôi...!

Một trận gió ào đến. Tấm mành treo trước điện thờ rung lên lách cách. Trăng thượng tuần treo nghiêng trên đỉnh trời đang trong văn vắt, bỗng có một đám mây kéo đến dăng ngang. Trong ánh trăng lu, mờ mờ, ảo ảo, tôi thấy nét mặt cụ đượm buồn. Tôi vân vi:

- Bẩm cụ lớn! Trước khi con về gác đền cụ lớn, con từng là một kỹ sư thủy lợi. Con xin được hỏi cụ lớn câu này, nếu không phải xin cụ lớn đại xá cho. Con biết cụ lớn là một nhà chính trị kiệt xuất, một nhà quân sự đại tài, một nhà thơ tài hoa. Nhưng con cứ phân vân, làm sao cụ lớn nghĩ ra được cách lấn biển, đào mương thủy lợi, mang lại đất đai phì nhiêu, cuộc sống ấm no cho dân lành? Rồi cụ lớn cho làm những con đường giao thông dọc theo mương, tiện bề cho dân đi lại, thu hoạch mùa màng...? Thật tài tình quá! Đã hai trăm năm rồi, không những thầy trò trường Đại học thủy lợi chúng con, mà các kỹ sư, chuyên gia nước ngoài về nghành này, tận mắt nhìn ai cũng kinh ngạc?

- Tại sao ta nghĩ ra việc lấn biển ư? Thời đó có hai cuộc làm loạn của Phan Bá Vành ở Nam Định và Nông Văn Vân ở Cao Bằng. Thế giặc mạnh lắm.  Phan Bá Vành có đến hàng vạn binh lính. Quan quân triều đình đánh dẹp mấy năm liền không được, Hoàng Thượng gọi ta về giao trọng trách cho ta. Trong cuộc đánh dẹp quân nổi loạn, tra vấn các tù binh ta ngộ ra rằng vì thiếu đất canh tác để mưu sinh, vì bị quan lại, cường hào o ép làm cho cuộc sống họ quá nghèo, nên mới rủ nhau làm loạn. Ta lại thấy đất đai ven biển hai tỉnh Thái Bình và Ninh Bình này rộng rãi, lắm phù sa, dù lúc đó chỉ là bãi lầy hoang vu đầy lau lách, nhưng rất màu mỡ, nếu khai phá lập lý(*), lập ấp cho dân sinh cơ lập nghiệp thì sẽ yên dân được. Ta liền dâng sớ xin Hoàng Thượng ban cấp lương thực, thực phẩm cho phép quai đê lấn biển. Được đức vua chấp thuận, phong ta làm Dinh điền sứ, ta liền đưa 60 vị chiêu mộ và 1.260 dân binh về đây, cấp thóc gạo, muối mắm cho họ, tổ chức thành từng đội đi đắp đê lấn biển, khai khẩn đất hoang. Còn hệ thống kênh mương dẫn thủy nhập điền, thau chua rửa mặn, ta làm theo ý trời đó!

- Bẩm cụ lớn! - Tôi từ tốn - Rồi từ đó, hai huyện Kim Sơn và Tiền Hải được khai sinh, lấn ra biển hàng vạn mẫu đất. Con biết, ngày đó nhân dân vùng quê này có rất nhiều người ly tán vì chiến tranh bởi các cuộc nổi loạn chống triều đình, vì đói nghèo... đều được cụ lớn cấp ruộng đất để làm ăn, cuộc sống họ trở nên ổn định, sung túc. Nhờ ơn cao, đức dày của cụ lớn cả. Nên nhân dân ở đây đội ơn cụ lớn, từ làng đến huyện đều lập đền thờ cụ lớn. Ngay cả khi cụ lớn còn sống nhân dân đã lập sinh từ phụng thờ  là phải lắm!

- Ta cũng chỉ vì lo cho dân, vì thấy dân bị can qua, bị áp bức, bị nhũng nhiễu nên nghèo khổ cùng cực mà làm thế. Vậy mà con biết không, thế mà cũng có người trách quở ta đấy, lại còn gọi ta bằng thằng nữa!

- Bẩm! Ai còn dám trách quở cụ lớn, lại còn dám gọi cụ lớn là thằng cơ chứ?

- Thế mà có đấy! Chuyện là năm đức vua Minh Mạng thứ 14, ta đào một con sông ở Hải Dương, lấy nước tưới cho đồng đất bên ấy. Muốn đào sông cho thẳng, ắt phải di dời đền thờ ông Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, bởi ngôi đền nằm ngay trên dòng chảy của sông. Nghe lính bẩm báo, ta liền đến. Biết đây là đền thờ của ông Trạng tiên tri, ta cho lính gỡ bát hương ra xem dưới đó có gì không? Thì ra dưới bát hương là một tấm bia phủ vải điều khắc mấy câu của ông Trạng. Bia khắc thế này: “Minh Mạng thập tứ, thằng Trứ phá đền. Phá đền thì phải xây đền. Nào ai đụng đến Dinh điền nhà bay!” Đọc xong, ta vã mồ hôi hột. Hơn 200 năm trước mà ông Trạng đã đoán trúng việc ta hôm nay sắp làm! Lại đoán trúng cả chức tước của ta. Đúng ông là Thánh tiên tri! Ta cả sợ, không dám phá đền nữa mà còn cho tu chỉnh đẹp đẽ, khang trang thêm.

Cụ dừng lời, cười ha hả. Cái cười thật sảng khoái, thật độ lượng. Ngẩng đầu lên nhìn mặt trăng thượng tuần đang trôi trôi giữa những đám mây bạc, rồi ngoảnh sang nhìn tôi, cụ gật gật đầu:

- Con là kỹ sư thủy lợi, học hành nhiều, con có thuộc được câu thơ nào của ta chăng?

- Bẩm cụ lớn! - Tôi xoa hai tay vào nhau kính cẩn - Con thuộc nhiều lắm ạ. Như bài thơ “Vịnh cây thông”, “Bài ca ngất ngưởng”, “Vịnh kẻ sĩ”, “Hàn nho phong vị phú”... Nhưng con rất thích mấy câu thơ này. Nếu cụ lớn cho phép, con xin được đọc hầu cụ lớn ạ. Con đọc theo trí nhớ, chẳng biết có sai từ nào không? Nếu có sai, xin cụ lớn đại xá cho.

Thấy cụ gật đầu, tôi trịnh trọng lấy hơi mấy lần mới hắng giọng đọc:

“Uống ba chén rượu khoanh tay giấc

Ngâm một câu thơ vỗ bụng cười

Cái công danh là cái lạ đời

Đường thản lý chí nhân chi đã vội

Dắt lỏng giang sơn vừa nửa túi

Rót nghiêng phong nguyệt cạn lưng bầu...”

Nghe xong mấy câu thơ, cụ rũ áo đứng dậy, phe phẩy quạt cả cười:

- Khá khen cho con nhiễm được khí phách của ta! Khí phách của ta ngang tàng vậy đó! “Dắt lỏng giang sơn” cũng chỉ “vừa nửa túi”, mà “rót nghiêng phong nguyệt” cũng chỉ có “cạn lưng bầu”... Mà này, bữa nay ta nói chuyện cũng dài. Trăng xế bóng rồi, ta đi đây!

*

Người gác đền nhìn Xuân Nguyễn, giọng anh nghe như thầm thì:

- Anh ạ, lúc đó tôi luống cuống đứng dậy vội chắp tay kính cẩn lạy chào cụ. Gật đầu với tôi, cụ khoan thai bước về phía hai cây thông đẫm ướt ánh trăng. Bóng cụ lồng lộng dưới vầng trăng kiêu bạc đang lơ lửng lưng chừng phia trời tây. Cụ vừa ung dung bước đi vừa ngâm ngợi mấy câu thơ tôi đã thuộc mà sao nghe cứ như một lời tâm sự, như một nỗi niềm mênh mang:

“Ngồi buồn mà trách ông xanh

Khi vui muốn khóc, buồn tênh lại cười

Kiếp sau xin chớ làm người

Làm cây thông đứng giữa trời mà reo...”

Nghe chưa hết bài thơ tôi bỗng giật mình tỉnh giấc. Mồ hôi vã ra như tắm. Thì ra là một giấc mơ! Nhưng hình như tôi đã ngủ đâu mà mơ! Tôi dụi mắt, ngơ ngác nhìn quanh. Ánh trăng vẫn tãi khắp sân đền, vẫn tãi trên hai cây thông đẫm sương một màu bàng bạc cô tích. Gió từ sông Ân vẫn hây hẩy thổi. Dáng khoan thai của cụ như còn bảng lảng đâu đây và cả tiếng thơ vừa ấm áp vừa cao đạo của cụ nữa. Tôi lồm cồm ngồi dậy, thẫn thờ đi ra phía hai cây thông bên đền căng mắt cố tìm cái dư ảnh của cụ vừa mới đây thôi. Và tôi chợt giật mình khi dưới ánh trăng những cành lá kim của hai cây thông cạnh đền như thể đã có từ hai trăm năm trước, trông  như muôn ngàn ngọn nến bùng cháy thắp lên trời cao chân dung một con người ngạo nghễ, ngang tàng thách thức với thời gian...!

 

                           Tháng 7-2018

                                   N. X.D

. . . . .
Loading the player...