14-08-2019 - 08:10

Nguyễn Ngọc Vượng: Người có nhiều dự cảm...

Tạp chí Hồng Lĩnh số 156 giới thiệu bài viết Nguyễn Ngọc Vượng: Người có nhiều dự cảm... của Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú

 

         Tôi gặp Nguyễn Ngọc Vượng lần đầu, khi đó tôi đang học trường viết văn Nguyễn Du về nhà ghé thăm Hội văn nghệ Hà Tĩnh. Ngày ấy vừa mới chia tỉnh, cơ quan Hội ở dãy nhà cấp 4, tuy nghèo nhưng không khí văn nghệ vui lắm.Chỉ cần một cút rượu quê cùng một đĩa lạc rang là mấy anh em quây quần đọc thơ cho  nhau nghe sang sảng thâu đêm…Tôi nhớ đại tá Nguyễn Trọng Bính ở Bộ chỉ huy quân sự tỉnh, khi đã hơi men ngà ngà, ông ngồi ngất ngưỡng với giọng trầm khê mà thơ thì gan ruột lắm. Nguyễn Trọng Bính là người đa cảm, đa tình và cuộc  đời ông cũng lắm đa đoan. Rồi thi sỹ Hải Hà với “Bến cũ” - một giọng thơ lãng tử hào hoa mà kiêu bạc. Thơ cứ lửng thửng như người ông với cái dáng thấp đậm nhưng khuôn mặt thì thật “sáng giá”: phúc hậu, đầy đặn và rất có tướng nhà quan. Nhưng đời ông sao lận đận thế, cứ loay hoay mãi là anh bán vé xe khách, ở trọ, quán trọ và ông cũng “trọ” luôn trong cuộc đời. Và Lê Duy Văn, chàng Trung tá quân đội vì mê thơ phú mà tạt ngang xin về đầu quân cho Hội Văn Nghệ với chức danh Chánh văn phòng nhưng thơ thì không “văn phòng” chút nào: ồn ả, phóng khoáng lại có lúc tưng tửng nhưng đắm say. Dáng người Lê Duy Văn cao ráo lại có tố chất nhà binh nên ông rất hoạt náo và chu đáo với mọi người, xem mọi việc cứ nhẹ nhàng như  lông hồng. Cứ thế tà tà mà mọi việc đâu vào đấy cả. Bây giờ thì cả ba ông đều trở thành người thiên cổ, đem thơ về thế giới bên kia. Cái tổ “tam tam” một thời ấy mất đi là một khoảng trống vắng thiếu hụt không chỉ là tiếng thơ mà cả không khí văn chương một thời, chính các ông là những người góp phần không nhỏ châm ngòi kích hoạt cho các cuộc vui ấy…

         Bữa ấy tôi về vừa mới xuống xe khách Hà Tĩnh thì Lê Duy Văn ra tận bến xe đèo về cơ quan Hội chơi trước khi về thăm nhà. Bỗng nhiên ông nổi hứng: Hôm nay mình mới có nhuận bút đãi ông một bữa “lẩu Vượng”.  Thì ra quán lẩu bò khá nổi tiếng với đám văn nghệ sỹ có tên thật là  quán “Xuân Vượng”. Xuân là tên vợ - một cô gái xinh đẹp và tháo vát, có đôi mắt to hơi đượm buồn là bà chủ, còn ông chồng thi sỹ Ngọc Vượng không biết giúp vợ lúc nào nhưng khi chúng tôi đến đã thấy anh đang cụng ly với các bàn. Dáng anh ngả nghiêng khi khoát vai khi vỗ lưng thực khách như là bạn bè của mình vậy. Một nồi lẩu ngút khói xua đi cái lạnh giá mùa đông, kề bên là một rổ rau sống trông cứ mơn mỡn như vừa mới được gội mưa. Tôi nhìn anh: Một cái bề ngoài có vẻ “dữ tướng” với giọng nói như là trể nãi nhưng hồ hởi, ân tình thực lòng. Dáng  dấp Ngọc Vượng vạm vỡ rắn chắc, có chất nhà võ. Nhưng lạ thay khi anh đọc thơ: một giọng thơ trầm ấm, rủ rỉ mà đắm đuối lạ thường với trường liên tưởng khá độc đáo rất riêng của mình. Thì ra con người này có một chiều sâu nội tâm với một trực giác mạnh, với bao dự cảm. Thơ chính là “phiên bản” của anh không chỉ hồn cốt, hồn vía đất đai mà cả bản lĩnh sống ngang tàng và say đắm. Chúng tôi gặp nhau và thân nhau đồng điệu với nhau từ thơ. Và tôi bắt đầu “đọc” những dự cảm của anh, mối giao cảm không chỉ với cộng đồng xã hội mà còn với cả cỏ cây sông nước. Thơ anh dằng dịt mối dây tâm linh bí ẩn, cứ níu kéo nhau giăng mắc vào nhau như tơ lụa mỏng mảnh và lấp lánh. Đó là ân tình, là cảm thông chia sẻ. Trong bài thơ “Dự cảm” anh viết: “Dường như ngôn ngữ cỏ cây đang báo hiệu mùa màng lũ lụt”. Ngay từ dự cảm ban đầu anh đã nghiêng về sự thiếu hụt, dự cảm về những mất mát thiệt thòi và mong muốn mang lại sự cân bằng công lý. Đó là lẽ phải là tình người tình quê hương xứ sở, và chính anh cũng là người dám chịu trách nhiệm: “Dường như mọi giận hờn biển cả - Trút vào tôi - Như báo hiệu bình yên”. Ngọc Vượng là thế, với tập thơ “Dự cảm tháng giêng” tháng mở đầu cho một năm với bao cung bậc với bao nỗi niềm, bao ẩn ức. Ví như trong bài thơ “Năm Sửu” cái năm định mệnh đã gắn vào cuộc đời anh thì: “Tù và lao xao năm Sửu - Huơ huơ manh tã lỗi giờ”. Hay một khoảnh khắc thời gian của “Tháng 4” anh lại viết: “Có mái phố nghèo ủ chiều ráng đỏ - Và hoàng hôn đang nhú khói ngày tàn”. Ngôn ngữ thơ của Ngọc Vượng thật sống sít, thật đầy, thật mọng không lép. Thơ anh như được rút ra, chắt từ máu thịt từ hơi thở của mình. Một đường thơ có khi chấp chới, mộng mị mà hào hoa bay bổng. Cái chất thi sĩ đã ngự trị anh và đôi khi anh cũng bị “thơ  hành”. Ví như: “Ước gì mình hóa thành chú ốc - Được một lần trinh nữ mộng mơ”. Nhưng anh không cuộn mình trong vỏ ốc mà luôn tung tẩy mình với bước đường đời, đường thơ thật kiêu hãnh mà cũng thật lãng mạn hết mình. Vâng, hết mình đó là một phẩm chất nổi trội của Ngọc Vượng. Hết mình trong các cuộc chơi, hết mình với bạn bè, hết mình với thơ ca. Lối đi của anh là “Lối Ngô Đồng”, một loại cây được trồng rất nhiều ở thành phố Hà Tĩnh như là một chứng nhân lịch sử, thời gian mà có người gọi là “Thị xã Ngô đồng”. Và Ngọc Vượng đã dứt khoát lựa chọn: “Ngô đồng rụng ế trời thu - Ta gom nhặt ký ức buồn bao giờ mới xuể - Có câu thơ bay vèo trước  ngõ - Giật  mình quờ quạng đốm chiêm bao”. Anh yêu da diết cái phố nhỏ của mình, cái “Bến Hồ Dâu” trong một thi phẩm tặng người bạn thơ đồng nghiệp thân thiết: Hải Hà. Ngọc Vượng không phải viết bằng câu chữ mà anh “nức nở” thật sự, cái tiếng vọng  thiết tha gọi tên từ trái tim rướm máu yêu thương: “Đồng Vinh ơi! - Cửa Hậu -  Hồ Dâu - thương nhau bằng từng giọt thở - Về văn miếu ta dâng nén hương tạ lỗi xóm nghèo”. Anh là người con có hiếu thủy chung với tình nghĩa nhất là những tứ thơ viết về mẹ, về cha, về những người thân. Thật tinh tế và sâu thẳm nghĩa tình anh mới đọc được “Ánh  mắt mẹ”: “Bí mật của quê hương là trong ánh mắt từ bi của mẹ - Rũ cho ta bao mệt mỏi bụi trần”. Hay thơ anh khi viết về chị: “Em  quờ quanh miệng thúng - Chị quờ đòn triêng quanh thời tao loạn” (Chị). Và cả khi anh  độc thoại với mình thì vẫn cùng một da diết chạm khắc ấy: “Mình như chiếc bóng câu qua  kẻ tay người - Quê nghèo đâu nhẽ như vôi - Nuôi hồn tứ xứ không nuôi nổi mình” (Với mình). Nói thế là anh để tự dặn mình bươn chải và anh đã nuôi nổi mình, nuôi cả nhà bằng “chữ  nghĩa”. Lại nhớ cái hồi tôi đã về công tác ở Hội văn nghệ Hà Tĩnh, có lần Ngọc Vượng sang rủ tôi ra quán uống rượu. Bữa đó rượu vào đã lắm vì mồi ngon và không khí đìu hiu buồn bã của một chiều cuối đông khi cả hai chúng tôi lơ đễnh nhìn ra con sông Cụt chạy lững lờ như vô tình mặc khách. Cô  chủ quán lặng lẽ nhìn hai ông khách khác với mọi ngày thơ phú sôi nổi lắm mà. Và tôi hoảng, không biết ông này ngày hôm nay có nỗi niềm chi đây mà sao đôi mắt đượm buồn dáng ngồi như trĩu xuống. Rồi anh nhìn thẳng vào tôi: Tôi phải thi vào trường viết văn Nguyễn Du như ông. Tôi giật mình hơi thảng thốt: - Thật không? Thật! Vượng nói và chạm ly làm một hơi: Tôi sẽ thi. Chắc chắn ông sẽ đậu, tôi khẳng định thêm vì thơ ông rất mới. Hồi học Nguyễn Du ngoài đó tôi đã thấy bạn bè trong lớp như Nguyễn Quyến, Lương Ngọc An rất thích thơ của anh. Nhà thơ Trúc Thông vốn rất nghiêm khắc cũng khen thơ Vượng hay. Tôi hân hoan mừng ra mặt vì có thêm đồng nghiệp bàn bè thân thiết nữa, đồng nghiệp mà tôi yêu quý. Nhưng thoạt nhiên tôi lưỡng lự hỏi Vượng: Thế ông sống bằng cách nào? Ánh mắt Vượng sáng lên: Tôi sẽ mua cái xe xích lô, ban ngày học, tối đạp xe kiếm tiền và đó cũng là cách hiểu thêm đời sống thực tế.Tôi cười: thế mà hay, ngày trước cây bút phóng sự nổi tiếng Vũ Trọng Phụng đã từng làm phu kéo xe để viết thiên phóng sự nổi tiếng “Tôi đi kéo xe”. Sau  đó, tôi có nghe nhà thơ Lê Thành Nghị, người được mời vào hội đồng chấm thi vào Trường viết văn Nguyễn Du cho biết: Ngọc Vượng đạt điểm rất cao, nhưng không biết cậu ấy có ra học không. Tôi tin có một nhà thơ tên tuổi đó là Phạm Ngọc Cảnh rất mong Vượng đi học viết văn. Cũng chính nhà thơ người con quê Đại Nài thành phố Hà Tĩnh mà tôi thường gọi là “Chú Cảnh” đã khuyên tôi thi vào viết văn Nguyễn Du khóa 5. Khi đó tôi mới học xong học viện KTQS khoa chế tạo máy, đã ra quân đi sữa máy cho dân chài làng tôi. Chú Cảnh nói: “Số phận đã đẩy cháu ra tận biển rồi không còn đường quay lại nữa đâu nếu không mở ra một bến đậu mới và làm lại neo, đó là văn chương”. Và sau này tôi có nghe Ngọc Vượng kể: Chính nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh là người phát hiện ra năng khiếu thơ của anh, động viên anh mở ra con đường thơ nhiều sáng tạo không lặp lại giọng điệu người khác. Nhiều lần nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh về Hà Tĩnh thăm quê nhưng ông không ở khách sạn mà ở nhà Vượng. Hai người cùng trải chiếu xuống nền nhà nằm nói chuyện thơ cả đêm vì nhà chỉ có cái chạn dành riêng cho các cháu ngủ còn phía dưới là không gian quán cho thực khách. Tôi đã nhiều đêm trải chiếu ngủ trên nền nhà với Vượng vì từ quê lên từ chiều để sáng mai ra bến xe đi Hà Nội sớm. Tôi cũng hiểu vì sao có hai người Vượng thân thiết xem như là bố mình đó là nhà văn Văn Linh tác giả tiểu thuyết “Mùa hoa dẻ” nổi tiếng cũng quê Đại Nài và người thứ hai là nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh. Có một điều trùng hợp ngẫu nhiên là nhà thơ Phạm Ngọc Cảnh cùng năm sinh với bố Vượng và nhà văn Văn Linh cùng năm sinh với mẹ Vượng. Họ đều là bạn học với nhau thủa thiếu thời. Sau đó tiếc thay ước mơ đi học trường Nguyễn Du của Ngọc Vượng không thành vì hoàn cảnh gia đình nên anh đành ngậm ngùi giấu tờ giấy báo của trường viết văn Nguyễn Du xem như một kỷ niệm cuộc đời. Nhưng Ngọc Vượng đâu dễ dàng bỏ cuộc với hành trình đến với con chữ. Anh đã thu xếp việc nhà học tại chức đại học báo chí và đầu quân cho báo “Lao động và xã hội” thường trú ở Hà Tĩnh. Lần này tôi lại nhận ra một năng khiếu nổi trội lâu nay tiềm ẩn bây giờ mới phát lộ đúng như dự cảm, ước vọng trong thơ anh.

Tác giả và Nguyễn Ngọc Vượng ở Hội báo xuân Kỷ Hợi

        Ngọc Vượng viết báo giỏi, có giọng điệu riêng. Cái tên Nguyễn Ngọc Vượng gắn liền với các bút ký phóng sự nóng hổi in trên báo văn nghệ đã định danh anh là một nhà báo xông xáo, viết báo rất có chất văn, hấp dẫn mê dụ người đọc, trong một mê lộ của đắm đuối thi ca biến những con số khô khan thành lung linh thuyết phục. Anh đã sống được và sống đàng hoàng với nghề báo! Gần 10 năm lại đây quán lẩu của nhà anh đóng cửa nhường đất lại cho người anh ruột là nhạc sỹ Ngọc Thịnh làm nhà, còn anh xây nhà mới trên mảnh đất mà bố mẹ anh để lại. Ngôi nhà ba tầng khang trang với nhiều nội thất bằng gỗ thơm hương rừng sáng bóng. Và chị Xuân lên chức bà bế cháu thảnh thơi. Sóng gió của thời gian khó vật lộn mưu sinh đã qua. Con thuyền đưa anh vượt qua bão tố để bây giờ thành cánh võng bình yên… Ngọc Vượng với con xe mới tậu, anh lại lên đường đến những địa danh mới. Ở đó có những số phận con người, những cảnh ngộ đáng thương, những bi kịch cuộc đời éo le. Và con tim nhiều dự cảm, đa cảm của một nhà thơ lại đập rung lên những tần số yêu thương cảm thông để anh được viết được giải bày hết lòng đấu tranh vì lẽ phải. Và Ngọc Vượng vẫn làm thơ, tuy có ít hơn nhưng thơ lại thêm nhiều chiêm nghiệm sống, từng trải. Có đắng đót, có trở trăn, có bi ai, nhưng vượt lên vẫn là tiếng nói đồng vọng như một nốt trầm trắc ẩn. Bởi thẳm sâu trong anh là cái chất thi sĩ như bài thơ “Dự cảm tháng giêng” mà tôi thấy anh hay đọc ở các cuộc giao lưu. Một giọng thơ trầm buồn mà vang vọng, day dứt, thổn thức: “Tạt qua tháng giêng tổ tiên anh lần về tràng hạt - Anh men theo tháng giêng sức vóc sông Cụt, núi Nài”. Thơ anh đã đi vào cõi lòng, cõi người với hồn vía đất đai. Đó là trầm tích phù sa, là những dự cảm lấp lánh, hé lộ một Nguyễn Ngọc Vượng nhà báo - thi sĩ. Anh sống đúng mình, thẳng thắn, chân tình và cũng nhiều mộng mơ. Anh là người có nhiều linh cảm, hướng thiện về một cõi Phật mà anh đã “hành đạo” trong cuộc đời thực của mình với những trang viết bằng căn cốt của tình người.

         Tôi lại hình dung ra một Nguyễn Ngọc Vượng có một chiều cô đơn bước đi lửng thửng trên bờ cát mũi Đao: “Biển chiều nay có một người vốc tay vào cát - Rồi tung lên giữa cõi vô cùng - Hoàng hôn dần trôi vào mông lung” (Chiều mũi Đao). Đường đời, đường thơ, nghiệp văn, nghề báo nhiều bí ẩn đang mở ra cái cõi “mông lung” có sức hút từ trường rất mạnh để Ngọc Vượng “vững bước”, mặc dù có lúc không thiếu cái cảm giác như trong thơ Cao Bá Quát: “Đi một bước tưởng lùi một bước”. Bởi anh là người khiêm nhường, biết mình, biết người như trong bài thơ “Lời tạ” anh viết : “Xin cảm ơn khí chất tôn nghiêm vũ trụ - Cho tôi hạnh phúc riêng, nỗi đau riêng - Và niềm kiêu hãnh …”

                                                         Hà Tĩnh, ngày 22 tháng 7 năm 2019

                                                                                                N.N.P

. . . . .
Loading the player...