22-11-2019 - 10:29

Nguyễn Phan Chánh - Người lưu giữ hồn quê

Nhân 35 năm ngày mất của Danh họa Nguyễn Phan Chánh (22/11/1984 - 22/11/2019). Tạp chí Hồng Lĩnh số 159 giới thiệu bài viết "Nguyễn Phan Chánh - Người lưu giữ hồn quê" của Họa sĩ Lê Anh Tuấn

 

        Danh họa Nguyễn Phan Chánh trong lời tự bạch đã viết: “Tình người trong nghệ thuật của tôi đã tạo nên niềm cảm thông giữa tôi và bè bạn trong nước cũng như ngoài nước…”. Người đời hiểu ông chính là ở cái tình, yêu ông bởi cũng bởi cái tình, mà con người ta sống không có tình thì cuộc đời buồn chán biết bao. Tình người đã giúp ông vượt qua giông bão của cuộc đời. Và cái tình ấy đã tạo dựng một thương hiệu Lụa Phan Chánh.

        Danh họa Phan Chánh là một người con ưu tú, mẫn tiệp của Hà Tĩnh. Ông sinh vào ngày 21 tháng 7 năm 1892, tuổi Nhâm Thìn, mất vào ngày 22 tháng 11 năm 1984, hưởng thọ 92 tuổi. Với tuổi Nhâm Thìn, ông được “làm vua” mới phải, vì Nhâm thì biến vi vương, mà ông làm vua thật: “Vua vẽ lụa”. Trong suốt gần một trăm năm ông sống bình dị (kể cả khi đã là một họa sỹ lớn), không oai như Trần Văn Cẩn, Tô Ngọc Vân, không cá tính như Nguyễn Sáng, Dương Bích Liên, không cường mạnh như Gioese Khánh, Vũ Cao Đàm… Ông là người nông dân có học, sống bình dị, tiệm ngôn, tiệm giao, tiệm thói… suốt một cuộc đời cầm bút vẽ không thay nghề, đổi nghiệp, chân chỉ hạt bột với điều mình yêu, mình hiểu. Thế rồi tranh lụa của ông đã trở thành niềm tự hào của cả dân tộc. Ông vẽ không lạm dụng kỹ thuật, không phô diễn tài năng, không phô thể, bóp hình, nó thật sự chân tình, thủ thỉ, giản dị như một lời tâm sự, cái tình người, tình đời đã bước vào tình nghệ thuật trong sáng tạo của ông. Thì ra ông vẽ cho mọi người, cho dân tộc chứ đâu phải cho riêng mình, vì vậy tranh của ông ai cũng có thể nhận ra mình trong đó, đâu cũng thấy na ná như quê mình, nhà mình, ngõ mình…

Tiên Dung và Chữ Đồng Tử - Tranh lụa: Nguyễn Phan Chánh

        Ba mươi nhăm năm ra đi vào cõi vĩnh hằng, niên đại lụa Phan Chánh vẫn sáng mãi trong lịch sử trong lịch sử mỹ thuật Việt Nam, giới mỹ thuật cả nước không quên được ông, lại càng không quên được lụa Phan Chánh. Hậu duệ của ông thì đông mà nhìn đi ngó lại chưa ai theo được ông… Tình trong tranh Phan Chánh cứ thông thả bước ra từ lụa, nó kỳ ảo như có phép thần mà dung dị bình dân như cảnh và người Hà Tĩnh. Cái thần như đếm khiến cảm nhận của người sáng tạo và người hưởng thụ quyện vào nhau như một thể thống nhất, khác với cách làm của những họa sỹ cùng thời với ông như Mai Trung Thứ, Lê Phổ, Lê Thị Lựu… Cũng là tranh lụa, của Phan Chánh cứ như nằm trong tấm lụa, còn lụa của các họa sỹ khác thì thảy đều nằm trên mặt lụa, thì ra hễ là tình thì sâu kín còn tài thì phát tiết ra ngoài cả.

        Ông học trường Tây, được trang bị một phương pháp sáng tạo khoa học, ấy nhưng mà với Phan Chánh cái vốn ấy khi đưa vào lụa của ông thì chẳng hiểu sao nó biến đâu hết, bao nhiêu là luật viễn cận, là giải phẫu, là chuyển sắc, bố cục này nọ với ông chỉ để mà biết vậy thôi, chưa đưa vào tranh thì ông “quên khuấy mất”. Tranh lụa của ông đẹp về màu, về hình, về bố cục, hiện đại về cách nhìn, nhưng nó thuần Việt. Ấy vậy mà nào ai thấy chạm khắc đình, chùa, nào ai thấy tranh dân gian Hàng Trống, Đông Hồ, Làng Sình trong tranh ông, đó là điều chỉ Phan Chánh làm được.

        Quê hương Hà Tĩnh sinh ra ông, cho ông mang đi tất cả tình người, tình quê thâm hậu và quyến rũ, trang trải cho ông sống giữa đời thường, đời lụa… Sống giữa đô thành mà quê hương, con người xứ Nghệ vẫn hiện hữu, tự hào bước vào tranh ông chẳng chỉ ở trong nước mà cả Âu Mỹ cũng phải nể trọng. Tranh của ông đã nâng cao cái giá trị nhân bản của người Việt, nâng cao cái đẳng cấp Việt nam trước con mắt thế giới… Những Thôn nữ hái rau, Rửa rau cầu ao. Chơi ô ăn quan, Trăng lu, Trăng tỏ… đó mới là hồn Việt, mà chỉ có Phan Chánh mới làm được. Trong “Phiên chợ” giữa thủ đô nước Pháp, chính ông hiệu trưởng Trường Cao Đẳng Mỹ thuật Đông Dương Victor Tardieu (người thầy dạy của Nguyễn Phan Chánh), trong cuộc đấu xảo thuộc địa ở Pháp đã gửi thư báo tin vui cho người học trò của mình về thành công tốt đẹp tại hội chợ ở Pari:

        “… Tôi rất sung sướng báo với anh rằng những bức tranh lụa của anh rất được ngưỡng mộ và bốn trong số những bức tranh ấy đã bán được… Tôi gửi tới anh hàng ngàn lời chúc mừng anh và gia đình. Hãy tiếp tục vẽ nhiều tranh lụa thật đẹp, đó là con đường thành công.

                    Hãy cố gắng

                    Rất thân mến

                    Victor Tardieu

                                             Pari ngày 24 tháng 5 năm 1931”

        Khác biệt lớn nhất của Danh họa Nguyễn Phan Chánh chính là ở chỗ: ông tự mở cho mình con đường đi riêng vừa hẹp, vừa gồ ghề không thuận lợi ở cả hai lĩnh vực: truyền thống và hiện đại. Ông đã chậm rãi đi từng bước vững chắc, càng đi, càng cao, càng xa, và con đường ông đi đã tới đích, vừa sớm (Chơi ô ăn quan), vừa muộn: “Lội suối”, “Kiều tắm”, “Tiên Dung tắm”, “Tiên Dung và Chữ Đồng Tử”. Và mươi năm cuối đời (1974-1984), ông gác bút, thong thả nhìn lại chặng đường làm nghệ thuật của mình, ông tự cảm: “Ai có thể nói chắc rằng một bức lụa dù đẹp đến đâu có thể tồn tại mãi. Màu sắc tươi tắn đến mấy rồi cũng phai. Nét vẽ dù đẹp đến mấy cũng không thể giữ mãi. Cái còn lại mãi với thời gian là tình người…”. Ông độc thoại với chính mình trong tranh lụa của ông, chẳng có Tây, Tàu, Nhật, Mỹ nào cám dỗ được ông, để rồi cái tình ấy hóa thân vào người, vào cảnh trong kiệt tác của ông suốt cả cuộc đời gần một thế kỷ.

        Danh họa Nguyễn Phan Chánh còn sống mãi, sự ra đi của danh họa chỉ làm chúng ta nhung nhớ vô vàn. Gần vượt thế kỷ ở Hà Tĩnh, tôi chân kính Danh họa Nguyễn Phan Chánh, một nghệ sỹ có bản lĩnh, một người khổng lồ tự nhấc mình lên khỏi mặt đất không cần một ngoại lực nào. Tôi xin mượn lời nhận xét của họa sỹ Châu Âu, David Thomas thay cho lời kết của bài viết này: “Là một thành viên đầu tiên tốt nghiệp trường Cao Đẳng mỹ thuật Đông Dương, tác động của Chánh không chỉ đối với nghệ thuật của các bạn cùng lớp ông, mà còn ảnh hưởng lớn đến cả VĂN HÓA VIỆT NAM. Các bức tranh của ông là một phần của tài sản quốc gia và đang được các họa sỹ Việt Nam nghiên cứu trên mọi phương diện”.

         Hà Tĩnh, đêm 23/10/2019

                                                                                                  L.A.T

 

. . . . .
Loading the player...