21-06-2019 - 07:12

Nhà báo viết văn, nhà văn làm báo

Tạp chí Hồng Lĩnh số 154 giới thiệu bài viết "Nhà báo viết văn, nhà văn làm báo" của Nhà lý luận phê bình Văn Giá

      Tôi là người may mắn được tham gia đào tạo sinh viên hai ngành: Viết văn và làm báo trong suốt mấy chục năm qua, và trên thực tế cũng được mang danh hai nhà: nhà văn và nhà báo. Khi ra trường, các sinh viên của tôi đã trở thành những người viết, những người làm nghề, tham gia vào đội quân chữ nghĩa của nước nhà (sau này họ có trở thành những nhà văn, nhà báo đúng nghĩa với danh xưng ấy hay không còn phụ thuộc vào tài năng và sự khổ luyện nữa).
     Trong quá trình lên lớp, nhiều câu hỏi từ phía sinh viên được đặt ra. Thí dụ: Vẫn thấy không ít các nhà báo không học ngành báo chí ngày nào mà họ vẫn làm báo, vẫn trở thành nhà báo giỏi? Hai hoạt động viết văn và làm báo có hỗ trợ nhau không hay triệt tiêu nhau? Điểm khác biệt quan trọng nhất giữa những người được đào tạo báo chí và những người làm báo không được đào tạo là gì?...
Thì ra, những câu hỏi này để trả lời được cho ngọn ngành cũng không hẳn dễ dàng.
    Có một quan sát cho thấy từ giai đoạn khởi thủy cho đến 1945, trong nền báo chí Việt Nam, đội ngũ những người làm báo, hầu hết họ đồng thời cũng là các nhà văn, hoặc các nhà văn hóa. Kể từ thời cụ Trương Vĩnh Ký trở đi, qua Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, rồi đến những tên tuổi lớn trong làng báo Việt Nam như Vũ Đình Chí, Vũ Trọng Phụng, Ngô Tất Tố, Vũ Bằng và rất nhiều người khác, đều cùng lúc “song kiếm hợp bích” báo chí và văn chương cả, và cả hai lĩnh vực đều nổi tiếng. Vũ Trọng Phụng trở thành “Ông vua phóng sự đất Bắc”, Vũ Bằng là “một nhà báo kiệt hiệt” (Tô Hoài); Ngô Tất Tố một cây bình bút gốc xuất thân Nho học mà không thua kém bất cứ nhà báo Tây học nào…Các nhóm văn chương, báo chí, xuất bản lúc bấy giờ như Tự Lực văn đoàn, Nhà Tân Dân…đều cùng một lúc làm báo viết văn song toàn cả.
Sau này, bước vào nền báo chí cách mạng trước 1975, ở miền Bắc, ngoài một cơ sở đào tạo báo chí duy nhất là Trường tuyên huấn TƯ (nay là Học viện BC và TT), thêm hai nơi bổ nữa đã bổ sung đông đảo các cây bút làm báo chí đó là Khoa Văn ĐH Tổng hợp và khoa Văn ĐH Sư phạm. 
Ngày đó, sự khăng khít giữa báo chí và văn chương gắn bó đến nỗi có người gọi là nền báo chí “Văn báo bất phân”. Điều này không chỉ được thể hiện trong đội ngũ những người làm báo, mà còn thể hiện ngay trong cách tác nghiệp, trong cấu trúc, ngôn ngữ, giọng điệu của mỗi bài báo. Tình trạng này kéo dài cho tới những năm đầu thế kỷ XXI mới bắt đầu dần thay đổi.
Tôi có nói với sinh viên của tôi: các bạn không nên nghĩ như ai đó cho rằng nếu theo con đường sáng tác văn chương mà viết báo thì sẽ làm hỏng ngòi bút văn chương. Nghĩ thế là nghĩ hẹp. Bao nhiêu các tên tuổi lớn trên thế giới cũng như trong nước, họ đã chứng minh ngược lại định kiến này. Họ đều là những nhà báo lớn, đồng thời là những nhà văn xuất sắc. Ngay trong đời sống báo chí, văn chương ngày hôm nay, cũng dễ dàng tìm ra không ít các trường hợp họ đều tung hoành trên cả hai lĩnh vực này, và đã rất thành công.
     Nhìn từ phía viết văn, nghề báo chí giúp cho người làm văn chương có một cảm quan hiện thực bén nhạy, tinh tế; một sự dấn thân mạnh mẽ, một vốn liếng ngôn từ sống động, cập nhật, hiện đại, một tinh thần trẻ và năng động. Nhìn từ phía những người làm nghề báo chí, năng lực văn chương giúp cho người làm báo một kỷ luật ngôn ngữ cao độ, một khả năng liên tưởng dồi dào, một lối viết biến hóa và linh hoạt, một ý thức về cái tôi/phong cách của người cầm bút thường trực, nhất là khát vọng sáng tạo những tác phẩm có sức sống lâu bền với cuộc đời. Vậy là hai lĩnh vực báo chí và căn chương không hề loại trừ nhau, chỉ có hỗ trợ lẫn nhau, tôn vinh và làm giàu có cho nhau mà thôi. Trong nghề báo, ai có năng khiếu văn chương, họ sẽ tìm đến những đề tài, thể loại có khả năng phát huy hết thế mạnh ở họ, thí dụ như phóng sự chân dung, tản văn, ghi nhanh…chẳng hạn. Còn nếu ai đó ông Trời không cho năng khiếu văn chương, họ lại xông vào các đề tài, thể loại thông tấn mạnh về tính vấn đề, thông tin, chi tiết…Cho nên, văn chương có ý nghĩa bổ trợ cho nghề báo chứ không phải là điều kiện bắt buộc. Sinh thời, nhà văn Tô Hoài có kể rằng để viết được tiểu thuyết “Tuổi trẻ Hoàng Văn Thụ”, ông phải đi điền dã thực tế 8 tháng. Khi về ông viết gần chục bài báo trước đã, sau rồi ông mới ngồi viết tiểu thuyết. Ông bảo, với ông không nên có sự phân biệt giữa ký báo chí và ký văn học, vẫn chất liệu ấy, khi cần thì tôi viết báo, lúc khác tôi lại viết văn, miễn là phải hiểu được đặc trưng của mỗi loại hình; chứ tránh viết báo ra văn và viết văn ra báo.
      Bây giờ tình hình có khác đôi chút. Có thể nói, khoảng từ năm 2000 đến nay, nền báo chí Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng, loại hình lẫn chất lượng theo đà phát triển và hội nhập với nền báo chí và truyền thông quốc tế, trong bối cảnh internet và công nghệ kỹ thuật số toàn cầu. Chính vì thế, báo chí dần dần tách ra mạnh mẽ thành một lĩnh vực độc lập, đặc thù, với những yêu cầu và đòi hỏi riêng, đến nỗi các thế hệ làm báo trước đây giảm dần, không ít người cảm thấy “hụt hơi”, không theo kịp, và nếu muốn theo kịp cần phải học/tự học công nghệ làm báo hiện đại.
    Tuy nhiên báo chí hiện đại không đào thải văn chương, mà vẫn sử dụng văn chương và tích hợp văn chương theo cách khác so với trước kia, theo đó người văn muốn làm báo và tác phẩm văn chương trên báo cũng lại đòi hỏi khác (không loại trừ cả báo văn chương chuyên biệt).
Người viết văn mà đi làm báo hôm nay, họ đang tự làm mới mình bằng công nghệ, bằng ý thức nhập cuộc với một tinh thần công dân cao, bằng cả lối viết tốc độ, năng động, biến hóa đầy cá tính. Người làm báo hôm nay muốn kiêm thêm viết văn, cũng lại phải biết các xu hướng/lý thuyết văn chương hiện thời trong nước/ thế giới đang thế nào và nhất là bạn đọc cần gì, xã hội cần gì?...
Tôi hoàn toàn có thể dẫn ra những tên tuổi đáng nể trong hoạt động văn chương, báo chí hiện nay cùng một lúc, họ đảm nhiệm tốt vai trò của một nhà văn đồng thời là nhà báo. Nhưng hãy cho phép tôi xin “khoe” vài trường hợp được đào tạo từ khoa Viết văn - Báo chí của tôi khoảng mươi năm trở lại đây (K7 trở đi), giờ họ đã trưởng thành. Vốn là họ được đào tạo ngành viết văn, ngoài việc họ đang là những nhà văn sung sức, có đóng góp cho nền văn học trẻ nước nhà, họ còn là những nhà báo chững chạc, lành nghề, đó là những gương mặt: Nguyễn Thế Hùng, Đỗ Tiến Thụy, Đinh Ngọc Hùng, Đoàn Văn Mật, Hoàng Chiến Thắng, Khúc Hồng Thiện, Lữ Thị Mai, Du Nguyên, Đinh Phương, Vũ Thị Kim Nhung, và nhiều gương mặt khác. 
    Nhà báo viết văn, nhà văn viết/làm báo cũng là chuyện chẳng phải lạ lẫm gì. Tuy nhiên, muôn đời vẫn thế, sản phẩm cuối cùng là các tác phẩm của mỗi người viết vẫn cứ phải văn ra văn và báo ra báo. 


                                                                                           Tháng 6/2019
                                                                                                     VG

. . . . .
Loading the player...