Văn nghệ Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu chân dung Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú sinh năm 1959, quê quán Thạch Kim - Lộc Hà - Hà Tĩnh, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, được rút từ tập sách "Những gương mặt nhà văn Hà Tĩnh".
Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú
- Họ và tên: Nguyễn Ngọc Phú
- Sinh ngày 26/3/1959
- Nơi sinh: Xã Thạch Kim - Huyện Lộc Hà - Tĩnh Hà Tĩnh
Năm vào Hội Nhà văn: 2000
- Chuyên ngành: Thơ
* Quá trình công tác:
- Học xong phổ thông đi bộ đội, sau đó học Học Viện kỹ thuật quân sự - Ra quân học Trường Viết văn Nguyễn Du (Khóa 5)
- Về công tác tại Hội Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh: Làm Biên tập viên, Phó Tổng biên tập, Tổng biên tập Tạp chí Hồng Lĩnh - Phó Chủ tịch Hội VHNT Hà Tĩnh đến lúc nghỉ hưu (Tháng 4-2019)
* Tác phẩm xuất bản;
1 - Đám mây màu vảy cá (Tập thơ - NXB Lao Động năm 1995)
2 - Giấc mơ lưới (Tập thơ - NXB Văn Hóa năm 1998)
3 - Hoàng hôn độc bình (Tập thơ - Hội VHNT Hà Tĩnh năm 2002)
4 - Ngã ba Đồng Lộc (Trường ca - NXB Hội Nhà văn 1997)
5 - Mùa Chim (Tập thơ Thiếu nhi - NXB Hội Nhà văn năm 2012)
6 - Nghiệp biển (Tập truyện ngắn và bút ký - NXB Quân đội Nhân dân năm 2013)
7 - Thưa thầy (Tập bình thơ - NXB Thanh niên năm 2014)
8 - Biển và Tôi (Tập thơ - NXB Hội Nhà văn năm 2017)
9 - Con đương thức (Thơ và trường ca - NXB Hội Nhà văn năm 2017)
* Giải thưởng Văn hoc:
1 - Giải thưởng cuộc thi thơ Báo Văn nghệ năm 1995
2 - Tăng thưởng Ủy ban LHVHNT Việt Nam năm 1998 cho tập “Giấc mơ lưới”
3 - Giải thưởng cuộc thi Viết cho Thiếu nhi của Hội Nhà văn Việt Nam và Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc năm 2002
4 - Giải Nhì Cuộc thi “Đây biển Việt Nam” của Hội Nhà văn Việt Nam và báo Vietnam.net năm 2015
5 - Giải Nhì cuộc thi viết về “Giao thông vận tải” của Hội Nhà văn Việt Nam và Bộ Giao thông Vận tải năm 2017
Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài viết “Sóng muốn đến vô cùng bắt đầu từ một chấm” Lê Thành Nghị được rút từ tuyển sách “Những gương mặt” Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tại Hà Tĩnh, Nxb Hội Nhà văn, 2019.
SÓNG MUỐN ĐẾN VÔ CÙNG BẮT ĐẦU TỪ MỘT CHẤM
Sinh ra không phải ai cũng chọn được nghề sang, nhưng ai cũng có quyền phấn đấu để sang vì nghề. Thơ là một nghề không biết có sang hay không, vì khi nói nghề sang, thì mặc nhiên nghề ấy phải đảm bảo được nhiều mặt đối với người làm nghề. Thơ không đảm bảo được nhiều mặt cuộc sống của người làm thơ, nhưng tôi dám chắc làm thơ là một việc cao quý. Bởi vì, ai cũng phải tự đi trên khả năng của mình, như thể một vòng sóng sẽ lan đến vô cùng bắt đầu từ một chấm nhỏ trên mặt nước. Bởi vì, làm thơ là để tâm hồn mình tự hát lên lời ca ngợi niềm vui và nỗi đau của con người trên thế gian không vụ lợi, không điều kiện. Mỗi nhà thơ, tài năng khác nhau, nhưng đều chung một đích đến. Đó là yêu cái đẹp.
Tôi đọc thơ Nguyễn Ngọc Phú với những ấn tượng sâu sắc, trước hết là về nghề thơ. Nguyễn Ngọc Phú là một người mê đắm thơ ca. Cái đẹp của ngôn từ đầy sức quyến rũ đã mê dụ anh từ bỏ nghề đã được đào tạo “kiếm cơm”, để đến với cái nghề không dễ “kiếm cơm” là thơ ca. Có người nói, ai có một chút máu me thơ ca trong tâm hồn, sớm muộn đều cũng quay về với chữ nghĩa. Cũng lại nói, không hề có bất cứ một thí dụ nào cho những ai đã làm thơ mà có thể bỏ thơ được, trừ phi sức khỏe không cho phép và cạn kiệt niềm tin yêu cuộc sống. Nguyễn Ngọc Phú cũng là một cây bút “máu me” quên mình vì thơ như vậy. Tôi đã có đôi lần nghe/ xem Phú trình diễn thơ. Với những ai đó thì gọi là đọc thơ, ngâm thơ, còn với Phú quả là “trình diễn thơ”. Anh muốn mọi người phải cảm nhận được những xúc động tận sâu trong tâm hồn minh qua những câu thơ gan ruột. Những khi ấy, ngôn ngữ thơ chỉ đóng vai trò tạo âm hưởng, ngôn ngữ cơ thể (bodylanguage) mới giữ vai trò biểu hiện. Nhà thơ làm chủ sân khấu và kéo mọi người vào “từ trường” thẫm mỹ đang giăng mắc vây bủa của những câu thơ, nhất là những câu thơ anh viết về biển, có sóng, có cá, có lưới… Thơ anh vì vậy để lại ấn tượng “khó gỡ” trong ký ức của những ai đã một lần gặp anh trong những sàn diễn như vậy.
Ấn tượng thứ hai, sau khi đọc thơ Nguyễn Ngọc Phú là không gian nghệ thuật rất phù hợp mà Nguyễn Ngọc Phú đã sớm chọn cho mình. Đó là không gian biển. Nguyễn Ngọc Phú quê ở làng Kim Đôi, sát bờ biển xã Thạch Kim, hẳn nhiên biển là một ám thị trong tiềm thức, nơi cất chứa, lắng đọng tận đáy những sa khoáng của tâm hồn, nơi từ đó xuất hiện những âm tiết đầu tiên của vần và nhịp điệu, nơi bắt đầu của những tứ thơ. Điều đó cắt nghĩa vì sao Phú hay viết về biển, cũng cắt nghĩa vì sao đậm đặc trong câu chữ của thơ Nguyễn Ngọc Phú là những ngôn từ xoay quanh không gian biển. Viết văn, làm thơ thì nhiều, nhưng viết văn, làm thơ để người ta nhớ thơ văn ấy là của người ấy, là của vùng đất ấy thì không phải nhiều. T. Aitmatop chọn thảo nguyên trung Á, R. Gamzatop chọn vùng núi Đaghetxtan…, rồi Y Phương chọn vùng núi đá Cao Bằng, Hoàng Cầm chọn vùng quan họ Kinh bắc, Xuân Quỳnh gắn bó với vùng gió Lào cát trắng, Phạm Tiến Duật không ra khỏi Trường Sơn… Vì vậy, Nguyễn Ngọc Phú chọn biển cũng là điều dễ hiểu. Đấy là đề tài, một sự lựa chọn cần thiết của sáng tạo nghệ thuật.
Nhưng với văn chương, đề tài chưa nói lên gì nhiều. Đề tài chỉ là cái để từ đó biểu hiện con người thi sỹ. Hãy xem Nguyễn Ngọc Phú nói gì trước biển.
Cánh võng đầu tiên ru tôi
Là mảnh lưới cha tôi cắt ra từ tấm lưới dính đầy vẩy cá
Trong giấc mơ tôi không có tiếng côn trùng
Tiếng cá quẫy khuấy vào tôi tăm sóng
Như vậy là từ trong nôi Nguyễn Ngọc Phú đã gắn bó với biển. Tâm thức biển cũng bắt đầu từ đây, từ cái mùi đặc trưng của biển trên tấm lưới “dính đầy vẩy cá”, từ âm thanh của biển trong “tiếng cá quẫy”, và từ sự khuấy động tâm can của người viết qua “tăm sóng”. Biển với Nguyễn Ngọc Phú không phải là thực thể ngắm từ xa, mà là chỗ thoát thai (Biển đã ngự trị anh như một sự đầu thai), mà là nơi lắng đọng (Tôi rấm nỗi buồn mình xuống cát/ Muối chưa ướp hết ngày/ Buồn không che kín ngực), như thể trong cái vỏ ốc kia ta nghe được cả tiếng dội của sóng (Hình như con sóng…/ Lan vào từng tế bào anh)!
Tôi chú ý một câu thơ khá ấn tượng trong trường ca Biển và tôi… của Nguyễn Ngọc Phú:
Anh đã nháp nửa đời anh lên cát
Ta liệm thời gian bằng gấu váy buồn của những con sóng
Bỏ qua một chút cầu kỳ của ngôn từ mà câu thơ gợi ra, có thể nhận thấy “mùi biển” đã ngấm trong tâm tư một người luống tuổi. “Nháp nửa đời…lên cát” là một ý thơ khá sâu. Nó cho thấy đại từ nhân xưng “Anh” ở đây đã qua nhiều dập xóa, nó cho thấy sự mong manh của tồn tại “nháp lên cát”. Nghĩa là nửa cuộc đời kia có thể đã từng được viết lên rồi lại bị xóa đi bất cứ lúc nào, như vết “liệm thời gian” của đám đã tràng kia, nhọc nhằn và vô nghĩa sau bao lớp sóng. Như vậy, biển không chỉ là cái nôi ru thuở đầu đời, biển cũng đã chôn vùi, xóa đi những ngày tháng gian nan như cái giá phải trả cho sự làm người: Ta niêm phong lá buồm thời con gái/ Ta gác mái chèo gẫy qua một thời trai. Đấy, nói thơ là nơi để chủ thể biểu hiện con người tư tưởng và tình cảm của họ là thế. Không phải miêu tả mà là biểu hiện, hoặc miêu tả để biểu hiện. Trong câu thơ trên, Nguyễn Ngọc Phú không “cốt” miêu tả mà là “cốt” biểu hiện. Điều ta lĩnh hội ở đây không phải là “không gian biển” mà là những phận đời gắn với biển qua ngôn ngữ của một ngòi bút suy nghiệm.
Nguyễn Ngọc Phú có những câu thơ viết về những người thân sinh ra anh rất riêng. Riêng không chỉ vì họ suốt đời gắn với biển, mà riêng là vì họ gắn với biển cơ cực, cô đơn. Cô đơn trên cạn đã là cô đơn, cô đơn trên mênh mông của đại dương thì không chỉ cô đơn, mà là phận người mong manh. Mong manh không chỉ là thân phận người ngoài xa khơi, mong manh còn là phận nghèo của người quanh năm “buôn bán ở mom sông”, đắp đổi qua tháng ngày gian nan:
Cha đang một mình chèo chống ở ngoài khơi
Mẹ đong biển vơi đầy miệng thúng
Nửa xõa xuống giờ, nửa xõa vào xưa
Chiếc đòn gánh mẹ xoắn theo thớ gió
Sấp ngửa đi dọc lát sóng cuối mùa
(Biến tấu biển)
Có những câu thơ váng vất buồn như vậy là vì đã bao lần người viết chứng kiến: Chiếc thuyền nan úp mặt vào ngơ ngác/ vỏ cau khô như tiếc một thời trầu. Có thể thấy được “gan ruột” của ngòi bút qua những câu thơ chiêm nghiệm, qua những liên tưởng mơ hồ: “thuyền nan úp mặt vào ngơ ngác”, qua những so sánh gợi cảm: “cau khô như tiếc một thờ trầu”. Làm thơ như vậy là đã vượt qua sự dễ dãi vậy!
Từ “không gian biển” đầy hoài niệm tuổi thơ, Nguyễn Ngọc Phú đến với biển theo dấu vết bi tráng của “con tàu không số” trong bài thơ dài Con đường thức. Ở đây, sự liên tưởng đã xa rộng hơn, sự quan tâm của ngòi bút cũng bao quát hơn, con người tác giả cũng muốn vươn đến một tầm tư tưởng sâu sắc hơn. Nguyễn Ngọc Phú muốn dựng lại một thời kỳ với những chiến tích anh hùng sẵn sàng hy sinh vì nghĩa lớn, chuyển đạn vào chiến trường những năm chiến tranh ác liệt, chi viện cho chiến trường của những con người quả cảm. Thế mạnh của một người hiểu biển, yêu biển đã giúp Nguyễn Ngọc Phú có một sự “liền mạch” trong cảm xúc về một để tài lớn. Con đường thức có những câu thơ khỏe, gân guốc và bi tráng:
Những thủy thủ đường mòn trên biển
Quá một bước be thuyền là chạm vào cái chết
Biển sẵn sàng nuốt chửng đời anh.
Rồi để lại
Li ti bọt sóng
Rồi để lại
Một góc khoang tàu rỗng
Để lại một tên người
Gạch chéo
Dấu nhân…
Nước biển sóng sánh mềm
Nhưng làm sao uống được
Con tàu như con cào cào trên quả cầu nước biển màu luyn
(Con đường thức)
Biển là một mảng sâu đậm trong sáng tác của Nguyễn Ngọc Phú. Nhưng thơ anh còn vượt qua “không gian biển” để đến với những lĩnh vực đáng quan tâm khác. Trường ca Ngã ba Đồng Lộc viết về một đề tài chiến tranh tại một vùng đất nổi tiếng ác liệt. Khó khăn của người viết là đề tài cũ, đã nhiều cây bút khai thác. Mặt khác, trường ca là thể loại rất cần không khí của thời cuộc. Nguyễn Ngọc Phú hoàn thành trường ca Ngã ba Đồng Lộc năm 2006, khi tâm thế của con người không còn gần những vang vọng của bom đạn chiến tranh. Cho nên, chẳng có gì ngạc nhiên khi anh tâm sự về khó khăn những dòng khai bút đầu tiên của trường ca. Nhưng Nguyễn Ngọc Phú là cây bút nồng nhiệt. Khi đã tìm được “vỉa”, anh như tìm được nguồn, cứ thế “khoan” mãi vào vỉa quặng, và khi ngước lên đã thấy ắp đầy những câu chữ. Mở đầu bằng những khúc “tự sự” gián cách khá độc đáo, câu thơ như muốn thật khách quan, nói lên tâm trạng của chủ thể thẫm mỹ, như một lối nhập đề, làm nhiệm vụ dắt dẫn vào một không gian cụ thể. Tiếp đến là những liên tưởng: Hoa mua tím trong bom đạn, Trẻ em trong chiến tranh, Áo thanh niên xung phong, Ngã ba Đồng Lộc mùa hè đỏ lửa 1968, rồi đến chương trọng tâm Hy sinh…Không có gì khác với trường ca truyền thống, khác chăng là ngòi bút Nguyễn Ngọc Phú nồng nhiệt, liền mạch, đan xen cảm xúc và suy nghĩ, miêu tả và biểu hiện
Em đếm bom như ngày xưa
đánh chuyền, đánh chắt
Bỏ thẻ trong tay cắm xuống hút bom chìm
Đất dưới chân em là đất mẹ
Phía xa kia sông La vẫn chảy
Ơi Tam Soa
Ơi thiên Nhẫn trùng trùng
Tiếng rao hến buổi chiều ngọt lịm
Sông La phập phồng
những chiếc thuyền nan
(Ngã ba Đồng Lộc)
Viết trường ca này tâm hồn Nguyễn Ngọc Phú như một dây đàn căng, giữ được cảm hứng của ngòi bút trước cái đẹp, cái cao cả của sự hy sinh. Ngã ba Đồng Lộc vì vậy, góp thêm vào thơ ca về đề tài chiến tranh một “giọng cao” quen thuộc nhưng đáng quý. Nó nhắc người đọc luôn luôn ghi nhớ về một miền đất đã từng thấm máu của một thế hệ không tiếc đời mình cho sự nghiệp lớn lao của Tổ Quốc.
Nguyễn Ngọc Phú còn là một cây bút viết cho thiếu nhi đặc sắc. Tập thơ Mùa chim, xuất bản năm 2013 cho thấy một khả năng khác của anh, khả năng liên tưởng và hóa thân vào tuổi thơ của người viết. Những liên tưởng thú vị: Sao gọi là sao Chổi/ Quét gì ở trên trời… Sao gọi là sao hỏa/ Chắc là nóng quá thôi (Sao); Chú chuồn kim xâu chỉ/ Thêu nắng lên mái nhà (Hoa nắng); Quả cau không có tai/ Sao gọi là cau điếc. Quả bí không nhọn sắc/ Sao gọi là bí đao (Hỏi) …Đây là khả năng “hóa thân”:
Ngọn đèn Đom Đóm
Kỳ lạ quá thôi
Trong mưa càng sáng
Nháy mắt liên hồi
(Ngọn đèn Đom Đóm)
Và không quên cài một “lời nhắc” cần thiết với các bạn đọc nhỏ tuổi:
Chọn bạn chơi thân thiết
Sao lại gọi cá Lầm
Mắt cá mọc ở chân
Nhắc em đi khỏi lạc
(Cá)
vv…
Như vậy, từ bỏ một nghề nghiệp được đào tạo để đến với một nghề nghiệp “tự đào tạo” là làm thơ, Nguyễn Ngọc Phú đã có những thành công của một cây bút luôn say mê trước từng con chữ. Có thể có người muốn thơ anh đã có “say” thì cần tỉnh hơn nữa, đã có bề bộn thì cần “tinh” hơn nữa, đã có cảm xúc nồng nàn của mùa hạ, thì cần một chút tĩnh lặng của mùa thu, đã có ồn ào của ngày biển động, thì cần một chút sóng lừng của những trăn trở… Nhưng nói thế cũng là vô cùng. Riêng tôi, tôi tìm thấy trong thơ anh dạt dào tiếng những làn sóng biển đang đổ dài trên bãi cát Cửa Sót, quê anh; tôi tìm thấy tâm tư nhiều nỗi niềm của người viết qua “những câu song sóng, những lời tăm tăm” (Hữu Thỉnh) mà thơ anh gợi ra. Đó chính là cái “sang” riêng của mỗi người làm thơ vậy.