Nhà thơ, nhà báo Đặng Bá Tiến
Ngày tháng năm sinh: 10/4/1952
Quê quán: Xã Sơn Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh
Nơi công tác hiện nay: Hội VHNT Đắk Lắk
Nơi sinh sống: Thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Điện thoại: 0913436024
Hội viên Hội VHNT Nghệ Tĩnh từ 1980- 1987
Hội viên các Hội chuyên ngành trung ương:
- Hội Nhà văn Việt Nam năm 2014.
- Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam năm 2006.
- Liên đoàn Nhiếp ảnh nghệ thuật Quốc tế năm 2009.
+ Tác phẩm chính đã công bố:
- Lời chân thành với cỏ (Tập thơ, NXB Văn nghệ TP. Hồ Chí Minh - 2009).
- Rừng cổ tích (Trường ca, NXB Hội Nhà văn - 2012).
- Hồn cẩm hương (Tập thơ, NXB Hội Nhà văn - 2017).
- Lá chiêm bao (Tập thơ, NXB Hội Nhà văn - 2019).
- Linh hồn tiếng hú (Tập thơ, NXB Hội Nhà văn - 2020)
và hàng trăm tác phẩm nhiếp ảnh đã được triển lãm ở trong và ngoài nước.
+ Giải thưởng VHNT:
-Tặng thưởng Bút ký của Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1992.
- Giải Nhất toàn quốc Cuộc vận động sáng tác văn học đề tài công nhân (giai đoạn 2010 - 2014), do Hội Nhà văn Việt Nam và Tổng LĐLĐVN tổ chức.
- Giải A, Giải thưởng VHNT tỉnh Đắk Lắk (Giai đoạn 2008 - 2013).
- Bốn giải A của Hội VHNT Đắk Lắk (2012, 2013, 2015, 2017)
- Giải Thơ viết về Xứ Nghệ (Báo Người Xứ Nghệ KIEV, 2014)...
- Huy chương Vàng nhiếp ảnh của báo Asahi Shimbun (Nhật Bản - 2005).
- Huy chương Vàng nhiếp ảnh của CPA (Hồng Kông - 2008).
- Huy chương VIAGEM 1 nhiếp ảnh (Bồ Đào Nha - 2005).
- Huy chương Đồng (Hội Nhiếp ảnh không biên giới Cộng hòa Pháp - ISF).
- Giải Nhất cuộc thi Ảnh đẹp du lịch Việt Nam năm 2005.
- Huy chương Đồng, Bạc nhiếp ảnh khu vực Nam miền Trung-Tây Nguyên (2004, 2010)...
Chùm thơ tự chọn:
MẸ QUÊ HƯƠNG
Xa quê
giờ đã bạc đầu
vẫn còn nhớ mãi một câu gọi đò:
“Đò ơi… trời đã túi mò1
mau mau cho với… con so đang chờ”…
Tiếng gọi đò
văng vẳng trong mơ
giữa khuya khoắt
bỗng giật mình thảng thốt
ngỡ thấy Mẹ trên chuyến đò ngày trước
đêm Ngàn Sâu2 hun hút gió mùa…
Quê mình nghèo
nương sỏi, ruộng chua
năm hai vụ cấy trồng
mà hết mùa hết thóc
chẳng thể ngồi nhìn con thơ nheo nhóc
Mẹ quảy gánh ngược ngàn tần tảo bán, mua
con mắm gồng lên, củ sắn cõng về
bàn chân bật máu tươi vì sỏi đá
(giá ghép được dấu chân như mảnh vá
thì dấu chân Người đã kín nước non!)
Chúng tôi dần lớn khôn
nhưng vai Mẹ gầy mòn
bàn chân Mẹ ngày đông sưng tròn đau buốt
Mẹ vẫn bán buôn lần hồi xuôi ngược
nay chợ Gát, chợ Cày
mai chợ Bôộng, chợ Nhe3…
câu ví vẫn thiết tha theo bước Mẹ đi về
đời gian khổ mà lời ca không tắt
phải câu ví ngàn đời tiếp sức
để Mẹ trèo đôộng Bụt4, trụt khe Giao
vượt qua dốc đời góa bụa gian lao!
Ba mươi năm rồi:
Mẹ về cõi chiêm bao
nhưng giấc mơ nào con cũng thấy
Mẹ sừng sững giữa trời như rú Hồng rú Nậy5
vai gánh đàn con
vai quảy giặm, vè…
Con Mẹ trưởng thành tung cánh trăm quê
trong mỗi tế bào vẫn mang tình Mẹ
trong huyết quản vẫn chảy dòng máu Nghệ
nên biết sống làm người xứng với Mẹ - Quê Hương!
BMT, 26.2.2014
Chú thích:
(1) Túi mò – tiếng Nghệ: Tối không thấy gì phải mò mẫm.
(2) Sông Ngàn Sâu, khởi nguồn từ huyện Hương Khê, chảy về Linh Cảm, Đức Thọ, hợp với sông Ngàn Phố (tại Tam Soa) thành sông La (Hà Tĩnh).
(3)Chợ Gát, chợ Cày thuộc huyện Thạch Hà; chợ Bôộng thuộc huyện Vũ Quang; chợ Nhe thuộc huyện Can Lộc.
(4) Đôộng Bụt – tiếng Nghệ: Núi Bụt (nằm trên đường 15, đoạn Đồng Lộc - Hương Khê.
(5) Rú Hồng, rú Nậy – tiếng Nghệ: Núi Hồng, núi Nậy (To), thuộc Hà Tĩnh.
Quê hương ( Tranh: Heo Coi )
ÁO TƠI
Nắng quê nào có khác xưa
thưở còn mò ốc bắt cua trưa hè
nắng như lửa xối bốn bề
thoa bùn kín mặt còn nghe nóng bừng.
Nắng quê giờ vẫn cháy lưng
người quê giờ vẫn bạn cùng áo tơi
đan chằm bằng lá rừng thôi
bao đời dân dã chống trời hiên ngang
nắng mưa có áo tơi quàng
che người che cả mùa màng lúa khoai…
Ai cười thì cứ mặc ai
áo tơi giờ vẫn quàng vai ra đồng
gái quê ta vẫn má hồng
người quê ta vẫn mặn nồng tình quê!
đi xa ai cũng muốn về
câu ca xứ sở tơi che mượt mà…
Bước từ trong bóng tơi ra
bao người con của quê ta rỡ ràng!
THẤY TRĂNG LIỀM Ở PHỐ
Không vừng, không lúa trên cao
Thiên đình dùng để gặt sao xâu cườm?
*
Trăng liềm như tỏa mùi thơm
tôi nghe thoang thoảng rạ rơm một thời
tôi nghe tiếng mẹ tôi cười
“Mùa này mới thực vàng mười đó con!”
Rồi liềm theo tiếng cười giòn
ra đồng cùng mẹ sắt son tháng ngày
tay chai từng ngón hao gầy
chiếc liềm vẫn ở trên tay của Người
gặt xong liềm vẫn không rời:
cỏ non vỗ chú bê còi mượt lông
cỏ già che gió mùa đông
sim mua nuôi bếp lửa hồng reo vui…
Nhớ năm bão lũ dập vùi
mẹ đau nằm võng ngậm ngùi thở than
liềm nằm trên vách rỉ han
hai con mắt mẹ lệ tràn đẫm mi!
*
Phố phường bao nỗi níu trì
mải lo quên tiếng thầm thì mẹ xưa
“Dẫu đời sớm nắng chiều mưa
Mỗi năm hai vụ chiêm mùa phải chăm”
hái liềm giờ đã xa xăm
xa mùi rơm rạ, dạ trăm nỗi niềm…
Đêm nay chợt thấy trăng liềm
quắt quay lòng nhớ mẹ hiền ngày xưa!
BMT, 20.5.2015