10-02-2020 - 06:06

Nhà thơ Xuân Hoài - Văn nghệ Hà Tĩnh

Sách "Những gương mặt nhà văn Hà Tĩnh" trân trọng giới thiệu chân dung Nhà thơ Xuân Hoài (15/5/1941 - 08/3/2006), quê quán huyện Đức Thọ - Hà Tĩnh. Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

Nhà thơ Xuân Hoài

 

Họ và tên: BÙI XUÂN HUYẾN

Sinh ngày: 15/5/1941, mất ngày 08/3/2006

Quê quán: Thị trấn Đức Thọ - Hà Tĩnh

Địa chỉ liên lạc hiện nay: Thành phố Vinh - Nghệ An

Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội nhà báo Việt Nam

Nguyên Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội VHNT, Giám đốc Sở văn hóa thông tin Hà Tĩnh

Quá trình công tác:

Tốt nghiệp khoa Toán, Đại học Sư phạm Vinh năm 1962. Dạy học 12 năm ở Hà Tĩnh rồi chuyển ra Hội VHNT Nghệ Tĩnh. Từ năm 1991 đến 2000 làm Chủ tịch Hội VHNT rồi Giám đốc Sở VHTT Hà Tĩnh cho đến ngày nghỉ hưu. Nguyên TUV các khóa 12, 13, 14; Đại biểu HĐND tỉnh các khóa 11, 12, 13.

Tác phẩm đã xuất bản:

- Hương quê - 1971

- Tiếng chim vườn - 1976

- Sau những tháng năm - 1981

- Sen lên - 1982

- Những cây dù đỏ - 1992

- Dưới trời mây trắng - 1987

- Bóng trưa - 1991

- Đừng là mưa bóng mây - 1995

- Gửi người xa xứ - 1998

- Thơ Xuân Hoài - 2000

- Khói Lam chiều - 2002

- Người trong cõi nhớ - 2006

- Kính gửi cụ Nguyễn Du - 1975 (sưu tập và giới thiệu)

- Thơ viết từ Làng Sen -1990 (sưu tập và giới thiệu)

Giải thưởng văn học:

- Giải KK cuộc thi thơ Báo văn nghệ năm 1969

- Tặng thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 1995 và 1998

- Giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần 1 (năm 1990), lần 2 (năm 1995) và lần 3 (năm 2000)

Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài viết “Thanh thản một hồn thơ…” của Nhà nghiên cứu lý luận phê bình Hà Quảng được rút từ tuyển sách “Những gương mặt” Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam tại Hà Tĩnh, Nxb Hội Nhà văn, 2019.

 

THANH THẢN MỘT HỒN THƠ…

 

Xuân Hoài trước khi làm thơ từng là một thầy giáo để lại nhiều ấn tượng đẹp đẽ trong bao lứa học trò xứ Nghệ. Anh cũng từng giữ những chức vụ quan trọng ở địa phương: Chủ tịch Hội LHVHNT, Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa. Cuộc đời anh không bằng phẳng như thơ anh. Lúc làm thầy giáo anh đã thẳng thắn đấu tranh vì quyền lợi các em, nên không ít lần bị gây khó dễ cho con đường phấn đấu. Lúc làm lãnh đạo, tính cương trực cũng không hợp ‘‘gu” nhiều quan chức địa phương. Một dòng đời chảy qua nhiều thác ghềnh nhưng hồn thơ lọc đi phần cam go, lắng đọng lại một cái gì dung dị và thanh thản, thanh thản của một con người làm chủ được số phận, làm chủ con đường đi của mình. Anh là một nhà văn hoá có nhiều đóng góp cho công cuộc khôi phuc vốn cũ ở một miền quê từng đựơc xem là một trong ba vùng văn hoá lớn của đất nước. Trong nhiệm kỳ anh phụ trách, ngành Văn hoá Hà Tĩnh sưu tầm, hiệu đính, xuất bản nhiều ấn phẩm Văn học cổ và VHDG có giá trị. Những truyền thống làng quê phong phú được hồi sinh góp phần làm cho nếp sông quê hương thêm lành mạnh. Nhiều di tích được tu bổ và tôn tạo. Đáng kể là Khu Di tích Nguyễn Du, Nhà Lưu niệm Xuân Diệu, Nguyễ̃n Phan Chánh... Với bạn bè anh chân tình nhưng cũng thẳng thắn trước những toan tính cá nhân. Tất cả tạo nên một Xuân Hoài khá từng trải và đa dạng. Nhưng cái mà anh dồn tâm huyết, khắc khoải và được người đời lưu ý nhất có lẽ đó là sự nghiệp thơ văn, con đường mà anh đã chọn từ những năm còn mài đũng quần trên ghế ngôi trường Cấp hai nhỏ bé bên bờ Sông La...!

...Chợt nhớ lại những ngày đầu bước vào nghề cũng là những ngày đầu chiến tranh chúng tôi quen nhau - những nguời giáo viên “mê” văn học. Nhà văn, nhà giáo, nhà báo, nhà đài, Bốn nhà cộng lại bằng hai nhà nghèo! Người viết bài này từng lắm lúc phải vịn câu thơ mà đứng dậy, vì yêu thơ cho nên cũng may mắn được gặp gỡ các anh nhiều. Làng - thơ - gõ - đầu - trẻ  xứ Nghệ lúc bấy giờ có hai thầy giáo toán: Xuân Hoài và Thạch Quỳ, hai cá tính sáng tạo không dễ lẫn. Nếu Thạch Quỳ sắc sảo, tài hoa bao nhiêu thì Xuân Hoài giản dị, trung thực bấy nhiêu. Để cho Thơ tồn tại, gia đình các thi sĩ  đều bầm dập trong cuộc mưu sinh vất vả: kẻ quấn thuốc điếu, người làm tăm tre, người nữa sản xuất thịt bò khô... Thăm Nguyễn Tường Lân một tối hè thành Vinh, khu tập thể Quang Trung mất điện nóng như rang, gặp anh đang cùng nhắm rượu suông với Trần Hữu Thung trong ánh đèn chập choạng. Xuân Hoài không đến nỗi quá kham khổ nhưng ngày anh cưới vợ chúng tôi “xoay” trong tiêu chuẩn gửi bạn chục gói trà Trường Thọ loại hai là mừng rối rít. Đất kham khổ nhưng lắm cây thơ. Hồi những năm đánh Mỹ ấy, Hà Tĩnh tập trung nhiều cây bút trẻ giàu tiềm năng, không kể anh Vũ Duy Thông đang là thường trú ở bên VNTTX, Nguyễn Trọng Tạo phụ trách văn công Đoàn 22, Hội thơ các thầy giáo Hồng Lam đông đúc với Nghiêm Đa Văn, Trần Quốc Anh, Xuân Hoài, Nguyễn Lê... Họ đều là những tác giả sung sức, người thì có thơ vào Tuyển, người thì giật giải báo Văn nghệ, có dịp họp hành là tìm cách gặp nhau... Nhuận bút một bài thơ đăng ở Văn Nghệ lúc đó chỉ đủ mua hai chục cá trích. Ai được đăng thơ thì khao cả nhóm, khao trong bữa cơm tập thể Sở Giáo dục. Cái cảnh Nó nhắm vào đĩa cà mà gắp đĩa cá - nhại thơ Nguyễn Lê - không phải hiếm hoi! Kham khổ mà vui, mà say, gặp nhau là “đọc”, là “bình”, là mơ ước, toàn là cánh phòng không chưa có đến cả người yêu mà lại! Thơ các anh sao mà tươi thắm: Nghiêm Đa Văn mạnh mẽ, hào hoa, Trần Quốc Anh trữ tình mà tinh tế, Nguyễn Lê khắc khổ, cô đúc. Còn Xuân Hoài đứng riêng một phía: hiền hoà và chân chất. Giờ nhóm bạn ngày ấy kẻ đã ra người thiên cổ, người tha phương đất khách chỉ còn anh trụ với quê nhà. Lũ học trò ngày hội trường nhắc lại các thầy không khỏi bùi ngùi. Năm kia, lúc Xuân Hoài bị bạo bệnh các lứa học trò cũ nhiều người tìm thăm, cho đến hôm nay tít phía cực Nam vẫn gửi thuốc về... Không thể không nhắc đến người bạn đời nhỏ bé và thuần phác của anh. Ai đó nói tình yêu chỉ thật sự vững bền khi nó tổng hợp được cả ba yếu tố: lòng thương, tình yêu và sự khâm phục. Cô học trò ngày xưa, từng đá “kiện” trên sân trường, sau này theo anh đi suốt cuộc đời với những tháng ngày cam go nhất, có lẽ đã mang nặng trong mình cả ba niềm tin yêu sâu nặng kia ngay trong mối tình đầu!

 Cạn chén rượu đời anh bộc bạch:

Tiền bạc cứ đến rồi lại hết

Chút ân tình bé nhỏ vẫn tơ vương.

                                                             (Tự họa)

... Từ những bài thơ đầu in trong Hương quê, tập thơ xem như quả ngọt đầu mùa, đến nay anh đã có đến hơn mười tập. Công việc hành chính không làm nguội lạnh hồn thơ anh, nó chỉ làm tăng sự thử thách lòng đam mê của người cầm bút. Đọc Xuân Hoài, ta bắt gặp một tâm hồn đa cảm trước những biến động của cuộc đời. Tình yêu quê hương, làng xóm, bến bãi, nỗi thương cảm những thân phận nổi trôi, sự trìu mến đối với con trẻ... Có thể nói đó là nguồn đề tài vô tận cháy lên trong thơ anh những suy cảm sâu xa.

Dù đi đâu về đâu, hình ảnh quê hương luôn luôn thức dậy trong anh bao nhiêu niềm lưu luyến. Anh đứng trên tầm cao của quá khứ để dõi nhìn về tương lai, đứng ở quê hương nhìn ra mọi cõi, lòng bao dung nghĩ đến những người con xa xứ luôn “cúi đầu nhớ quê xưa”: Đời còn lắm bạt phiêu, Nơi nào trên trái đất, Anh vẫn không đánh mất1, Một sợi khói lam chiều. (Khói lam chiều)

Bài thơ “Những ngôi sao” được giải khuyến khích cuộc thi thơ báo Văn nghệ 1969, có những câu thơ triết lý gan ruột, tưởng niệm những nguời con vô danh hy sinh cho quê hương. Dẫu ý không thật mới, nhưng tình vẫn lay động lòng người:

Sao trên trời có những đêm tắt lửa

Những ngôi sao Việt Nam đi đánh giặc

Vẫn hành quân sáng rực bốn phương trời

Những ngôi sao dừng lại vẫn ngời ngời...

                            (Những ngôi sao)

Bác Hồ đề tài được nhiều nhà thơ nói đến, Xuân Hoài dâng Bác những tình cảm chân thành nhất, xúc động nhất, da diết nhất và cũng riêng biệt nhất:

Nước non nghìn dặm đường xa

Chúng con về chật một nhà Bác ơi!

Một quê chung của muôn nơi

Khoảng trời của những khoảng trời khác nhau.

                                                                   (Quê chung)

Trong hành trang thơ của mình anh mang theo những kỷ niệm không quên của những ngày làm thầy giáo với bao vui buồn một thuở. Những bài Viết trong mùa hoa phượng, Đêm Cẩm Bình, Lời ru trong nhà trẻ… là những bài thơ được nhiều thế hệ học sinh và thầy giáo đọc thuộc, ghi vào sổ lưu niệm của nhau hằng năm. Xuân Hoài, người thầy giáo - nhà thơ của tình thương mến, anh không chỉ dành những ý thơ khái quát những vấn đề lớn cho cuộc đời mà thơ anh còn dành một góc riêng cho tâm hồn trắng trong của trẻ thơ. Anh dắt các em vào thế giới thiên nhiên đầy mơ mộng, gieo vào lòng trẻ những tình cảm bè bạn, cha con, bà cháu chân thành, đằm thắm:

Từ tay bà gió đến, Thơm bao hương quả vườn, Thoáng nghe bà nói chuyện, Gió thơm say chập chờn.

                                 (Về thăm bà ngoại)

Tuổi thơ ai dễ quên. Hai tiếng Tuổi thơ như có ma lực thần bí. Nói về tuổi thơ là nói về những gì trong sáng nhất của mình theo anh đi suốt cuộc đời:

Hoa bưởi trắng ngần tuổi ấu thơ

Thời gian hoá đất góc vườn xưa

Một phần hương bưởi không theo gió

Đã hoá hồn tôi để hoá thơ

                            (Hương bưởi)

*

Thơ Xuân Hoài rất giản dị, có nhà phê bình gọi anh nhà thơ “chân quê” Người quê vẫn muốn nói lời chân quê (Thái Doãn Hiểu). Quê đây không phải là quê mùa, quê kệch, quê đây ý nói sự chân thật, đậm đà trong tâm hồn, trong câu chữ sáng tạo. Thế giới tâm hồn nhà thơ luôn hoài niệm về quê hương, nở bừng những hương xoan, hương bưởi. Thơ anh giản dị, giản dị trong cấu tứ, trong hình ảnh, trong ngôn ngữ cũng như trong sử dụng thi liệu. Nhiều tứ thơ đọc thoáng qua thấy bình thường  nhưng ngấm rồi lại thấy sâu nặng. Trong sổ tay thơ của một nhà giáo, bạn anh, ở chiến trường Quảng Trị có một bài thơ  KHÔNG ĐỀ, viết tặng X.H những năm chiến tranh:

...Thương về một dãi sông quê

Có đôi bờ hóp bên lờ bên trong

Ước theo một đám mây hồng

Để nồi canh hến đũa cùng soi chung...

đã miêu tả rất đúng vùng Đức Thọ quê anh. Chính mảnh đất này đã nuôi dưỡng hồn thơ anh làm cho nó không hề giống ai. Anh giữ được cho mình một phong cách thơ riêng vì anh biết “dĩ bất biến’’ truớc “vạn biến” của thời nay, kể cả trong văn chuơng nghệ thuật. Sự bắt chước chạy theo mốt, sự làm dáng chạy theo thị hiếu nhất thời đã từng làm hại bao tài thơ đấy thôi! Riêng anh cứ chầm chậm mà tiến theo con đường đã vạch và bình thản mà đi theo cách của mình. Thơ anh mang đậm đà hơi thở dặm vè, hơi thở của ca dao miền Trung. Xuân Hoài là cái dấu nối không phai nhạt giữa dòng thơ tiền chiến nổi tiếng và giai đoạn thơ đương đại phong phú của Hà Tĩnh.

Cho đến nay đã hơn 30 năm làm thơ, bao nhiêu tập thơ ra đời và đã từng chiếm nhiều giải thưởng về thơ ở Trung ương cũng như ở địa phương. Thơ Xuân Hoài đã đem đến cho bạn đọc bao điều suy cảm. Cuộc đời nhà giáo - nhà thơ đã trải nghiệm bao vui buồn, hạnh phúc cùng đau thương. Từ Hương quê (1971) đến Khói lam chiều (2002) là một chặng đường thơ phát triển không bằng phẳng của anh nhưng càng về sau càng chín chắn, càng đằm thắm.

Những năm gần đây trong xu hướng đổi mới của văn học nói chung, của thơ nói riêng, Xuân Hoài trăn trở tìm cho mình một hướng đi khác trước, đã bớt đi các bài thơ chạy theo đề tài sự kiện, hiện thực trong thơ anh đã mang hơi ấm của cái “tôi” tâm trạng - nó không chỉ là niềm vui mà còn là nỗi buồn,  không chỉ là hiện tại mà còn là những hoài niêm quá khứ... Đa dạng trong cảm xúc, phong phú trong thể hiện, thơ anh neo đậu vững chắc trong tâm hồn bạn đọc quê hương.

Những ngày trên giường bệnh, tưởng như chứng nan y sắp cướp đi những gì anh có trên đời, nhưng  hồn thơ vẫn gắn bó:

Dù đã mấy mươi năm

Thì tình yêu vẫn trẻ,

Như cây vườn biết chăm

                                       (Anh ốm)./.

Hà Quảng

 

. . . . .
Loading the player...