14-11-2017 - 11:04

Nhà văn của vùng đất Thánh

Tạp chí Hồng Lĩnh số 135 tháng 11 xin hân hạnh giới thiệu chân dung Nhà văn Phan Trung Hiếu - Nhà văn của vùng đất Thánh của tác giả Nguyễn Văn Thanh.

Nhà văn Phan Trung Hiếu - Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh

 

      Tôi may mắn được gặp anh trong lễ trao giải thưởng cuộc thi Thơ của huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh. Hồi đó, anh được lãnh đạo huyện đích thân mời về làm chủ khảo chấm thi và dự lễ phát thưởng. Năm đó bài thơ của tôi đạt giải nhất và được anh đích thân trao giải. Bao năm đã trôi qua, nhưng đọng lại trong tôi chân dung một văn nghệ sĩ chân chính, vô tư, nặng lòng với văn chương, nghệ thuật.

      Phan Trung Hiếu xuất thân trong một gia đình có truyền thống về sáng tạo văn chương nghệ thuật. Bố anh là cụ Phan Lương Hảo lúc sinh thời thủy chung với bộ môn nghệ thuật sân khấu. Cụ đã có 40 năm cầm bút, viết ra gần 30 tác phẩm với nhiều thể loại: Kịch thơ, kịch nói, kịch hát, cải lương, hoạt ca, hoạt cảnh, tổ khúc dân ca Nghệ Tĩnh. Cụ đã được tặng thưởng Huy chương vàng toàn quốc cho vở kịch hát Mai Thúc Loan, Xôn xao rừng quế và nhiều giải thưởng khác. Đặc biệt năm 2012, cố tác giả Phan Lương Hảo được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, một giải thưởng cao quý hiếm hoi dành cho các văn nghệ sĩ sống và gắn bó với vùng đất Hà Tĩnh.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang trao tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2012 của cố tác gia Phan Lương Hảo cho Nhà văn Phan Trung Hiếu, đại diện gia đình tác giả.

 

      “Con nhà tông không giống lông cũng giống cánh”, Phan Trung Hiếu thừa hưởng trọn vẹn cái gien di truyền của cha mình nên sự đam mê và khả năng sáng tác trong con người anh phát lộ sớm và rõ nét. Kể từ khi tốt nghiệp khoa Ngữ văn Đại học sư phạm Vinh, ngoài 2 năm công tác tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh và hơn 4 năm vào công tác tại Bộ chỉ huy quân sự tỉnh với quân hàm Trung úy, anh đã cống hiến gần trọn đời cho Văn nghệ Hà Tĩnh với vai trò người quản lí và là một Nhà văn. Anh đã thử sức mình với nhiều thể loại: truyện, thơ, bút kí, Văn học thiếu nhi, và cả sân khấu, Nhiếp ảnh, thơ Đường luật. Riêng thể loại Văn học thiếu nhi anh đã có 4 tập, trong đó có một tập thơ Con chim chích chòe và ba tập truyện ngắn Giấc mơ bong bóng, Vườn đất thánh, Chú nhện đu bay, Hạt nắng bé con. Truyện, thơ của anh đã được chọn đưa vào nhiều tuyển tập lớn của quốc gia, nhiều tác phẩm được chọn đưa vào các sách tham khảo dành cho nhà trường của NXB Giáo dục. Về mảng văn học thiếu nhi của anh, nhà phê bình lí luận, Phó giáo sư, Tiến sĩ Vân Thanh nhận xét: “…Hồn nhiên trong sáng, giàu trí tưởng tượng và đậm đà chất thơ là cảm nhận chung về truyện ngắn viết cho thiếu nhi của nhà văn Phan Trung Hiếu. Thiên nhiên và cuộc sống hiện lên trong tác phẩm của anh đầy màu sắc diệu kì, bộc lộ khả năng quan sát nhạy cảm và lối biểu đạt tinh tế. Nhà văn bắt chuyện được với các em bằng những ý nghĩ non thơ  khơi dậy lòng ham muốn tò mò tìm hiểu những điều mới lạ của thiên nhiên và cuộc sống. Truyện của anh đã thổi vào tâm hồn của các em những ngọn gió lành, tạo hiệu ứng mĩ cảm trong trẻo trong tâm hồn độc giả.”

Truyện viết cho thiếu nhi của anh giàu tính nhân văn. Như một lời tâm tình ngọt ngào dành cho tuổi thơ, đánh thức và bồi đắp bản tính lương thiện sẵn có trong các cháu, cho các cháu làm quen dần với những hình ảnh cứu giúp người khác khi họ gặp hoạn nạn từ rất sớm: “Hạt nắng bắt gặp cô bé Hoa Hồng với gương mặt hoen đầy nước mắt. Đóa hoa ủ dột, mếu máo mách: - Đêm qua, chị gió đánh em đau quá! Hạt nắng chỉ biết nói những lời an ủi rồi nhẹ nhàng đưa chiếc khăn mơ vàng óng muốt lau lên khuôn mặt dễ thương của cô bé…” Hay: “Có một Hạt Mầm len lỏi trong lòng đất, nghe những bước chân của nắng liền năn nỉ: “Ai đó, xin hãy giúp tôi lên khỏi mặt đất, chân tay tôi tê cóng hết cả rồi! Hạt nắng không chút ngần ngại, dừng  lại tỏa hơi ấm của mình xuống vạt đất - nơi vọng lên tiếng kêu nài ấy - Thoáng chốc một mầm cây trắng xanh đội đất bước lên.”  (Trong tập truyện Hạt nắng bé con). Tác phẩm của anh thức dậy “…bao nét đẹp văn hóa dân gian đang bị tạm quên đi bởi cuộc sống hiện đại mải miết cập nhật những công nghệ điện tử, những văn minh thế giới..” (1) trong Chơi đồ hàng, Chơi gụ, Đánh đáo, Rồng rắn…( Vườn đất thánh). Tính nhân văn một lần nữa lại thấm đẫm trong thơ thiếu nhi của anh: “Ơ kìa bướm trắng/ Đang dạo trong vườn/ Đừng bay xa quá/ Lỡ may lạc đường…”(Hát với mùa xuân), Da đen nắng cháy/ Như cột đồng hun/ Bụng đầy cỏ non/ Còn vòi bú mẹ…”(Chuyện Nghé). Hay trong bài thơ “Gọi mèo”: “…Quay về thôi/ Trời tối rồi/ Gió lạnh lắm…”(Trong tập Con chim chích chòe). Những cảnh sắc tươi đẹp của quê hương luôn bừng sáng trong truyện và thơ viết cho thiếu nhi của anh. Thêm vào đó một loạt bài viết theo thể đồng dao vừa dễ nhớ, dễ đọc vừa gây sự hưng phấn trong các cháu thiếu nhi như: Các loài cá, Chi vi chi vít, Kéo cưa lừa xẻ, Ù à ù ập (Trong Con chim chích chòe)

Bìa một số sách, ấn phẩm in tác phẩm dành cho thiếu nhi của nhà văn

     Ngoài mảng văn học thiếu nhi anh đã đóng góp cho bạn đọc hai tập thơ, hai tập tập truyện, kí (Tập kí “Mùa chuyển” và tập truyện, kí “Ngôi nhà không có cầu thang”. Hai tập thơ “Hành trang đá” và “Dấu thời gian” ). Anh gửi gắm vào truyện, kí những ưu tư, những suy nghĩ,  trăn trở của người cầm bút rằng giữa xã hội tốt đẹp còn tồn tại những kẻ điên loạn hợm tiền, côn đồ, thì vẫn còn đó những trái tim lương thiện của người nghệ sĩ: “ Những đắng cay, tức tưởi được bật nắp, tràn khỏi trái tim người nghệ sĩ cô độc, rót vào bản nhạc. và giờ đây bản nhạc ấy lại đang rót vào tâm hồn của người nghe qua giọng hát rầu rĩ của chàng…tiếng hát ấy vượt qua được những cốc chén bát đĩa trên bàn, bay vào lòng người, chui qua mái nhà, tan vào thinh không…”Người nghệ sĩ đã không quản ngại nguy hiểm “làm sống lại một bài hát đang bị người đời lãng quên.” (“Những hạt bụi”). Anh đã khắc sâu trong lòng người đọc những dấu ấn không thể nào quên những chứng tích lịch sử “…để giờ đây tôi bỗng thấy ở đó đang vọng lên khúc bi tráng của một thời mà sự dâng hiến tuổi xuân xanh là  những viên đá lát để làm nên con đường chiến thắng.”( Đồng Lộc- Ngã ba huyền thoại)

      Thơ anh “Có khi là những khoảnh khắc thoáng qua, có khi là những trăn trở dài lâu, là nỗi niềm đau đáu... Mỗi bài thơ là một ghi dấu kỷ niệm về những hành trình đã đi qua, những con người, vùng đất đã gặp và cuộc sống riêng tư với anh em bè bạn người thân..” (2). Với anh, quê hương Bùi Xá với con đê, dòng sông La vắt qua làng vẫn luôn canh cánh bên lòng:“Đê làng có tự bao giờ/ Con rồng đất giữ giấc mơ bao đời/…Mỗi lần thương nhớ về quê/ Sóng đâu lại vỗ bờ đê nhói lòng..”(Đê làng). Với đồng nghiệp, khi tiễn đưa nhà thơ Xuân Hoài ra đi mãi mãi, trong nỗi đau thương mất mát quá lớn đó, Phan Trung Hiếu như tự an ủi với chính mình: “... Sau những tháng năm mê mải/ Người về tìm lại hương quê/ Đồi cao, dưới trời mây trắng/ Nằm nghe sông La vỗ về..” (Tìm lại hương quê). Hay khi vĩnh biệt Nghệ sĩ Nhiếp ảnh, nhà báo Sĩ Châu, anh ngõ ngàng thốt lên; “..Đức cao mệnh sao nỡ bạc/ Sáu chin tuổi sao đã già/ Trần thế còn bao giang dở/ Vội tìm chi chốn cỏ hoa..”. Cả cõi lòng xốn xang, lưu luyến khi tiễn một người đồng nghiệp chuyển về nơi công tác mới ở phương xa: “Còn biết nói sao bạn hỡi/ Con trai cấm được mủi lòng/ Mấy năm sướng vui buồn khổ/ Chẳng neo nổi lòng người chăng..”(Khoảng trống)

Với gia đình, thơ anh biểu lộ tình cảm sâu lắng, những day dứt trong lòng. Khi đối diện với mẹ mình“Con thảng thốt ngó mái đầu đã bạc/ Biết làm gì với xuân này mẹ ơi.” (“Xuân này mẹ ơi” trong tập Dấu thời gian). Khi  mẹ mất, nghĩ về mẹ, anh vô cùng chua xót, tự vấn : ..“Một đời làm con lầm lỗi/ Vì đâu lưng mẹ thêm còng...” (“Thôi nào, ta ơi”). Khi nhà còn ở Thị xã Hồng Lĩnh, cách cơ quan làm việc hơn ba mươi cây số, anh không có điều kiện trực tiếp chăm sóc mẹ nhiều. Mẹ anh, cụ bà Trần Thị Kim khi sinh thời là một hộ sinh hết lòng với công việc, với mọi người được cả một vùng quê nể trọng. Cụ đã để lại dấu ấn đậm nét trong phong cách làm việc của anh: toàn tâm toàn ý cho công việc chung, cho hội viên, lấy hoàn thành trách nhiệm được giao làm trọng trách.

Hơn hai mươi năm sống trong khu tập thể của Hội nay có nhà riêng tại thành phố, anh tự bạch: “Một thời cơm chợ cháo hàng/ giờ hết buổi lối Vũ Quang tìm về/ Bao năm ngập giữa đam mê/ Căn nhà mới chỉ bộn bề sách văn..”(Ngôi nhà mới). Với người vợ đảm đang, lặn lội “thân cò” thay anh chăm sóc cả gia đình, anh tự trách mình“..Hay chi lấy chồng thi sĩ/ Một đời bỏng cháy đam mê/ Xong việc ai về nhà nấy/ Mình em ngóng đợi anh về.” (Chân quê).

      Bây giờ thì các con anh đã lớn. Cháu Phan Linh Châu tốt nghiệp trường báo chí Hà Nội đã nhận công tác và bén duyên với chuyên ngành nhiếp ảnh với những phóng sự đầu tay, những tác phẩm có thiên hướng nghiêng về những góc nhìn sáng tạo. Anh đã dành cho con gái mình những lời động viên khích lệ: “..Ruổi rong bao nẻo đường quê/ Nhặt tìm khoảnh khắc đam mê buổi đầu/ Chát chua còn lẫn ngọt ngào..”(Quả đầu mùa). Khi tiễn đứa con trai út Phan Ngọc Bảo ra Hà Nội theo học trường đại học Luật, anh thành thật trải lòng:“..Lặng lẽ nhìn con khôn lớn/ Nghiệp đời mê mải thi ca/ Để một mình con gắng gỏi/ Âm thầm bươn chải đường xa..”(Khúc Papa)

Phòng văn, những ngày đầu tái lập tỉnh.

      26 năm công tác tại Hội, Nhà văn Phan Trung Hiếu gần như cống hiến trọn đời cho Văn học Nghệ thuật với chín tập sách đã xuất bản. Đặc biệt, anh vừa hoàn thành tốt công tác lãnh đạo Hội nhiều nhiệm kì, vừa làm cột trụ cho Văn học thiếu nhi tỉnh nhà đơm hoa kết trái. Còn nhớ lần tôi nhờ anh góp ý cho tập truyện thiếu nhi đầu tay, mặc dầu rất bận nhưng anh vẫn dành thời gian sửa từng lỗi chính tả trong bản thảo cho tôi một cách kĩ lưỡng. Ở cương vị lãnh đạo Hội nhưng anh đã dành bao tâm huyết, công sức để xây dựng trang Thông tin điện tử từ năm 2012 đến nay, cung cấp cho hội viên và bạn đọc những thông tin mới của Văn học Nghệ thuật và tác phẩm của hội viên, cộng tác viên trong, ngoài tỉnh. Thời gian đầu, hình như chỉ một mình anh lặng lẽ, cặm cụi với chiếc máy vi tính để lên trang. Cho đến nay, sau khi được nâng cấp, trang thông tin điện tử của Hội mới tạm có một Ban biên tập được củng cố kiện toàn khi đã là một trang mạng uy tín và chất lượng với mỗi tháng có hàng vạn lượt truy cập. Làm được điều đó thật không dễ nếu không có quyết tâm, không có ý thức hy sinh, cống hiến hết mình cho Văn Học Nghệ thuật của tỉnh nhà.

     Anh đã được Ủy ban liên hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật Việt Nam trao Giải thưởng cho tác phẩm “Vườn đất thánh” và nhiều giải thưởng Văn học Nghệ thuật Nguyễn Du của UBND tỉnh. Trên cương vị lãnh đạo, anh đi chậm rãi, lên từng bậc một theo trình tự thời gian và sự ghi nhận của tổ chức: từ Chánh Văn phòng, Thư ký Tòa soạn Tạp chí Hồng Lĩnh, Trưởng phòng nghiệp vụ, Ủy viên Ban thường vụ, Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch. Với những cống hiến của mình cho công tác quản lý và cả những nỗ lực về công tác sáng tạo, anh đã vinh dự được trao Huân chương lao động hạng ba, nhiều Bằng khen của Tỉnh ủy, UBND, các ngành, đoàn thể Trung ương cùng nhiều Kỷ niệm chương vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật, Văn hóa, Tuyên giáo, Đại đoàn kết dân tộc, Vì thế hệ trẻ, vì sự nghiệp Âm nhạc, Mỹ thuật, Nhiếp ảnh, Văn nghệ dân gian, ….

Cùng các văn nghệ sĩ Hà Tĩnh nhận Kỷ niệm chương vì sự nghiệp VHNT Việt Nam, năm 2010

 

     Ngoài đời, Phan Trung Hiếu là một người đàn ông cao ráo với khuôn mặt quyết đoán. Anh luôn quan tâm đến khả năng sáng tác và đời sống của cán bộ, hội viên. Với lối nói chuyện dí dỏm dễ mến, dễ gần, cứ mỗi lần giao lưu văn nghệ có anh tham dự thì không khí rôm rả hẳn lên. Ngoài khả năng sáng tác, quản lý, những “tài lẻ”  như bóng chuyền, bóng bàn, đàn hát… khiến anh có thêm nhiều bạn, giúp anh có điều kiện giải toả bớt áp lực của công việc

      Mỗi khi có việc về Hội, tôi thường ghé thăm anh. Anh ngồi làm việc trong căn phòng nhỏ giữa bộn bề sách báo.  Một ý nghĩ thoáng qua trong đầu tôi: có lẽ ngọn lửa nghề nghiệp luôn bùng cháy trong trái tim anh, hơi ấm của nó lan truyền  trên bàn phím, trên cây bút để mỗi khi rảnh rỗi nó lại tự đơm hoa kết trái. Phải chăng Nhà văn đã từng sống trên vùng đất thờ đức Khổng Tử của vùng quê xưa nên trong con người anh mang đậm triết lí nhân sinh và những đam mê văn chương? Anh là người nặng tình nặng nghĩa với Bùi Xá quê nhà. Ký ức về tuổi thơ gắn bó với quê hương in đậm lên từng trang viết. Những gì anh đã viết, đã sống đều thể hiện một sự đền đáp, tri ân vì đã được sinh ra trên vùng đất Thánh.

                                                                                                      N.V.T

 

__________________

(1) - Lời giới thiệu tác phẩm Vườn đất Thánh của nhà xuất bản Kim Đồng

(2) - Nguyễn Thị Nguyệt Tạp chí Hồng Lĩnh số 131

. . . . .
Loading the player...