Hơn hai thập kỷ cầm bút với một hành trang gần chục đầu sách, anh cố gắng khẳng định mình bằng một phong cách riêng. Cái gì đến sẽ đến, anh thường nói vậy. Sự bình thản đôi lúc cũng là sức mạnh, bút lực và tuổi văn phụ thuộc nhiều yếu tố nhưng điều cơ bản vẫn thuộc về chủ thể, về nhân cách văn hoá của tác giả.
Họ và tên: PHAN TRUNG HIẾU
Bút danh: Trung Hiếu, Bảo Phan
Ngày tháng năm sinh: 02/5/1962
Quê quán: Bùi Xá - Đức Thọ - Hà Tĩnh
Chức vụ, đơn vị hiện đang công tác: Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Tĩnh
Địa chỉ liên lạc: 34B- Nguyễn Công Trứ- P. Tân Giang- Thành phố Hà Tĩnh
Nhà riêng: Tổ dân phố Hòa Linh, phường Thạch Linh, thành phố Hà Tĩnh
Điện thoại CQ: 0393.851114; Di động: 0912019486
Email: trunghieuhtvn@gmail.com hoặc: ngocbao0205@gmail.com;
Vào Hội văn học nghệ thuật Hà Tĩnh, chuyên ngành văn xuôi năm 1992
Vào Hội nhà văn Việt Nam năm 2005.
Hội viên Hội nhà báo Việt Nam
* Vài nét về quá trình học tập, công tác, sáng tác:
- Năm 1980- 1984: Sinh viên khoa Ngữ Văn- Đại học sư phạm Vinh.
- Ra trường, nhận công tác tại Bảo tàng Xô viết Nghệ Tĩnh.
- Năm 1986 -1989: công tác tại Ban Sử - Bộ chỉ huy quân sự Nghệ Tĩnh.
- Năm 1990, chuyển công tác tại Hội Văn học nghệ thuật Nghệ Tĩnh.
- Năm 1991, về công tác tại Hội Văn học nghệ thuật Hà Tĩnh cho đến nay.
* Tác phẩm chính đã xuất bản:
- Giấc mơ bong bóng ( tập truyện đồng thoại, Hội VHNT Hà Tĩnh, năm1994) ;
- Mùa chuyển ( tập bút ký, phóng sự, NXB Lao động, năm 1998);
- Vườn đất thánh ( tập tự truyện cho thiếu nhi, NXB Kim Đồng, năm 2000); tái bản năm 2014
- Hành trang đá ( tập thơ, NXB Văn học, năm 2002);
- Chú Nhện đu bay ( tập truyện thiếu nhi, NXB Hội nhà văn, năm 2004);
- Hạt nắng bé con ( tập truyện đồng thoại, NXB Kim Đồng, năm 2009);
- Ngôi nhà không có cầu thang ( tập truyện, ký, NXB Thanh niên, năm 2009).
- Con chim chích chòe ( Tập thơ thiếu nhi, NXB Hội nhà văn 2014)
- Dấu thời gian ( Tập thơ, NXB Nghệ An, 2017)
* Giải thưởng văn học, nghệ thuật, báo chí:
- Giải thưởng VHNT Nguyễn Du lần thứ II ( 1995), III ( 2000), IV ( 2005), lần V ( 2010) cho các tập truyện: Giấc mơ bong bóng, Vườn đất Thánh, Chú Nhện đu bay, Ngôi nhà không có cầu thang.
- Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam năm 2000 cho tập tự truyện" Vườn đất Thánh".
- Nhiều giải thưởng văn học, báo chí trong tỉnh.
* Hình thức khen thưởng: Huân chương lao động hạng Ba ( năm 2012), Bằng khen Thủ tướng Chính phủ năm 2012, 2017; Nhiều Bằng khen của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các Bộ, ngành, đoàn thể TW. Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật, Văn hóa, Tư tưởng, Báo chí, Đại đoàn kết dân tộc, Vì thế hệ trẻ, Nhiếp Ảnh, Mỹ thuật, Âm nhạc, Văn nghệ dân gian...
NHÀ VĂN PHAN TRUNG HIẾU
Nhà Lý luận phê bình Hà Quảng
Phan Trung Hiếu xuất thân trong một gia đình có truyền thống sáng tạo văn chương.Thân sinh là nhà viết kịch Phan Lương Hảo, một trong những cây bút chủ lực của ngành sân khấu của tỉnh nhà, có mặt trong những ngày đầu thành lập Hội, đã được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2012. Chị gái là nhà viết kịch, nghiên cứu văn hoá Phan Thư Hiền, người có nhiều công trình về sân khấu và khảo cứu, sưu tầm về văn hoá địa phương, Phó Giám đốc Sở VHTTDL Hà Tĩnh. Chị gái đầu Thư Hạnh nguyên là nhạc công của Đoàn ca múa Hà Tĩnh, giáo viên dạy đàn tam thập lục ở trường văn hoá nghệ thuật Nghệ Tĩnh, Bình Định sau này về nghỉ hưu tại TP Hồ Chí Minh mới có điều kiện trả món nợ với thơ ca, đã cho ra mắt hai tập thơ riêng, khá sành về thể thơ Đường luật. Em gái út Thư Huệ tuy mất sớm nhưng trước khi từ giã cuộc đời cũng để lại những tác phẩm đầu tay trên báo chí tỉnh nhà, có những câu thơ hay được chọn đưa vào tuyển thơ tình Việt Nam hiện đại.
Tốt nghiệp khoa văn - Đại học sư phạm Vinh, Phan Trung Hiếu đã sớm chọn cho mình đi theo con đường của nghề báo, nghiệp văn. Sau khi tốt nghiệp ĐH, anh về công tác ở Bảo tàng Xô Viết Nghệ Tĩnh được ít lâu thì vào quân đội làm ở Ban Sử - Bộ chí huy quân sự tỉnh Nghệ Tĩnh, cho đến năm 1990 thì chuyển về Hội văn nghệ. Ngay từ những năm đầu sau khi ra trường, anh thử sức mình trên nhiều lĩnh vực: văn, thơ, báo chí, nhiếp ảnh…và đều đạt những thành tích đáng kể. Những tác phẩm của anh xuất hiện lần đầu vào những năm 1985 trên báo chí thời còn Nghệ Tĩnh.
Năm 1991, cùng với nhà thơ Xuân Hoài, nhà văn Đức Ban, anh trở về Hà Tĩnh và lần lượt trải qua nhiều cương vị công tác trong cơ quan Hội: Chánh Văn phòng, Trưởng phòng nghiệp vụ kiêm Thư ký toà soạn Tạp chí Hồng Lĩnh, Trưởng ban văn học thiếu nhi, Uỷ viên thường trực Ban thường vụ, Phó Chủ tịch rồi Chủ tịch Hội vào năm 2005, khi nhà văn Đức Ban chuyển sang làm Giám đốc Sở văn hoá thông tin. Là một trong là người lãnh đạo chủ chốt phong trào văn nghệ địa phương khi còn khá trẻ, điều giúp anh làm tròn trọng trách suốt bao năm, đó là việc tự biết mình cũng như sự chừng mực. Đức tính “trung dung” này giúp anh tiếp nhận được lòng tin ở lãnh đạo, sự tin cậy của đồng nghiệp, giúp anh biết trọng người có năng lực để giao việc làm, giúp anh dễ gần gũi bạn bè, bao gồm các thế hệ hội viên từ thành phố đến các địa phương, từ trung ương đến tỉnh lỵ, hội viên các chuyên ngành khác nhau. Làm lãnh đạo quản lý nhưng anh vẫn chịu khó đọc, đi ,viết. Sống cách nhà 30 cây số nhưng cuối tuần mới về, hàng ngày vẫn chịu khó cơm bụi với anh em. Chính cuộc sống hoà nhập bình dị giúp anh sáng tác đều và tác phẩm không khô khan, luôn giữ được một giọng văn chân thành, sâu lắng. Anh viết không lạm dụng kỹ thuật. Cái mới nhất mà anh phấn đấu và có được trong bao năm cầm bút đó là cái cảm quan mạch lạc chân thành về cuộc sống quanh mình, về mảnh đất quê hương tuy còn khó khăn nhưng đang từng bước đổi thay. Điều dự báo ít ỏi mà đáng quí làm sáng lên một hồn thơ không hào hoa nhưng chân thành và tha thiết .
Lại một ngày thêm về phía mùa đông
Chén rượu nhỏ soi bóng mình đã cạn
Dấu chấm lặng giữa vô cùng năm tháng
Để men nồng say thêm phía mùa xuân
( Chén rượu chờ xuân)
Cho đến nay anh đã có gần chục đầu sách, phần lớn là văn xuôi: Truyện ngắn, bút ký như: Mùa chuyển năm 1998, Ngôi nhà không có cầu thang năm 2009; mảng văn học dành cho các em gồm các tập sách: Giấc mơ bong bóng, năm 1994, Vườn đất thánh năm 2000, Chú nhện đu bay năm 2004, Hạt nắng bé con năm 2009, Con chim chích chòe năm 2014. Những vấn đề đặt ra trong văn xuôi của anh không xa lạ với dòng văn đương đại. Những bi kịch đời sống, khát vọng tình yêu, nỗi đau chiến tranh, sự chuyển mình của quê hương trong môi trường đô thị hoá, về những khó khăn, ý chí vươn lên của con người... Nhìn chung, văn anh không nổi trội ở phần tiếp cận kỹ thuật mới, bút pháp chủ yếu vẫn theo khuynh hướng tả thực truyền thống nhưng khi thể hiện, anh cũng có những sáng tạo về cách xây dựng cốt truyện, khắc hoạ nhân vật, chọn lọc chi tiết nên nhiều tác phẩm tạo được những hiệu ứng thẩm mỹ, không nhanh chóng trôi trượt trong lòng người đọc như nhiều ấn phẩm cùng loại. Văn của anh khá tinh tế và đa dạng. Đa dạng ở việc xử lý các thể loại và tinh tế ở khả năng nắm bắt hiện thực. Bút ký của anh dồi dào sự kiện và biết làm nổi bật những gam màu đậm nhạt khác nhau trong bức tranh bộn bề của đời sống. Còn với truyện ngắn, anh lại biết tạo những kịch tính éo le hồi hộp và nhiều khoảnh khắc huyễn hoặc thực ảo lẫn lộn dẫn dụ người đọc vào nhiều trạng thái tâm lý háo hức chờ đợi... Những câu chuyện chứa những số phận éo le, nhuốm sắc màu bi kịch. Đó là chàng nghệ sĩ nghèo nhưng giàu lòng tự trọng, không chịu cúi mình trước baọ lực cũng như đồng tiền. Anh ngã xuống trước mũi dao oan nghiệt, thảng thốt trong giấc mơ về cái đẹp ! (Những hạt bụi ). Là sự quan tâm đến thân phận người đàn bà trải bao gió dập mưa vùi, đang tự gột bỏ những tỳ vết nhơ bẩn của quá khứ, tìm về với sự trắng trong, hướng Thiện (Nẻo về ) . Truyện với bút pháp sắp đặt, chồng chéo hai thủ pháp ngôn ngữ tự sự và độc thoại nội tâm, anh đã vẽ nên sự u ám của kiếp nguời, cùng nỗi đau thân phận người phụ nữ trong những bức tranh thật sinh động. Truyện Người đàn bà qua đêm đưa người đọc đến một bến bờ khác của thân phận người phụ nữ đang tìm cái khổ này đổi cho cái khổ kia, mong có sự yên ổn cho tháng ngày tàn. Truyện ngắn Ngôi nhà không có cầu thang được xây dựng dựa trên lòng trắc ẩn trong một gia đình còn mạng nặng hậu quả của nỗi đau thời hậu chiến. Người lính trở về sau chiến tranh với đôi chân không còn nguyên vẹn. Nhưng không, số phận không ngoảnh lưng với những con người lương thiện đã hy sinh một phần thân thể cho quê hương. Người cha già tận tuỵ và người yêu chung thuỷ đã tạo một bất ngờ cho anh trong ngôi nhà mới dựng - ngôi nhà huyền thoại của một tình yêu vượt lên mọi tính toán, mất mát. Tình người đã xoa dịu vết thương chiến tranh. Cái chân lý giản dị được thể hiện bằng một cốt truyện cũng giản dị nhưng không kém phần xúc động. Nếu bút pháp hiện thực truyền thống chi phối các truyện ngắn đã nêu trên thì với Đêm mù sương, anh lại đưa ta vào một thế giới khác, một thế giới của ảo giác, sự huyễn hoặc đóng yếu tố thứ nhất trong xây dựng cốt truyện và thể hiện nhân vật. Một tình cảm đầy chất liêu trai giữa tác giả và một bóng ma - cô gái Hà Linh, người con gái bị bom giặc sát hại thời chiến tranh. Cuộc tình như thực như mơ, như có như không là một dấu lặng cho sự hy sinh, vết thương của một thế hệ trong chiến tranh còn để sẹo mãi đến bây giờ. Truyện ngắn khá hấp dẫn, nó đứng được trong dãy dài sự cách tân của thể loại, nhờ ở sắc thái hiện đại cả về chủ đề và thủ pháp nghệ thuât. Cách nhìn mới về chiến tranh, thủ pháp xây dựng hình tượng nhân vật kết hợp hữu thức và vô thức, kết cấu đan xen kiểu“truyện trong truyện”. Tác phẩm ghi nhận một thành công của anh trên phương diện văn xuôi hịện đại.
Phan Trung Hiếu cũng khá thành công ở mảng bút ký- ghi chép (Nôn nao hến Thượng , Rơm rạ đất quê, Vàng trong đaý nước, Bên chén trà xuân, Thông xanh Ngàn Hống..). Anh bám sát đời sống nông thôn, đi sâu tìm hiểu sâu các làng nghề : nuôi tôm, trồng chè, đánh cá, trồng thông, nuôi ba ba,.. để tìm những vấn đề mới, con người mới. Thể ký buộc anh phải chọn chi tiết sống động, nhưng anh biết lồng vào những sự kiện, những con số khô khan các lời tự cảm và những liên hệ về kỷ niệm gia tộc, quê hương còn đọng trong ký ức khiến những trang ký giàu cảm xúc và chất thơ. Bên chén trà Xuân là một tiêu biểu. Từ chén trà vùng quê anh mở rộng sang phạm vị chè ta chè Tây, liên hệ đến trà đạo các xứ sở, từ thú ẩm trà của Tản Đà, Cao Bá Quát đến các quán trà thời nay, mà vẫn không quên nhắc lại thói quen uống trà cuả người cha quá cố ... Không chỉ hiểu biết mà tình cảm dâng đầy, lây lan cảm xúc đến người đọc rất tự nhiên. Hay trong Rơm rạ đất quê anh nói về nghề trồng lúa, về đời sống dân quê. Cuộc sống đã đổi thay nhưng gian khổ vẫn dâng đầy, thu hoạch mùa màng ít ỏi, rồi hạn hán, lụt lội giá cả phân tro, giống má lên xuống thất thường. Nhiều người xót xa muốn bỏ ruộng nương đi làm nghề khác Giọng văn tràn đầy xúc cảm thấm thía nỗi long đong vất vả như của người trong gia đình nói về đời sống cha, anh...Bút ký của anh đã từng được giới thiệu trên các báo, chí TW và địa phương và nhiều lần đoạt giải báo chí trong tỉnh.
Trong những trang viết của anh dành cho thiếu nhi, có tập tự truyện “Vườn đất Thánh” do Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành năm 2000 đã từng đoạt giải thưởng của UBLH các Hội VHNT Việt Nam viết về ký ức những trò chơi tuổi nhỏ như đánh đáo, chơi khăng, đánh gụ cho đến chơi trận giả, bắt cào cào, đi câu, cất rớ đêm… không chỉ làm các em nhỏ thích thú mà còn hấp dẫnv với cả một thế hệ đã từng trải qua những trò chơi dân dã một thời ở các làng quê. Mảng truyện đồng thoại, bút pháp chủ yếu của anh là lấy vật nói người, thoả mãn trí tượng các em bằng những so sánh ngộ nghĩnh. Phải có một tình yêu ,một sự hoà đồng thắm thiết mới có được một cái nhìn mơ mộng và đằm thắm với thiên nhiên như vậy:
...Nhện con sững sờ trước những hạt sương mai trong suốt đính thành vòng, thành chuỗi trên chiếc lưới tơ. Lũ ong bướm trên đường đi kiếm ăn cũng dừng cánh trầm trồ: “ Đẹp quá như những hạt ngọc cuả trời.” Chẳng có một chú muỗi nhép nào dính bẫy nhưng mẻ lưới đêm của Nhện con đã bắt được vô số nhhững hạt ngọc rơi xuống từ trời cao.Chú tung tẩy bò ra nằm giữa tấm lưới nhấm nháp vị tinh khiết mát lạnh của những hạt sương.Tự dưng Nhện con cảm thấy mình no đủ giàu có với bữa tiệc của muôn ngàn hạt ngọc đang óng ánh rực lên những màu sắc diệu kỳ. (Chú Nhện đu bay)
Viết cho các em , anh bám sát những nội dung giáo dục lưá tuổi măng non mà nhà trường nêu lên như tình yêu thiên nhiên ( Đám ma cá vàng , Mặt trời xanh của ếch ),tình bè bạn( Mũi lao trong đầm nước, Hạt nắng bé con) , cái thiện, cái ác ( Hồ Gương, Một đêm của thỏ trắng...); Vẻ đẹp nghệ thuật của những hình tượng thích hợp lứa tuối là dụng ý và thành công của anh trong những chủ đề tưởng như khô khan. Sức hấp dẫn ở mảng thơ văn viết cho thiếu nhi của anh có được nhờ sự đồng cảm và nhạy bén trong cảm xúc cùng những tưởng tượng thẩm mỹ gần gũi các em trong đời sống hàng ngày.
Ngoài viết văn, Phan Trung Hiếu còn làm thơ. Anh đã cho xuất bản tập thơ Hành trang đá năm 2000. Thơ anh dễ đọc dễ cảm, nó dìu dịu như những chùm hoa dẻ chân quê. Với giọng điệu chân thật hồn hậu, anh tiếp nối mạch thơ truyền thống Hà Tĩnh của lớp đàn anh Xuân Hoài, Thái Kim Đỉnh, Duy Thảo ,Minh Nho, ...Từ đề tài đến bút pháp không có cái gì làm choáng ngợp, thi thoảng có một vài tứ lạ nhưng ít được tác giả khai thác đến tận cùng tạo một nhảy vọt mà chỉ như là một cú nhảy lưng chừng để trở lại “mái nhà xưa” thân quen. Không phải vì nội lực mà vì tập quán của một công chức làm thơ luôn đắn đo và đôi khi tự bằng lòng với chính mình.
Dẫu vậy những vần thơ chân thật của anh về kỷ niệm tuổi thơ, về quê hương về tình yêu đôi lứa... vẫn gợi nhiều đồng cảm ở độc giả . Quê hương là một mảng đề tài lớn trong thơ Phan. Anh sinh ra ở một vùng đất nghèo nhưng giàu truyền thống:
Mặt ruộng khổ đau để bầu trời mộng mơ
Trâu vằm nát đường hình tim lỗ chỗ,
Bờ tre xanh gầy xạc xào trong gió
Lá nào héo hạ, cành nào gãy đông?
( Hương cỏ )
Con ngươi lớn khôn, giàu có nhờ kỷ niệm, vui có, buồn có, nhưng nghĩ về nó bao giờ cũng có thêm sức mạnh để lên đường. Biết bao vần thơ, nốt nhạc rung động lòng người vì năng lượng đánh động của ký ức. Phan Trung Hiếu cũng góp vào dãy sao mờ buổi ấy đôi hạt long lanh: một dấu cỏ, một giọt sương, tiếng chim gù..
Hơn hai thập kỷ cầm bút với một hành trang gần chục đầu sách, anh cố gắng khẳng định mình bằng một phong cách riêng. Cái gì đến sẽ đến, anh thường nói vậy. Sự bình thản đôi lúc cũng là sức mạnh, bút lực và tuổi văn phụ thuộc nhiều yếu tố nhưng điều cơ bản vẫn thuộc về chủ thể, về nhân cách văn hoá của tác giả. Sự thành công của một nhà văn nói như Gớt, yêu cầu người nghệ sĩ gánh ở hai vai, một vai Đạo lý một vai cái Đẹp. Những niềm vui trong lao động sáng tạo nghệ thuật cũng như trong công việc đang chờ anh phía trước.
HÀ QUẢNG