24-11-2014 - 16:11

Tập thơ " Con chim chích chòe" của nhà văn Phan Trung Hiếu

...Phải trẻ mới có thể đưa lại cho các em một cách nhìn, những cảm xúc non tươi. Phải trẻ mới có thể thổi sự sống vào các vật vô tri, biết làm cho mọi sự vật bình thường đều ánh lên được những nét mới, lạ. Mà cũng phải thế mới là thơ dành cho thiếu nhi, mới hy vọng được các em yêu thích( PGS,TS Vân Thanh)

"CON CHIM CHÍCH CHÒE"
 MÓN QUÀ XINH XẮN DÀNH TẶNG CÁC EM
                                                                                    PGS -TS Vân Thanh

           " Con chim chích chòe" - Nhà xuất bản Hội nhà văn năm 2014 là tập thơ đầu viết cho thiếu nhi của Phan Trung Hiếu sau bốn tập truyện mà anh dành cho các em đã xuất bản vào các năm 1994 ( Giấc mơ bong bóng- Hội VHNT Hà Tĩnh), năm 2000 ( Vườn đất Thánh, NXB Kim Đồng, tái bản năm 2014), năm 2004 ( Chú Nhện đu bay- NXB Hội nhà văn) và năm 2009 ( Hạt nắng bé con- NXB Kim đồng). Vậy là Phan Trung Hiếu đã có “thâm niên” 20 năm viết cho thiếu nhi khi tuổi đã bước vào ngưỡng... “tri thiên mệnh”.
          Mở đầu tập là bài "Hát với mùa xuân"  viết về một cảnh vườn quê dân dã đang bừng sáng, xốn xang khi mùa xuân về. Nào đàn bướm bay, nào tiếng chim “lích rích”, nào những cây hồng nhỏ đang nhẹ nhàng giục giã những bông hoa hãy mau mau xòe cánh... Như một dàn đồng ca, một bản hợp tấu, tất cả cùng náo nức hòa thanh "Nào chim, nào bướm/ Nào lá, nào hoa/ Ta cùng cất tiếng/ Lá là lá la". Bài thơ mở đầu như một chủ ý của tác giả, một tín hiệu dẫn dắt người đọc bước vào một thế giới khác, một vườn chơi dành riêng cho những bạn nhỏ, lung linh sắc màu của thi ca, đồng thoại.
        Hòa với gam màu tươi tắn của mùa xuân là những tiếng thì thầm của mưa, của gió, của lá... đang rủ rỉ trò chuyện cho nhau nghe về những cảnh tượng kỳ thú của thế giới xung quanh. Mưa kể với gió về những nàng mây trắng chỉ suốt ngày rong chơi nhởn nhơ. Gió kể với lá về câu chuyện ông mặt trời cần cù, siêng năng Sáng đi rải nắng/ Tối về biển khơi. Lá lại kể với bé về Chuyện các vì sao...Kết thúc bài thơ là một bất ngờ quá dễ thương: Chẳng hay bé ngủ/ Khi nảo khi nào. Trong vòng tay ấm êm và tiếng à ơi ngọt ngào của mẹ, trong nhịp võng đưa và cả trong cái yên bình của trời đất ấy, bé nào mà chẳng vô tư đi vào giấc ngủ hồn nhiên của tuổi mình....
       Mùa xuân bỏ qua mùa hạ mà đi nhanh vào mùa thu. Bao thế hệ người lớn chúng ta, ai mà không nhớ, không yêu Tiếng thu của Lưu Trọng Lư: "Em có nghe mùa thu /Lá thu rơi xào xạc / Con nai vàng ngơ ngác / Đạp trên lá vàng khô"  hay bâng khuâng với Hoa cau của Trần Đăng Khoa: "Nghe trời trở gió heo may - Sáng ra vại nước rụng đầy hoa cau". Còn với Phan Trung Hiếu thì đó là Chớm thu với những cảm nhận tinh tế lúc giao  mùa: " Một chút hoe vàng màu hạ sót / Xanh trời ngơ ngẩn tiếng chim ca".
      Từ những điều nhìn, nghe, thấy, nghĩ, trí tưởng tượng của các em có thể dệt nên bao chuyện lạ. Chẳng hạn mặt trăng qua cái nhìn của Nhược Thủy: "Trăng tròn như cái đĩa / Lơ lửng mà không rơi / Những hôm nào trăng khuyết / Trông giống con thuyền trôi" đến trăng của Phạm Hổ: "Thỏ chạy, trăng chạy /Thỏ dừng, trăng dừng /Thỏ con ngẩng mặt /Nhìn trăng lạ lùng/ “Trăng ơi, có phải /Trăng cũng có chân?". Còn trăng của Phan Trung Hiều thì phải chờ. Bài Chờ trăng là những lời chia sẻ với nỗi buồn của các em, khi đang hồi hộp đợi chờ để phá cỗ đón trăng thì trời bỗng đổ mưa tầm tã – những cơn mưa miền Trung có thể bất chợt đến lúc nào vào mùa bão lũ: "Trăng thu đón trăng sáng /Trời bỗng mù mịt mưa / Bé thở dài ngao ngán / Trăng ướt nhòe, buồn chưa!". Trung thu mà thiếu trăng thì làm sao vui được! Dù rất thích ăn bánh, nhưng các em vẫn sẵn lòng đem "Bao nhiêu là bánh trái/ Xin đổi một trời trong". Khát vọng hướng tới những giá trị tinh thần nhỏ bé vẫn còn nương náu trong tâm hồn con trẻ là vậy đó.
      Cảnh vật, thiên nhiên trong thơ Phan Trung Hiếu thật sinh động. Được nhìn và cảm nhận qua con mắt trẻ thơ, thế giới đó hiện ra trong một vẻ riêng thật độc đáo. Với trẻ nhỏ, trong vốn đọc của tôi, hình như ít có nhà thơ viết về bão. Phan Trung Hiếu - nhà thơ của miền Trung, một vùng quê luôn phải chống chọi với bão tố, lũ lụt nên hình ảnh về bão  mang một sắc thái riêng, có hồn riêng. Bão, lạ không: nó có chân, tay, và suốt ngày gây gổ:  "Chắc bão có chân/ Mới hay chạy nhảy/ Mới xô cành ấy/ Đã rụng cây này/Chắc bão có tay/ Móng dài vuốt sắc/ Vườn nhà xơ xác/ Bão cào đó thôi".
        Bên cạnh thế giới thiên nhiên, thế giới loài vật trong thơ anh cũng thật đa dạng với những nét vừa rất quen thuộc vừa độc đáo với các em. Trong bài Gà học chữ, nhà thơ đã kết hợp đặc điểm của động vật với tính cách của người. Một chú gà trống nhanh nhẹn, sáng dạ: "Ngày đầu đến lớp/ Cô dạy chữ O/ Gà trống thích thú/ Gáy vang ó ò" làm náo động tất cả. Nhưng: "Đến môn tập viết/ Gà trống bới cào/ Nét chữ xiêu vẹo/ Hàng thấp hàng cao". Quả đúng với cách ví von của dân gian: “Chữ xấu như gà bới”. Cần chú ý ở đây không phải gà nói chung, mà là gà trống. Với gà mái thì khác, luôn bận rộn nhưng nhờ chăm luyện chữ nên kết quả thật rõ ràng: "Cục ta cục tác/ Quả trứng tròn vo". Một chữ O tròn trĩnh khiến ai ai cũng thèm. Không biết thèm một con chữ đẹp hay thèm quả trứng? Có lẽ cả hai. Gà trong thơ Phan Trung Hiếu gợi ta nhớ chú gà trống “hâm tỷ độ” của Phan Thị Vàng Anh, “hâm” chứ không phải.. ngu: "Con gà trống nhà em/ Rất là hâm tỷ độ/ Người ta đã dậy rồi/ Còn gáy cho dậy nữa", cùng: "Mụ gà cục tác như điên/Làm thằng gà trống huyên thuyên một hồi" trong thơ Trần Đăng Khoa. Hẳn tất cả đã nhìn đời với con mắt trẻ thơ mới có được những hình ảnh, nhận xét thú vị như vậy.
        Những vật vô tri như Trống trường, Cần câu, Ngọn nến cũng được nhà văn thổi vào sự sống, làm chúng trở nên lung linh, sống động. Mộc mạc là chiếc trống trường được thu nhỏ lại, gợi nhớ hình ảnh quả cau quen thuộc với các bà mẹ nông thôn: "Tựa quả cau/ Tiện hai đầu/ Treo lủng lẳng". Những ngày hè nắng bỏng, trống được nằm nghỉ lưng. Nhưng bước vào năm học, trống lại luôn rộn ràng, âm thanh quấn quýt chia sẻ vui buồn cùng các học trò: "Ai học giỏi/ Trống “mừng, mừng”/ Ai lừng khừng/ Trống “trách, trách”.
Nhạy bén, tinh tế trong những cảm nhận về thiên nhiên, thơ Phan Trung Hiếu cũng rất ấm áp trong tình người. Đằm thắm tình cha con trong Quà biển, Gửi ba; trìu mến và yêu thương trong tình mẹ: Ngọn nến, Mẹ tôi.
       Hình thức đồng dao được sử dụng nhiều trong thơ Phan Trung Hiếu vừa giúp các em mở rộng tri thức, vừa khiến các em thích thú vì nó linh hoạt, có thể vừa hát vừa chơi. Tôi tin những bài như: Con chim chích chòe, Các loài cá, Chi vi chít vít, Kéo cưa lừa xẻ, Ù à ù ập... đều được các em yêu thích và gây được những tiếng cười thoải mái.
       Thơ Phan Trung Hiếu ít dùng hình dung từ mà sử dụng nhiều động từ, khiến câu thơ sinh động hẳn: "Con tàu vặn mình khùng khục/ Ai nấy đều bảo tàu đi/ Nhà cửa, hàng cây trôi ngược/ Nào hay bé đang nghĩ gì.(...)/ Hổn hển trườn qua đồng, bãi/ Băng sông, vượt suối, trèo đèo/Tàu kêu “Mệt thật! Mệt thật!”/Dừng ga, hớn hở còi reo". Trong bài Các loài cá, tác giả đã quan sát đặc điểm của từng loại cá, gắn với tên gọi, để miêu tả cho thích hợp: "..Tính hay chặt phá/ Đúng chàng cá đao/ Chết chìm sông sâu/ Là anh cá đuối/ Chẳng bao giờ đói/ Cá cháo, cá cơm (...) Suốt ngày bay lượn/ Là chú cá chim/ Bắt mẹ đi tìm/ Là con cá lạc...Với ý thức hướng các em khám phá về thế giới qua những chuyện bình thường, gần gũi, quen thuộc của sự sống, Những con mắt là một bài hay: " Lúng liếng trên cây/ Muôn vàn mắt lá/ Chân có mắt cá/ Để dò đường đi/ Muốn bắt cá gì/ Phải nhờ mắt lưới/ Mắt bão hay thổi/ Chả ai chơi cùng/ Đứng xếp thành hàng/ Mắt tre, mắt nứa/ Còn cái ô cửa/ Là mắt ngôi nhà...".
       Xin chúc mừng tập thơ mới của Phan Trung Hiếu dành riêng cho thiếu nhi với một giọng điệu và tâm hồn rất trẻ. Phải trẻ mới có thể đưa lại cho các em một cách nhìn, những cảm xúc non tươi. Phải trẻ mới có thể thổi sự sống vào các vật vô tri, biết làm cho mọi sự vật bình thường đều ánh lên được những nét mới, lạ. Mà cũng phải thế mới là thơ dành cho thiếu nhi, mới hy vọng được các em yêu thích./.                                             

                                                                                    Hà Nội, thu 2014     
                                                                                      V.T
. . . . .
Loading the player...