01-07-2019 - 07:44

Nhớ người vẫn tìm em cô gái sông La

Thời gian trôi mau, mới đó mà đã 10 năm, nhạc sĩ Trần Danh Viện đi vào cõi vĩnh hằng (2009 - 2019). Ông nằm yên nghỉ trên một ngọn đồi để luôn được nhìn thấy sông La - dòng sông quê hương đã luôn neo giữ tâm hồn Trần Danh Viện suốt 65 năm cuộc đời. Xin được coi đây là một nén tâm hương tưởng nhớ nhạc sĩ Trần Danh Viện nhân dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông.

         Tôi thuộc thế hệ con cháu lại là người “ngoại đạo” nên biết nhạc sĩ Trần Danh Viện hơi muộn màng. Hồi đó, tuy chỉ gặp vài lần thoáng qua, nhưng ông đã để lại trong tôi nhiều hình ảnh khá ấn tượng. Với vóc dáng cân đối, tác phong nhanh nhẹn, vui vẻ, Trần Danh Viện vai đeo camera mỗi lần có việc vào Văn phòng Hội, cứ tưởng ông là cộng tác viên của nhà Đài… Chưa quên được những động thái rất chuyên nghiệp của đôi tay, ánh mắt cả những cái lắc đầu khi ông bắt nhịp bài hát “Đêm trên Cha Lo” cho Đoàn văn nghệ sĩ Hà Tĩnh hát giao lưu với cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Lạch Kèn (Nghi Xuân) trong một chuyến thực tế cuối năm 2007... Dẫu là “ngoại đạo” nhưng tôi vẫn nhận ra được dáng dấp, phong thái của một người có nhiều năm gắn bó với Âm nhạc… Thế nhưng, phải đến dịp kỷ niệm 580 năm La Giang - Đức Thọ, khi Hội liên hiệp VHNT Hà Tĩnh và Huyện Đức Thọ phối hợp làm đĩa VCD “Nhớ Sông La” thì tôi mới có điều kiện hiểu nhiều về Trần Danh Viện, ấy là thời điểm năm 2008. Trong vai trò làm đạo diễn, quay phim... được sự giới thiệu của Nhà văn Phan Trung Hiếu – Chủ tịch Hội, chúng tôi đã tìm tới ông, lúc bấy giờ đang sinh sống cùng gia đình tại xóm 12 - thị trấn Đức Thọ. Sự đón tiếp nồng hậu của cả nhà nhất là sự nhiệt tình đầy trách nhiệm của Trần Danh Viện đã giúp chúng tôi ý thức được đây chính là điểm đến, một chỗ dựa tinh thần trong những ngày thực hiện Abum nhạc này. Và đó chính là cơ duyên giúp tôi quen biết ông.

Nhạc sĩ Trần Danh Viện (hàng thứ 3, thứ 5 bên trái sang) 
chụp ảnh cùng các Nhạc sĩ tại Ngã ba Đồng Lộc - Ảnh: Tư liệu

          Trần Danh Viện, sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Cụ thân sinh là cán bộ thuộc lớp Đảng viên đầu tiên của xã Liên Minh. Tốt nghiệp phổ thông năm 1965, được xét cho đi du học ở Liên Xô, nhưng đất nước chiến tranh, anh đã hăng hái lên đường nhập ngũ. Vốn có năng khiếu văn nghệ, Trần Danh Viện đã đem tiếng hát của mình phục vụ chiến sỹ trong các đơn vị, bên những chiến hào, dưới làn mưa bom bão đạn của quân thù. Sau đó 3 năm, anh được văn công Tỉnh đội Hà Tĩnh điều về. Đây là môi trường thuận lợi đầu tiên để Trần Danh Viện phát huy tốt khả năng về âm nhạc của mình. Vào thời kỳ đó, anh đã có những sáng tác khá thành công, đó là: “Đôi bồ tải gạo nuôi quân”- Đạt giải 2 Hội diễn Quân khu 4; “Mái chèo mẹ Trí sông La”; “Xe đạp thồ”... Đây là những sáng tác đầu tay - những nốt nhạc đầu tiên mở ra con đường âm nhạc Trần Danh Viện. Đến năm 1972, anh được tuyển về Đoàn văn công Quân khu IV. Tại đây, Trần Danh Viện có điều kiện được học và rèn luyện từ các lớp đàn anh, đàn chị về sáng tác âm nhạc. Đến năm 1979, Trần Danh Viện thi đậu vào Nhạc viện Hà Nội - Khoa chỉ huy dàn nhạc giao hưởng. Vậy là từ một cậu học trò nghèo nhà quê, rất cực nhọc với sự học hành, bằng chính nghị lực và phấn đấu của bản thân, Trần Danh Viện đã trở thành một sinh viên lớp trưởng, luôn được thầy yêu, bạn mến về tư chất cũng như nhân cách của một người chiến sĩ - nghệ sĩ. Sau 5 năm học tập rồi tốt nghiệp Đại học hệ chính quy, anh được giữ lại trường nhưng vì thuỷ chung gắn bó với đơn vị, Trần Danh Viện lại ba lô, khăn gói trở về Đoàn làm nhạc trưởng. Đến năm 1990 ông về nghỉ hưu tại thị trấn Đức Thọ...
         Trong thời gian làm Abum nhạc “Nhớ sông La” tôi thường lưu lại nhà ông để tiện bề tác nghiệp. Cũng chính từ đó, trái tim nghệ sĩ nơi chúng tôi đã cùng tìm được sự đồng cảm. Đã có rất nhiều lần Trần Danh Viện ngồi đàn hát say sưa cho tôi nghe những ca khúc của mình. Trong mỗi lời ca của ông, đã đọng lại trong tôi hình ảnh một người nhạc sĩ yêu da diết quê hương, yêu thuỷ chung con sông La ngàn đời thơ mộng. Và cũng trong thời gian ấy, tôi mới biết con người nghệ sĩ ấy đang mang trong mình một căn bệnh hiểm nghèo - Ung thư dạ dày. Sau mỗi lần điều trị hoá chất, mặt ông gầy gò, đầu tóc bị rụng nhưng trên môi ông vẫn luôn nở nụ cười tự tin và tha thiết với cuộc đời. Chúng tôi thật sự cảm phục nghị lực sống và ý chí chiến đấu kiên cường với bệnh tật nơi ông. Có lẽ tình yêu âm nhạc, tình cảm gia đình và nhất là sự thủy chung, hết lòng yêu thương của người vợ - bà Trần Thị Kim Hoa - người đồng đội năm xưa đã giúp ông có được nghị lực sống và sự khát khao sáng tạo đến thế. Quả vậy, những năm tháng điều trị tại các bệnh viện lại là quãng thời gian ông viết sung sức nhất và đã gặt hái được nhiều thành công về nghề nghiệp, đó là: “Du thuyền trên Sông La”; “Trần Phú - Người sống mãi”; “Bài ca nông dân”; “Nhớ con Sông La”; “Cờ nghĩa Phan Đình Phùng”; “Thầy tôi”,  “Việt Nam vô địch”... và đáng chú ý là “Tôi vẫn tìm em cô gái Sông La”. Tác phẩm đạt giải Ba ở cuộc thi sáng tác ca khúc viết về Ngã Ba Đồng Lộc do Báo Công an Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức. Âm nhạc của ông đã dẫn dắt được lòng người về một tình sử giàu chất thơ bên dòng La thơ mộng để rồi cùng hướng về tượng đài chiến thắng - Ngã Ba Đồng Lộc. Tác phẩm được giới thiệu nhiều lần trên sóng Đài phát thanh truyền hình, các báo, tạp chí của Trung ương, địa phương và nhanh chóng được công chúng yêu âm nhạc gần xa đón nhận với nhiều tình cảm đặc biệt. Một điều thú vị nữa là “Tôi vẫn tìm em cô gái Sông La” đã được nhiều bạn trẻ hát tặng nhau trong ngày mừng hạnh phúc của họ. Nhà thơ Nguyễn Ngọc Phú đã nói rất chân tình “Mình rất ít thuộc bài hát, thế nhưng lại nhớ rất kỹ “Tôi vẫn tìm em cô gái Sông La” và anh vẫn thường hát một mình mỗi khi có cảm hứng”. Ông Nguyễn Văn Thắng - Phó bí thư Huyện ủy Thạch Hà, nguyên là Trưởng ban Khu di tích Ngã Ba Đồng Lộc cũng đã có nhận xét: “Tôi vẫn tìm em cô gái sông La” là một trong số ít bài hát hay nhất được nhiều người yêu thích viết về Ngã Ba Đồng Lộc. Những cảm nhận dẫu chỉ là nhỏ bé vậy thôi nhưng lại quý giá vô cùng đối với một nhạc sĩ khi tác phẩm của mình đã có được đời sống riêng trong lòng công chúng. Trước khi ông mất 3 ngày, Đoàn cán bộ Văn phòng Hội đến thăm, nhạc sĩ Quốc Nam đã trao ông cuốn Tạp chí Hồng Lĩnh có giới thiệu ca khúc “Tôi vẫn tìm em cô gái sông La” được in trang trọng trên bìa 2. Trần Danh Viện đã rưng rưng nước mắt và đặt nhẹ cuốn tạp chí vào lồng ngực mình. Đây là lần cuối cùng ông được nhìn lại đứa con tinh thần của mình để rồi cùng với nó tìm về và nhẹ trôi trên dòng La êm ả...  
         Cuộc đời Trần Danh Viện là một tấm gương sáng về sự nghiệp Âm nhạc cả trong đời sống gia đình. Không những hết lòng yêu thương vợ con mà ông còn sớm tìm được cho con mình hướng đi phù hợp. Bởi thế, thời là sinh viên của Nhạc viện Hà Nội, Trần Danh Viện đã mạnh dạn đưa con gái đầu lòng - Tuyết Mai, lúc đó mới 6 tuổi ra ở với ông tại Ký túc xá để sớm có cơ hội theo đuổi con đường Âm nhạc. Bây giờ có lẽ điều đó nó trở thành bình thường nhưng ở trong những hoàn cảnh khó khăn ấy (năm 1979) thì với nếp nghĩ và cách làm của Trần Danh Viện đã cho ta nhiều suy ngẫm… Rồi Tuyết Mai đã thi đậu vào hệ Sơ cấp Khoa Piano Nhạc viện Hà Nội - một ước mơ của nhiều bậc phụ huynh thời đó. “Hoa hồng nở trên gai nhọn”, sau 15 năm miệt mài học tập Tuyết Mai đã tốt nghiệp Khoa Piano của Nhạc viện và được Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam nhận về công tác. Không trực tiếp đi trên con đường nghệ thuật như chị của mình, là một giáo viên, nhưng Ngọc Mai người con gái thứ hai lại rất có duyên với văn học. Hai tập thơ “Nơi bình yên của bão” và “Giọt thời gian” của Ngọc Mai đều có vinh dự được nhận giải thưởng của Liên hiệp các Hội VHNT Việt Nam. Cậu con trai út Trần Việt Hưng lại theo thiên hướng đam mê Thể dục Thể thao với nhiều Huy chương Vàng của Tp Hà Nội, quốc gia ở bộ môn bóng bàn.  Để bày sự kính yêu, lòng tri ân với Ba mình, Ngọc Mai cũng đã kịp gửi gắm bài thơ “Ba tôi” và sau đó đã được chị cả phổ nhạc để dành tặng ông, một người Cha - người Thầy - Nhạc sĩ Trần Danh Viện. Và cả đến khi mất trong lòng các con, ông - Ba vẫn “bất tử”. “Bất tử những bài ca - bất tử nốt nhạc đời”. 
         Cả đời ông cứ miệt mài trò chuyện với sông La, với những kỷ niệm đầy vơi thương nhớ! Ông cứ mãi mê “vẫn tìm em cô gái sông La” trên con đê dài lộng gió, vẫn chờ đợi bên “Bến sông cầu Thọ Tường” quê hương. Những ngày cuối cùng trên giường bệnh, ông đã gửi gắm tâm nguyện của mình với người thân. Sau khi mất ông muốn được yên nghỉ một nơi có thể nhìn được ra sông La và có nhiều bước chân con người qua lại. Và ông còn muốn khi đó Đài truyền thanh sẽ phát lại ca khúc “Tôi vẫn tìm em cô gái sông La” để tiễn đưa mình. Trần Danh Viện là thế! Dù có phải ra đi, ông vẫn muốn mình được đưa tiễn trong âm nhạc - niềm đam mê mà ông đã gắn bó như là định mệnh.  


                                                                                                          Trần Hướng

. . . . .
Loading the player...