09-02-2020 - 14:06

NHỌC NHẰN MỘT THUỞ…

Hướng tới Kỷ niệm 50 năm thành lập Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh và Đại hội Hội Liên hiệp VHNT Hà Tĩnh nhiệm kỳ 2020-2025, tạp chí Hồng Lĩnh số Tết trân trọng giới thiệu bài viết của nhà văn Đức Ban.

    … Bắt đầu cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc Việt Nam ngày 15 / 6/1965 cho đến ngày 15 /1/ 1973, sau nhiều thất bại liên tiếp, Mỹ buộc phải ngừng ném bom miền Bắc, ký Hiệp định Pari công nhận nền độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của dân tộc Việt Nam, tính ra gần 10 năm  người dân Hà Tĩnh trải qua bao gian khó, hy sinh mất mát được bước vào ngưỡng cửa hoà bình. Người ta đi và hát và cả khóc trên đổ nát của chiến tranh. Suốt ngày dọc các ngả đường từ các nơi sơ tán trên rừng, trong những làng quê xa xôi heo hút, cơ quan, đơn vị, xí nghiệp… trở về tỉnh lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá của tỉnh. Ô tô tải, xe Kiến an, xe đạp và cả gồng gánh cứ rồng rắn nối nhau ngày liền đêm.

      Ba ngày sau ngưng tiếng bom đạn, ngày 18 -1 -1973, Tinh uỷ Hà Tĩnh phát động một cuộc thi đua hướng vào ba công tác cụ thể: giao thông vận tải, thuỷ lợi và nông nghiệp với mục tiêu đạt 16 vạn tấn lương thực. Một hiện thực tuy còn gập ghềnh và đầy gian nan nhưng vô cùng sôi động. Khắp mọi vùng miền  mít tinh kêu gọi mọi tầng lớp nhân dân đoàn kết nỗ lực lao động thực hiện đường lối chung và đường lối kinh tế cho thời ký quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Bắt đầu cuộc tái thiết cơ sở vật chất, đổi thay thể chế, tổ chức  bộ máy…

Bìa Tạp chí sông La - Hội VHNT Hà Tĩnh

     Bấy giờ Hội Văn nghệ như là một phòng của Ty Văn hoá Thông tin, đảng, đoàn, lương thưởng, tất tật các chế độ xã hội đều thuộc Ty. Trước đó, năm 1969, Hội sáng tác văn nghệ Hà Tĩnh được thành lập; đến năm 1971, trong Đại hội làn thứ hai đổi tên thành Hội văn nghệ Hà Tĩnh. Hội nhanh chóng tập hợp quanh mình một lực lượng sáng tác đông đảo bao gồm, cán bộ, bộ đội, thanh niên, thiếu niên học sinh, các cụ phụ lão và sáng tác thơ ca của họ đã góp phần tích cực vào thắng lợi năm 1975.  Những tập Thơ Hà Tĩnh, Đất Trung tuyến, Hương quê, Yêu Bác lòng ta trong sáng hơn, Ca dao chống Mỹ, Dương chí Uyển, Đồng lúa xuân, Người tốt, việc tốt…nối tiếp nhau đến với bạn đọc.  Tạp chí  Văn nghệ Hà Tĩnh chuyển thành tạp chí Sông La, ra đều hàng tháng phổ biến rộng rãi trong và ngoài tỉnh.  Trong một cuộc họp đầu tuần, ông Trưởng ty Hà Huy Lư nói, văn nghệ là yếu tố quan trọng của văn hoá, lâu nay văn nghệ  đã làm sang trọng cho Ty văn hoá thông tin. Rồi ông cho người mua một ngôi nhà của một gia đình nông dân trong làng Thạch Linh để Hội Văn nghệ ra ở riêng cho danh chính ngôn thuận. Đấy là một ngôi nhà cấp 4 ba gian hai chái, rường cột bằng gỗ xoan, lợp tranh tro, một mảnh sân đất mỗi chiều bốn mét, một khoảnh vườn đầy cỏ dại và khoai giong giềng. Bốn phía chung quanh là tre và tro, um tùm. Hội trưởng Thanh Minh nói, nhiều chốn còn tan hoang đổ nát được ni là sang.  Ngày nào cũng như ngày nào, không tính chủ nhật, ngày lễ cứ sáng sớm anh em lại tụ tập về  ngôi nhà ba gian ấy, rôm rả chuyện trên trời, dưới  bể, đông tây, kim cổ, văn, thơ, chợ búa, gạo cơm, củi đuốc. Ăm ắp tiếng đọc thơ của Quốc Anh, Tùng Bách, tiếng đàn viôlông của Chính Tâm, giọng kể chuyện trạng nhẩn nha của Thanh Minh… Khuya, Thanh Minh và Thái Kim Đỉnh về với ngôi nhà âm thầm, sâm sẫm lẫn giữa bao ngôi nhà tạm ở phố Trần Thị Hường nào đó. Quốc Anh đạp xe năm cây số ra Thị trấn Cày theo con đường phố heo hắt, buồn nao lòng. Nơi ấy vợ anh hàng ngày gập lưng trên bàn máy khâu kiếm tiền nuôi ba người con ăn học và nuôi ông chồng làm thơ. Chính Tâm về Công ty Nhiếp ảnh, phụ giúp vợ tráng phim trong buồng tối. Hữu Lợi chen vai với  vợ  và hai người con trong gian nhà xập xệ của khu tập thể Xí nghiệp Dược. Ngô Thực đi đâu không ai hay, nghe nói thì sang ngủ nhờ phòng Phan Huy, thường trú Báo Nhân dân. Trong ngôi nhà ba gian âm thầm đơn côi, vắng vẻ  còn lại tôi và Tùng Bách vơ vẩn, lửng thững vào, ra. Trong cơ quan chỉ hai thằng chúng tôi không có chức tước, còn thì Chánh văn phòng, Trưởng ban Văn, Trưởng ban thơ, Phòng Trị sự… Về sau tôi được giao làm kế toán kiêm đánh máy chữ, một cái máy Optima từ thời trước chiến tranh, tôi mang từ nhà theo, Tùng Bách phụ trách công tác hành chính với những việc không có tên gọi. Một thời gian sau, chái nhà phía mặt trời lặn được cải tạo thành bếp ăn. Một cô gái trẻ tên Hoà, cao ráo, xinh xắn, không biết từ đâu ra và ai dẫn dụ cứ sáng sáng đến Hội quét dọn nhà cửa, sân ngõ, rồi nấu nước sôi pha trà, xong thì lặng lẽ ra về. Thấy tôi và Tùng Bách hí húi chợ búa cơm nước, mấy ông Thường vụ Hội thuê thêm một cô gái khác tên Hoan cứ gần trưa và quá chiều đi xe đạp đến, đỏ lửa nấu nướng, khói xanh mù mịt. Mỗi nồi cơm hấp mì sợi vài con cá mu bằng ngón tay, một bát canh rau vặt nấu với ruốc Thạch Kim, bữa sang thì có thêm miếng thịt mỏng như lá lúa. Không bữa nào Hoan ăn cùng chúng tôi, cháu có cơm, khoai con gái nấu ở nhà rồi. Dọn dẹp xong mất hút sau rặng cây trước cửa. (Sau này, Hoà trở thành bà chủ một Xí nghiệp khai thác cát ở phía Tây Thị xã, còn cô Hoan làm công nhân sắp chữ ở Nhà in).  

       Nghĩ lại những ngày ấy, cái đói khát, túng bấn nghiệt ngã bủa vây bốn phía chung quanh vẫn cứ thấy êm đềm, ấm áp đến nghẹn lòng, chúng tôi vẫn đầy niềm tin vào ngày mai, ngày kia dù không rõ ngày mai, ngày kia có cái gì và nó sẽ như thế nào.

          Đầu năm 1974, sau Tết  Quý Sửu, Ban thường vụ Hội quyết định xuất bản tập Sông La chuyên đề về khắc phục hậu quả chiến tranh xây dựng chủ nghĩa xã hội .Tác phẩm về đề tài chiến tranh thì nhiều nhờ đội ngũ Hội viên tài năng, tên tuổi vọng cả nước vừa bước ra từ cuộc chiến như Vũ Duy Thông, Nghiêm Đa Văn, Trần Quốc Anh, Trần Huy Quang, Nguyễn Trọng Tạo, Lê Nghi, Lê Trần Sửu, Hà Quảng…còn bài viết về thực tế lao động sản xuất xây dựng xã hội chủ nghĩa thì rất ít, gần như con số 0. Hội trưởng Thanh Minh tung anh em đi thực tế. Tôi được giao viết bút ký về công trình xây cống ngăn mặn Đò Điệm. Tôi phong phanh tấm áo TNXP sờn vai trong cái rét Nàng Bân tê tái  suốt ngày hì hụi với tốp thợ dổ bê tông. Rồi tôi cũng viết được một bài ký với giọng điệu rất hào sảng cùng cái tít đậm chất băng rôn, khẩu hiệu: “Sức chảy của dòng sông”. Ông Thanh Minh nhếch mép cười, hàm nghĩa sức chảy của cách mạng xã hội chủ nghĩa đấy chăng? Có thể nghĩ ra được thế chứ? Tôi gật đầu không đáp. Sức chảy dòng sông in trên Sông La số  7 giấy Việt Trì sâm sẫm, chữ rõ, chữ mờ, còn lỗi chính tả thì nhâm nhi. Mấy cô công nhân nhà in với thứ giọng buồn buồn phân bua là chữ chì đen, li ti như hạt đậu, điện đóm thì vàng vọt trâm tắt, trâm đỏ, các anh đừng trách móc mà tội bọn em.  Nào có ai dám thốt một lời. Về sau và cả lúc này ngồi gõ những dòng này, tôi vẫn thấy tiếc là không giữ được cuốn tạp chí xưa cũ ấy và chợt nghĩ, nếu gặp lại Sông La  chắc  mình sẽ xúc động mà khóc; khóc cho một thời khổ cực, gian nan mà hào hứng mà hồn nhiên, khóc cho những tác giả đã về cõi khác, khóc cho những bài viết của mình và bạn bè mình sớm mồ côi trong quên lãng của bạn đọc...

      Cuối năm 1974 và  năm1975, Quốc Anh và Nguyễn Trọng Tạo in tập thơ Tình yêu sáng sớm, Những câu thơ kiểu như : Tình em như giếng trong/ Lòng em như tiếng hát/ Đời em: Viên gách hồng/ Nung trong lò quê hương Xô - Viết…Chính Tâm và Lê Trần Sửu in tập Truyện ngắn Đêm thu yên tĩnh, về đề tài nông thôn. Tôi và Hữu Lợi xuất bản tập Mưa rừng viết về làng quê và về rừng. Thái Kim Đỉnh in Truyện dân gian Cá gáy hoá rồng…Tôi không biết ông Thanh Minh và ông Thái Kim Đỉnh xin tiền đâu để in sách cho chúng tôi. Hỏi, ông Đỉnh cười hiền, tiền Ty cho, còn Hội đấy à? Trên răng, dưới… Hội lâm vào giai đoạn khó khăn. Ngoài đồng lương ít ỏi xếp theo bậc cán sự (như tôi được 32 đồng / tháng tương đương 16 bát phở ở cửa hàng Mậu dịch quốc doanh), chúng tôi không có đồng ra đồng vào nào. Sổ quỹ văn phòng Hội trắng phớ. Mọi người riêng chi mấy anh nhà văn, tất cả phải gồng mình mà sống cuộc sống thời hậu chiến. Là thế nhưng không mấy ai kêu ca oán thán, ai cũng bươn bã để tự cứu mình. Tự cứu mình bằng nỗ lực làm lụng tức là đã góp phần bảo vệ đất nước, là yêu quê hương, Tổ quốc mình. Hàng vạn người dân Hà Tĩnh “mo cơm, quả cà, tấm lòng cọng sản” mà lên đường đến những nơi Đảng cần.

        Ngày 27 – 12 -1975, Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hoà ra nghị quyết phê chuẩn hợp nhất hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh thành tỉnh Nghệ Tĩnh. Một xáo trộn khắp chốn Hà Tĩnh. Trụ sở cơ quan Đảng, chính quyền, đoàn thể, Mặt trận cấp tỉnh của Hà Tĩnh chuyển ra Vinh sáp nhập với các cơ quan tương ứng của Nghệ An. Hội Văn nghệ Hà Tĩnh nhập với Hội Văn nghệ Nghệ An thành Hội Văn nghệ Nghệ Tĩnh. Hỏi Hội trưởng Thanh Minh, thủ trưởng có chuyển cùng chúng em không? Ông cười cười nói là thiên hạ chứ mình già rồi có mà chuyển vô bốn dài, hai ngắn. Rồi ông xin nghỉ hưu. Trong cơ quan Hội, Ngô Thực gia đình ở tận Yên Phong, Hà Bắc, tôi và Tùng Bách độc thân, còn Xuân Hoài, Chính Tâm, Quốc Anh, Hữu Lợi thì vợ con, nồi niêu, song chảo, hòm xiểng và sách vở …rồng rắn vượt 50 cây số ra Vinh. Hội Văn nghệ Nghệ An vừa từ nơi sơ tán ở huyện Yên Thành về  mấy tháng trước đã kịp dựng lên 6 dãy nhà rường cột gỗ, mái lợp tranh mía ngụ trên một vùng đất rộng chừng 4000 mét vuông trong Thành Vinh, men dọc hồ thành, cạnh cửa Hữu. Không khỏi chút ngỡ ngàng vì là lần đầu tiên ra Vinh, là lần đầu nhìn thấy những nhà văn, nhà thơ tôi chỉ mới nghe tên: Trần Hữu Thung, Minh Huệ, Bá Dũng, Hồng Nhu, Thạch Quỳ, Quang Huy, Đặng Văn Ký…Rồi thì cũng tay bắt mặt mừng, thăm hỏi hoàn cảnh  gia đình, tình hình viết lách. (Ai đó từng nói đâu đó rằng, mấy ông nhà văn thật dễ đến với nhau và ngoảnh lưng lại nhau thì nhanh nhất thiên hạ  …Cái lời nói ráo hoảnh ấy như một đúc kết từ thực tế, tôi sẽ kể khi có dịp).

      Ban Thường vụ Hội hình thành từ hai Ban Thường vụ Hội Nghệ An và Hội Hà Tĩnh. Trần Hữu Thung, Chủ tịch, Phó Chủ tịch gồm Minh Huệ, Hoàng Thọ, Thái Kim Đỉnh, Xuân Hoài. Xuân Hoài kiêm thêm chức Tổng thư ký.  

Bìa Tạp chí Văn nghệ Nghệ Tĩnh - Hội VHNT Nghệ Tĩnh

      Ngày 2 và ngày 3 tháng 3 năm 1976, Ban chấp hành Hội văn nghệ  Nghệ Tĩnh họp phiên đầu tiên. Tại cuộc họp này, Ban chấp hành quyết định cho xuất bản tập Văn nghệ Nghệ Tĩnh thay cho Văn nghệ Nghệ An và Tạp chí Sông La Hà Tĩnh và giao cho Trần Hữu Thung chịu trách nhiệm xuất bản, Xuân Hoài chịu trách nhiệm  biên tập, Hoạ sỹ Đào Phương trình bày mỹ thuật. Văn nghệ Nghệ Tĩnh số 1 dày 90 trang, cỡ 16 x 24 cm. Trang đầu tiên của Tạp chí đăng lời hiệu triệu: “Để các tập sáng tác Văn nghệ Nghệ Tĩnh nối tiếp xuất hiện và đi vào đời sống văn hoá tinh thần tỉnh nhà xứng đáng là tiếng nói đầy tâm huyết , luôn luôn trăn trở, suy nghĩ, sáng tạo của anh em sáng tác nghiên cứu văn học nghệ thuật trước những  những bước đi hào hùng của đất nước và quê hương Nghệ Tĩnh  trong giai đoạn cách mạng mới, chúng tôi mong đợi ở các bạn yêu thích văn học nghệ thuật một sự cổ vũ rộng lớn đối với Văn nghệ Nghệ Tĩnh…”.

      Từ ngày 15 đến ngày 20 - 4 -1976, Tỉnh uỷ  tổ chức Hội nghị Văn hoá- Văn nghệ toàn tỉnh tại Quỳnh Lưu. Từ  khi có văn nghệ cách mạng, Nghệ Tĩnh chưa có cuộc hội nghị văn hóa, văn nghệ nào kéo dài ngày như vậy.

       Sau cuộc họp, Hội phân công người về nông thôn, đến các công trường,  nhà máy, xí nghiệp thực tế sáng tác. Hàng loạt tác phẩm xuất hiện. Ghi về xây dựng Thành phố Vinh của Trần Hữu Thung với giọng văn đầy hào khí: Lên tầng cao mà ngắm ra bốn phương trời đất nước, quê hương giữa buổi sáng Hội mừng  Đại thắng ai mà chẳng thấy lâng lâng kiêu hãnh.”. Minh Huệ thì viết: Kênh máng hát ca thênh thênh cầu gỗ/ Ngói đỏ điệp trùng ngói đỏ/ Người bên người ngực nở niềm tin / Đi đi lên một đội hình / Một hướng nhìn chói lọi. (Hỡi Tầm vóc ta);.Và Xuân Hoài thì: Niềm vui lớn mở ra không giới hạn/ Chỗ chia tay Quá khứ với Tương lai. Rồi Sắc đỏ công trường của Lê Quý Kỳ, Xí nghiệp lúa của Ngô Thực, Ngày mai đã đến của Bá Dũng.  Những khúc hát cơ giới hoá của Lê Duy Phương, Bài ca Vách Bắc của Minh Nho…Tôi nhớ, Lê Bá Hán, Trưởng Ban LLPB nhắc tên hàng loạt tác phẩm vừa ra đời trong một cuộc họp cơ quan rồi mỉm cười mà không một lời bình luận. Ông Trương Kiện, Phó Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Uỷ hành chính tỉnh thì nói: “Chúng ta đang bước vào thời kỳ  mới của cách mạng đòi hỏi mỗi người phải có cách nhìn, cách nghĩ mới để nắm bắt và thể hiện cho được cái mới.” .Cái mới hình hài nó ra làm sao?  Cách nhìn, cách nghĩ về nó thế nào? Rồi còn chuyện thể hiện những thứ đó nữa… Nhiều câu hỏi nóng cháy cứ xuất hiện. Tâm trạng bất an, bối rối. Bốn phía chung quanh ồn ào, hừng hực chẳng thấy được gì lắng đọng vào lòng để viết nên con chữ cả. Mà không chỉ riêng tôi như vậy. Sau những chén rượu, chén trà đôi ba tiếng thở dài chìm vào không gian trầm lặng. Không phải không có ai nhận ra dòng văn học hào khí, dề dãi, nhạt nhẽo đang cuộn chảy ngay trong lòng cuộc sống nhọc nhằn, ngổn ngang. Chỉ một điều, dường như người ta không thật lòng với nhau, với cả chính mình.  Không ai biết suy nghĩ của ai. Cũng có thể cả những suy nghĩ ấy cũng đang cảm giác, đang lờ mờ. Tôi đã đọc Văn nghệ Nghệ Tĩnh số 1, số 2, số 3 không bỏ sót trang nào, và nhận ra văn chương của năm tháng ấy vắng sự trăn trở, dù âm thầm, trước nỗi gian nan, trước những thân phận không còn lành lặn từ chiến trường trở về. Kéo dài gần chục năm như thế. Một số người cố vượt thoát lối mòn cũ và  rẻ  vào lối mới đang hình thành vội vã thì lập tức ngã ngựa. Thạch Quỳ với Nói với con, Qua đền Cuông ghi chuyện cũ, Đặng văn Ký với Người tử tù. Và tôi cũng không yên với Hàm Lượng phù sa, Giám đốc vùng rừng

       Cùng với công cuộc đổi mới kinh tế , một cuộc đổi thay trong văn học của đất nước bắt đầu… Bấy giờ là những năm 80 của thế kỷ trước.

                                                                                          Đức Ban

. . . . .
Loading the player...