26-09-2017 - 16:25

Những cơn bão đi qua cuộc đời Cha

Trên dải đất nắng lắm, mưa nhiều Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, cứ đến tháng 7, 8,9... bão kéo về liên tục ( Kì Anh - Hà Tĩnh là nơi hứng chịu nặng nề nhất). Chưa hoàn hồn và dọn dẹp những hậu quả của cơn bão này gây ra thì đã phải chuẩn bị chống chọi với cơn bão khác.

     Vào mùa mưa bão, Cha tôi thường dùng những cây tre to, chắc khỏe, kẹp lên hai đầu của mái nhà để gió giật khỏi tốc ngói, chặt những cành cây gần ngôi nhà để phòng khi cây đổ khỏi đập xuống nhà. Cha làm nạng chống đỡ cho những cây ăn quả, chất củi vào nhà bếp, dự trữ thức ăn cho gia súc…Những cơn gió giật liên tục trên cấp 12, những cành cây và rặng tre oằn mình với gió cứ ngả nghiêng, kêu ken két. Đàn gà thi nhau trú vào trong bếp, con chó thương chủ cứ tròn xoe đôi mắt ngấn lệ. Mẹ nấu vội nồi cơm dở sống dở chín dở (vì gió bão nên lửa bị tắt) cho các con lót dạ. Ngoài trời, thỉnh thoảng nghe tiếng "bộp", hình như là lại có quả mít hoặc bưởi lìa cành. Gió mỗi lúc càng mạnh, cây thì đổ, cây bật gốc, mít, khế, bưởi… thi nhau rụng tơi bời.

     Nhìn ra phía trước cánh đồng, lúa đang thời kỳ chín cứ ngả nghiêng, đổ dạt về một bên. Lại một năm nữa mất mùa nặng! Cha mẹ bảo nhau thế. Gió càng mạnh, trời càng sáng…Cha tôi theo dõi tin tức cập nhật từ Bản tin của Đài tiếng nói VN (hồi đó nhà tôi không có TV), cứ 5 phút thông báo một lần “ tin bão khẩn cấp- cơn bão số…” Đến bây giờ tôi vẫn thuộc làu làu và nhớ giọng nói của phát thanh viên nhà đài. Những ngày bị bão, Cha tôi không ngồi yên trong nhà. Ông cầm cái dao cứ đi lại ngoài vườn, chặt cành, buộc cây, che chắn.

     Hình ảnh Cha tôi với khuôn mặt lo lắng, mái tóc điểm bạc ướt nhòe, nước mưa và lá tre dính lên mặt, lên đầu, quên đi sự nguy hiểm đến tính mạng của mình mà chỉ lo cho đàn con và giữ " yên bình" của ngôi nhà. Nhưng gió vẫn cứ giật mạnh, mái ngói lại bị bật tung thêm mấy viên, Cha tôi cùng các anh nhanh chóng leo lên mái nhà lắp lại ngói và đặt lên đó cái bao xác rắn đựng đầy cát. Cha tôi cuống quýt, lo lắng ới gọi “ các con chui xuống gầm bàn, gầm giường đi không thì ngói rơi vào người đấy..." còn Cha thì phăm phăm ra ngoài ngửa mặt lên trời xem hướng đi của bão. Nếu trời tối, mưa nặng hạt hơn, bão sẽ yếu dần. Lúc đó, Cha mới bớt lo.

     Sau bão là khoảng thời gian đáng sợ nhất, nhà cửa, vườn tược như một bãi chiến trường…Tường nhà thấm nước mưa ẩm ướt, lỉnh kỉnh bao nhiêu thứ đồ chồng chất. Ngoài vườn cây thì đổ, cây thì bật gốc, cây thì gãy, quả rụng hết. Cha cùng các con lại ra sức dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, cùng trồng, chống đỡ lại cây, làm lại luống rau chỉ còn sót lại toàn sỏi nhỏ. Tôi nhớ nhất là cây khế phía sau ngôi nhà, bão về quật rụng sạch quả. Khi hàng xóm đã í ới rủ nhau đến nhà tôi nhặt khế, chúng tôi cũng tranh thủ nhặt vài rổ to, rửa rạch, để ráo và muối…để đến mùa đông làm thức ăn cho cả nhà…Khế kho với mắm tôm, cho vài tép tỏi, vài thìa mỡ.. thơm lừng và rất ngon. Bưởi, cam còn non, khô không khốc, vậy mà chúng tôi vẫn ăn…đó là “bữa tiệc” sau bão của những đứa trẻ nghèo.

            Giờ đây, khi đã xa những mùa bão, xa đi cái thời trẻ con muốn được ăn quả rau bão…Mỗi lần nghe tin bão đổ bộ về miền Trung, tôi thầm cầu mong bão tan đi, hoặc chuyển hướng đi đâu đó để cho người dân miền Trung đỡ cơ cực hơn. Bao nhiêu năm, tôi đã chứng kiến những cơn bão giật ào ào ngôi nhà và vườn cây nhà tôi và quê hương tôi. Xót xa lắm chứ, khi mà Cha Mẹ đã ngày đêm khó nhọc mới xây được nổi ngôi nhà ngói, vừa mới bao công chăm sóc cái cây, luống rau…Ấy vậy mà chỉ trong chốc lát, cơn bão đã làm cho tiêu điều xơ xác. Cha ơi, hãy yên nghỉ bình yên Cha nhé. Nhà ta đã kiên cố và vật chất đã đủ đầy, không còn những rặng tre kêu ken két trong bão hay những luống rau non tơ bị vùi dập trong cơn mưa xối xả. Các con của Cha đã trưởng thành và đến với những vùng đất mới nhưng sẽ không bao giờ quên đi những tháng ngày Cha Mẹ vất vả vì chúng con, với  những cơn bão để lạị những nỗi buồn, ám ảnh, lo sợ, ..Nhưng chính những điều đó đã thuộc về chúng con như những gam màu tô điểm thêm, làm đẹp thêm giá trị của cuộc sống, bồi đắp cho chúng con tâm hồn yêu thương quê hương, luôn biết chia sẻ và đùm bọc lẫn nhau...

     Giờ đây, con của Cha đã trở thành anh Bộ đội cụ Hồ. Trong mùa mưa bão, chúng con sẵn sàng đến với nhân dân giúp họ di dân về nơi vùng an toàn, khi bão qua chúng con lại lên đường giúp dân khắc phục hậu quả.  Miền Trung thương yêu đang phải oằn lưng chống bão. Ở nơi xa xôi ấy, Cha đừng lo lắng nhiều khi cơn bão đã đổ bộ vào mảnh đất ruột thịt của mình. Con và đồng đội đang có mặt bên cạnh những người dân, sẵn sàng đón bão...

                                                                                   Nguyễn Duy Linh

 (Bộ CHQS tỉnh Hà Tĩnh)

 

 

. . . . .
Loading the player...