18-07-2017 - 09:43

NÓI THÊM VỀ NGUYỄN HUY TỰ VÀ TRUYỆN HOA TIÊN

Xin trân trọng giới thiệu bài viết "Nói thêm về Nguyễn Huy Tự và truyện Hoa tiên" của tác giả Nguyễn Tùng Lĩnh (hiện công tác tại Phòng quản lý di sản - Sở VHTTDL Hà Tĩnh).

Nguyễn Huy Tự, tự Hữu Chi, hiệu Uẩn Trai, sinh ngày Ất Mùi, tháng 7 năm Cảnh Hưng thứ 4 (1743), mất năm 1790, quê ở Tràng Lưu, tổng Lai Thạch, huyện La Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, nay là xã Trường Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh, ông là con trai trưởng Đình nguyên Thám hoa Nguyễn Huy Oánh.
Năm 17 tuổi, ông đi thi đỗ hương cống, lúc này cụ thân sinh là Thám hoa Nguyễn Huy Oánh đang giữ chức “Nhập nội thị giang” triều Cảnh Hưng, sau đó Nguyễn Huy Tự được bổ nhiệm nội thị… cùng cha giúp việc nước. Năm 25 tuổi (1768), ông được bổ nhiệm giữ chức Tri phủ Quốc Oai (Hà Đông), năm 1774 cải sang làm võ chức, trấn thủ ở Hưng Hóa. Năm 1779 được ban chức “Tiến triều ứng vụ” giữ chức Hiệp Lý Hương hướng các trấn Sơn – Hưng Tuyên rồi sang chức Đốc đồng trấn thủ ở Hưng Hóa.

Đền thờ Nguyễn Huy Tự tại Trường Lộc - Can Lộc
     Năm 1783, mẹ mất, ông về quê Tràng Lưu chịu tang mẹ. Lúc này, cha ông là Nguyễn Huy Oánh đã nghỉ hưu, nhận thấy triều đình Lê Trịnh thối nát nên ông đã cáo quan, ở lại quê nhà cùng cha nghiên cứu văn học, mở thư viện chăm lo dạy học, đào tạo nhân tài xây dựng quê hương. Năm 1786, Quang Trung tiến quân ra Bắc lần thứ nhất, dừng chân ở Nghệ An, cho tiến sĩ Trần Kỷ đến yết kiến cụ Nguyễn Nghiễm (Nghi Xuân), Nguyên Tể tướng triều Lê để hỏi ý kiến về chiêu hồi và tuyển lựa quân sự. Nguyễn Nghiễm đã trả lời rằng “Nếu cần đạo sỹ mưu lược thì gặp La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, nếu cần chính trị giỏi thì gặp Thám hoa Nguyễn Huy Oánh, nếu cần dùng tướng thì gặp Nguyễn Huy Tự”.
Sau khi La Sơn phu tử thuận ra giúp Tây Sơn, ông đã đến gặp Nguyễn Huy Tự để bàn việc nước, Nguyễn Huy Tự đã niềm nở đón tiếp và khẳng định rằng: “Vận mệnh nước nhà cần thì người có lương tri phải ra giúp nước” rồi ông thanh thản trút bỏ áo mũ cận thần nhà Lê, phù tá triều đại Tây Sơn và được tiến cử chức “Tiến triều đốc đồng Hữu Thị Lang” cùng Quang Trung tiến quân ra Bắc “Phù Lê diệt Trịnh”. Trong thời gian vua Quang Trung đưa quân ra đánh giặc Thanh, ông giữ chức Hữu tham tri bộ Binh, được giao làm việc tại kinh.
Cuối năm 1789, ông được vua sai mang truyền từ về quê, triệu mời Hoàng giáp Bùi Dương Lịch và Tiến sỹ Phan Bảo Định vào kinh giúp tân triều. Đầu năm sau, Nguyễn Huy Tự trở lại Phú Xuân, tuy nhiên đến tháng bảy năm đó thì mất.
Về ngày mất của Nguyễn Huy Tự, các tư liệu và bài viết của nhà nghiên cứu Thái Kim Đỉnh đều thống nhất rằng, Nguyễn Huy Tự mất ngày 5 tháng 9 năm 1790, thọ 47 tuổi. Còn GS Đào Duy Anh thì cho rằng “Năm Canh Tuất (1790), bị triều Tây Sơn đòi vào Phú Xuân, ngày 27 tháng 7 bị bệnh mất, bấy giờ 48 tuổi, được quy táng ở làng quê, tên thụy là Thông Mẫn”.
Tra cứu lại thời gian năm 1790, chúng tôi thấy rằng, ngày 27 tháng 7 năm 1790 như GS Đào Duy Anh nói là ngày âm lịch, còn ngày mồng 5 tháng 9 năm 1790 như thông tin của Thái Kim Đỉnh là ngày dương lịch. Như vậy, cả hai số liệu này đều trùng nhau, tức là một bên ghi ngày âm lịch, một bên ghi ngày dương lịch, chỉ khác là GS Đào Duy Anh cho rằng, Nguyễn Huy Tự thọ 48 tuổi, tức là tính theo cả tuổi âm lịch (tuổi mụ) như quan niệm dân gian Việt Nam, còn Thái Kim Đỉnh cho là 47 tuổi, tức là tính theo tuổi dương lịch mà thôi.
Về trứ tác của Nguyễn Huy Tự, theo Thái Kim Đỉnh thì Nguyễn Huy Tự có hai tác phẩm là Hoa TiênTây Hưng đạo sử tập. Trong khi đó,Lại Nguyên Ân và Bùi Văn Trọng Cường trong Từ điển văn học Việt Nam từ nguồn gốc đến hết thế kỷ XIX, Nxb Giáo dục, Hà Nội (1997) thì cho rằng, qua sách Lai Thạch tân khoa ký cho biết, Nguyễn Huy Tự sáng tác khá nhiều, trong đó hiện còn 3 bản khá hoàn chỉnh là truyện thơ Nôm Hoa Tiên, Tây Hưng đạo sử tậpQuảng Thuận đạo sử tập. Còn theo sách Lai Thạch xã khoa danh ký thì Hoa Tiên là của Nguyễn Huy Tự, Tây Hưng đạo sử tậpQuảng Thuận đạo sử tập là của Nguyễn Huy Quýnh, chú ruột Nguyễn Huy Tự.
Ở đây, theo chúng tôi thì thông tin từ sách Lai Thạch xã khoa danh ký là chính xác vì qua nghiên cứu tiểu sử Nguyễn Huy Quýnh (1734 – 1785), chúng tôi được biết, năm 1781, lúc đang làm quan Trực giảng ở Quốc Tử Giám, Nguyễn Huy Quýnh đã được cử đi khảo sát tình hình ở Sơn Tây, Hưng Hóa; về sau được thăng chức Đốc thị Thuận Quảng, Đề đốc học chính, kiêm Lý lương hướng ở Thuận Hóa, tước Hàn lâm Đãi chế. Trong thời gian đi khảo sát tình hình ở Sơn Tây, Hưng Hóa và làm việc ở xứ Thuận Quảng, Thuận Hóa, Nguyễn Huy Quýnh đã viết hai tác phẩm trên.
Ghi nhận những đóng góp của Nguyễn Huy Tự đối với lịch sử nước nhà, năm 1993, Lễ kỷ niệm 250 năm ngày sinh Nguyễn Huy Tự đã được tổ chức ở quy mô cấp quốc gia. Trước đó, năm 1991, đền thờ Nguyễn Huy Tự đã được xếp hạng di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia.
       Về Truyện Hoa Tiên, đây là một truyện thơ Nôm viết theo thể lục bát vào loại sớm nhất của nước ta, dựa theo ca bản Đệ bát tài tử Hoa Tiên ký của Trung Quốc. Nguyên tác chữ Hán của ca bản Hoa Tiên ký hiện chưa rõ tác giả, chỉ biết rằng nó có thể ra đời vào cuối triều Nguyên, đầu triều Minh (thế kỷ XV), lúc đầu chia thành 60 hồi với nhan đề là Tiếu tượng đệ bát tài tử tiên chú, người đương thời đánh giá rất cao tác phẩm này, xếp nó vào hàng thứ 8 trong loại “sách tài từ” của Trung Hoa, và vì vậy nên nó có tên là Đệ bát tài tử Hoa Tiên ký.
       Truyện Hoa Tiên kể về mối tình giữa Lương Phương Châu và Dương Dao Tiên. Lương sinh, con quan tể tướng người Tô Châu, thông minh, học giỏi. Chàng đến trọ học tại nhà người cậu ở Tràng Châu. Một đêm, dạo bước dưới ánh trăng, chàng tình cờ gặp mấy cô gái đánh cờ bên đình, trong đó có Dao Tiên, con quan đô đốc họ Dương đang trị nhậm ở Tràng Châu, bèn đem lòng thương nhớ. Chàng nhờ hai cô hầu gái của Dao Tiên là Vân Hướng và Bích Nguyệt giúp đỡ làm quen.
Trong một lần theo cậu đến nhà họ Dương chơi, thấy trên tường có bài thơ Dao Tiên viết, chàng bèn họa lại gửi gắm lòng mình. Dao Tiên xúc động khi đọc bài thơ của Lương sinh, hai cô hầu gái cũng ra sức vun vào. Nhân một đêm trăng đẹp, Lương sinh đã tỏ tình với Dao Tiên. Sau những e ngại ban đầu, hai người đã thề nguyền với nhau, có sự chứng giám của hai cô hầu gái. Lời thề được ghi trên giấy hoa tiên.Tuy nhiên, Lương công trên đường về trí sĩ, đã gặp Lưu công và hỏi con gái Lưu công là Lưu Ngọc Khanh cho Lương sinh.Lương sinh rất đau khổ nhưng không thể trái lời cha, phải phục tùng gia pháp. Khi nghe tin Lương Sinh đính hôn với người khác, Dao Tiên đã rất uất ức, oán trách chàng bội ước. Cũng trong thời gian này, Dương công phải lên kinh đô nhậm chức và đem theo cả gia đình, mẹ con Dao Tiên đến ở nhờ người cậu họ Tiền. Lương sinh trở lại Tràng Châu tìm Dao Tiên nhưng không gặp, chàng chán nản, bỏ bê học hành. Nhờ Diêu sinh khuyên nhủ, chàng đã thi đậu, được bổ làm quan ở kinh đô. Tình cờ, chàng lại ở cạnh nhà Dao Tiên. Hai người gặp nhau, kể hết ngọn nguồn. Lúc này, Dương công đang đi dẹp giặc ở chiến trường, bị giặc vây. Lương sinh bèn xin ra trận giải vây cho Dương công để tỏ tấm lòng với người yêu cũ, nhưng không may cũng bị giặc vây.
Nghe tin đồn Lương sinh tử trận, Lưu Ngọc Khanh thề thủ tiết nhưng bị mẹ ép tái giá. Nàng nhảy xuống sông tự vẫn nhưng được thuyền của quan Long Đề học trẩy kinh đi ngang qua cứu được. Diêu sinh lại xin ra trận, liên lạc được với Lương sinh và Dương công, phối hợp phá tan quân địch.
Trong tiệc mừng chiến thắng, vua biết được mối tình của Lương sinh và Dao Tiên, lại nghe tin Lưu Ngọc Khanh đã tự tử, bèn cho hai người kết duyên. Lúc này, thuyền của quan Long Đề học cũng tới kinh đô. Khi hay tin Lương sinh đã cưới Dao Tiên, Lưu Ngọc Khanh định cắt tóc đi tu. Tuy nhiên Long Đề học dâng sớ lên vua, vua lại cho nàng kết duyên cùng Lương sinh. Nghĩ đến công lao của hai nàng hầu là Vân Hướng và Bích Nguyệt, Lương sinh bèn cưới hai nàng làm vợ lẽ. Từ đó, cả gia đình sống trong cảnh đoàn viên, hạnh phúc.
       Theo Thái Kim Đỉnh thì người tiếp cận, quan tâm và đặt dấu ấn lên Truyện Hoa Tiên là Nguyễn Thiện, đây chính là người đầu tiên đã tiến hành nhuận chính Truyện Hoa Tiên của Nguyễn Huy Tự: “Hoa Tiên nhuận chính khắc in năm Ất Hợi đời Tự Đức (1875) bản Nôm vào loại cổ nhất hiện có là bản do Nguyễn Thiện nhuận sắc, dài 1766 câu”. Về việc này, Vũ Ngọc Khánh, Võ Hồng Huy, Thái Kim Đỉnh trong công trình Tiếng Kiều đồng vọng – Đất non Hồng đã viết: “Một người cháu là Nguyễn Thiện (gọi Nguyễn Du bằng chú, là em vợ đường thúc bá của Nguyễn Huy Tự) đã có sáng kiến là dựa theo nghệ thuật của Truyện Kiều để nhuận sắc lại truyện Hoa Tiên. Việc làm này đã đưa đến thành công, nên ngày nay chúng ta có hai bản: Hoa Tiên nguyên bản của Nguyễn Huy Tự, và Hoa Tiên nhuận sắc của Nguyễn Thiện, mỗi bản đều có giá trị riêng, được lịch sử văn học trân trọng”.
      Tiếp theo Nguyễn Thiện là Vũ Đài Vấn cũng tham gia nhuận sắc Truyện Hoa Tiên. Trong lời tựa Hoa Tiên ký viết năm 1829, Vũ Đài Vấn ghi rõ: “Ta được quyển Hoa Tiên là do ông Nguyễn người xã Lai Thạch, huyện La Sơn đầu tiên diễn ra quốc âm”. Sau hai lần nhuận sắc của Nguyễn Thiện và Vũ Đài Vấn, Truyện Hoa Tiên còn được Cao Bá Quát (1808 – 1855) sửa chữa thêm ít nhiều và đề tựa vào năm 1843. Cao Bá Quát cho rằng: “Đến như cái giỏi về truyện thì ta còn thấy được Hoa TiênTruyện Kiều... Kim Vân Kiều là lời nói hiểu đời; Hoa Tiên là lời nói răn đời vậy”.
       Về vấn đề bản gốc và bản nhuận sắc Hoa tiên, GS Đào Duy Anh trong bài Truyện Hoa Tiên, in trong Nghiên cứu văn hóa và ngữ văn (2005) có kể lại rằng: ngày 27 tháng chạp, tức ngày 4 er Février 1943, ông về làng Trường Lưu, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh để tìm một ít tài liệu về Nguyễn Huy Tự. Tại đây, GS Đào Duy Anh đã được tiếp cận bản gốc Hoa Tiên ký của Nguyễn Huy Tự: “… một quyển Hoa Tiên ký bằng chữ Nôm, ông Nguyễn Huy Cừ nói rằng do ông sao lại ở một bản gốc hiện nay đã hư nát và mất tích. Tôi ngờ rằng bản này là nguyên tác của Nguyễn Huy Tự, chưa trải qua Nguyễn Thiện nhuận sắc”
Năm 1993, nhân dịp kỷ niệm 250 năm ngày mất của Nguyễn Huy Tự, Sở VHTT Hà Tĩnh cho in lại Truyện Hoa Tiên theo bản Nôm của họ Nguyễn Trường Lưu, GS Đào Duy Anh phiên âm và chú thích; Thái Kim Đỉnh viết lời tựa. Bản này gồm 59 hồi, 1532 câu, trong đó có một số câu, từ chưa rõ phải để trống như ở câu 13, câu 1531... do không tìm được bản gốc.
         Như đã nói, sau khi Hoa Tiên ra đời, Nguyễn Thiện là người chỉ thuần túy nhuận sắc mà không dành một lời bình nào. Lần lượt sau đó, Vũ Đài Vấn, Cao Bá Quát, Tản Đà – Nguyễn Khắc Hiếu, Dương Quảng Hàm... trong quá trình nhuận sắc, nghiên cứu đã có những lời bình, lời giới thiệu xác đáng. Hầu hết các ý kiến đều cho rằng, Truyện Hoa Tiên là một thiên tình sử đẹp của đôi trai tài giá sắc Lương Phương Châu và Dương Dao Tiên.Cao Bá Quát đã viết trong lời tựa: “Câu chuyện bắt đầu từ khi gặp gỡ lứa đôi, tây riêng ân ái, mà đạt đến đạo cha con, nghĩa vua tôi, ý nhã thân thiết bạn bè, tình thân yêu mến anh em...”.
Có thể nói rằng, trong lịch sử văn học Việt Nam, trước đó chưa có mấy tác phẩm đề cập sâu đến đề tài tình yêu đôi lứa, đến khát vọng tự do yêu đương như ở Truyện Hoa Tiên. Bằng chất liệu lục bát được thể hiện qua hình thức một truyện thơ Nôm giai nhân – tài tử, Truyện Hoa Tiên được coi là câu chuyện tình yêu tự do đầu tiên được ghi lại trong kho tàng văn học thành văn của nước ta, mở đầu cho dòng truyện Nôm bác học của dân tộc.
        Trong Truyện Hoa Tiên, chúng ta thấy rằng, những câu thơ viết về tình yêu, ca ngợi tình yêu lứa đôi có lẽ là những câu thơ hay nhất trong tác phẩm này, đồng thời đây cũng là Hồi (phần) được tác giả dụng công miêu tả nhiều nhất. Khi chuyển Hoa Tiên ký sang Truyện Hoa Tiên, Nguyễn Huy Tự đã giữ nguyên tên Hồi 23 với tên gọi “Thệ biểu chân tình” (Thề tỏ thật lòng), tuy nhiên, nếu như trong ca bản của Trung Quốc, Hồi này được chia thành hai phần là phần Thượng và phần Hạ, thì Truyện Hoa Tiên lại được viết đến gần 100 câu thơ lục bát. Tình yêu của cặp đôi tài tử - giai nhân Dương sinh và Dao Tiên được diễn tả với đầy đủ cung bậc, cảm xúc từ nhớ nhung, tương tư, tỏ tình, thề nguyền... Điều này chứng tỏ, quan niệm về tình yêu, viết về tình yêu của Nguyễn Huy Tự đã có rất nhiều thay đổi, chuyển biến tích cực, phóng khoáng hơn các nhà nho trước đó rất nhiều. Ta bắt gặp rất nhiều câu thơ rất hay về tình yêu trong Hồi 23.
Trong duyên gặp gỡ với duyên,
Trong tình vẹn vẽ đôi bên mới tình.
Trong quyền song chẳng rời kinh.
Dám xin rộng chuẩn tấm thành tôi con.
Gặp nay người họp trăng tròn,
Niềm son giãi một chén son cùng thề.
Hay:                     Trăm năm chùng vụng tấm nguyền
Vừng soi đã hổ với trên đỉnh đầu.
Thề lòng đợi bến Hà châu
Đợi nhau nghĩa Bộc ca dâu ru mà!
Hoa Tiên giống như một người đẹp dịu dàng, kín đáo và khó nắm bắt, nhưng khi đã nắm bắt, cảm nhận được tâm hồn người đẹp thì chắc chắn mọi người sẽ say đắm, đam mê. Cao Bá Quát đã rất đề cao Hoa Tiêntruyện khi cho rằng: “Sống ở nước này, lời quốc ngữ có thể phế bỏ chăng? Không thể bỏ được. Đọc quốc ngữ, như Hoa Tiên, Kim Vân Kiều có thể bỏ chăng? Không thể bỏ vậy. Ôi! Tâm huyết của người xưa là để chắp cánh cho văn chương của ta, nên có thể nào coi nhẹ vậy chăng! Ôi, cổ nhân chẳng ai không khổ vì tình, cũng chẳng ai không phải khó khăn vì sự gặp gỡ, hợp lại rồi phô diễn ra, theo loại mà suy rộng ra, cái lý trong thiên hạ thiết tưởng cũng biết được quá nửa rồi. Tôi đối với ý chỉ của Hoa Tiên rất có cảm tình vậy”.
Còn trong bài diễn thuyết tại Huế vào ngày 8/2/1937, diễn giả Nguyễn Tiến Lãng, nguyên Chánh Văn phòng đặc trách báo chí và văn thư tại Ngự tiền Văn phòng của vua Bảo Đại đã nói: “Chúng ta dựa vào văn hóa Tây phương để đổi mới và trong lĩnh vực văn chương đó là việc phối ngẫu đáng ao ước giữa ngọn bút lông và ngọn bút sắt”, đồng thời cụ Nguyễn Tiến Lãng cũng nhắc lại lời của Đinh Xuân Hội trong bài tựa Hoa Tiên xuất bản năm 1930 rằng: “Cuốn Hoa Tiên dẫn giải này phải xuất bản, chẳng những vì sùng bái văn chương của hai ông Tự ông Thiện, đã khéo thâu thái Hán học, mà lại khuyến khích cho văn chương của hàng nghìn ông Tự ông Thiện lại khéo dung hòa tân học sau này”. Và cụ Nguyễn Tiến Lãng kết luận: “Tôi không có cách nào khác là bày tỏ thiện chí và cảm tình của mình đối với những nét đẹp chân chính ngày xưa còn để lại; phải biết giới thiệu đúng những nét đẹp ấy, đề cao giá trị lên”.v.v.
Từ một vài điều “nói thêm” như vậy để thấy rằng, đã ngót 250 năm kể từ ngày Hoa Tiên ra đời, nay đọc lại tác phẩm này, chúng ta vẫn thấy nó hấp dẫn và cuốn hút, rất nhiều cái hay, cái mới cần được người sau tiếp tục tìm hiểu và khám phá. Vì vậy, thiết nghĩ cũng cần phải tiếp tục có những công trình nghiên cứu sâu hơn về cuộc đời, sự nghiệp, trứ tác của Nguyễn Huy Tự, cũng như với tác phẩm Truyện Hoa Tiên, qua đó đánh giá đúng công lao, đóng góp của Nguyễn Huy Tự đối với lịch sử và văn học nước nhà, xác định một vị trí xứng đáng cho Truyện Hoa Tiên trong dòng chảy văn học Việt Nam, đặc biệt là trong thể loại truyện Nôm, khai thác, phát huy tốt các giá trị của tác giả, tác phẩm này trong thời đại ngày nay.
                                          TL
     

      TÀI LIỆU THAM KHẢO
      - Lại Nguyên Ân (chủ biên), Bùi Văn Trọng Cường (1997), Từ điển văn học Việt Nam từ nguồn gốc đến hết thế kỷ XIX, Nxb Giáo dục, Hà Nộị.
        - Thái Kim Đỉnh (2004), Các nhà khoa bảng Hà Tĩnh, Sở VHTT Hà Tĩnh xuất bản, Hà Tĩnh.
        - Dương Quảng Hàm (1941), Việt Nam văn học sử yếu, Nxb Hà Nội, Hà Nội.
        - Vũ Ngọc Khánh, Võ Hồng Huy, Thái Kim Đỉnh (2010), Tiếng Kiều đồng vọng Đất non Hồng, Nxb VHTT Hà Tĩnh, Hà Tĩnh.
        - Trần Thị Băng Thanh, Lại Văn Hùng (chủ biên) (2005), Tìm hiểu quan niệm và sự hình thành dòng văn trong văn học Việt Nam, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
        - Nguyễn Huy Tự (1993), Truyện Hoa Tiên, Sở VHTT Hà Tĩnh xuất bản.
        - Sách Nguyễn thị gia tàngLai Thạch xã khoa danh kýdo dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu, Can Lộc, Hà Tĩnh cung cấp.
        - Sách “Thạc đình di cảo” (bản Hán nôm) do dòng họ Nguyễn Huy Trường Lưu, Can Lộc, Hà Tĩnh cung cấp.
. . . . .
Loading the player...