20-03-2018 - 15:02

Phan Trọng Tảo với mùa thu và ráng đỏ cuối trời

Thơ Phan Trọng Tảo có hai tác phẩm mang tựa đề cùng duyên nợ với mùa thu (Khúc thu của lá và Giờ này đang thu). Nhiều khi tôi chợt nghĩ chắc anh đang liên tưởng đến “thu của trời” và “thu của đời”. Nếu như cuộc đời là bốn mùa xuân hạ thu đông thì Phan Trọng Tảo đang độ giữa thu “lấm tấm vàng hoa cúc”. anh đang “vịn vào thu”, quyết tìm lại “chút ráng đỏ để quên nơi cuối trời”.

 

 

  PHAN TRỌNG TẢO 
 VỚI MÙA THU VÀ RÁNG ĐỎ CUỐI TRỜI

     Ở độ tuổi mà nhiều cây bút tài hoa chững lại thì anh không những viết đều, viết hay mà còn luôn đổi mới phong cách thơ để thơ anh không nhàm chán tẻ nhạt, cuốn hút người đọc. Anh ngồi trước tôi tóc đen nhánh, mặt đầy đặn riêng đôi mắt biểu lộ sự căng thẳng và mỏi mệt. Anh vừa trải qua cơn bạo bệnh và đang xạ trị những mũi cuối. Tôi ngồi lặng lẽ bên anh, một niềm yêu tin trìu mến dâng trào trong tim. Anh là Phan Trọng Tảo một hội viên chuyên ngành Thơ thuộc Hội Văn học Nghệ thuật Hà Tỉnh, một giáo viên nghỉ hưu, một cựu quân nhân và giờ đây anh và Thơ anh đang chiến đấu và quyết dành chiến thắng trước căn bệnh ung thư quái ác này.
     Tôi gặp và chơi thân với anh qua thơ, qua những lần dự trại viết văn với nhau. Anh hơn tôi đến bảy tuổi, nhưng những ngăn cách về tuổi tác không hề ảnh hưởng gì tới tình cảm mà chúng tôi dành cho nhau. Anh sống chỉn chu, cẩn trọng trong từng lời nói, không biết có phải vì anh một thời làm thầy giáo, hay bộ quần áo vét màu đen anh thường mặc trên người làm anh quá nghiêm túc hay từ khi hình bóng người vợ thân yêu mãi mãi rời xa anh ( vợ anh mất năm 2003) anh trở nên trầm tĩnh, kiệm lời và gói kín những cảm xúc của lòng mình không phát lộ ra ngoài. Họa hoằn chỉ khi bàn luận về văn chương, về thơ, anh mới nói hết ra những ý nghĩ những ước muốn cháy bỏng trong lòng mình. Còn điều gì đã đưa anh đến với thơ thì tôi đang mù tịt. Chỉ biết anh yêu thơ và đam mê thơ từ hồi còn ở tuổi học trò. Sau này tôi mới biết khi còn là học sinh trường phổ thông trung học Phan Đình Phùng anh đã đoạt giải ba kì thi học sinh giỏi toàn tỉnh Hà Tỉnh về môn Văn.
      Phan Trọng  Tảo quê ở xã Thạch Văn Thạch Hà Hà Tỉnh nơi có những trảng cát chạy dài ven biển nằm cạnh mỏ sắt Thạch Khê về mùa giông bão chỉ nghe rền trời tiếng sâm sét. Bây giờ anh sống ở thành phố Hà Tỉnh với cậu con trai nhưng cái vùng quê nửa đồng nửa biển đó luôn nằm trong tiềm thức của anh, cả phiên chợ Đạo vùng quê đó cũng hóa thành nỗi nhớ để nó tự tìm đường đến với thơ: “Bữa ni phiên đại người đông/ Rạ rơm đem bán chợ trông xù xì/ Chào nhau chú, bác, cô, dì/ Gọi nhau giữa chợ khác chi nhà mình/ Chợ quê nhóm lửa – chợ tình/ Tôi về chợ dẫm bóng mình ngày xưa.”(Đường về chợ quê). Anh gửi hồn về với làng xưa xóm cũ: “Đặt chân bên vệ đê làng/ Vẵng nghe kẻo kẹt võng sàng đu đưa/ Gà chuyền ánh ỏi ban trưa/ Nhịp chày giã gạo nhặt thưa thậm thình/ Lục tìm vốn cũ làng mình/ Cây đa, bến nước, sân đình giờ đâu?”(Làng xưa) “Sau lũy tre bếp hồng reo lửa củi/  Ngọn khói sim mua leo mái tranh quê.” (Làng ) Vùng quê ấy đã lưu dấu người mẹ cơ cực một đời vắt kiệt sức lực của mình trên đồng để nuôi con ăn học: “Mẹ tôi đốt cháy mình trên những cánh đồng/ Cánh đồng đốt cháy mẹ tôi vo tròn hạt thóc.”(Mẹ tôi)    Anh xót xa khi đi tìm bóng giáng mẹ mình:“Con lóng ngóng về tìm bóng mẹ/ Trên vách đất trống huơ như ngoài kia vệ cỏ/ Chẵng thấy tăm hơi bóng giáng một người/ Bếp cũng trống trơ vỏ trấu gà bươi/ Nhà lạnh cóng tay mặc ngoài kia lửa hè đang đỏ”( Nơi bồ chao đang hót) Vật đổi sao dời, vùng quê xưa giờ đây đổi khác anh đau lòng thảng thốt: “Mẹ bây giờ ở đâu/ Miếng trầu son môi con không kịp gửi.”(Giờ này đang thu) Anh như vỡ òa ra trong tiếng khóc nghẹn ngào khi lâm vào hoàn cảnh éo le mà mình không thể làm gì giúp đỡ được:  “Mấy hôm rồi mẹ không một hột cơm/ Cha bệnh nặng căn nhà co rúm lại/ Con đi phía ngược chiều bấc thổi/ Ai kéo chăn đắp ngực cha ơi.”(Giá như)  Hay “Quét dọn nắng chiều mang về nơi quan ải/ Đắp tấm chăn mây/ Gối đầu lên gió núi/ Mẹ nằm ngữa để nắn cho sống lưng thẳng lại.” ( Mẹ )

      Thời chiến tranh chống Mỹ cứu nước Phan Trọng Tảo từ một giáo viên dạy môn Hóa của trường bổ túc Công Nông Hà Tỉnh anh nhập ngũ vào quân đoàn III Tây Nguyên đầu năm 1970 năm  chiến tranh ác liệt nhất. Sau những năm tháng trực tiếp chiến đấu ngoài mặt trận anh được điều động về giảng dạy ở trường thiếu sinh quân Tây Nguyên, dạy văn hóa ở trường Quân chính quân đoàn III, làm tờ tập san của binh đoàn Tây Nguyên. Tờ tập san có cả một trang thơ hừng hực lửa chiến đấu được trực tiếp viết từ chiến trường ác liệt nóng bỏng đạn bom . Những kiến thức về Văn chương của anh từ thuở còn là học sinh trung học phổ thông được dịp nở hoa kết trái,  Nó không những giúp anh hoản thành tốt nhiệm vụ một biên tập viên mà con giúp anh tìm lại cảm xúc thơ, Tạo điều kiện cho anh đến với thơ một cách hoàn mỹ giúp người đọc cảm nhận được cái vô thường của trạng thái tâm hồn của kiếp nhân sinh trong thơ anh. Hình thành nên một dòng thơ hồn hậu mà thâm trầm ám ảnh mãi với người đọc. Anh viết về những người đồng đội thân yêu của anh khi chẵng may lọt vào ổ phục kích của địch đã ra đi mãi mãi không về “ Và đêm ấy/ Bọn chúng đi lùng/ Anh/ Và tôi/ Và cây súng/ Rồi đêm ấy căng thẳng và im lặng/ Đêm sau trận giao tranh/ Xác giặc ngổn ngang/ Và anh đi mãi” (Hẹn ước ngày về) Nỗi đau đó cứ ám ảnh anh, buốt nhói tận tâm can anh, vì anh đã trót hẹn ước với người đồng đội sẽ gặp lại nhau sau ngày chiến tranh kết thúc thế mà giờ đây trước mũi súng quân thù đành lỗi hẹn. Anh viết về hình ảnh người lính, người nghệ sĩ tài hoa đại tá họa sĩ Lê Duy Ứng. Người thương binh mù cả hai mắt khi   chưa được cấy ghép giác mạc vẫn nặn tượng Bác Hồ, và năm mươi bức tượng bằng đất khác được mọi người khen ngợi. Anh đại diện cho tầng lớp văn nghệ sĩ tay súng tay cọ, tay súng tay bút cùng với đồng đội đi suốt chiều dài cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Người nghệ sĩ“Nhét hứng khởi vào túi cóc đi miết/ Mưa tao loạn ướt đầm vồng ngực căng đêm/ Binh trạm gió ngày hành quân thổi dốc/ Họa sĩ trai chay măng muối với rừng/ Khẩu AK sắt thép trĩu sau lưng/ Cọ vẽ dắt hông đung đưa đường nắng thoảng.” ( Những ngón tay thần) Khi chiến tranh kết thúc anh mới có dịp trở lại thăm chiến trường xưa với những Đắc Tô, Tân Cảnh, đèo Am Bun và những địa danh của Tây Nguyên hùng vĩ bất khuất kiên cường. Những kỉ niệm xưa lại làm trái tim anh một lần nữa rỉ máu; “Cõng bạn về máu thấm mặn vai tôi/ (Giọt máu đỏ để dành người ở lại)/ Đêm Trường Sơn trời đêm khép lối/ Phút bàng hoàng tiễn bạn ra đi/…Hai mươi năm trở lại Con Tum/ Nơi bạn nằm rừng cà phê hoa trắng/ Đốt nén nhang nhắc thầm bên mộ bạn”(Viếng bạn). Những kỉ niệm và nỗi ám ảnh về chiến tranh luôn nóng hổi và ngập tràn xúc cảm trong thơ anh gieo vào lòng người đọc cái nồng ấm của nghĩa tình đồng đội, về sự mất mát hy sinh to lớn của người lính thời trận mạc.
       Cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước đại thắng, nước nhà thống nhất. Hai năm sau (1977) anh xin ra quân, thủ trưởng đơn vị khuyên anh ở lại xây dựng quân đội lâu dài với mức lương anh đang hưởng tại thời điểm đó sẽ đề nghị phiên quân hàm trung tá Quân đội nhân dân Việt Nam cho anh nhưng anh xin từ chối. Trở về với nghề “thầy giáo”quen thuộc của mình, lại trở về với những phương trình phản ứng hóa học, những kết tủa, những chỉ số hóa trị bên các em học sinh thân yêu trường phổ thông Trung học Kỳ Anh Hà Tỉnh. Ngày ra đi vợ anh còn mang thai đứa con trai đầu lòng, ngày anh khoác ba lô trở lại với quê hương, với gia đình cháu đã tròn 7 tuổi theo chân mẹ chạy lon ton đi đón bố. Hạnh phúc ngày đoàn tụ, vui với sự nghiệp trồng người anh lại làm thơ, lại viết báo. Cuộc đời cứ bình lặng chậm rãi trôi qua như vậy cho đến khi anh gia nhập vào làng thơ Hà Tỉnh (năm 1994).Nhưng rồi ngày vui không trọn vẹn bão tố cuộc đời dồn dập đổ ập xuống cuộc đời anh Niềm vui chưa kịp nở hoa thì nụ cười đã vụt tắt trên môi Cậu con trai út của anh sau ba năm điều trị hết viện này đến viện khác chống chọi với bạo bệnh đã ra đi mãi mãi. Nỗi đau chưa nguôi ngoai vợ anh lại lâm trọng bệnh. Sau một năm rưỡi hết đứng lại nằm bên hành lang bệnh viện chăm sóc vợ một lần nữa anh lại phải buông tay để vợ anh ra đi với căn bệnh vô phương cứu chữa. Nỗi đau quá lớn anh  hoàn toàn suy sụp. Nỗi đau của chiến tranh khi còn ở độ tuổi sung sức anh vượt qua một cách dễ dàng còn giờ đây đối diện với thực tế khi mất những người mình yêu thương nhất anh tựa hồ không đứng vững. Người yêu thương mất, sức khỏe yếu dần, tiền của khánh kiệt nhiều lúc anh muốn buông xuôi tất cả phó mặc cho trời đất. Anh tâm sự: “Ngày ấy tôi buồn và chán nản quá không còn tâm trí đâu mà nghĩ đến thơ nữa ông ạ! Tìm đâu ra cảm xúc thơ khi cả cỏi lòng ướt nhòe nước mắt. Nhưng rồi nhìn vào mấy đứa con mà không đành buông xuôi. Hồi đó chỉ có cậu con trai đầu ra trường đã có việc làm còn hai cô con gái đứa còn đang học đại học dở dang, đứa chưa có việc làm ổn định tôi đành nuốt nước mắt vào trong để gắng lo cho chúng nó.”
    Rồi những ngày đau buồn đó cũng dần trôi qua, cái bản năng của người lính chiến trường còn sót lại trong anh xốc anh đứng dậy. Cái gậy cầm tay thuở đó giúp anh vững vàng bước tiếp lúc này không có ai khác ngoài thơ. Tập thơ “Thời gian xanh” là tập thơ được hình thành và ra đời trong hoàn cảnh đó. Khi đã chạm đến tột cùng của nỗi đau anh hoài nghi không tin tưởng bất cứ điều gì kể cả thánh thần, thượng đế: “Đừng huyễn hoặc mình những ý nghỉ phù vân/ Đừng miên man những lời của gió/ Đừng mơ sơn hào hải vị/…Trái đất này không gieo trồng phù phiếm/ Trái đất này trần trụi những sinh linh.” ( Tự khuyên ) hay: “Rồi cơn gió lòng ai đem muối xát/ Đem nợ nần chôn cất để mai sau/ Trượt chân ngã giữa lưng chừng câu hát/ Còn mơ chi xuân thắm sắc hoa đào.” (Bơ vơ) Nhiều khi cô đơn giữa chốn đông người anh thương vợ, thương cho số phận mình chua xót kêu lên: “Gót chân thiếu phụ gập ghềnh/ Bước gấp qua lúm đồng tiền gió bay/ …Tàu vào ga cuối chiều nay/ Mang luôn theo cả cối chày trầu vôi/ Bà như đốm lửa giữa trời…” (Bà) 
     Anh lặng lẽ tích lũy kiến thức, lặng lẽ viết. Thơ anh như một mạch suối ngầm  không ồn ào mà vẫn đều đều chảy, càng ngày càng “lên tay.” Khi tập thơ “Khúc thu của lá” ra đời tự nó đã khẳng định một phong cách sáng tạo mới trong con mắt những người yêu thơ. Thơ anh thời gian này ẩn chứa trong đó“tự do phóng khoáng và đa tuyến đa cung bậc hơn. Ở đây nội hàm văn hóa chắt lọc và kết tinh từ việc đọc, việc học đã cho ông bắt nhịp được với đời sống thi ca cả nước.”(1) Nhưng rồi cuộc đời một lần nữa lại nghiệt ngã với anh, khi nỗi đau cũ chưa nguôi ngoai thì lần này chính anh lại hứng chịu cơn bạo bệnh. Năm 2014 gần như suốt cả năm dài nằm trên giường bệnh hết hóa trị lại xạ trị. Cái lưỡi hái của thần chết luôn rình rập bên anh chỉ chờ thời cơ để ra  tay. Anh biết rõ với căn bệnh thế kỷ này những người yếu bóng vía suy sụp tinh thần là những người phải ra đi đầu tiên còn anh anh quyết không đầu hàng, không khuất phục nó. Cái chất lính đậm nét trong con người anh cũng thầm nhù thế, anh gan lì không hề run sợ. Từ khi phát hiện căn bệnh đến nay đã tròn ba năm và trong ba năm đó anh đã hoàn thành tập thơ thứ ba của mình Tập thơ với tên gọi “Giờ này đang thu”.  Anh nằm trên giường bệnh viết thơ“về đời mà không có chút ca thán tuyệt vọng gì về số phận”  (2) Anh đã cố gắng “ý thức tìm kiếm một cách tư duy khác lạ hơn  đã đem lại cho câu thơ, bài thơ của anh mang một giáng vẻ mới, mở rộng khả năng biểu đạt, cho thấy khả năng tiếp cận đổi mới của thi ca. Mặc dù chưa có sự kết tinh cao, chưa tạo ra đột phá để có thể đạt được một dấu ấn…điều đó cho thấy sự trăn trở đầy đam mê của một người làm thơ ý thức rõ sứ mệnh của câu chữ.”(3)  Trong thời gian điều trị bệnh, thơ anh vẫn đăng đều trên báo Văn Nghệ tờ báo uy tín của Hội Nhà văn Việt Nam, trên tạp chí Hồng Lĩnh và đặc biệt tập thơ viết trên giường bệnh của anh “Giờ này đang thu” vinh dự được nhận giải thưởng của Liên hiệp các hội Văn Học Nghệ thuật Việt Nam để nó cùng sánh vai với “Khúc thu của lá”xuất bản trước đó đã đạt giải C giải thưởng văn học Nguyễn Du. Ba tập thơ với hai giải thưởng Văn Học danh giá là chuyện hiếm có trong làng thơ Hà Tỉnh hiện nay.
      Phan Trọng Tảo là người sống nội tâm, anh sống chân thành với mọi người và luôn cẩn trọng trong từng lời nói, là người quan tâm nhiều nhất đến bạn bè mỗi lúc bạn gặp khó khăn. Chia sẽ niềm vui với bạn thơ mỗi lần họ viết được thơ hay. Anh cũng lại là người nặng lòng với quê hương Thạch Văn nơi chôn rau cắt rốn thế mà giờ đây đành phải để lại tất cả, để lại ruộng vườn hương hỏa của tổ tiên theo con trai lên phố đề cứ đêm đêm lại gửi lòng về nơi làng quê xóm cũ, nơi “chim bồ chao đang khấn vía làng”(4)  Thơ Phan Trọng Tảo có hai tác phẩm mang tựa đề cùng duyên nợ với mùa thu (Khúc thu của lá và Giờ này đang thu). Nhiều khi tôi chợt nghĩ chắc anh đang liên tưởng đến “thu của trời” và “thu của đời”. Nếu như cuộc đời là bốn mùa xuân hạ thu đông thì Phan Trọng Tảo đang độ giữa thu “lấm tấm vàng hoa cúc”(5). anh đang “vịn vào thu” (6) quyết tìm lại “chút ráng đỏ để quên nơi cuối trời”(7).

1,2- Nguyễn Ngọc Phú trong Mùa thu hát khúc nhân tình của lá Tạp chí Hồng Lĩnh số 86-tháng 10-2013 và Thơ Hà Tĩnh năm năm nhìn lại Tạp chí Hồng Lĩnh số 107 tháng 7-2015
3-  Nguyễn Thị Nguyệt trong Giờ này đang thu Tạp chí Hồng Lĩnh số 119 tháng 7-2016
4-Nơi chim bồ chao đang hót
5- Giờ này đang thu
6- Khúc thu của lá
7-Ý của câu thơ trong bài thơ Thu đi


Nguyễn Văn Thanh
 

. . . . .
Loading the player...