24-02-2020 - 08:25

Rú Bể (Nam Giới) một danh sơn kỳ vĩ

Chạy theo hướng Đông - Đông Bắc, từ đất liền phóng xuống bể sâu, Nam Giới như một bức thành chắn ngang bãi biển, tạp thành một bán đảo hùng vĩ trấn trước Cửa Sót. Dân gian gọi nó là rú Bể. Văn nghệ Hà Tĩnh hân hạnh giới thiệu bài viết "Rú Bể (Nam Giới) một danh sơn kỳ vĩ" của Nhà nghiên cứu văn hóa Võ Hồng Huy được rút từ tuyển sách "Biển đảo yêu thương".

Rú Bầng, rú Bể, rú Bin

Ba rú nhập lại, rú mô gin (gần) em về

                                           (Ca dao Nghệ Tĩnh)

 

Hẳn do tình cờ, tên ba ngọn núi cùng mang chung một phụ âm, được kiến tạo tại ba góc trên một địa bàn tam giác, trong đó, rú Bể và rú Bầng chiếm vị trí hai góc trên cùng cạnh nằm dọc theo ven biển. Phần lớn nham thạch các khối núi ấy là đá mac ma xâm nhập, nên đá rất cứng. Đó là những “kho dự trữ” giàu có đá hoa cương của quê hương, đất nước ta.

Quỳnh Viên góc nhìn từ trên cao - Ảnh: Nguyễn Thanh Hải

Chạy theo hướng Đông - Đông Bắc, từ đất liền phóng xuống bể sâu, Nam Giới như một bức thành chắn ngang bãi biển, tạp thành một bán đảo hùng vĩ trấn trước Cửa Sót. Dân gian gọi nó là rú Bể. Dãy núi có năm ngọn dắt nối liền nhau: từ ngọn Cụp Cờ cao 373m(1) , đến ngọn Long Ngâm, ngọn Quỳnh Viên, ngọn Hoả Hiệu. Đến đây, núi hạ thấp, kết thúc ở ngọn Mũi Sót nhô ra như đầu con bò mộng khổng lồ, dương đôi sừng, húc đẩy sóng gió, chống chọi với biển khơi. Hẳn là vì thế nên nó còn có tên Mũi Lố. Trên đỉnh Mũi Lố được xây cất một tháp hải đăng, ngày, đêm cần mẫn cầm canh, báo giữ yên bình cho các tàu thuyền vào, ra, qua, lại.

Trải bao niên kỷ, núi bị mưa bão, sóng tố xói gẫm, bào mòn, nhiều đoạn, thân núi đã bị bóc trần, trơ ra lổn nhổn những đá, chồng chất, kê gác lên nhau, tạo nên vô số những hang động, hố lèn kỳ thú, huyền ảo: nào là hang Rùa, hang Mẹm (vẹm), hang Gát, hang Vôi; nào là đá Chồng, đá Giường, đá Thuyền, đá Trứng… trước Mũi Lố, mai phục dưới mặt nước biển, đã từng đánh chìm tại chỗ hai chiếc tàu nước ngoài lần mò phi pháp vào đây: một tàu vận tải Nhật vào năm 1942 và một tàu tuần thám Mỹ vào năm 1966, khi chúng gây chiến tranh ra miền Bắc(2). Mé Bắc bờ núi ngọn Long Ngâm, bên Vũng Ông, trước Cửa Sót có khối đá chìm. Khi triều xuống thì nó lộ mỏm, mấp moi trên mặt nước. Nhân dân sở tại gọi nó là Đá Hươu hoặc Đá Lộng Đỏ, các sách địa chí chép nó là “Độc tị” tức Mũi Nghé, từ  xa xưa, được truyền là “Đá Thiêng”, tàu thuyền hễ đi qua đây, không quên răn nhắc nhau phải cẩn thận tránh né.

Đi qua Hươu - Lố mà ghê

Đá ông, đá mụ gập ghề lắm thay!

                                                  (Ca dao đi biển)

Quãng tiếp giáp giữa ngọn Long Ngâm với ngọn Mũi Lố, núi được hạ thấp đến mức xấp xỉ gần bằng độ cao của mặt nước biển, tạo thành một dải eo được phủ đều một lớp cát vàng khá phẳng và dày. Ngày thường, đi từ bên này sang bên kia chân núi, người ta đi theo dải eo. Nhưng khi nước triều lên, đường eo bị ngập, muốn qua lại phải dùng đò nhỏ, cũng đi theo dải eo ấy.

Từ Vũng Ông nhìn sang Eo Lói,

Dải cát vàng chói chói, chang chang

                                                        (Ca dao đi biển)

Lớp cát được phủ trên mặt bằng dải eo luôn được sóng biển hoặc mưa núi xát xả, lóng lọc, màu cát óng ánh, tinh khiết cực kỳ. Đoạn cân đối giữa Eo Lói, có một vũng đá, rộng hơn cái sân nhà, tập trung ở đây toàn loại đá “trứng”. Gọi thế, bởi đá tuy to nhỏ, hình thù khác nhau, nhưng tất cả đều không có cạnh góc, ngoài da đá, trơn nhẵn như đã từng được mài giũa công phu, nhiều viên thon thon như trứng gà, trứng vịt trông khá đẹp mắt. Tương truyền đó là huyệt đất phát:

Eo Lói có huyệt trứng gà

Xê đi xích lại vẫn là đế vương(3)

                                     (Huyệt đất truyền ngôn)

Đây là một trong những dãy núi có nhiều khe, Mái núi phía Đông Bắc khá dốc nên tốc độ dòng chảy các khe về phía này khá lớn. Khi có trận mưa to, nước khe từ đỉnh trút xuống xối xả, ầm ào, tạo thành những bộc bố mượt mà như những tấm lụa từ trên cao rủ xuống. Khe tên gọi Khe Máng, bởi vì người sở tại đặt ống máng, dẫn nước khe, theo ống máng xuống tận bờ sông. Các thuyền đi khơi cần nước dự trữ dài ngày, chỉ cần đưa thuyền sát tận đầu miệng ống máng, nước theo ống máng trút vào chum, vại đã đặt sẵn dưới lòng thuyền. Về mùa nắng, nước khe ở núi này được chở về thị xã Hà Tĩnh qua các thuyền nhỏ đi theo sông đào đem bán nước ngọt cho thị xã khi ở đây chưa có nhà máy nước.

Khe Hao Hao là một trong những dòng khe có nguồn nước mạnh nhất. Khá nhiều đoạn nước khe chảy ngầm, đứng trên bờ khe nhìn xuống không thấy nước, chỉ nghe tiếng nước chảy rào rào. Do phải đi qua một quãng độ dài lóng lọc, nên nước khe vị ngọt và trong mát đặc biệt. Sách Nghệ An ký xác nhận nó là một trong ba dòng khe có nguồn nước tốt nhất trên vùng đất Nghệ Tĩnh. Một thời Hoàng giáp Bùi Dương Lịch về cư trú và dạy học ở làng Đồng Môn, quê ngoại ông, ông đã dẫn học trò từng lên khe này thực địa khảo sát. Ông đề xuất đổi tên khe từ Hao Hao thành Hiêu Hiêu với nghĩa là vui mừng, phấn chấn; ông đã viết một bài “Tự thuyết” ca ngợi dòng nước tốt của ngọn khe này.(4)

Nước núi Sót mát lòng ưu ái

Trận mưa thu dầm tưới quan san

                             (Tản Đà văn vận - Giấc mộng con)

Trong chuyến đi từ Hà Nội vào Huế, khi đến tỉnh lị Hà Tĩnh, đúng vào ngày 15/4/1927(5), tuy trời râm, lác đác có mưa, nhà thơ Tản Đà vẫn không ngại mưa gió, thuê một chiếc xe kéo, theo đường Hộ Độ xuống Sót, xem phong cảnh núi Nam Giới, chủ yếu là tìm hiểu nước khe Hao Hao và xem nền nhà của Tiên Dung - Chử Đồng Tử. Được bác chèo đò chỉ đường, theo bờ khe, đã trèo ngược núi lên được một đoạn. Rất tiếc, mưa ập xuống, thế không đi nổi, đành phải xuống núi. Ra về, Tản Đà không quên múc một bình tông nước ngọt khe Hao, lịch kịch mang theo vào Huế làm quà.

Năm Canh Dần, Hồng Đức năm đầu (1470), trong chuyến Nam chinh, thắng lợi trở về, Lê Thánh Tông cho dừng thuyền ở Cửa Sót. Dưới tầm nhìn của nhà vua, các địa chỉ về di tích, danh thắng ở đây đã được nhập vào bài thơ “Nam Giới hải môn” của ông:

… Vũng Rồng đèn rực cầu tàu

Cồn Hươu, quần cộc, người treo đẩy thuyền.

Miếu xưa Vũ Mục còn truyền

Danh sơn nay có Quỳnh Viên hẹn hò…(6)

                             (Nam Giới hải môn - Võ Hồng Huy dịch)

Vũng Rồng, tức Long Tê (dốn rồng), nay gọi Vũng Ông. Cồn Hươu tức Mũi Nghé (Độc Tị), nay gọi Đá Đỏ Lộng. Trước ngọn núi Long Ngâm, nơi có khu đền, nơi có Vũ Mục - Chiêu Trưng là ngọn núi Quỳnh Viên. Ở đây, có những khoảnh đồi thoai thoải, còn có một số dấu tích nền nhà, nền trại, tuy đã mờ nhạt vẫn có thể nhận dạng được.

Câu chuyện về Tiên Dung - Chử Đồng Tử thì sách Lĩnh Nam chích quái đã ghi chép khá kỹ từ thời Hồng Đức. Đó là một cuộc hôn nhân tiêu biểu nền văn hóa nhân văn - nhân cách cao đẹp bậc nhất tự cổ chí kim chưa từng có trong lịch sử hôn nhân trên đất nước ta. Nếu ở Đông Yên - Dã Trạch là vùng đất đầu tiên tác thành cho cặp vợ chồng duyên ưa phận đẹp thì ở Quỳnh Viên - Nam Giới có vinh hạnh được làm tiếp công đoạn thứ hai, tác thành cho cả hai người thực sự có tài năng, sự nghiệp bắt đầu từ vùng đất này.

Núi có tên Nam Giới vì có một thời, trong những thập niên cuối thế kỷ VIII, khi tình hình nước ta chưa thật, khi tình hình nước ta chưa thật ổn định, vương quốc Lâm Ấp (sau này đổi gọi Chiêm Thành) cho quân nống ra lấn chiếm một phần đất đai nước ta từ bờ Nam sông Sót trở vào. Hồi ấy, cửa Lạch Sót còn nằm phía Nam rú Bể, địa phận làng Đan Trản thuộc xã Thạch Hải nay và nằm ở phía Bắc núi Mộc, địa phận làng Kiều Mộc, nay thuộc xã Thạch Đỉnh, Thạch Bàn. Vì thế núi Bể có tên núi Nam Giới, núi Kiều Mộc có tên núi Mốc (cột mốc), địa giới đặt tạm một thời hồi đó, về sau gọi trở nên quen. Trên địa phận các huyện Cẩm Xuyên, Kỳ Anh lác đác có những đồi núi có tên gọi “núi Thành” hoặc “Lâm Ấp cổ thũy”, đó là chứng tích tàn dư từ thời đó để lại. Năm 982, sau khi dẹp yên quân Tống ở phía Bắc, Hoàng đế Lê Hoàn kéo thẳng đại quân vào đây, dẹp đuổi quân Lâm Ấp sang bên kia Đèo Ngang, thu hồi toàn bộ đất đai đã mấy chục năm bị tạm chiếm. Nước Lâm Ấp sau này đổi tên là Chăm Pa, Chiêm Thành.

Hỡi đồng bào các giới

Cách mạng nổi lên rồi

Nhìn rú Bể mà coi

Lá cờ bay đỏ chói

Cờ búa liềm đỏ chói…(7)

Mấy câu mở đầu trong bài “Vè rú Bể” được truyền ngôn khá phổ biến trong cao trào Xô viết Nghệ Tĩnh. Kỷ niệm ngày lao động quốc tế năm 1930, Chi bộ Đảng cộng sản Phú - Kim (Chi bộ ghép hai làng Phú Nghĩa - Kim Đôi, nay xã Thạch Bằng và Thạch Kim) đã bố trí cắm cờ trên đỉnh núi Nam Giới. Lần đầu tiên, cờ đỏ búa liềm được xuất hiện trên vùng đất tổng Canh - tổng Vịnh này. Nếu trước năm 1930 chưa có tên gọi ngọn núi Cụp Cờ, hẳn tên núi này bắt đầu có từ đó.

Trước Cách mạng Tháng Tám, người Pháp đã xây cất đơn sơ hai ngôi nhà mát bãi biển tại hai bên chân núi: một ở bãi bể Kim Đôi và một ở Đan Trản. Nhân dân sở tại quen gọi “nhà mát” của Tây. Trong chiến tranh, những cơ sở ấy đã bị phá bỏ. Những năm gần đây, bãi tắm Thạch Hải đã được khai trương.

Trong tiến trình lịch sử đất nước - quê hương, vùng cửa biển này luôn được lịch sử nhắc đến. Nó có ưu thế, được gắn kết hoàn hảo vị thế nổi bật về cả ba mặt: kinh tế miền biển phong phú, văn hóa du lịch đặc sắc, an ninh - quốc phòng vững mạnh, đã tạo nên một vùng thắng địa hiện tại, một thành phố biển tương lai không xa, không phải nơi nào cũng dễ có.

Sáng qua tỉnh mộng giang hồ

     Cưỡi bè những muốn lên xô cửa trời

                                                                            (Thơ Lê Thánh Tôn - Thái Kim Đỉnh dịch)

Đó là giấc mộng của ông vua minh quân, ngày đêm lo cho đất nước, được thịnh trị. Đó cũng là ý chí và hành động của chúng ta hôm nay.                                                                                       

V.H.H

 

_________________

(1) Bản đồ nha Địa chính Đà Lạt - Ký hiệu E 37, in 1937, in lại 1970.

(2)Tài liệu lưu trữ của UBND xã Thạch Kim.

(3) Tương truyền: Nguyễn Hữu Chỉnh khi làm Trấn thủ Nghệ An đã xây ngôi mộ tổ ở núi Côn Bằng. Ông cũng đã một vài lần thuyền ra Eo Lói quan sát huyện đất này.

(4) Nghệ An ký - Quyển I, Nxb Khoa học xã hội, H. 1993, trang 183.

(5) Tuyển tập Tản Đà - Giấc mộng lớn, Nxb Văn học, H. 19886, trang 301.

(6) Nghệ An ký, Sđd.

(7) Bài vè do cụ Phan Anh Tịch, cán bộ lão thành ở Thạch Kim cung cấp.    

. . . . .
Loading the player...